Từ khích lệ của Công Phượng
Cách đây 3 ngày, tiền đạo Nguyễn Công Phượng của ĐT Việt Nam đưa ra phát biểu đáng chú ý: “Ở hai trận đấu gặp Nhật Bản và Saudi Arabia tới đây, chúng tôi sẽ phải nỗ lực hết sức để cố gắng giành điểm. Chúng ta có thể thấy Nhật Bản mạnh và trình độ cao hơn Việt Nam. Tuy nhiên trong bóng đá, chúng ta không thể biết trước điều gì. Tôi sẽ cùng toàn đội chiến đấu để giành điểm”.
Có thể với nhiều người, mục tiêu Việt Nam giành điểm trước Nhật Bản mà Công Phượng đưa ra là phi lý. Bởi rõ ràng với đẳng cấp trên tầm và đa phần đánh bại Việt Nam ở các cấp độ ĐTQG khác nhau, khả năng Nhật Bản đánh rơi 3 điểm trên sân Mỹ Đình là rất thấp. Nhưng với góc độ của mình, Công Phượng hiểu rằng một mục tiêu phù hợp với tương quan sức mạnh giữa đôi bên sẽ khích lệ tinh thần và sự tự tin cho các cầu thủ Việt Nam hướng đến cuộc tiếp đón Nhật Bản trên sân Mỹ Đình vào ngày 11/11 tới.
Song song với đó, một vài lý do có thể giúp cho ĐT Việt Nam tự tin hơn trong việc nghĩ đến một kết quả hoà trước Nhật Bản. Công Phượng từng nói cũng trong cuộc chia sẻ kể trên, bóng đá hàm chứa nhiều yếu tố bất ngờ. Ngay như Nhật Bản cũng đã gục ngã trước đội cửa dưới Oman. Đó có thể là bài học lớn để đội tuyển Việt Nam quyết tâm hết mình để tái hiện giai thoại chàng tí hon David có thể quật ngã gã khổng lồ Goliath.
Lợi thế Mỹ Đình và sự chuẩn bị dài hơi
Thực tế sau khi V.League 2021 dang dở, HLV Park Hang Seo cùng các tuyển thủ Việt Nam đã tập luyện liên tục suốt từ tháng 7 cho đến nay. Mỗi trận đấu ở vòng loại thứ 3 World Cup 2022 là một lần để đội tuyển Việt Nam trưởng thành hơn, bản lĩnh hơn và tích luỹ thêm nhiều kinh nghiệm thi đấu đỉnh cao hơn. Vậy nên, so với 4 thất bại đã qua, đội tuyển Việt Nam đương nhiên lỳ đòn và khó chịu hơn nhiều.
Ngược lại với sự chuẩn bị qua nhiều ngày, nhiều tháng của đội tuyển Việt Nam, Nhật Bản chỉ có khoảng 4-5 ngày chuẩn bị cho một lượt đấu ở vòng loại World Cup. Lý do là bởi đa số các cầu thủ Nhật Bản đều chỉ có thể tập trung với nhau theo lịch FIFA Day. Ảnh hưởng của dịch Covid-19 càng khiến cho việc di chuyển từ châu Âu, nơi mà nhiều cầu thủ Nhật Bản đang thi đấu gặp nhiều trở ngại hơn.
Với việc có quá ít thời gian tập hợp nhau lại, đội tuyển Nhật Bản cũng gặp nhiều khó khăn trong việc tìm thấy tiếng nói chung và tạo ra sự nhuần nhuyễn trong lối đá. 2 thất bại trước Saudi Arabia, Oman cùng với đó là những trận thắng không thuyết phục trước Trung Quốc và Australia là minh chứng rõ nét cho điều đó.
Thêm một yếu tố nữa mà Việt Nam cần tận dụng khi đối đầu với Nhật Bản, đó là lợi thế được chơi trên sân nhà Mỹ Đình. Nên nhớ suốt 19 trận thi đấu tại Việt Nam gần đây, ĐTQG chỉ thua đúng 1 lần. Và đó cũng là lần duy nhất, Việt Nam thi đấu trong điều kiện không khán giả. Nói như thế để thấy rằng, sự xuất hiện của khán giả trên sân Mỹ Đình là một điểm tựa lớn cho đội tuyển Việt Nam.
Trung vệ Quế Ngọc Hải, đội trưởng ĐT Việt Nam từng khẳng định giá trị của người hâm mộ nước nhà: “Việc được thi đấu trên sân nhà có khán giả là một lợi thế rất lớn cho đội tuyển ở các trận đấu sắp tới. Đây chắc chắn là nguồn động lực lớn cho các cầu thủ. Toàn đội hứa với người hâm mộ sẽ luôn thi đấu vì màu cờ sắc áo, cố gắng có được những kết quả tốt hơn”.