Như Bongdaplus chia sẻ, tiền vệ Phạm Thành Lương đã nói lời chia tay sự nghiệp quần đùi áo số. Tất nhiên, phía trước mắt anh vẫn là bóng đá, nhưng ở trên cương vị cầm quân. Nhìn lại một sự nghiệp lẫy lừng, Thành Lương để lại bộ sưu tập thành tích đồ sộ mà bất cứ cầu thủ nào cũng phải thèm thuồng. Tuy nhiên, điểm khởi đầu của sự nghiệp của cầu thủ này có rất nhiều những chi tiết mà không phải ai cũng biết.
Cha, anh & giọt nước mắt sân làng
Huyện Ứng Hoà sản sinh ra những cầu thủ bóng đá phủi lừng danh ở tỉnh Hà Tây cũ nay thuộc Hà Nội và làng Phù Lưu Dầu luôn đứng đầu vì tình yêu bóng đá. 50 năm trước, bố Thành Lương luôn đứng vị trí số 1, người nhỏ nhưng vô cùng khéo. Nghỉ bóng đá, ông cống hiến cho làng 4 cậu con trai đá bóng rất hay, với niềm đam mê rất lớn, đương nhiên, dị nhất phải là Thành Lương và đặc biệt là cái sân vận động.
Anh trai của Thành Lương kể rằng đám thanh niên trong làng muốn xây dựng một sân vận động và thuyết phục cán bộ, người dân địa phương dẹp cả một khoảnh ruộng. Cả làng đi cuốc đất, san nền và thiết kế ra cái sân. Thuở ban đầu, sân vận động chỉ có mỗi mặt sân, không có cả cột gôn, bố Thành Lương phải sang nhà hàng xóm xin cây cau chết để làm cột dọc. Ông hàng xóm thách: "Nếu ông vác được 2 cây ra tới sân, tôi sẽ cho ông cả 4 cây" và cuối cùng, bố Thành Lương mang cả 4 cây cau ra sân làm cột gôn cho đám trẻ chơi bóng.
Thành Lương là cầu thủ tốt tính và rất vui tính
Nếu không có tình yêu bóng đá từ cấp làng xã, nếu không có gen bóng đá của người cha chơi bóng rất cừ, nếu không có cái sân vận động xây trên sân ruộng, có lẽ, vẫn có Thành Lương nhưng là một Lương dị vô danh. Những ngày đầu tiên, Thành Lương chơi bóng hay nhưng là "trẻ con" nên toàn phải đá dự bị và chỉ vào sân trong mấy phút cuối trận. Những lúc như thế, Thành Lương toàn ngồi khóc và quyết tâm chiếm suất chính. Chỉ trong thời gian ngắn, Lương trở thành trụ cột của đội xóm và bây giờ, mỗi lần đi thi đấu, nhất là trên sân khách, cả làng đi theo, cổ vũ là chính nhưng bảo vệ cậu bé chơi bóng, làm nhức mắt đối thủ là chủ yếu.
Bầu Hiển, bầu Kiên & hợp đồng 500 nghìn
Nhận được lời giới thiệu, HLV Lê Tuấn Long, lúc đó đang làm công tác đào tạo trẻ ở HN.ACB, cho Thành Lương một cơ hội để xem giò xem cẳng và ngay lập tức, Lương "dị" ghi điểm. "Ngay sau khi xem Thành Lương thi đấu, tôi đã gọi cho bầu Kiên bảo rằng cầu thủ này hay lắm, người nhỏ nhưng có võ, chơi bóng rất thông minh, rất quái dị và đặc biệt là sáng tạo. Tôi đề nghị ký hợp đồng ngay, hợp đồng vĩnh viễn thì càng tốt. Lúc đó, giá trị bản hợp đồng của Thành Lương là 500 nghìn đồng", HLV Lê Tuấn Long - người thầy đầu tiên, ân nhân của Thành Lương - tâm sự.
Hài hước mọi nơi, mọi lúc, mọi bối cảnh, mọi tình huống
Tuy nhiên, trước khi về với bầu Kiên, Thành Lương là cầu thủ của... Bầu Hiển. Chính Bầu Hiển tiết lộ rằng hồi tập đoàn T&T mới kinh doanh xe máy, có rất nhiều nhà xưởng để lắp ráp linh kiện và anh em Thành Lương đến đây để làm việc, đầu tiên là bốc vác. Bầu Hiển rất ấn tượng với một cầu thủ thân hình nhỏ bé, chân thấp, chân cao, đá bóng rất dị. Bẵng đi vài năm, bầu Hiển bật TV và ngỡ ngàng khi thấy cậu cầu thủ gày gò từng tung hoành ở những giải bóng phủi do ông tổ chức đang là nhân vật chính. Về sau, khi làm bóng đá chuyên nghiệp, bầu Hiển đặt ra mục tiêu lấy lại Thành Lương bằng được.
Cả nước tôn vinh đẳng cấp, những pha đi bóng như thôi miên, những bàn thắng siêu dị hay bộ sưu tập đồ sộ danh hiệu của Thành Lương. NHM biết tư cách mẫu mực, tính cách rất thảo và vui tính của Lương dị. Hôm nay, chúng ta biết thêm những điều về Thành Lương trong giai đoạn đầu khởi nghiệp của một trong những cầu thủ đương đại được yêu mến nhất, được tôn trọng nhất Việt Nam.