Những nỗi ám ảnh của bóng đá Anh

Chiêu Văn
15:37 ngày 18-11-2013
Trang Goal.com vừa cho công bố danh sách 50 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới hiện nay. Đáng chú ý, trong danh sách này chỉ có đúng một cầu thủ mang quốc tịch Anh. Tại sao bóng đá Anh và Premier League lại sa sút nhanh vậy?
Những nỗi ám ảnh của bóng đá Anh
Ở lần thứ 6 Goal.com công bố bản danh sách thường niên, người ta thấy các cầu thủ Anh vắng bóng một cách đáng ngạc nhiên. Với duy nhất tiền vệ 35 tuổi của Chelsea là Frank Lampard xuất hiện trong danh sách này, nước Anh hóa ra cũng chẳng hơn gì so với những UAE hay Kenya.

Giải đấu được coi là “hấp dẫn nhất thế giới” cũng chỉ có một đại diện người Anh thực sự được thừa nhận trên toàn cầu mùa trước. Xét trên phương diện giải VĐQG, Premier League cũng có ít đại diện hơn các giải đấu khác ở châu lục. Trong khi Bundesliga dẫn đầu danh sách với 13 người, thì Premier League chỉ có 5 đại diện, trong đó Gareth Bale đã chuyển sang La Liga chơi bóng.

Ngay cả Wayne Rooney, cầu thủ được coi là tài năng nhất của bóng đá Anh hiện giờ, niềm hy vọng cho Tam sư World Cup 2014 tại Brazil, cũng không có tên trong danh sách của Goal. Các cầu thủ Anh không chỉ ngày càng vắng bóng trong danh sách những người giỏi nhất thế giới, mà ngay cả ở các CLB ở xứ sở sương mù.

Theo Opta, các cầu thủ có thể khoác áo Tam sư chỉ chiếm 36% những người đang chơi ở Premier League. Con số tương ứng ở La Liga là 61%, Ligue 1 là 60% và Bundesliga là 47%. Cựu thủ thành ĐT Anh David James (hiện đang chơi bóng và làm HLV ở IBV tại Iceland) rất thất vọng khi biết được những số liệu này. James cho rằng, các CLB Premier League chưa có hệ thống đào tạo trẻ bản địa tương xứng với những món hàng nhập khẩu tốt nhất từ khắp nơi trên thế giới.

Rooney không có tên trong danh sách của Goal

“Vì nước Anh có giải đấu quốc nội hay nhất thế giới, đáng ra chúng tôi cũng phải có những cầu thủ giỏi nhất. Thế mà ĐTQG đang chơi rất tệ”, James nói. “Chúng tôi cũng có những cầu thủ bản địa giỏi, nhưng họ ngày càng không cạnh tranh được với làn sóng các cầu thủ nước ngoài. Tôi thấy điều đó thật khó chịu”.

Sự thống trị của Đức và TBN, cả ở cấp độ CLB và ĐTQG, có nguồn gốc từ công tác đào tạo trẻ. Thành công của La Roja gắn chặt với thành công của học viện trẻ La Masia ở Barcelona. Trong khi đó, có tới 54 % trong số 22 cầu thủ đã đá chính ở trận chung kết Champions League toàn Đức mùa trước có thể  thi đấu cho ĐTQG. “Vấn đề xuất hiện từ chính bên trong với hệ thống bóng đá ở Anh. Sự nổi lên của TBN và Đức trước hết dựa trên thành công của lứa trẻ”, James nói tiếp. “Đức và TBN đều đã vô địch giải U21 châu Âu. Những thế hệ trẻ là nền tảng để họ hướng tới ngôi vị cao nhất ở các kỳ World Cup sau này”.

Cả hai nước đã phát triển hệ thống đào tạo trẻ kết nối với các CLB chuyên nghiệp và chú trọng vào kỹ thuật. Trong khi đó, bóng đá Anh vẫn quá thiên về thể lực và chỉ biết học theo các nền bóng đá khác. Họ cũng vừa thành lập trường đào tạo trẻ theo mô hình Clairefontaine của Pháp (học viện St. George’s Park). Nhưng mô hình của Pháp đã tỏ ra lạc hậu trong thời gian qua sau khi đạt tới thời hoàng kim, đào tạo ra thế hệ vô địch World Cup 1998.

David James tin rằng bóng đá Anh không thiếu những tài năng, nhưng lại thiếu phương pháp. “Điều khiến tôi lo lắng là chúng tôi không có đủ thông tin về hệ thống đào tạo trẻ”, HLV 43 tuổi này cho biết. “Vấn đề bắt đầu từ việc chuẩn bị ở các đội bóng và cả quan điểm về sự xuất sắc ở bóng đá Anh. Chúng tôi cứ tập trung đào tạo cầu thủ càng nhiều càng tốt, rồi sau đó trọn ra vài người. Đó là một sự lãng phí lớn”.

Cả James và cựu chủ tịch FA Greg Dyke đều coi làn sóng các tài năng từ nước ngoài tràn vào Premier League là trở ngại khiến các cầu thủ trẻ của Anh gặp khó khăn trong việc tìm kiếm vị trí chính thức. “Tại sao lại chấp nhận rủi ro với một cầu thủ trẻ khi mà bạn có thể mang ai đó về từ Croatia?” Dyke đặt câu hỏi. Với James, giải pháp cho bóng đá Anh là phải cho các cầu thủ của mình ra nước ngoài chơi bóng nhiều hơn. Điều này đã gần như không xảy ra trong 20 năm qua. Rất ít cầu thủ Anh là lính lê dương, và càng ít hơn những người chơi ở nước ngoài được gọi vào ĐTQG (đội hình dự Euro 2012 của họ gồm toàn bộ các cầu thủ chơi ở Premier League).

“Các cầu thủ Anh không có nhiều trải nghiệm”, James giải thích. “Với tôi, nếu tìm một giải pháp phát triển cầu thủ Anh, tôi sẽ khuyến khích họ ra nước ngoài thi đấu và tìm cơ hội đá chính. Có sự khác biệt cơ bản giữa việc đá chính và chơi ở đội dự bị hay U21”. Mùa trước, lần đầu tiên không CLB Anh nào có mặt ở bán kết Champions League. Lần đâu tiên sau 5 năm, với ngày càng ít các tài năng trẻ bản địa tạo ra được ảnh hưởng lớn ở giải đấu hàng đầu trong nước, và các cấp độ trẻ của tuyển Anh lép vế trước những đối thủ lớn ở tầm mức thế giới, bóng đá Anh có lẽ đang ở đáy của một chu kỳ và chưa có dấu hiệu gì cho thấy họ sẽ vượt lên được.

Đón đọc Đặc san EURO 2024 DUY NHẤT TẠI VIỆT NAM.
Với 116 trang, thiết kế sang trọng, in 4 màu CHẤT LƯỢNG CAO.

  • Tất cả thông tin bạn đọc cần biết về EURO 2024.
  • Những nội dung đặc sắc, bài viết độc quyền của nhà báo thường trú tại châu Âu và các cây viết thể thao hàng đầu ở Việt Nam.
  • ĐẶC BIỆT: Tặng kèm Lịch thi đấu EURO 2024 khổ lớn.
  • Giá: 98.000 đồng.

ĐẶT MUA NGAY
Sử dụng tiếng Việt có dấu. Ký tự còn lại 500.

* Đăng nhập hoặc Đăng ký tài khoản để
bình luận và chia sẻ nhanh hơn

Thông tin Toà soạn

Tạp chí Điện tử Bóng Đá

Tổng biên tập:
Nguyễn Tùng Điển
Phó Tổng biên tập:
Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn

Địa chỉ liên hệ

Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội

Tel: (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
Fax: (84.24) 3553 9898
Email: toasoan@bongdaplus.vn | vanphong@bongdaplus.vn
 

Liên hệ Quảng cáo

Hotline: 0903 203 412
Email: quangcao@bongdaplus.vn

x