Đồng phục của Cameroon
LĐBĐ Cameroon có lẽ là liên đoàn giàu ý tưởng nhất về mặt trang phục. Nhưng cũng bởi vậy mà đội tuyển của họ hay chịu các án phạt và lệnh cấm nhất! Trong quá khứ, Những con sư tử bất khuất từng 2 lần bị FIFA phạt vì trang phục không phù hợp. Lần đầu là vào năm 2002, khi họ ra sân với bộ đồ sát nách, nghĩa là không có tay áo. Lần thứ hai là 2 năm sau đó. Khi ấy họ “chơi” luôn một bộ áo liền quần, trong khi quy định của FIFA là một bộ trang phục phải có áo, quần, và một đôi tất. Rời nhau.
Pokemon Go
Ủa, một trò chơi thì có liên quan gì ở đây? Vậy mà có đấy. Từng có thời điểm, Pokemon Go, một trò chơi trên điện thoại trong đó người chơi tìm bắt các con Pokemon ở những địa điểm khác nhau, gây sốt trên toàn cầu. Các cầu thủ cũng bị nghiện. Thế là HLV Jose Mourinho thời còn ở M.U đã phải ra lệnh cấm các cầu thủ chơi trò này 48 tiếng trước mỗi trận đấu. Ông muốn họ tập trung vào chiến thuật thay vì lọ mọ khắp nơi để bắt Pokemon.
Phụ nữ đá bóng
Trong và ngay sau Thế chế I, bóng đá nữ rất phát triển ở Anh. Lúc đó, chị em cũng phải vào các nhà máy làm việc thay cho cánh đàn ông đã ra chiến trường hết. Làm công nhân được thì đá bóng cũng được. Tuy nhiên, sau chiến tranh, khi những người phụ nữ trở lại với công việc nội trợ, các nhà chức trách lại thấy rằng để họ đá bóng là không phù hợp. Thế là vào tháng 12/1921, FA ra quy định yêu cầu các CLB không cho phụ nữ vào sân chơi bóng. Phải tới năm 1971, quy định này mới được gỡ bỏ.
Thuật phù thủy
Năm 2016, sau những sự kiện đáng ngờ xảy ra trong một trận đấu ở giải Premier League Rwanda, LĐBĐ nước này quyết định phải hành động. Họ làm gì? Họ ra quy định nếu một cầu thủ được xác định là có tham gia thực hành thuật phù thủy, họ sẽ bị phạt. Nếu cả đội bóng cùng tham gia, thì đội đó cũng sẽ bị phạt, ngoài ra còn bị trừ điểm.
Vuvuzela
Bắt đầu được biết đến từ World Cup 2010 ở Nam Phi, những chiếc kèn Vuvuzela trở thành điểm nhấn và là nổi ám ảnh trong rất nhiều trận đấu. Âm thanh vo ve mà nó phát ra khiến nhiều người không thể chịu đựng nổi. Rất nhanh chóng, UEFA ra lệnh cấm các CĐV mang Vuvuzela tới sân, với lý do âm thanh mà chúng phát ra lấn át cả những bài hát cổ vũ.
Trượt tuyết nhảy xa
Trượt tuyết nhảy xa (Ski-jumping) là một môn thể thao rất phổ biến ở các nước Bắc Âu, và có mặt trong danh sách các môn thi ở các kỳ Olympic mùa Đông từ lâu. Stig Inge Bjornebye cũng là một tín đồ của môn này, bởi ngoài việc là dân Na Uy, ông còn có bố là người từng dự Olympic. Nhưng ngay khi ký hợp đồng với Liverpool, Bjornebye đã buộc phải từ bỏ đam mê. Một điều khoản trong hợp đồng yêu cầu ông không được chơi Ski-jumping nữa
Du hành không gian
Trong hợp đồng mà Stefan Schwarz, cầu thủ ừng khoác áo Arsenal, Benfica, Fiorentina và Valencia, ký với Sunderland hồi năm 1999, có một điều khoản yêu cầu ông không được… du hành không gian. Vì sao lại có điều khoản kỳ lạ này? Một trong những người đại diện của Schwarz có vé tham gia các chuyến bay thương mại vào không gian, và Sunderland sợ rằng anh ta sẽ rủ rê cầu thủ của mình bay cùng.
Cấm… tất cả
Thời còn dẫn dắt Sunderland, Paolo di Canio quyết định thực thi kỷ luật triệt để. Ông cho rằng chỉ có như thế thì Mèo đen mới có thể trụ hạng thành công. Thực ra thì chuyện này cũng bình thường, chỉ là Di Canio hơi… triệt để quá, tới mức cực đoan. Danh sách cấm của ông gồm điện thoại, café, sốt mayonnaise, sốt cà chua, đồ uống có ga… Ngoài ra ông còn cấm đùa cợt, tán chuyện và… hát trong khi tắm.
Cấm ăn nấm
Không hiểu HLV Giovanni Trapattoni có thù gì với món nấm hay không, chỉ biết rằng ông luôn xem việc ăn nấm như là một trong những điều kinh khủng nhất mà người ta có thể làm. Thời còn dẫn dắt đội tuyển CH Ireland, vị HLV người Italia thú nhận ông đã “lặng người đi trong vài giây” khi thấy các cầu thủ của mình ăn nấm trước trận đấu. Và sau đó đương nhiên là món nấm bị loại bỏ khỏi thực đơn của đội tuyển CH Ireland.