Bóng Đá Plus trên MXH

Gã 'Chí Phèo' Roberto Rojas và vụ rạch mặt rúng động thế giới

13:36 ngày 05/09/2019
Được chơi ở World Cup là giấc mơ của mọi cầu thủ. Roberto Rojas cũng không ngoại lệ. Và thủ môn của ĐT Chile quyết tâm đạt được mục đích bằng mọi giá, kể cả đổi bằng máu. Máu đã đổ thật, tại Maracana cách đây tròn 30 năm, để từ đó tạo nên scandal lớn bậc nhất lịch sử bóng đá.

    Trò hề ở Maracana

    Không nghi ngờ gì, Roberto Rojas là người gác đền xuất sắc nhất lịch sử bóng đá Chile bởi những phản xạ và các màn cứu thua đáng kinh ngạc. Trong suốt thập niên 1980, không ai có thể đe dọa vị trí ngôi sao số một của ông, ở ĐT Chile cũng như CLB Sao Paulo. Và Real Madrid không giấu ý định đưa thủ môn có biệt danh Condor (kền kền) về Bernabeu.

    Đương nhiên, Rojas vừa là thủ lĩnh, vừa là niềm hy vọng lớn nhất của Chile trong chiến dịch săn vé tới World Cup 1990. Ở vòng loại, tại bảng 3, họ đang cạnh tranh gay gắt với Brazil. Sau trận hòa 1-1 tại Santiago, trận hòa mà báo chí mô tả là cuộc chiến thực sự với quá nhiều pha bóng bạo lực, Chile tái ngộ Brazil trong trận quyết đấu ở Maracana. Đội nào thắng sẽ giành vé đến dự VCK. 

    Ngày 03/09/1989, bầu không khí rực lửa phủ kín Maracana. Gần 2.000 cảnh sát cùng 500 binh sĩ thuộc trung đoàn 2 của Rio de Janeiro đã được huy động để đảm bảo an ninh, và hai đội bước vào để chơi trận đấu của cuộc đời. Trong một động thái kỳ lạ, đội trưởng ĐT Chile, Rojas đã tiến lại gần Eduardo Rocca-Couture, ủy viên FIFA và hỏi rằng: “Nếu có gì bất trắc về an ninh, liệu trận đấu có bị hủy?”. Eduardo không trả lời. Ông không biết thâm ý đằng sau câu hỏi tưởng chừng như vu vơ đó.  

    Chile, với những pha bay lượn của Rojas, đã đứng vững trước sức ép ghê gớm của Brazil trong hiệp 1. Sang hiệp hai, Selecao ghi bàn do công của Careca, Chile bắt đầu thấy nguy cợ thất bại. Phút 67, bóng được phát lên từ chân thủ môn Claudio Taffarel của Brazil. Đột nhiên người ta thấy Rojas nằm ra đất, ôm mặt lăn lộn bên cạnh quả pháo sáng cháy dở. 

    Rojas đã bị cả thế giới quay lưng sau khi nằm vật ra sân, tự rạch mặt để mong được xử thắng trong trận gặp Brazil năm 1989
    Rojas đã bị cả thế giới quay lưng sau khi nằm vật ra sân, tự rạch mặt để mong được xử thắng trong trận gặp Brazil năm 1989

    Một, hai, ba, rồi tất cả các cầu thủ Chile chạy cả lại, người cuống quýt gọi bác sỹ, người chạy đi gọi trọng tài, và có những người, như tiền đạo Patricio Yanez, đặt tay xuống vùng nhạy cảm (tương tự cách Diego Simeone ăn mừng trong chiến thắng trước Juventus) để phản ứng với người hâm mộ Brazil.

    Rồi Rojas cũng được khiêng ra, với khuôn mặt bê bết máu. Phía Chile yêu cầu dừng trận đấu vì không thể chơi trong điều kiện thiếu an toàn. Trận đấu bị dừng thật, và những người Chile chắc mẩm Brazil sẽ bị xử thua. Tối hôm đó, Đại sứ quán Brazil ở Santiago bị ném đá. Tất cả lên án hành vi phi thể thao ở xứ Samba và kêu gọi án phạt đích đáng cho kẻ ném pháo sáng.

    Nhưng sau đó, nhiếp ảnh gia người Argentina là Ricardo Alfieri đã phát hiện ra rằng, chuỗi 14, 15 bức ảnh ông đã chụp cho thấy quả pháo sáng không trúng vào Rojas. Vì vậy, thật vô lý khi thủ môn này lại bị thương. Alfieri đã nói với 3 nhân viên an ninh về nghi ngờ của mình. Họ đưa ông tới một studio để rửa các tấm ảnh, mà sau đó chúng được gửi đến các quan chức của LĐBĐ Nam Mỹ (COMMEBOL). 

    Và thế là nhờ những bức hình của Alfieri, Brazil tránh được thảm họa lần đầu tiên trong lịch sử không có mặt ở World Cup. Họ được xử thắng 2-0, còn Chile bị loại và không được quyền tham dự vòng loại World Cup 1994. Rojas, từ nạn nhân, một người hùng, nay trở thành kẻ lừa đảo ghê tởm và bị FIFA tuyên án treo giò cả đời (được dỡ bỏ vào năm 2000). 

    “Tôi có tội”

    Một câu hỏi đặt ra là làm thế nào Rojas lại chảy máu khi quả pháo sáng cách xa hơn 1 mét? 

    9 tháng sau, Rojas quyết định nói ra sự thật. “Những ngày qua u ám như một đám tang, tôi không thể tiếp tục sống với sự dối trá bởi lương tâm cắn rứt. Tôi có tội”, Rojas nói với tờ La Tercera.

    Thực tế là trong quá trình chuẩn bị cho trận đấu, HLV Orlando Aravena đã nói đùa về khả năng trận đấu bị dừng vì sự cố, và nếu là nạn nhân, Chile sẽ chiến thắng. Vì vậy Rojas đã hỏi đội phó Fernando Astengo: “Cậu nghĩ rằng chúng ta phải làm cái gì đó không?”. Sau đó chuyên gia vật lý trị liệu Alejandro Kock mang tới một lưỡi dao nhỏ được bọc trong vải dính, chỉ chừa ra 1 centimet. 

    Ý tưởng của Rojas là giấu nó trong tấm bọc ống quyển, và khi chạy ra sau khung thành lấy bóng sẽ dùng nó để làm tổn thương mình, vờ như bị ném đá, còn Astengo cùng những người khác có nhiệm vụ gây áp lực để dừng trận đấu. Ở trận lượt đi tại Santiago, các cầu thủ Brazil đã bị CĐV Chile ném đá và cam thối. Vì vậy Rojas tin rằng người hâm mộ Brazil sẽ trả đũa theo cách tương tự. 

    Rojas sau này là HLV của thủ môn lừng danh Ceni
    Rojas sau này là HLV của thủ môn lừng danh Ceni

    Thế nhưng suốt hiệp 1, Rojas không thể thực hiện ý đồ bởi sự có mặt của quá nhiều nhân viên an ninh và giới phóng viên. Trong thời gian nghỉ giữa hiệp, Rojas chuyển con dao lên giấu vào găng tay, chỗ băng dính nhám. “Cơ hội đến khi tôi nhìn thấy ánh sáng xanh của quả pháo”, Rojas kể, “Và tôi ngã về phía đó, dùng con dao cắt một đường trên trán”.

    Theo trần tình của Rojas, hành động của ông đơn giản chì vì khát khao chiến thắng, và vì đất nước. Điều đáng buồn là lời giải thích này nhận được rất ít sự cảm thông. “Phẩm giá của tôi đã bị hủy hoại. Các đồng đội, người thân và ngay cả vợ cũng quay lưng với tôi”, tội đồ ở Maracana đau khổ nói, “Những người mắc sai lầm đều mong có cơ hội chuộc lỗi, nhưng không ai cho tôi đặc ân đó”. Trong những cuộc phỏng vấn về sau, Rojas nói rằng ông “bị kết án chung thân”, hay “bị đóng đinh trên cây thánh giá”. 

    Sự nghiệp của Rojas khép lại ngay sau thời điểm được khiêng ra khỏi Maracana. Thật trớ trêu, quốc gia duy nhất mở cửa cho anh lại là Brazil. Anh trở thành HLV thủ môn ở Sao Paulo và góp công tạo nên Rogerio Ceni huyền thoại sau này, một thủ môn ghi nhiều bàn thắng nhất lịch sử bóng đá (131). Đó là lý do Rojas định cư hẳn ở xứ sở Samba, thay vì quay lại Chile và nhớ lại nỗi đau. Vết rách trên trán ông đã lành, nhưng vết thương Maracana vẫn còn nguyên, dù 30 năm đã trôi qua. 

    Bí mật găng tay Rojas
    Theo Nelson Maldonado, một người thuộc ban huấn luyện ĐT Chile năm 1989, chiếc găng tay của Rojas được chuẩn bị từ nhà, với một đường may đặc biệt nhằm mục đích cất giấu lưỡi dao dưới lớp băng dính nhám. Maldonado cho biết, không hiểu Rojas cất giấu nó bằng cách nào, nhưng không ai tìm ra trong 8 ngày cho đến khi chính thủ môn này lấy ra. Sau đó, Rojas nói: “Những thứ này giúp tôi nổi tiếng”.

    Những thuật ngữ mới sản sinh sau bê bối
    Sau scandal tại Maracana, ở Chile xuất hiện thuật ngữ mới “condoro”, có nghĩa là sự dối trá vụng về và đáng xấu hổ. Nó được lấy từ condor, biệt danh của tội đồ Rojas. Một từ khác cũng đi vào đời sống, là “un Pato Yanez”, nhằm để chỉ hành động phản cảm giống như tiền đạo Patricio Yanez đã thực hiện.  
    Vịnh San • 13:36 ngày 05/09/2019

    Bài viết hay? Ấn để tương tác

    Bình luận
    Thông tin Toà soạn
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Tổng biên tập:
    Nguyễn Tùng Điển
    Phó Tổng biên tập:
    Nguyễn Hà Thanh Vũ Khắc Sơn
    Địa chỉ:
    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Tel:
    (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
    Fax:
    (84.24) 3553 9898
    Email:
    Thông tin Liên hệ
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Hotline:
    0903 203 412
    Email:

    Địa chỉ liên hệ:

    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Đăng nhập
    hoặc

    Email:

    Mật khẩu:

    Quên mật khẩu?


    Bạn chưa có tài khoản? Đăng ký ngay