Đi tìm cơ duyên
Nói ngắn gọn thế này để khái quát sự nổi tiếng của Ryan Reynolds và Rob McElhenney. Ryan, 44 tuổi, là đạo diễn, diễn viên người Mỹ gốc Canada từng tham gia bom tấn điện ảnh Deadpool. Trong khi đó, Rob, 43 tuổi, người Mỹ là nam chính trong tác phẩm điện ảnh đình đám “Trời luôn nắng ở Philadelphia”. Họ là hai gương mặt thân quen trong nền điện ảnh Bắc Mỹ, có sự nghiệp rực rỡ với vô số thành tựu.
Cuối năm 2018, Ryan và Rob có hứng thú tìm hiểu ngành thương mại thể thao. Tại Mỹ, nhượng quyền thể thao là hình thức kinh doanh mang lại lợi nhuận to lớn nhưng Ryan không muốn dừng lại trong phạm vi xứ cờ hoa. Ông muốn tiến sang châu Âu, thị trường lớn nhất của môn thể thao vua.
Ryan là người kỹ tính nên không vội vàng lao ra đường như con thiêu thân. Ông tìm hiểu các công ty môi giới, trước khi đạt thỏa thuận với Inner Circle Sports LLC, quỹ đầu tư thể thao nhà nghề lớn nhất Bắc Mỹ. Sau một vài tham khảo, đơn vị này nhắc tới câu chuyện của AFC Wrexham. Đây chỉ là một đội bóng nhỏ bé, nhưng sứ mệnh nó mang trên vai lại vô cùng lớn lao. Câu chuyện của AFC Wrexham thực sự khiến Ryan và Rob hứng thú.
Wrexham là thành phố có vỏn vẹn 13,5 vạn dân, nằm ở Bắc xứ Wales và chỉ cách Liverpool về phía Nam 1 giờ lái xe, nhưng nơi đây lại có đội bóng đầu tiên được khai sinh trong khu vực xung quanh thành phố Cảng. Nói chính xác, AFC Wrexham là đội bóng lâu đời thứ 3 thế giới với năm thành lập xác định là 1864, chỉ ra đời muộn hơn Stoke (1863) và Nottingham (1862).
Racecourse, sân nhà của AFC Wrexham thậm chí còn có tuổi đời lớn hơn cả sự hiện hữu của tập thể này. SVĐ này khánh thành năm 1806, ban đầu được sử dụng cho các môn cricket và đua ngựa trước khi cải tạo thành sân bóng có 15.500 chỗ ngồi. Tới ngày nay, Racecourse cũng là sân bóng có bề dày lịch sử nhất nhì thế giới còn hoạt động, chính xác là sân bóng có tuổi đời lớn thứ 2 chỉ sau sân Sandygate.
“Không một đội bóng nào trên hành tinh có truyền thống lâu đời hơn Wrexham”, Spencer Harris - giám đốc phụ trách CLB từ năm 2011 nói với tờ The Guardian. Câu chuyện của AFC Wrexham làm lay động trái tim của 2 diễn viên, đạo diễn gạo cội và dường như, họ thực sự muốn làm 1 bộ phim điện ảnh để đời ở đội bóng này. 2,2 triệu bảng là con số Ryan và Rob bỏ ra, chính thức trở thành “ông chủ lớn”.
Wrexham còn có gì đặc biệt?
Trong quá khứ, AFC Wrexham từng là thế lực của bóng đá xứ Wales. Họ có 8 lần giành vé tham dự Cúp C1 và C3 châu Âu trước kia. Sau này khi chuyển sang thi đấu trong hệ thống nhà nghề nước Anh, AFC Wrexham từng đánh bại Arsenal ở FA Cup 1992.
Nhưng mô hình hoạt động già cỗi của AFC Wrexham như tuổi đời của mình khiến họ tụt lại so với tốc độ công nghiệp hóa của bóng đá Anh. Có gốc gác ở xứ Wales như Cardiff hay Swansea nhưng chưa bao giờ, AFC Wrexham có thể vươn lên Championship chứ đừng nói là Premier League. Khi chuyển qua hoạt động dưới sự điều hành của LĐBĐ Anh, AFC Wrexham hoàn toàn thờ ơ với các khái niệm kinh doanh trong bóng đá, vẫn duy trì theo hình thức “quyên góp” của hội CĐV và tiền ngân sách địa phương.
Năm 2011, AFC Wrexham tồn đọng khoản nợ 1,7 triệu bảng không thể thanh toán. WST, hội CĐV chính thức của đội, huy động mọi nguồn lực nhằm giữ lấy sự tồn tại của AFC Wrexham, tiếp quản và duy trì hoạt động của đội từ đó tới giờ. Trong 9 năm qua, AFC Wrexham chưa bao giờ trả lương cho một cầu thủ nào quá 3.000 bảng/tháng, nhưng với những người trong cuộc hiểu chuyện, đó là cả một nỗ lực lớn lao.
“Trong buổi làm việc cuối cùng, Rob xem rất nhiều băng hình của Wrexham, xem lại cả cuộc tổng duyệt binh cuối cùng trước trận đấu đua thăng hạng lên giải VĐQG xứ Wales năm 1978. Anh ấy mỉm cười, nói rằng giá trị lịch sử lớn lao của Wrexham chính là động lực để cặp đôi tài tử người Mỹ xuống tiền, đặt bút ký vào bản hợp đồng chuyển nhượng”, Harris kể lại.
“Tôi rất nóng lòng cho chuyến bay đầu tiên tới Anh, cho buổi tập đầu tiên của đội dưới triều đại mới. Tôi cũng hy vọng có thể uống bia với NHM, những người đã ở bên Wrexham. Từ nay, đội bóng này sẽ bước sang trang khác”, Ryan viết trên Twitter cá nhân.
Dấu chân huyền thoại
Là đội bóng nhỏ bé nhưng AFC Wrexham từng có vinh dự trở thành điểm đến trong sự nghiệp của các huyền thoại bóng đá Anh, cụ thể là Sir Stanley Matthews và Ian Rush (ảnh). Stanley Matthews từng chơi bóng cho AFC Wrexham khi đóng quân tại thành phố này để phục vụ cho Thế Chiến thứ hai. Trong khi đó, Ian Rush, chân sút vĩ đại của Liverpool, tay làm bàn số một châu Âu năm 1984 (32 bàn), đã quyết định hồi hương và chọn kết thúc sự nghiệp ở AFC Wrexham mùa 1998/99.
Có 191 người “cứng đầu”
Theo quy định của LĐBĐ Anh, các CLB ở hạng bán chuyên trở xuống hoạt động theo hình thức hội viên cần có quá bán lượng phiếu bầu ủng hộ việc chuyển giao công ty điều hành. Trong 2.000 hội viên thường trực của Wrexham, có 1.809 người ủng hộ để Ryan và Rob nắm quyền điều hành và 191 người phản đối, chủ yếu vì lo sợ giá trị truyền thống bị mai một.