Bóng Đá Plus trên MXH

Bóng rổ, môn thể thao quốc dân ở Trung Quốc
13:37 ngày 02/10/2019
Kể từ sau chiến tích lọt vào World Cup 2002, bóng đá Trung Quốc không có thêm lần vụt sáng nào nữa ở đấu trường quốc tế. Nhưng kể cả như thế, điều đó cũng chưa chắc đã khiến NHM Trung Quốc bận tâm quá nhiều. Ở đất nước đông dân nhất thế giới này, bóng rổ mới là môn thể thao vua.

    Trường tồn với thời gian

    Nếu tới những nơi như Tử Cấm Thành và Thiên An Môn ở thủ đô Bắc Kinh, khách du lịch quốc tế hẳn sẽ bất ngờ. Giữa những di tích cổ kính là dấu vết còn sót lại của những sân bóng rổ phong trào từ xa xưa. Nhịp sống hiện đại của người dân Trung Quốc cũng luôn có sự hiện diện của bóng rổ.

    Không cần phải đợi đến khi những ngôi sao như Yao Ming hay Jeremy Lin bước ra thế giới, người Trung Quốc mới cuồng nhiệt với bóng rổ. Sân bóng rổ hiện diện ở khắp ngõ ngách, từ thành thị đến nông thôn. Trường học nào cũng có sân bóng rổ để học sinh chơi đùa. Công nhân chọn bóng rổ làm thú vui giải trí sau một ngày làm việc căng thẳng.

    Theo ước tính của Liên đoàn Bóng rổ Trung Quốc, có khoảng 300 triệu người dân nước này chơi bóng rổ thường xuyên. Con số này tương đương dân số của cả nước Mỹ. Ngay cả xứ cờ hoa cũng ngạc nhiên khi biết có một đất nước yêu mến bóng rổ chẳng thua kém gì họ. Người Trung Quốc có thể không thích nhiều thứ liên quan đến Mỹ, nhưng bóng rổ là ngoại lệ.


    NBA mới chỉ du nhập vào Trung Quốc ở thập niên 90, nhưng phong trào chơi bóng rổ ở quốc gia này đã có từ... hơn 100 năm trước. Ban đầu nó là môn thể thao quý tộc chỉ dành cho quan lại và giới quyền quý, nhưng sau đó dần mở rộng đến tầng lớp bình dân. Người Trung Quốc coi bóng rổ là môn thể thao kết nối mọi tầng lớp xã hội, do đó chính phủ đặc biệt quan tâm và cổ động phong trào chơi bóng rổ phát triển.

    Ở thập niên 30, quân đội Trung Quốc thậm chí còn đưa bóng rổ vào chương trình rèn luyện để nâng cao sức khỏe cho các binh sĩ. Ở các doanh trại quân đội luôn giăng cao dòng biểu ngữ “Tình bạn đi trước, thành tích đi sau” để nói về bóng rổ. Đến nay, tôn chỉ đó vẫn được giữ nguyên. Xã hội Trung Quốc có thể cạnh tranh gắt gao mọi thứ, nhưng mọi người luôn vô tư khi chơi bóng rổ.


    Sống sót qua biến cố

    Vào thập niên 60, Trung Quốc bắt đầu bài trừ văn hóa phương Tây. Nhưng ở giữa thời kỳ khó khăn đó, vẫn có 2 môn thể thao ngoại lai tiếp tục tồn tại ở Trung Quốc. Đó là bóng bàn và bóng rổ. Binh sĩ Trung Quốc vẫn được khuyến khích chơi bóng rổ để rèn luyện sức khỏe. Những người chơi xuất sắc thậm chí còn được ưu tiên ăn ngon, mua quần áo đẹp, thậm chí có suất mua xe.

    Kể từ thời điểm Trung Quốc mở cửa hội nhập, bóng rổ nhanh chóng trở thành kênh thương mại béo bở của những doanh nghiệp nước ngoài. Hiện tại, giải NBA có 450 triệu người theo dõi thường xuyên tại Trung Quốc. Những ngôi sao như Kevin Garnett, Lebron James, Kobe Bryant có lượng người hâm mộ ở Trung Quốc còn lớn hơn quê nhà. Và dĩ nhiên, chẳng ai có thể vượt qua nổi Yao Ming, một người Trung Quốc bằng xương bằng thịt.


    Ngày NBA mở gian hàng chính thức đầu tiên tại Trung Quốc, hàng ngàn người đã thức trắng đêm đứng xếp hàng bên ngoài để trở thành người mua đầu tiên. Thanh niên Trung Quốc ai cũng thích mặc quần rộng, đi giày sneaker, dán hình các ngôi sao NBA lên cặp, và cầm thêm một quả bóng rổ trên tay. Cậu bé nào chơi bóng rổ càng hay thì càng được nhiều bạn nữ để mắt tới. Bóng rổ còn thường xuyên xuất hiện trong điện ảnh Trung Quốc.

    Wang Yongzhi, biên tập viên mục thể thao của trang Tencent chia sẻ: “Trẻ con Trung Quốc thích chơi bóng rổ còn hơn cả xem phim Hollywood hay ăn đồ ăn nhanh McDonald’s. Bố mẹ chúng cũng khuyến khích chúng chơi, vì xem phim hay ăn quá nhiều đều không tốt cho sức khỏe, còn chơi bóng rổ thì chẳng bao giờ có hại. Người Trung Quốc có thể khá dè dặt trước những thứ ngoại lai, nhưng luôn sẵn sàng đón nhận nếu nó liên quan đến bóng rổ”.

    Yao Ming và sức hút chưa từng có ở NBA
    Năm 2002, Yao Ming chính thức ký hợp đồng với CLB Houston Rockets. Trận đầu tiên anh ra sân gặp L.A Lakers thu hút đến 200 triệu người xem trực tiếp từ Trung Quốc. Yao Ming đã nghỉ thi đấu 8 năm, nhưng đến giờ Rockets vẫn là CLB ở NBA có lượng người hâm mộ lớn nhất tại Trung Quốc.

    Yao Ming muốn bóng rổ Trung Quốc vươn tầm thế giới
    Năm 2017, Yao Ming được bầu làm Chủ tịch Liên đoàn Bóng rổ Trung Quốc. Trong ngày nhậm chức, Yao Ming tuyên bố anh muốn Trung Quốc trở thành cường quốc tầm cỡ thế giới ở môn bóng rổ. Đó là trách nhiệm của anh trên cương vị một huyền thoại bóng rổ Trung Quốc.

    Trên thực tế, bóng rổ Trung Quốc đã thống trị từ lâu. Họ từng 16 lần vô địch bóng rổ châu Á, cũng như 8 lần giành HCV Asiad. Tuy nhiên ở quy mô quốc tế, những gì bóng rổ Trung Quốc từng giành được chỉ là con số không. Tại Olympic Bắc Kinh, dù có lợi thế sân nhà nhưng họ cũng chỉ đứng hạng 8 chung cuộc. Bên cạnh chiều cao, thể chất của người châu Á cũng là nguyên nhân hạn chế của bóng rổ Trung Quốc.
    Cẩm Chi • 13:37 ngày 02/10/2019

    Bài viết hay? Ấn để tương tác

    Bình luận
    Thông tin Toà soạn
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Tổng biên tập:
    Nguyễn Tùng Điển
    Phó Tổng biên tập:
    Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn
    Địa chỉ:
    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Tel:
    (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
    Fax:
    (84.24) 3553 9898
    Email:
    Thông tin Liên hệ
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Hotline:
    0903 203 412
    Email:

    Địa chỉ liên hệ:

    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Đăng nhập
    hoặc

    Email:

    Mật khẩu:

    Quên mật khẩu?


    Bạn chưa có tài khoản? Đăng ký ngay