HLV Solskjaer thu được gì từ chuyến 'do thám Barca?

Việt Cường
05:46 ngày 09-04-2019
Thứ Bảy vừa rồi, HLV Ole Gunnar Solskjaer và đội ngũ trợ lý của ông đã tới Nou Camp theo dõi trận đấu giữa Barca với Atletico Madrid, mục đích không gì khác là tìm hiểu lối chơi của đội bóng dưới quyền HLV Ernesto Valverde nhằm chuẩn bị cho trận đấu đêm mai. Câu hỏi là, ông có thể rút ra được những kết luận nào?
HLV Solskjaer thu được gì từ chuyến 'do thám Barca?
Thực ra đấy là câu hỏi không ai có thể trả lời một cách xác đáng. Những gì Solskjaer phát hiện được từ trận đấu ở Nou Camp chỉ có ông và cùng lắm là thêm các vị trợ lý của ông biết. Nhưng tại sao phải quan tâm Solskjaer nghĩ gì? Tại sao chúng ta không tự đặt mình vào vị trí của ông, và thử xem, từ những quan sát về trận đấu ở Nou Camp, chúng ta có thể trả lời những câu hỏi như Barca tấn công thế nào, phòng ngự ra sao, đâu là những vũ khí nguy hiểm nhất của họ, liệu trong bộ áo giáp của họ có kẽ hở nào không…?

Sơ đồ
Trước hết là câu hỏi về sơ đồ. Nhiều người nói rằng sơ đồ là “thứ vớ vẩn nhất trên đời” bởi vì trong một trận đấu vận động không ngừng, không đội nào có thể xếp thành sơ đồ 4-3-3 hay 4-4-2 một cách tuyệt đối cả. Nhưng cũng không hẳn như thế. Nếu so đội bóng với một công trình thì sơ đồ giống như bộ khung mà từ đó các kiến trúc sư sẽ đắp thêm cái này cái kia để tạo thành một sản phẩm như ý. Bộ khung mà yếu thì công trình sẽ thiếu ổn định, thậm chí có thể đổ sụp bất cứ lúc nào. Nếu Guardiola xem sơ đồ là thứ vớ vẩn, thì tại sao ông lại phải đau đầu lựa chọn giữa 4-3-3, 4-2-3-1 hay 3-4-3?

Barca (áo sẫm) triển khai bóng với sơ đồ 3-4-3, Busquets lùi xuống chơi như trung vệ còn hai hậu vệ biên đẩy cao
Barca (áo sẫm) triển khai bóng với sơ đồ 3-4-3, Busquets lùi xuống chơi như trung vệ còn hai hậu vệ biên đẩy cao

Có thể thấy rất rõ tầm quan trọng của các sơ đồ trong cách Barca vận hành hiện nay. Trên giấy tờ, họ thường xuất phát với 4-3-3, là sơ đồ về lý thuyết là phục vụ tốt nhất cho ý đồ kiểm soát bóng. Nhưng thực tế thì khi vào trận, Barca liên tục thay đổi cho phù hợp với từng thời điểm và mục đích khác nhau. Khi triển khai bóng, nhất là trước các đội chơi 4-4-2, họ thường dùng 3-4-3: Sergio Busquets sẽ lùi xuống hỗ trợ hai trung vệ triển khai bóng, hai hậu vệ biên dâng cao ngang hàng với các tiền vệ trung tâm, và phía trên là ba tiền đạo.

Còn khi phòng ngự thì một tiền đạo, ở trận gặp Atletico là Coutinho, sẽ lùi xuống, và Barca chuyển sang 4-4-2 giăng ngang. 4-4-2 giăng ngang được cho là sơ đồ phòng ngự cơ bản nhất, vì các đội bóng chơi với “bộ khung” này sẽ có ba tuyến phòng ngự rõ ràng, và khoảng cách giữa các tuyến cũng như các vị trí trong tuyến là không quá lớn, ngoài ra các vị trí không dễ bị xô lệch, do di chuyển đồng bộ trong sơ đồ 4-4-2 là bài tập gần như cơ bản mà mọi cầu thủ đều được học trong ít nhất một giai đoạn nào đó.

Barca tấn công ra sao?
Đấy thực ra là một câu hỏi quá rộng. Tùy từng đối thủ và từng thời điểm, HLV Valverde lại cho đội bóng của mình triển khai những bài tấn công khác nhau. Nhưng cơ bản, ít ra là từ những quan sát mà chúng ta có được từ trận Barca thắng Atletico, thì họ có hai bài tấn công chính. Và cả hai bài, không có gì đáng ngạc nhiên, đều có sự tham gia tích cực của Messi. Trong bài đầu tiên, Messi sẽ cầm bóng thu hút cầu thủ đối phương, trước khi xẻ chéo sân cho hậu vệ trái Jordi Alba băng lên. Bài thứ hai, vẫn là Messi cầm bóng, nhưng anh sẽ đập nhả với Suarez, rồi dứt điểm, hoặc chọc khe cho một cầu thủ khác, hoặc cho chính Suarez.

Barca (áo sẫm) phòng ngự với 4-4-2, Coutinho và Rakitic chơi như hai tiền vệ cánh
Barca (áo sẫm) phòng ngự với 4-4-2, Coutinho và Rakitic chơi như hai tiền vệ cánh

Tất nhiên, Barca vẫn còn nhiều bài tấn công khác, do kiểm soát được khu vực trung lộ và hành lang trong. Ví dụ bên cánh trái, Coutinho có thể nhận bóng từ hành lang trong, thu hút hậu vệ đối phương, rồi chuyền xuống cho Alba. Hoặc anh cũng có thể nhận bóng ở sát đường biên và phối hợp với Alba lúc này đã di chuyển ở hành lang trong như một tiền vệ công. Hay những pha âm thầm xâm nhập vòng cấm theo kiểu “bóng ma” của Ivan Rakitic. Nhưng tựu trung lại, nguy cơ lớn nhất với hàng thủ Man United vẫn chỉ có thể là Messi. Anh có thể vật vờ trong phần lớn thời gian Barca triển khai bóng, nhưng khi khoảng trống và thời cơ xuất hiện, thì đùng một cái, anh trở thành mối đe dọa đáng sợ.

Messi nhận bóng ở một cánh, và chuyền sang cánh đối diện cho Alba băng xuống
Messi nhận bóng ở một cánh, và chuyền sang cánh đối diện cho Alba băng xuống

Messi còn là nhân tố quyết định trong bài chuyển trạng thái nhanh của Barca. Dưới thời HLV Valverde, Barca không kiểm soát bóng bằng mọi giá. Đầu hiệp 1 trận gặp Atletico chẳng hạn, họ chỉ kiểm soát 44% thời lượng bóng lăn. Mục đích là để lôi kéo đội hình của đối thủ lên cao. Mục đích tối thượng là để có thể phản công qua Messi. Cầu thủ Argentina là người duy nhất không cần phải nhúc nhích chân tay khi Barca phòng ngự. Nhưng khi Barca cướp được bóng, các tiền vệ sẽ lập tức chuyền lên cho anh, lúc ấy đã bật sang chế độ “quái vật”. Trận gặp Atletico, ít nhất hai lần Messi đặt đồng đội vào thế ghi bàn với những pha phản công do anh khởi xướng.

Barca phòng ngự thế nào?
Về cơ bản, Barca phòng ngự với sơ đồ 4-4-2. Hai tiền đạo Suarez và Messi sẽ là tuyến phòng ngự đầu tiên, nhưng chủ yếu chỉ để điều hướng, chứ ít khi gây sức ép thật sự. Người được sử dụng ở vị trí tiền đạo còn lại (Coutinho, Malcom hay Dembele) sẽ lùi về, hợp với Busquets, Arthur và Rakitic tạo thành tuyến phòng ngự thứ hai, ngay phía trên bộ tứ vệ. Như đã nói, cách phòng ngự này khiến Barca rất khó bị đánh bại, do khoảng cách giữa các tuyến và các vị trí là khá hẹp.

Một pha phản công của Atletico trước Barca (áo sẫm): Griezmann giữ bóng trước sức ép của Lenglet và chuyền sang cho Saul băng lên khi trước mặt chỉ còn Pique
Một pha phản công của Atletico trước Barca (áo sẫm): Griezmann giữ bóng trước sức ép của Lenglet và chuyền sang cho Saul băng lên khi trước mặt chỉ còn Pique

Tuy nhiên ở thời điểm hiện tại, Man United có lẽ không cần phải bận tâm quá nhiều tới việc làm sao khoan thủng được hệ thống 4-4-2 của Barca, vì họ khó mà đẩy được đối thủ vào trạng thái phòng ngự ổn định như thế. Điều Man United cần làm và có thể làm là cố gắng tìm kiếm những lỗ hổng trong hệ thống của Barca khi họ dâng cao. Tin vui là những khoảng trống ấy không thiếu. Barca mùa này phòng ngự chống phản công khá tệ. Mới đây, họ còn bị Villarreal ghi tới 4 bàn, đa phần từ các tình huống phản công. Atletico vừa rồi cũng có không ít cơ hội từ những pha phản công nhanh, ngay cả trong thế thiếu người.

Mấu chốt để khai thác được lỗ hổng ấy là tiền đạo phải giữ được bóng. Khi Barca hoàn toàn chuyển sang trạng thái tấn công, họ chỉ có hai trung vệ đứng ở gần vạch giữa sân. Khi mất bóng, và đối phương chuyền được lên cho tiền đạo, một trong hai trung vệ sẽ ập vào, còn người còn lại lùi xuống. Nếu tiền đạo kia, Rashford chẳng hạn, giữ được bóng đủ lâu thì anh có thể chuyền sang hai bên cho các đồng đội của mình. Hai hậu vệ cánh của Barca lúc đó đã dâng cao, mà các tiền vệ trung tâm của họ đều không đủ nhanh để có thể lùi về được ngay, nên khoảng trống sẽ rất nhiều.
Tuy nhiên, nghe thì rất hấp dẫn, nhưng thực tế là những tình huống như thế chỉ xuất hiện một hoặc hai lần trong trận. Các cầu thủ M.U, do đó, phải thật sự sẵn sàng khi cơ hội đến…
Sử dụng tiếng Việt có dấu. Ký tự còn lại 500.

* Đăng nhập hoặc Đăng ký tài khoản để
bình luận và chia sẻ nhanh hơn

TT
Đội bóng
Trận
+/-
Điểm
1
34
+56
77
2
33
+48
76
3
34
+41
74
4
34
+21
66
5
32
+16
60
6
33
+1
53
7
33
+15
50
8
34
-9
48
9
32
+4
47
10
34
-11
45
11
33
-2
44
12
34
-8
43
13
34
-4
42
14
34
-13
37
15
34
-6
35
16
34
-12
29
17
34
-18
26
18
34
-29
25
19
34
-32
23
20
34
-58
17
<

Thông tin Toà soạn

Tạp chí Điện tử Bóng Đá

Tổng biên tập:
Nguyễn Tùng Điển
Phó Tổng biên tập:
Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn

Địa chỉ liên hệ

Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội

Tel: (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
Fax: (84.24) 3553 9898
Email: toasoan@bongdaplus.vn | vanphong@bongdaplus.vn
 

Liên hệ Quảng cáo

Hotline: 0903 203 412
Email: quangcao@bongdaplus.vn

x