Hai người đàn ông mà tôi đưa vào trong cùng một tít báo này cùng sinh một năm (Arsene Wenger sinh tháng 10/1949, còn Alfred Riedl sinh tháng 11/1949) và cùng có thời gian gắn bó với bóng đá châu Á tuy dài ngắn khác nhau.
Một người tôi được gặp rất nhiều lần, một người tôi chưa từng gặp. Nhưng theo những hiểu biết của tôi, họ giống nhau đến kỳ lạ. Họ đều xứng đáng với danh xưng "Giáo sư" bởi sự lịch lãm, tính thẳng thắn và khả năng cầm quân tuyệt vời của mình.
Điểm chung nhất của bộ đôi HLV này là đức tính "thắng không kiêu, bại không nản", là sự dũng cảm trước báo giới, sẵn sàng chịu trách nhiệm khi đội nhà thi đấu không thành công nhưng lại nhường các học trò nhận vinh quang khi đội nhà giành chiến thắng.
Alfred Riedl còn sẵn sàng từ chức HLV nếu cảm thấy mình không còn phù hợp với đội bóng đang dẫn dắt, sẵn sàng ra đi mà không có những đòi hỏi khiến những người ở lại khó xử.
Với Alfred Riedl, tôi đã được làm việc cùng rất nhiều lần. Lần nào cũng để lại trong tôi những ấn tượng khó quên. Chiến lược gia này luôn là người đúng hẹn, không quá vồn vã nhưng cũng không hề lạnh lùng.
Từ con người ông, luôn toát lên sự lịch thiệp, tính chuyên nghiệp trong công việc, dù đó có thể chỉ là một cuộc trả lời phỏng vấn thông thường.
Nhà cầm quân người Áo này luôn dùng những từ ngữ chuẩn mực về các cầu thủ của ông, các đồng nghiệp, các quan chức bóng đá và cả một nền bóng đá. Ông không hề ca tụng ai quá lời, cũng chẳng trách móc ai một cách quá nặng nề.
Còn nhớ, trong một lần trả lời phỏng vấn của tôi về ĐT Việt Nam, ông đã nói một câu để tôi giật tít rất ấn tượng "Công Minh chỉ có một, Hồng Sơn không có hai"!
Và trong một lần khác, ông kể với tôi một cách khôi hài về bài viết của đồng nghiệp bên báo bạn: "Hôm qua, tôi gặp anh ta ở sân tập, chỉ 'Say hello' với nhau mà hôm nay có bài 600 chữ, Bảo à".
Thời Alfred Riedl làm thuyền trưởng ở đội tuyển quốc gia, bóng đá Việt Nam còn có một vị chuyên gia nước ngoài khác. Đó là ông Rainer Willfeld người Đức. Sang Việt Nam không cùng lúc nhưng hai ông nhanh chóng trở thành cặp bài trùng ăn ý.
Đến từ một nền bóng đá hàng đầu của thế giới và châu Âu, Rainer Willfeld là giáo viên bóng đá thực sự nên có lý thuyết về chuyên môn bóng đá cực kỳ sâu rộng, thường đứng lớp dạy các HLV hoặc các nhà quản lý bóng đá.
Khi đến Việt Nam, Rainer Willfeld cũng thường tháp tùng các đội tuyển, có những quan sát, nghiên cứu các đối thủ để tư vấn cho các BHL ở nhiều giải đấu khu vực và quốc tế.
Khi ĐT Việt Nam thi đấu thành công, Alfred Riedl luôn nói lời cảm ơn đến "ông bạn già của tôi". Nhà cầm quân người Áo thường kể, hai ông nhiều lần ngồi đàm đạo với nhau đến quá nửa đêm và họ thường bàn bạc với nhau rất nhiều trước mỗi trận đấu của ĐT Việt Nam.
Với các đồng nghiệp và cộng sự người Việt Nam trong BHL, Alfred Riedl cũng rất thân thiện, hợp tác nhiệt tình và có những chỉ bảo quý giá. Ông đặc biệt ưu ái các trợ lý ngôn ngữ, bởi ông hiểu rằng, chính họ mới truyền đạt được những ý tưởng của HLV đến các cầu thủ.
Hai năm làm trợ lý ngôn ngữ cho Alfred Riedl, ông Phan Anh Tú có những nhận xét khá tỉ mỉ và chuẩn xác về "sếp cũ" của mình: "Không ngoa khi nói Alfred Riedl chính là người có công rất lớn trong việc đưa tính chuyên nghiệp vào bóng đá Việt Nam nói chung, vào các đội tuyển nói riêng.
Ông luôn yêu cầu các học trò nghiêm túc, chuẩn chỉ trong việc chuẩn bị quần áo, giày dép ngay trong các buổi tập. Ông cũng đề nghị cấm các cầu thủ tự giặt quần áo như trước đây bởi điều đó ảnh hưởng đến thời gian sinh hoạt, nghỉ ngơi của họ, làm thể lực suy giảm khi tập luyện và thi đấu.
Alfred Riedl là một HLV thiên về thực tiễn và thực dụng, nhưng ông cũng rất giỏi trong nắm bắt tâm lý của các học trò. Ông phản đối việc cho các cầu thủ tập thể lực ngoài đường, tập thể lực theo kiểu tăng cường cơ bắp một cách nhàm chán mà thay bằng các bài tập thể lực vẫn có thể có bóng.
Nhìn chung, đó là một HLV cực kỳ tâm huyết và có chuyên môn rất cao. Ông cũng sống rất tình cảm. Khi chúng tôi không còn làm việc với nhau, mỗi lần sang Việt Nam, ông đều gọi điện hoặc rủ đi uống bia để hỏi thăm tình hình. Chúng tôi rất kính trọng ông!".
Thời gian ở Việt Nam khá nhiều khiến ông và bà vợ Jolanda cảm thấy rất gắn bó với đất nước này. Không ít lần ông bảo: "Đây chắc chắn là quê hương thứ hai của vợ chồng tôi!".
Vợ ông rất thích các món ăn Việt Nam, mỗi lần về Áo, bà đều mang theo những kỷ vật mua được ở khắp dải đất hình chữ S. Bà Jolanda mặc áo dài cũng rất hợp và đẹp. Cuối tuần, ông bà thường rủ vợ chồng ông Rainer Willfeld cùng đi cafe ở phố cổ Hà Nội.
Alfred Riedl cũng thích uống bia, nhưng uống không nhiều. Phong thái của ông khi uống cũng rất "quý tộc". Ông rất ngạc nhiên khi người Việt cứ rót cho nhau liên tục dù cốc vẫn còn gần đầy.
Có lần ông bảo một CĐV "cao cấp" mến mộ mình: "Bia Hà Nội ngon lắm, nhưng để tôi uống hết rồi hãy rót tiếp chứ! Cứ đầy tràn thế này làm sao tôi đưa lên miệng được?".
Khi mọi người hỏi về danh hiệu "Vua về nhì với bóng đá Việt Nam", ông cười buồn và trả lời: "Chúng ta muốn nhất lắm chứ, nhưng đối thủ mạnh và giỏi hơn nên ĐT Việt Nam lực bất tòng tâm".
Biết người, biết ta cũng là đức tính đáng quý ở ông. Còn nhớ, trong một buổi tập của ĐT Việt Nam tại trung tâm Nhổn, Alfred Riedl và ông Lê Thế Thọ (cựu danh thủ, lúc đó là Tổng thư ký VFF) rủ nhau thi đá phạt thị phạm cho các học trò.
Hai ông đứng trước vòng 16m50 và thi đá vào xà ngang của khung thành. Mỗi người đá 5 quả và đều thành công. Các tuyển thủ vỗ tay rầm rầm. Riedl bắt tay ông Thọ và nói vui: "Ông đá tuyệt vời, tôi thua. Tôi lại về nhì rồi!".
Bản tính khiêm tốn và thẳng thắn của Alfred Riedl nhận được sự nể trọng của rất nhiều người hâm mộ Việt Nam. Và khi ông ra đi mãi mãi, trong người ông vẫn có một quả thận do một CĐV Việt Nam hiến tặng. Ông xứng đáng được công nhận là "Công dân danh dự" của mảnh đất hình chữ S này!
XEM THÊM
'Con nuôi' HLV Riedl bất ngờ về sự ra đi vĩnh viễn của người thầy