Kết thúc lượt về vòng 1/8 Champions League 2018/19: Họ đã thắng ngược như thế nào?

Kinh Thi Kinh Thi
09:23 ngày 15-03-2019
Juventus và M.U đều xuất sắc lọt vào tứ kết, sau khi đã thua 0-2 ở trận lượt đi vòng 1/8 Champions League trước Atletico Madrid và PSG. Ajax thậm chí còn đè bẹp Real Madrid 4-1 ngay trên sân đối phương, sau khi thua trước 1-2 tại sân nhà. Vậy họ đã “vượt vũ môn” như thế nào?
Kết thúc lượt về vòng 1/8 Champions League 2018/19: Họ đã thắng ngược như thế nào
Trước khi phân tích chiến thắng của các đội thành công, hãy nhớ lại quy luật cơ bản nhất của một hành động được gọi là “lội ngược dòng”: không thành công, hậu quả sẽ rất khủng khiếp! Chúng ta đang nói về Schalke, với trận thua 0-7 trên sân Man City.

Đấy không hẳn là thất bại quá nhục nhã, như cảm nhận chung khi người ta nhìn vào tỷ số. Trong “hoàn cảnh bình thường”, Schalke có thể đối đầu ngang ngửa với Man City - như ở trận lượt đi (thua 2-3). Vấn đề ở đây là: Schalke phải thắng Man City với cách biệt 2 bàn trên sân đối phương nếu muốn lọt vào tứ kết. Đấy không còn là hoàn cảnh bình thường nữa. HLV Domenico Tedesco muốn hướng đến bất ngờ hơn là thể hiện một hình ảnh ngang ngửa (và trước sau gì cũng bị loại).

Juventus thành công nhờ các cầu thủ đá cánh bám biên thật sát để có đất cho Ronaldo diễn
Juventus thành công nhờ các cầu thủ đá cánh bám biên thật sát để có đất cho Ronaldo diễn

Khi chơi theo sơ đồ 5-4-1, Schalke luôn giành khoảng trống lớn ở hai biên phía trên để phản công. Muốn vậy, họ phải chấp nhận lép vế, phòng thủ thật chắc phía dưới. Với 9/10 cầu thủ chơi nặng về phòng ngự, trong đó chỉ có 2 tiền vệ biên có thêm trách nhiệm phản công, Schalke tỏ ra “xem được” khi quyết đấu với Man City ở trận lượt đi tại sân nhà. 

Còn khi cả 4 hậu vệ/tiền vệ biên đều chỉ lăm lăm xông lên trong trận lượt về, đội hình cũng đứng cao hơn, thì Schalke đành chấp nhận khác biệt lớn: quân số và khả năng phòng ngự đều giảm hẳn. Không làm nên chuyện, Schalke trả giá bằng tỷ số 0-7.

Khác biệt nằm ở đâu khi Juventus, M.U và Ajax đều thắng oanh liệt trong khi Schalke rơi vào thảm họa? Đáng kể nhất là Schalke không tạo được yếu tố bất ngờ nào. Họ chỉ chơi theo kiểu cũ trong giai đoạn thăm dò và khi các cầu thủ đá cánh bắt đầu tăng cường tấn công (nhưng không đủ lực), thì thảm họa ập xuống. Muốn “lội ngược dòng”, phải chơi theo một cách khác hẳn so với trước đó.

Giống như Schalke, Ajax cũng đã thua tại sân nhà (1-2), nhưng họ lại là chủ nhân của chiếc vé đi tiếp khi trận lượt về diễn ra mới 18 phút. Ở thời điểm ấy, Ajax đã bất ngờ dẫn trước đến 2-0, chủ yếu do đối phương phòng ngự lỏng lẻo. 

Một mình Dusan Tadic dễ dàng thắng 4 cầu thủ Real vây quanh và khi anh chuyền bóng cho David Neres ghi bàn (2-0) thì hậu vệ Daniel Carvajal bên phía Real đứng sai vị trí, trong khi tiền vệ Toni Kroos lùi về hỗ trợ phòng thủ quá chậm. Cặp đấu được quyết định ở khoảnh khắc này. Trước đó, Ajax mở tỷ số với một tình huống 3 đánh 3 trong vùng cấm địa. 

Nhanh chóng tạo được ưu thế, Ajax chỉ việc bình thản chơi đúng sở trường trong khoảng thời gian còn lại. Một mặt, đội này pressing rất hay, làm cho chiến thuật của đối phương phá sản (chiến thuật của Real chủ yếu chỉ là tiền đạo lùi về giữa sân, tiền vệ thì lùi sâu hơn nữa, để tạo và khai thác khoảng trống). 

Mặt khác, khi đối phương mất bóng thì ngay khoảnh khắc tiếp theo, các cầu thủ Ajax đã ở tư thế rất sẵn sàng cho một đợt phản công hiệu quả, tiền đạo luôn chiếm lĩnh được khoảng trống hợp lý nhờ di chuyển tốt. Ajax có tính chủ động cao hơn hẳn so với Schalke - đội vốn chuyển sang tấn công chỉ vì “không làm thế không được”. Thua về chiến thuật, chính Real mới là đội phải tự tìm giải pháp để thoát bế tắc, trong khi Ajax lại là đội áp đặt thế trận.

Hàng phòng ngự lỏng lẻo của Real là  nguyên nhân chính giúp Ajax giành vé vào tứ kết
Hàng phòng ngự lỏng lẻo của Real là nguyên nhân chính giúp Ajax giành vé vào tứ kết

Tại sao Ajax không chơi như thế trong trận lượt đi? Đấy có thể chính là bài học đã được rút ra. Real không phải quá hay khi thắng trên sân Ajax và ở trận ấy, vũ khí pressing đã không được Ajax phát huy triệt để. Cũng có thể, điều đó vô tình giúp Ajax tạo bất ngờ trong cách chơi ở lượt về. Nét tương đồng giữa Ajax với Juventus và M.U là ở lượt về, họ đều chơi khác lượt đi.

Mất đến 10 hảo thủ trước trận lượt về, M.U vốn dĩ đã quá khác rồi. HLV Ole Gunnar Solskjaer chơi 4-4-2 vì đội hình này, trên lý thuyết có thể chuyển thành 2-4-4 một cách đơn giản trong những thời điểm cần tấn công ào ạt. Việc HLV Solskjaer thay hậu vệ cánh Eric Bailly bằng Diogo Dalot ngay phút 36 cho thấy vai trò của hậu vệ cánh trong cách chơi và hoán chuyển giữa 4-4-2 với 2-4-4 quan trọng như thế nào. Sơ đồ 4-4-2 tạo cho M.U một sự chủ động cần thiết trong việc áp đặt lối chơi của chính mình, tùy tình huống cụ thể.

Tương tự Ajax, M.U không hề tấn công một cách hối hả. Họ chỉ chơi hợp lý, chủ động, với cách chơi khác trận lượt đi và dễ dàng củng cố niềm tin nhờ ghi bàn sớm. Juventus cũng vậy, ngoài một chi tiết quan trọng: đội này hơi “mất bình tĩnh” trong khoảng 15 phút đầu, với cách tấn công quá vội vã. Hậu vệ luôn cố rót bóng bổng thật nhanh vào vùng cấm địa. Sự nôn nóng tràn lên của Juventus cũng làm cho các cầu thủ tấn công của chính họ rơi vào hoàn cảnh “đất chật người đông”. 

Dù sao đi nữa, HLV Allegri đã kịp phát hiện vấn đề và điều chỉnh chiến thuật bằng việc chỉ đạo cho các cầu thủ đá cánh bám biên thật sát. Không gian tấn công của Juventus trở nên rộng hơn, hàng thủ đối phương cũng bị kéo dãn nhiều hơn và Cristiano Ronaldo kịp ghi bàn ngay trong hiệp 1 để làm cho mục tiêu thắng ngược trở nên thuận lợi hơn hẳn.

Lịch sử đã không lặp lại
Schalke từng nổi tiếng với việc gỡ hòa 4-4 sau khi bị Dortmund dẫn trước 4 bàn trong trận derby vùng Ruhr, ở Bundesliga mùa trước. Trận ấy, HLV Domenico Tedesco động viên tinh thần cầu thủ trong giờ giải lao, nói rằng cứ coi như đã thua và cần quên ngay mọi chuyện. Hiệp 2 sẽ là một trận đấu khác. Rút cuộc, Tedesco không thể lặp lại tuyệt chiêu này và Schalke không thể thắng ngược trước Man City. Ngoài tinh thần, còn phải có chiến thuật và đủ lực nữa.

Allegri chọn sơ đồ thành công
Vấn đề của Juventus trước trận lượt về là nên chọn sơ đồ chiến thuật nào, bởi điều đó liên quan chặt chẽ đến các cầu thủ ra sân. Muốn chơi 3-5-2, HLV Max Allegri sẽ chỉ có đúng Leonardo Spinazzola và Cancelo cho các vị trí tiền vệ cánh. Đã vậy, ông còn bị lãng phí Martin Caceres, hậu vệ cánh chỉ quen chơi trong sơ đồ 4-3-3. Chơi 4-2-3-1 thì dùng được nhiều tiền vệ công, nhưng Cristiano Ronaldo phía trên có thể bị cô lập. Rút cuộc, Allegri chọn 3-5-2 và thành công khi Ronaldo tỏa sáng.
Sử dụng tiếng Việt có dấu. Ký tự còn lại 500.

* Đăng nhập hoặc Đăng ký tài khoản để
bình luận và chia sẻ nhanh hơn

TT
Đội bóng
Trận
+/-
Điểm
1
28
+46
64
2
28
+39
64
3
27
+34
60
4
29
+18
56
5
28
+17
53
6
28
0
47
7
29
-4
44
8
28
+6
42
9
28
-2
41
10
28
+11
40
11
27
+2
39
12
29
-1
38
13
28
-11
35
14
28
-16
27
15
28
-12
26
16
29
-18
22
17
28
-10
21
18
29
-16
21
19
29
-34
17
20
28
-49
15
<

Thông tin Toà soạn

Tạp chí Điện tử Bóng Đá

Tổng biên tập:
Nguyễn Tùng Điển
Phó Tổng biên tập:
Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn

Địa chỉ liên hệ

Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội

Tel: (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
Fax: (84.24) 3553 9898
Email: toasoan@bongdaplus.vn | vanphong@bongdaplus.vn
 

Liên hệ Quảng cáo

Hotline: 0903 203 412
Email: quangcao@bongdaplus.vn

x