“Doanh thu phòng vé” cao nhất lịch sử
World Cup được tổ chức tại Mỹ? Thật là một trò hề, giống như đem trượt tuyết đến châu Phi hoặc mang bóng chuyền bãi biển tới một quốc gia nội lục vậy. Mỹ không phải cường quốc bóng đá. Tệ hơn, dân xứ này cũng chẳng đam mê gì trái bóng tròn và trước khi World Cup bắt đầu, người ta đã mường tượng về những khán đài trống vắng thường trực.
Để nhấn mạnh thêm sự lố bịch, trong ngày khai mạc của giải đấu, diva đình đám Diana Ross đã sút hỏng quả penalty ở khoảng cách chỉ 5m. Mặc kệ, cầu môn vẫn vỡ làm đôi theo kịch bản định sẵn. Trận mở màn Đức - Bolivia cũng không quá đặc sắc khi chỉ có 1 pha lập công duy nhất. Và đây như một sự kéo dài của World Cup 1990, giải đấu buồn tẻ với quá ít bàn thắng được ghi.
Nhưng, Hollywood mà. Điều hay ho nhất không bao giờ xuất hiện ngay lập tức. Và quả thực, những gì diễn ra sau đó đủ khiến tất cả phải choáng ngợp.
Trái với sự đoán, tổng số 3,6 triệu người hâm mộ đã lấp đầy 9 sân vận động rộng lớn trong cả 52 trận đấu, thiết lập kỷ lục vô tiền khoáng hậu trung bình 68.991 khán giả mỗi trận. Tuyệt vời hơn, họ không chỉ vào sân để uống coca và ăn khoai tây chiên, mà được chứng kiến sự hồi sinh của bóng đá tấn công.
Có thể nhờ vào những quy tắc mới được áp dụng, như cấm thủ môn bắt bóng khi nhận đường chuyền từ đồng đội hoặc mỗi trận thắng sẽ có giá trị 3 điểm thay vì 2, tâm lý sợ thua và tập trung phòng thủ đã biến mất. Các đội ra sân với khát khao giành chiến thắng. Họ tấn công nhiều hơn và ghi bàn nhiều hơn.
Trong bầu không khí đầy phấn khích, đến một ông già 42 tuổi Roger Milla cũng có bàn thắng để ghi tên mình vào lịch sử với tư cách cầu thủ cao tuổi nhất World Cup ghi bàn, hoặc chàng tiền đạo mới 1 lần khoác áo tuyển Nga trước World Cup đã lập kỷ lục khác với 5 bàn vào lưới Cameroon. Kết quả là chỉ có 3 trận hòa không bàn thắng, và tổng cộng 141 bàn được tạo ra, trung bình 2,71 bàn/trận, vượt xa con số nghèo nàn 2,21 bàn của World Cup 1990.
Cũng vì tinh thần không sợ hãi, rất nhiều câu chuyện cổ tích đã được tạo ra. Ví dụ như Saudi Arabia lần đầu tiên vượt qua vòng bảng, hay một Bulgaria quả cảm đã đánh bại cả Argentina và Đức, hai đội chơi trận chung kết năm 1990, để ghi danh ở bán kết.
Những yếu tố tạo nên “bom tấn”
Vì các bộ phim ăn khách của Hollywood cần phải có những siêu anh hùng, nên không thiếu những ngôi sao vĩ đại bước ra. Đó là “Maradona của vùng Karpat” Gheorghe Hagi đã giúp Romania quật ngã gã khổng lồ Argentina, trong bối cảnh không còn Diego Maradona sau khi “Cậu bé vàng” dương tính với chất kích thích, một sự kiện khiến World Cup rúng động.
Đó cũng là Hristo Stoichkov, người dẫn đường trong hành trình làm nên kỳ tích của Bulgaria, là Romario với phong độ làm bàn đáng kinh ngạc và đóng vai trò chính trên hàng công Brazil, là Carlos Dunga với sức mạnh và kỷ luật để biến Selecao thành nhà vô địch.
Cuối cùng, phải kể đến Roberto Baggio, người khiến người hâm mộ liên tưởng tới Maradona ở World Cup 1986 khi một mình đưa Italia vào tới trận chung kết. Mỗi bước chạy của “Tóc đuôi ngựa thần thánh” đều làm tất cả say mê. Trong buổi chiều tháng 7 rực rỡ ánh nắng ở California, Baggio được dự kiến gia nhập đội ngũ huyền thoại bất tử của World Cup.
Nhưng than ôi, một bộ phim Hollywood luôn khó đoán. Và Baggio từ một người hùng biến thành tội đồ bị nguyền rủa trong trận chung kết với Brazil. Ở loạt luân lưu 11m, thay vì hoàn thành cú penalty như vẫn luôn làm vậy trong sự nghiệp, anh lại đá vọt xà ngang. Baggio tay chống nạnh, cúi đầu trong khi các cầu thủ Brazil nhảy nhót ăn mừng là một trong những hình ảnh mang tính biểu tượng nhất lịch sử World Cup.
Mở màn bằng cú sút penalty hỏng ăn của một diva, kết thúc, vẫn là quả penalty hỏng ăn, của “một divo người Italia”, kèm theo đó là giọt nước mắt của Italia, cái chết của hậu vệ người Colombia, Andres Escobar sau khi nhận 6 viên đạn vì bàn phản lưới ở trận gặp Mỹ, vết nhơ không bao giờ có thể tẩy rửa của Cậu bé vàng Maradona hay Stefan Effenberg của Đức bị đuổi khỏi đội vì giơ ngón tay thối với khán giả, chỉ có Hollywood mới nghĩ ra kịch bản hấp dẫn và điên rồ đến vậy.
World Cup 1994 và những sự khởi đầu Mỹ không có giải bóng đá chuyên nghiệp từ năm 1984. Nhờ World Cup, Giải Nhà nghề Mỹ MLS được thành lập năm 1993 và chính thức khởi tranh vào năm 1996 với 10 đội. Sau hơn hai thập kỷ, nó đã thành 23 đội cùng với sự gia tăng về danh tiếng và sự hấp dẫn. Tổng quan về World Cup 1994 |
XEM THÊM
Sư phụ đích thực của Ronaldo là ai?