Sự thật về chuyện Ronaldo chạy nhanh hơn Usain Bolt

KHÔI NGUYÊN
20:49 ngày 03-08-2021
Cristiano Ronaldo và Usain Bolt là bạn và họ ngưỡng mộ tài năng của nhau. Đấy là sự thật, nhưng thế còn chuyện Ronaldo chạy nhanh hơn Bolt? Đó là một huyền thoại được thừa nhận một cách cẩu thả bởi cánh báo chí ưa chuyện giật gân câu khách. Tuy nhiên, nó hình thành cũng không phải vô lý.

Hãy quay về năm 2014, khi mà Gareth Bale đang lao đi như một mũi tên ở mùa giải đầu tiên của anh tại Real Madrid. Bale đã chạy ở tốc độ 44 km/giờ khi anh ghi bàn thắng nổi tiếng vào lưới Barcelona trong trận chung kết Copa del Rey, nhanh hơn cả Usan Bolt - VĐV điền kinh lập kỷ lục thế giới 100 mét vào năm 2009.

Đó là một thành tích rất đáng nể đối với một cầu thủ bóng đá và không cần phải dùng quá nhiều những thông số phức tạp để mô tả nó. Không quan trọng, con số 26,8 dặm/giờ hay 44 km/giờ là tốc độ tối đa của Bale, còn của Bolt là vận tốc trung bình trên 100 mét.

Quan trọng là cả thế giới ở thời điểm đó đều nghĩ rằng Gareth Bale nhanh hơn cả Usain Bolt, dù điều đó có thể hơi ngớ ngẩn. NHM phát cuồng vì Bale, nhưng bạn có thể tưởng tượng cảm giác khó chịu của các VĐV điền kinh chuyên nghiệp, những người đã rèn luyện và thi đấu cả đời trên đường chạy lại bị coi thường bởi thành tích của một cầu thủ bóng đá.

Kelly Sotherton, người từng giành 3 HCĐ Olympic ở bộ môn phối hợp và chạy tiếp sức 400 mét cho biết: “Hầu hết những người có tư duy logic thông thường đều biết rằng đó là hai sự việc không giống nhau. Một số cầu thủ hoặc VĐV thể thao có thể chạy rất nhanh, nhưng họ không thể nhanh bằng Usain Bolt.

Những số liệu thống kê đó khiến các VĐV điền kinh cảm thấy nóng mặt. Theo cách tương tự, nếu chúng tôi khoe khoang tài nghệ với trái bóng, chắc hẳn sẽ khiến các cầu thủ không vui chút nào”.  

Pha tăng tốc kinh điển với vận tốc 44km/giờ của Gareth Bale trong trận El Clasico

Jasson Gardener, người giành HCV tại Thế vận hội 2004 trong nội dung tiếp sức 4x100m, đồng tác giả của cuốn sách mang tên Our Race (Cuộc đua của chúng ta) đồng ý: “Có thể gọi đó là báo chí vô trách nhiệm, chỉ quan tâm đến lượng người xem. Khi một cầu thủ đạt được tốc độ đáng kinh ngạc, anh ta xứng đáng được khen ngợi, nhưng đừng đem so sánh với các VĐV điền kinh".

Tất nhiên đây không phải là một sự cố cá biệt. Bạn sẽ được nghe ở nhiều điểm khác nhau về thời gian 100 mét thần thoại được quy cho những cầu thủ như Theo Walcott, hoặc thời gian dự kiến dựa trên một pha nước rút ngắn. Mỗi khi số liệu thống kê như vậy xuất hiện, giới VĐV điền kinh lại muốn chúng ta thả cầu thủ đó vào màn chung kết Olympic 100m để xem ai giành HCV.

Sotherton nói: “Tôi nghĩ rằng một số VĐV sẽ có thêm động lực để phá vỡ kỉ lục 11 giây của nội dung 100 mét. Họ tò mò muốn được chứng kiến một cầu thủ siêu nhanh như Kylian Mbappe, Erling Haaland hay Alphonso Davies bị đánh bại khi đối mặt với Trayvon Bromell ở Tokyo. 11 giây là đủ để giành huy chương vàng 100 mét.  

Kyle Walker của Man City là cầu thủ chạy nhanh nhất Premier League 2020/21

Hiện tại, thành tích tốt nhất của Bromell trước khi Thế vận hội 2020 diễn ra là 9,77. Vì vậy, nếu Sotherton đúng, nghĩa là Bromell có thể chấp các cầu thủ chạy trước 15-20 mét một cách thoải mái. Chúng ta có thể nhận ra sự khác biệt của các bộ kỹ năng giữa hai môn thể thao.

Sotherton nói thêm: “Tôi nghĩ rằng họ có thể chạy khá tốt ở cự ly 30 - 40 mét, nhưng các VĐV chạy nước rút thì vừa duy trì được tốc độ, vừa trở nên nhanh hơn, nhanh hơn nữa, điều mà cầu thủ không thể làm được. Khoảng cách sẽ bắt đầu được nới rộng ở mét thứ 50. Tôi tin là Dina Asher-Smith có thể đánh bại những cầu thủ chạy nhanh nhất thế gới ở cự ly 100 mét.

Vậy các cầu thủ có thật sự nhanh hay không? Hơi khó để định lượng, nhưng dựa vào dữ liệu từ SkillCorner, chúng ta có thể xem ai là cầu thủ có tốc độ khủng nhất ở Premier League mùa 2020/21. Chỉ số PSV-99 của SkillCorner - PSV (Peak Sprint Velocity) có nghĩa tốc độ nước rút cao nhất - là phương cách thích hợp để xác định những điều này.

Theo đó, 5 cầu thủ chạy nhanh nhất giải đấu mùa trước là Kyle Walker (32 km/h), Marcus Rashford (31,7), Callum Wilson (31,3), Adama Traore (31,2) và Ben Godfrey (30,9). Trong khi đó, tốc độ tối đa của Bolt, đạt được trong khoảng từ 60 mét đến 80 mét khi lập kỷ lục thế giới tại Giải VĐTG năm 2009 là 44,72 km/giờ.

Jonas Dodoo, một HLV chạy nước rút từng làm việc với các CLB Arsenal, Leicester, FA và WSL tiết lộ: “Nếu bạn có thể chạy trên 10,5 mét mỗi giây, bạn đang nằm trong nhóm VĐV nam hàng đầu. Nó cũng là con số mà chúng tôi nói về các VĐV nữ chạy nước rút ưu tú”.  

VĐV điền kinh Trayvon Bromell (Mỹ) chạy 100 mét hết 9 giây 77, có nghĩa anh sẵn sàng chấp các cầu thủ chạy trước 30 mét ở đường đua 100 mét

Tất cả những điều này không nhằm chỉ trích các cầu thủ bóng đá. Việc của họ không phải là nhanh như Usain Bolt, Trayvon Bromell hay bất kỳ VĐV chạy nước rút chuyên nghiệp nào của Olympic, bởi vì bộ kỹ năng của họ rất khác nhau.

VĐV chạy nước rút 100 mét một lần rồi được nghỉ ngơi. Các cầu thủ bóng đá chạy nước rút ở cự ly hiếm khi dài hơn 30 mét, chạy nhiều lần trong một trận đấu và nếu may mắn thì họ sẽ được đi bộ nhẹ nhàng để xả hơi trước khi phải tăng tốc một lần nữa.

Gardener nói: “Sự khác biệt giữa bóng đá và điền kinh chuyên nghiệp là ở nhu cầu về hiệu suất. Một cầu thủ cần phải bứt thật nhanh ở cự ly 10, 20 hay 30 mét. Các bài tập của họ sẽ rất khác vì các VĐV di chuyển trên một đường thẳng, còn các cầu thủ phải nhanh nhẹn để di chuyển sang cả hai bên hay xoay người, dừng lại rồi chạy tiếp. Họ lặp đi lặp lại những pha chạy nước rút ở tốc độ cao”.

Tony Clarke là một HLV chạy nước rút, người đã từng làm việc với Phil Foden và Conor Coady, cho biết thêm một số đặc điểm trong quá trình đào tạo: “Các cầu thủ sẽ phải chạy nước rút 10 mét sau đó giảm tốc hoàn toàn, dừng lại và sau đó rẽ sang hướng khác. Những VĐV chạy 100 mét không phải tập như vậy”.

Kỹ năng và sự linh hoạt cần thiết để làm được điều đó rõ ràng là một thứ kỷ luật hoàn toàn khác, và đương nhiên, sẽ làm mất đi sức mạnh mà một VĐV chạy cự ly 100 mét có thể tập trung.  

VĐV huyền thoại Usain Bolt vô đối trên các đường chạy nước rút nên anh rất tự ái khi bị chê chạy kém cầu thủ

Một minh họa cho điều này xuất hiện cách đây vài năm khi Cristiano Ronaldo chạy nước rút với VĐV điền kinh chuyên nghiệp Angel David Rodriguez. Có hai cuộc đua: một đường chạy thẳng 30 mét, và một đường chạy zig-zag có khoảng cách tương tự. Ở lần so tài thứ nhất, Rodriguez về đích trước 0,3 giây, còn ở đường chạy zig-zag, Ronaldo chiến thắng với chênh lệch nửa giây.

Thật thú vị khi nhìn kỹ thuật chạy zig-zag của Ronaldo. Anh gần như sẽ nhảy vào các ngã rẽ cả bằng hai chân, sử dụng chân bên trong để phanh và chân bên ngoài để giậm nhảy, trong khi Rodriguez thì chạy vào các ngã rẽ và dùng cả hai chân để giậm nhảy.

Điều này phù hợp với những gì mà Clarke đề cập: “Nếu tôi đang chạy nước rút trên một đường thẳng trong 10 mét và phải dừng lại và sau đó rẽ hẳn sang trái, tôi phải sử dụng một chân để lấy đà và bàn chân đó có thể phải chịu tải trọng cơ thể gấp năm lần.

Do đó, tôi phải xem xét khối lượng tải qua cơ 4 đầu, cơ mông, gân kheo. Một cầu thủ bóng đá sẽ cần phải hoạt động trên các nhóm cơ khác nhau bằng cách sử dụng các bài tập plyometric - các bài tập sử dụng nhiều lực để xây dựng cơ bắp - với các động tác như bước nhảy, ngồi xổm và lắc lư”.

Liệu một cầu thủ bóng đá thực sự nhanh có thể trở thành một VĐV chạy nước rút đẳng cấp? Adam Gemili đã làm được điều này: anh từng khoác áo Chelsea khi còn là một cầu thủ trẻ, và sau đó là Dagenham và Redbridge. Nhưng anh đã bỏ bóng đá vào năm 2012 để theo đuổi điền kinh chuyên nghiệp. Anh đã giành được danh hiệu 200 mét châu Âu vào năm 2014 và là một phần của đội tiếp sức 4x100 mét chiến thắng tại giải VĐTG 2017.

Bolt ngưỡng mộ Ronaldo ở khả năng chơi bóng chứ không phải chạy nước rút

Hãy nghiên cứu Ro-Shaun Williams, cầu thủ đã ký hợp đồng với Doncaster Rovers vào mùa Hè này. Anh đã trải qua hệ thống trẻ của Man United, nhưng khi mới 15 tuổi đã phá kỷ lục chạy 100 mét của Darren Campbell. Điều gì sẽ xảy ra nếu Williams, ở tuổi 22, đột nhiên quyết định muốn trở thành một VĐV điền kinh? Anh có thể làm được không?

Sotherton không chắc chắn: “Có lẽ được đấy. Tôi nghĩ rằng khi có nền tảng thể lực tốt, nếu họ tiếp xúc với điền kinh trước 16 tuổi thì điều đó sẽ dễ dàng hơn. Còn nếu muộn hơn thì cơ hội gần như bằng không”.

Dodoo lạc quan hơn một chút. “Bạn có thời gian không? Bạn muốn chạy nhanh, thật nhanh. Và nếu bạn dành khoảng hai đến ba năm để làm cho hệ thống cơ bắp và gân thích nghi với việc tập luyện để chạy trên mặt sân cứng thì câu trả lời là vẫn có thể.

Các cầu thủ có thể làm tốt hơn công việc của mình nếu biết cách bung sức đúng lúc và đảm bảo tư thế phù hợp. Đặc biệt, nếu họ có cặp chân dài và đến từ các khoá đào tạo bóng đá bài bản thì khả năng chạy của họ sẽ được nâng cao hơn nhiều. Vấn đề lớn nhất có thể không thực sự là vật lý.

Sự khác biệt trong một cuộc đua 100 mét là sự cạnh tranh. Cần phải thật sự bình tĩnh để chạy cuộc đua của riêng bạn - đó là một kỹ năng tự thân. Thực hành điều đó bên cạnh ai đó là điều mà các VĐV chạy nước rút đã làm từ khi còn nhỏ. Dù sao thì có lẽ chúng ta cũng đang so sánh sai”.

Cuộc đua giữa Bolt và Ronaldo trước đây cũng mang tính giải trí chứ không phải thi đấu

Do bộ kỹ năng hiện có của họ, các cầu thủ có thể sẽ phù hợp hơn với chạy 400 mét hoặc thậm chí chạy cự ly trung bình, với thể hình tương đồng, đòi hỏi cả tốc độ và sức bền, sự linh hoạt và khả năng thay đổi tốc độ nhanh chóng. Gardener nói: “VĐV chạy cự ly 400 mét có các bài tập chuyên biệt để loại bỏ axit lactic nhưng cũng tạo ra sức mạnh bùng nổ và tốc độ để cạnh tranh”.

Thật vậy, một vài năm trước, Sport England đã nỗ lực tìm kiếm những cầu thủ trẻ nhanh nhẹn nhất với ý định biến họ thành những VĐV chạy cự ly 400 hoặc 800 mét. Dodoo nói: “Họ nhận thấy rằng cự ly 400 và 800 mét phù hợp hơn với các cầu thủ bóng đá vì chúng có nhịp điệu và tiết tấu”.

Sotherton kết luận: “Chỉ có một cách để giải quyết vấn đề này. Nào, các bạn hãy cùng tham gia một cuộc đua. Ý tôi là, tại sao điều này không xảy ra? Chúng ta nên tổ chức các môn thể thao đồng đội để thành lập một team chạy tiếp sức gồm các cầu thủ bóng đá thi đấu với các VĐV chạy nước rút chuyên nghiệp. Chỉ có thế mới chấm dứt được các cuộc tranh cãi”.

Sử dụng tiếng Việt có dấu. Ký tự còn lại 500.

* Đăng nhập hoặc Đăng ký tài khoản để
bình luận và chia sẻ nhanh hơn

TT
Đội bóng
Trận
+/-
Điểm
1
32
+44
73
2
32
+49
71
3
32
+41
71
4
33
+19
63
5
32
+16
60
6
32
+17
50
7
32
-1
50
8
33
-6
48
9
31
+9
47
10
32
+2
44
11
32
-5
43
12
33
-2
42
13
32
-10
42
14
33
-11
32
15
32
-18
31
16
33
-16
26
17
33
-24
25
18
32
-16
23
19
33
-35
20
20
32
-53
17

Thông tin Toà soạn

Tạp chí Điện tử Bóng Đá

Tổng biên tập:
Nguyễn Tùng Điển
Phó Tổng biên tập:
Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn

Địa chỉ liên hệ

Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội

Tel: (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
Fax: (84.24) 3553 9898
Email: toasoan@bongdaplus.vn | vanphong@bongdaplus.vn
 

Liên hệ Quảng cáo

Hotline: 0903 203 412
Email: quangcao@bongdaplus.vn

x