Super League, chứng bệnh ung thư của bóng đá hiện đại

Kỳ Lâm
09:06 ngày 20-04-2021
Super League đã gây tranh cãi khủng khiếp từ khi nó còn là ý tưởng, trong suốt quá trình vận động và ngay cả ở thời điểm nó dường như sắp sửa xuất hiện. Đạo đức, tinh thần thể thao, vẻ đẹp bóng đá có thể đã bị triệt tiêu bằng sự bùng nổ của khối u ác tính này, vốn được tạo ra bởi khoảng cách giàu nghèo trong bóng đá.  

Bóng đá đang trải qua một thời kỳ mất cân bằng tài chính và sự cạnh tranh chưa từng có. Ở nền bóng đá hàng đầu châu Âu, các cuộc thảo luận về 2 vấn đề trên cùng câu hỏi liệu có sự thống trị của giới CLB siêu giàu không đang diễn ra căng thẳng hơn rất nhiều so với nhiều trận đấu đỉnh cao của nó.

Vấn đề được đưa ra thảo luận là việc tái phân phối doanh thu cho các CLB không có suất tham dự các giải đấu của UEFA, được gọi là khoản tiền "đoàn kết" nhằm giảm khoảng cách giàu nghèo. Đây là một trong những cơ chế duy nhất của bóng đá nhằm để hạn chế khoảng cách tài chính ngày càng gia tăng.

Một mặt, có nguồn tin từ nội bộ các siêu CLB cho biết họ tin rằng những ý tưởng cụ thể cho chu kỳ 2021-2024 là "cực đoan". Mặt khác, nhóm European Leagues - bao gồm các giải đấu vô địch quốc gia ở châu Âu - được mô tả là "bực tức" với những vấn đề liên quan đến khoản tiền "đoàn kết" này.

Sự khác biệt rất lớn giữa những quan điểm của hai phía. Con số tiền "đoàn kết" hiện tại là 7,3% của hơn 2 tỷ euro và nó được phân bổ cho hàng nghìn CLB không được tham dự Champions League hoặc Europa League.  

Đối với những kẻ thường đứng ngoài 2 giải đấu béo bở này, khoản chi đó là không đủ, chỉ là một sự ngụy biện đơn thuần trước việc khoảng cách giàu nghèo ngày càng rộng hơn. Các LĐBĐ ở châu Âu muốn khoản tiền đó tăng lên mức 20%. Còn đám siêu giàu chỉ lắc đầu, cười khểnh. Họ có thể làm điều đó bởi vì họ đều là những CLB siêu giàu nhưng họ vẫn không muốn cho thêm.

Rốt cuộc, con số 7,3% lại thực sự là sự sụt giảm từ mốc 8,5% của chu kỳ trước. Đó là câu chuyện bình thường. Mỗi quyết định như vậy thường khiến người giàu có nhận nhiều hơn và người nghèo sẽ nhận ít hơn, cho đến khi một vực thẳm khoảng cách xuất hiện.

Tiền bạc đang chi phối thế giới bóng đá và tạo khoảng cách giàu nghèo giữa CLB

Chính quá trình này - và sự căng thẳng đi kèm - đã bao hàm mọi khó khăn trong việc người ta cố gắng giải quyết sự chênh lệch tài chính khủng khiếp của bóng đá. Việc trước tiên là phải tìm ra cách để ngăn chặn vấn đề này trở nên tồi tệ hơn. Nhưng điều đó thật không dễ dàng khi những CLB lớn nhất, và những tiếng nói có trọng lượng nhất lại đang rất đẩy theo hướng ngược lại.  

Mọi chu kỳ của các quyết định nhìn chung chỉ khiến lợi ích của họ được hưởng nhiều hơn, một phần lớn là do mối đe dọa luôn hiện hữu của một siêu liên minh như Super League.

Như nhà sử học bóng đá David Goldblatt nói: "Tất cả đều diễn ra theo một chiều" và chuyên gia tài chính trong bóng đá là Kieran Maguire cũng đồng tình. “Nó sẽ tiến xa hơn. Khoảng cách sẽ ngày càng lớn". Vì vậy, liệu có bất cứ điều gì thực sự có thể giải quyết được điều này? Có giải pháp thực tế nào không?

Hầu hết họ đều đưa ra một số hình thức phân phối lại nguồn tiền, vì nó là khả thi và hiệu quả nhất. Đây là một bước rõ ràng và là bước dễ áp dụng nhất vì nó là tiền của UEFA chứ không phải tiền bản quyền truyền hình các giải đấu trong nước. Đồng thời, việc chia bản quyền truyền hình công bằng hơn tạo ra sự khác biệt rất lớn và Premier League là một ví dụ.  

Javier Tebas, chủ tịch của giải đấu La Liga, cũng đang tìm cách tháo gỡ những vấn đề này. "Tôi không nghĩ rằng chúng ta đang giúp bóng đá xóa bỏ khoảng cách giàu nghèo khi mà mọi nguồn lực mà các giải bóng đá tạo ra lại chỉ rơi vào túi các CLB lớn. Đó là thực tế đang diễn ra".

Goldblatt cũng có quan điểm tương tự. “Cũng giống như trong nền kinh tế toàn cầu, CLB giàu có khả năng tích lũy. Trong trường hợp không có hệ thống tái phân phối - dưới hình thức đánh thuế đối với lợi ích hoặc bất cứ điều gì - thì người nghèo ngày càng nghèo đi, ngay cả ở các nước giàu nhất".

Các siêu CLB ở châu Âu đã hùng mạnh đến mức họ muốn thi đấu chỉ giữa họ với nhau, chứ không phải tạo điều kiện cho các CLB nghèo hưởng lợi

Hãy tưởng tượng nếu Premier League phân phối lại 20% thu nhập từ truyền hình xung quanh trận đấu, bóng đá ở đất nước này sẽ ở một trạng thái rất khác. Tuy nhiên, thực tế phũ phàng cho thấy khoảng cách giàu nghèo là quá lớn đến mức nền bóng đá cần một cuộc cách mạng tài chính kiểu "Tư bản luận" nào đó của Karl Marx.  

Điều này, không cần phải nói, sẽ bị giới nhà giàu cười nhạo. Đơn giản chỉ là không thể chấp nhận được đối với các siêu CLB hiện đang gắn bó chặt chẽ với chủ nghĩa tư bản có hệ thống trong bóng đá. Và không dễ gì để các ý tưởng xóa bỏ khoảng cách giàu nghèo được đưa ra. Luôn có rất nhiều bức tường rắn chắc bao quanh quyền lợi của người giàu.

Đó là lý do tại sao luật Công bằng tài chính (Financial Fair Play) đến muộn 20 năm, như Goldblatt chỉ ra. “Tôi nghĩ đáng lẽ FFP nên xuất hiện từ thời điểm đầu những năm 1990. Nhưng thời điểm mà cuối cùng UEFA cũng công bố FFP lại là vào năm 2012. Nhưng khi đó, những thứ bất bình đẳng đã được đưa vào hệ thống".

Tương tự, như Maguire lập luận, có nghĩa là FFP hiện đại chủ yếu chỉ có ý nghĩa “củng cố bức trần bằng kính trong trong bóng đá”. Luật này lấy ý tưởng về giới hạn mức tiền lương mà nền thể thao Hoa Kỳ đã sử dụng, nhưng trên thực tế, FFP đã gặp nhiều vấn đề thách thức khi nó được áp dụng ở các cấp độ khác nhau.

Hầu hết các công thức của FFP được xây dựng vốn dĩ vẫn ưu tiên những người giàu có nhất. Sau đó, nó tiềm ẩn những thách thức pháp lý kiểu "phán quyết Bosman" ngay trong Liên minh châu Âu, cũng như mức độ khó áp dụng ở cấp độ toàn cầu.

Mặt khác nếu có bất cứ lỗ hổng nào xuất hiện, do đặc điểm riêng của từng nền bóng đá, thì toàn bộ hệ thống sẽ sụp đổ. Điều này chỉ có tác dụng trong nền thể thao Mỹ bởi tất cả đều nằm gọn trong một quốc gia.

“Ngưỡng trần lương này ở châu Âu rõ ràng là không được phép. Đó là trường hợp của cung và cầu trên phạm vi toàn cầu và đó là cơ sở để đưa ra mức lương. Tôi không chắc mức lương thực sự là vấn đề ở đây", chủ tịch Tebas của giải La Liga nói.

UEFA đang ở thế khó trong cuộc chiến giảm khoảng cách giàu nghèo dù họ đã đưa ra luật Công bằng Tài chính

Còn Goldblatt lập luận rằng, một giải pháp lý tưởng là phổ biến quy tắc 50 + 1 của bóng đá Đức để đảm bảo quyền sở hữu xã hội của đa số các CLB (51% sở hữu sẽ thuộc về nhân dân chứ không phải chủ sở hữu). Thụy Điển đã làm theo tấm gương của Bundesliga và điều đó đã tạo ra một trong số ít các giải đấu có sự cân bằng về năng lực cạnh tranh.

“Sự bù đắp cho mức độ khiêm tốn về mặt kinh tế là một nền văn hóa bóng đá đa dạng hơn”, Goldblatt nói trong một bản tóm tắt về lịch sử bóng đá hiện đại. Tuy nhiên, trước hết, câu hỏi đặt ra là làm sao để các CLB thực hiện bước đầu tiên quyết liệt đó là sẵn sàng bị tụt lại so với các đối thủ ở các nền bóng đá khác trong một vài năm khi chia sẻ nguồn lực cho các CLB quốc nội khác.

Sau đó, những vấn đề phức tạp hơn sẽ xuất hiện bởi vẫn có những CLB siêu giàu nảy sinh ngay trong nền bóng đá công bằng đó, ví dụ như CLB Bayern Munich - vốn đã vượt xa toàn bộ các CLB bóng đá Đức khác. Điều nguy hiểm là quy tắc 50 + 1 sẽ đóng băng chuyển động của toàn bộ các CLB chứ không chỉ với các CLB giàu có.

Tuy nhiên, nổi trội nhất vẫn là là vấn đề của các chủ sở hữu hiện tại. Các nhà tư bản tài phiệt như Glazer hoặc Fenway Sports Group sẽ không chỉ từ bỏ phần lợi của Man United hoặc Liverpool. Dự án thể thao của Abu Dhabi sẽ không chỉ từ bỏ lợi ích từ Man City. Những động thái như vậy sẽ hoàn toàn trái ngược với ý định của họ.

Đó là lý do tại sao các hệ thống tạo ra sự công bằng rất khó được hình thành. Hãy xem xét nhân vật Florentino Perez. Ông ta nhìn nhận mọi thứ bằng lăng kính vinh quang của Real Madrid, và quan trọng hơn, nó sẽ phản ánh như thế nào về ông ta với tư cách chủ tịch: thành công hay không thành công. Ông ta sẽ thấy các hành động tái phân bổ tiền bạc có thể ảnh hưởng đến khả năng mua thêm các Galacticos của Real, ảnh hưởng tới việc Real có thêm danh hiệu.

Chủ tịch Perez của Real Madrid chỉ quan tâm đến lợi ích của CLB mà mình làm chủ chứ không phải đến toàn bộ giải đấu La Liga

Ferran Soriano, CEO của Man City, bày tỏ quan điểm tương tự trong cuốn sách của mình được xuất bản khi ông ta còn ở Barcelona. Đó là điều đáng được nhắc lại vì nó nói đúng trọng tâm của vấn đề.

“Một nhà quản lý thể thao nổi tiếng của Mỹ từng nói với tôi rằng: Tôi không hiểu tại sao các ông không thấy rằng những gì nên làm là tăng cường sự phát triển các đội như Seville và Villarreal để làm cho La Liga trở nên thú vị hơn và kiếm tiền tốt hơn.  

Khi nghe thế, tôi cảm thấy rất khó để nghĩ về việc làm thế nào để kiếm tiền một cách tối đa cho cả giải đấu bằng bất cứ cách thức nào bởi vì tất cả những gì tôi muốn và quan tâm là làm sao Barcelona thắng tất cả các trận đấu và không phụ thuộc vào thu nhập chung của giải đấu".

Để chống lại điều đó, người hâm mộ có thể góp phần thay đổi bằng hành động của mình. Họ có thể từ chối mua vé vào sân, từ chối xem bóng đá trên TV hay từ chối mọi hoạt động tham gia bóng đá. Nhưng để thay đổi được thật sự thực tế về khoảng cách giàu nghèo, phải có sự tham gia của những người nắm giữ vai trò chính trong hệ thống này và những người có ý định bảo vệ nó.  

Có một điều thiết thực hơn mà cá nhân NHM có thể làm. Họ có thể dành nhiều sự ủng hộ hơn cho các CLB nghèo. Nhưng một trong những vấn đề lớn cố hữu của vấn đề này là lượng người ủng hộ trên phạm vi toàn cầu của 11 siêu CLB quá lớn so với số lượng NHM của các CLB bình thường. Đây là một yếu tố chính gây ra sự chênh lệch.

Điều này, ngay lập tức, từ chối khả năng phát triển của vô số CLB địa phương thông qua việc kiếm doanh thu từ bán vé, tìm được các nhà tài trợ giàu có, nhận khoản chia bản quyền truyền hình hậu hĩnh cũng như việc xây dựng thương hiệu. Điều này đặc biệt tồi tệ ở các quốc gia châu Phi, châu Á, Bắc Mỹ… vì sự hâm mộ đến ám ảnh dành cho Premier League.

Sự quyến rũ như vậy rõ ràng là cực kỳ khó cưỡng và là nguồn gốc rõ ràng của sự chênh lệch này. Nếu không thay đổi được hiện trạng đó, NHM vẫn sẽ dành sự quan tâm cho những tên tuổi lớn thay vì các CLB địa phương. Ví dụ, một số lượng lớn NHM của Man United là ở châu Á và họ muốn xem Man United đấu với Real Madrid hơn là Man United đấu với Burnley.

Rõ ràng, những siêu CLB như Barcelona và siêu sao Messi sẽ không cần quan tâm gì khác ngoài lợi ích của chính mình

Đó cũng là lý do tại sao đã có một cuộc khủng hoảng ngày càng gia tăng trong lịch thi đấu bóng đá, và nhiều hơn nữa sẽ xảy ra. Các CLB lớn chỉ muốn chơi trong những trận đấu hấp dẫn nhất, chống lại những đối thủ trong nhóm siêu giàu. Họ không thực sự quan tâm đến danh hiệu nhỏ - chẳng hạn như các trận đấu lại cúp quốc nội bất tiện hoặc các trận không đem lại số tiền như khi đối đầu với các đối thủ lớn.

Đây là lý do tại sao có cuộc thảo luận khác đang diễn ra về lịch các trận đấu trên toàn thế giới sau năm 2024. Trọng tâm của nó là các vấn đề về chênh lệch tài chính. Các CLB lớn hoàn toàn không muốn tham gia vào các trận đấu chỉ đem lại lợi ích cho các CLB nghèo hơn, nhỏ hơn.

Tất nhiên, để đạt được tất cả những điều này, FIFA đang lên kế hoạch tổ chức giải FIFA Club World Cup với 24 đội. Logic đã nêu là họ muốn chia nhiều tiền hơn nhờ số lượng các trận đấu được tăng lên. Tuy nhiên, logic ngầm được hiểu là để cạnh tranh với giải Champions League của UEFA và để tăng thu nhập.  

Logic của hoạt động này là FIFA sẽ phải trả cho các CLB lớn nhiều thứ để có được sự tham gia hào hứng của họ, khiến giải đấu thực sự hấp dẫn. Và ai cũng thấy ngay rằng, điều đó sẽ chỉ làm tăng sự chênh lệch tài chính giữa các tầng lớp CLB bóng đá hiện nay.

Đó là lý do tại sao nhiều người có máu mặt trong giới bóng đá, nhiều siêu CLB cuối cùng đã kết hợp lại với nhau để tạo ra một quái vật mới và đó là một sự thay đổi lớn khác trong lịch sự bóng đá bằng việc ra mắt của một giải đấu siêu hạng - Super League.

Rất nhiều người nói rằng điều đó sẽ không bao giờ xảy ra. Nhưng cũng lại có nhiều người hơn nghĩ rằng có những thế lực lớn đằng sau hậu trường đang cố gắng làm cho điều đó xảy ra. Và đây là lúc mà sự chênh lệch tài chính đã đẩy bóng đá vượt ra ngoài một mức độ dễ dự đoán hơn bao giờ hết.

Một giải Super League đã được cổ vũ từ lâu và chưa bao giờ xảy ra, nhưng dường như đang có cơ hội xuất hiện lớn hơn bao giờ hết. Trừ khi những tiếng nói có tầm ảnh hưởng lớn nhất bắt đầu phải chịu trách nhiệm về việc này. Nếu không, họ sẽ phải chịu trách nhiệm về việc phá hủy thứ bóng đá như chúng ta từng biết

Sử dụng tiếng Việt có dấu. Ký tự còn lại 500.

* Đăng nhập hoặc Đăng ký tài khoản để
bình luận và chia sẻ nhanh hơn

TT
Đội bóng
Trận
+/-
Điểm
1
32
+44
73
2
32
+49
71
3
32
+41
71
4
33
+19
63
5
32
+16
60
6
32
+17
50
7
32
-1
50
8
33
-6
48
9
31
+9
47
10
32
+2
44
11
32
-5
43
12
33
-2
42
13
32
-10
42
14
33
-11
32
15
32
-18
31
16
33
-16
26
17
33
-24
25
18
32
-16
23
19
33
-35
20
20
32
-53
17

Thông tin Toà soạn

Tạp chí Điện tử Bóng Đá

Tổng biên tập:
Nguyễn Tùng Điển
Phó Tổng biên tập:
Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn

Địa chỉ liên hệ

Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội

Tel: (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
Fax: (84.24) 3553 9898
Email: toasoan@bongdaplus.vn | vanphong@bongdaplus.vn
 

Liên hệ Quảng cáo

Hotline: 0903 203 412
Email: quangcao@bongdaplus.vn

x