60 năm EURO... chỉ có bóng đá đỉnh cao

Kinh Thi Kinh Thi
19:02 ngày 28-01-2020
Đấu trường EURO không phải là nơi đụng độ nẩy lửa giữa các trường phái bóng đá khác hẳn nhau, như World Cup. Đấy càng không phải là “vũ hội bóng đá”, nơi gặp gỡ giữa các sắc thái văn hóa. Người ta không dự EURO để học hỏi, giao lưu, hay hội hè gì. Suốt 60 năm tồn tại, EURO chỉ có bóng đá đỉnh cao mà thôi.

Tính từ VCK lần đầu tiên thì đến năm nay, đấu trường EURO - tức giải Vô địch bóng đá châu Âu - vừa tròn 60 tuổi. Phải nói như vậy vì chính xác thì người ta gọi lần giải đầu tiên là “Giải vô địch bóng đá châu Âu 1958-1960”. Tuy 4 đội cuối cùng thi đấu ở Pháp từ ngày 6-10/7/1960, nhưng các trận knock-out trước đó vẫn thuộc về giải đấu này (không xem đấy là vòng loại).

Chỉ tính từ lúc EURO ra đời, đấu trường World Cup vốn diễn ra song song đã có rất nhiều cuộc cách mạng lớn về lối chơi, để lại những dấu ấn sâu đậm trong lịch sử phát triển chiến thuật bóng đá. “Kỳ quan không tiền đạo cánh”, tức sơ đồ chiến thuật 4-4-2 lần đầu tiên xuất hiện đã đưa đội tuyển Anh lên ngôi vô địch World Cup 1966. Đến giữa thập niên 1970 thì cả thế giới choáng ngợp với cách chơi “tổng hợp” của đội tuyển Hà Lan, với biệt danh “Cơn lốc màu da cam”. Franz Beckenbauer làm cả thế giới biết đến vai trò “libero”. Rồi những huyền thoại “số 10”, sơ đồ 4-2-3-1... Tóm lại, cứ mỗi kỳ World Cup trôi qua là thế giới bóng đá lại có hẳn một trào lưu mới về lối chơi, do ảnh hưởng của nhà vô địch World Cup.

Ngược lại, cũng trong 60 năm qua, đấu trường EURO gần như... chẳng để lại bài học vĩ đại nào về chiến thuật. Tại đấy không có những phát kiến lớn, không có những cuộc cách mạng. Tất nhiên, người ta vẫn nhớ đến “cú Panelka”, nhớ về Michel Platini, về sơ đồ 4-3-3-0 giúp TBN trở thành đội đầu tiên trong lịch sử vô địch EURO 2 lần liên tiếp (cũng là đội đầu tiên vô địch 3 giải đấu lớn liên tiếp). Nhưng đấy đều chỉ là những ấn tượng thuần túy. Người ta nhớ chỉ để nhớ, chứ chẳng ai học theo cách chơi không có tiền đạo đích thực của TBN.

Đấy là một đặc điểm của EURO, chứ không nhất thiết phải là điều hay/dở, hoặc cao/thấp. EURO rất thuần, mà ở đây phải hiểu là thuần tính chuyên môn cao độ. Cả châu Âu gần như đã là một trường phái chung rồi. Tại đấy, các đội mạnh nhất châu lục trong từng thời điểm quyết đấu với nhau chỉ để tranh ngôi vô địch. EURO không bao giờ có đội “lót đường”. Ở tư thế tạm gọi là yếu nhất giải, các đội Đan Mạch, Hy Lạp đều đã đoạt chức vô địch. Ở kỳ EURO 2016 vừa qua, trong 5 đội lần đầu tiên dự giải thì có đến 4 đội vượt qua vòng bảng (Iceland, Bắc Ireland, Xứ Wales, Slovakia), đội còn lại là Albania cũng thắng được 1 trận.

Michel Platini, huyền thoại  của bóng đá Pháp

Có thể khẳng định: EURO - chứ không phải World Cup - mới là giải đấu số 1 thế giới về tính chuyên môn, xét cả về đẳng cấp cao của nhà vô địch lẫn sự đồng đều giữa các đội dự giải. Chỉ có EURO mới có tình trạng: nhà vô địch World Cup chưa chắc đã đủ sức vô địch ở đấu trường này (Anh là đội duy nhất trên thế giới từng vô địch World Cup nhưng chưa bao giờ đăng quang ở châu lục của mình). Chính vì đẳng cấp chuyên môn rất cao và đồng đều này, EURO dường như không chào đón những nét mới lạ, kiểu như “huyền bí châu Phi” mà các đội Cameroon, Nigeria, Senegal, Ghana dễ dàng thể hiện ở World Cup. Có bài bản chiến thuật mới? Hãy dùng ở World Cup!

Bản chất của EURO chính là như vậy. Xem EURO là xem thứ bóng đá ở đẳng cấp chuyên môn cao nhất thế giới, xem sự cạnh tranh khốc liệt, và xem cả những toan tính chi li của tất cả các đội dự giải. Suốt 60 năm qua luôn là như vậy rồi. Xem EURO không phải là để chê đội Bồ Đào Nha vô địch dù suốt giải chỉ thắng đúng 1 trận (trong 90 phút).

Delaunay, Rimet & câu chuyện duyên số

Ngay khi LĐBĐ Pháp (FFF) được thành lập vào năm 1919, Jules Rimet giữ chức chủ tịch (đến năm 1942), còn Henri Delaunay là tổng thư ký (đến lúc ông... qua đời, năm 1955). Ngoài cương vị ở FFF thì Rimet còn là chủ tịch FIFA trong giai đoạn 1921-1954. Delaunay là thành viên ban chấp hành FIFA trong những năm ngay trước World Cup (1924-1928).

Đấy chính là cặp bài trùng quan trọng nhất trong việc khai sinh World Cup vào năm 1930. Họ cùng nhau làm việc miệt mài để cố biến ý tưởng của mình thành hiện thực. Rimet là nhà ngoại giao cừ khôi, chuyên “thuyết giáo” ở khắp các nền bóng đá phát triển thời ấy. Còn Delaunay thì làm việc cần cù, với tầm nhìn của một thiên tài.
Rút cuộc nhìn từ góc độ World Cup, người ta dường như chỉ biết đến Rimet, có lẽ vì nguyên nhân quan trọng nhất là chiếc cúp thế giới được đặt tên thành “cúp Jules Rimet” từ năm 1946. Thế còn Delaunay?

Ông chính là “tác giả bản quyền” của giải vô địch bóng đá châu Âu, dù suốt đời ông không hề được chứng kiến thành tựu của mình. Ngoài ý tưởng tổ chức World Cup, Delaunay còn có ý tưởng tổ chức giải vô địch bóng đá châu Âu từ năm 1927. Delaunay cũng là tổng thư ký đầu tiên của UEFA. Nhưng, UEFA chỉ được thành lập vào năm 1954, sau FIFA... đúng nửa thế kỷ!

Delaunay qua đời vào năm 1955. Con trai ông kế vị tổng thư ký UEFA. Đến năm 1958, UEFA mới khai sinh giải Vô địch bóng đá châu Âu (VCK diễn ra vào năm 1960). Ngay lập tức, chiếc cúp vô địch của giải đấu này được đặt theo tên của Henri Delaunay.

Đến tận bây giờ, chiếc cúp vô địch bóng đá châu Âu (tức vô địch Euro, theo cách gọi thông thường), vẫn mang tên “cúp Henri Delaunay”. Ngược lại, cúp Jules Rimet thì đã biến mất, theo cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen. Sau lần vô địch thứ 3, đội tuyển Brazil đã đoạt vĩnh viễn cúp Jules Rimet vào năm 1970. FIFA làm chiếc cúp khác, với tên gọi khác (tức là chiếc cúp hiện thời - FIFA World Cup Trophy). Cúp Jules Rimet thì đã mất trộm vào năm 1983 và chẳng ai thấy lại lần nữa. Có thể tin rằng nó đã bị bọn trộm nấu chảy để bán!

 Bồ đào Nha, nhà vô địch kỳ dị tại EURO 2016

Chiếc cúp Henri Delaunay khiêm nhường

Suốt một thời gian dài, ít ai quan tâm đến vẻ ngoài nhỏ bé của nó (bé hơn cả chiếc cúp C1 châu Âu vốn chỉ là giải đấu tầm CLB). Mãi đến năm 2008, khi UEFA đành phải làm phiên bản mới vì nhiều lý do, thì chiếc cúp dành cho đội tuyển vô địch bóng đá châu Âu mới được cải thiện về vóc dáng: nặng 8kg (hơn 2kg so với cúp cũ) và cao 60cm (hơn 18cm so với cúp cũ). Hình dáng chung thì vẫn gần giống cúp cũ, dù không giống hoàn toàn.

Người chịu trách nhiệm thiết kế mẫu mã của chiếc cúp vô địch châu Âu là Pierre Delaunay - tổng thư ký thứ nhì của UEFA, cũng là con trai của tổng thư ký đầu tiên, Henri Delaunay. Như mọi người đã biết, Henri Delaunay là người nghĩ ra ý tưởng tổ chức giải vô địch bóng đá châu Âu, nhưng giải đấu này chỉ xuất hiện vài năm sau khi ông qua đời. Cúp mang tên ông là vì vậy.

Trên cúp ngày xưa có ghi 3 dòng chữ bằng tiếng Pháp: “Coupe d’Europe”, “Coupe Henri Delaunay” và “Championnat d’Europe”. Cúp mới chỉ còn một dòng “Coupe Henri Delaunay”. Bên dưới là tên các nhà vô địch qua từng giải đấu, bằng tiếng Anh thay vì tiếng Pháp như trước. Ngoài ra, tên các nhà vô địch Euro 1972, 1980 là “Germany”, chứ không phải “West Germany”. Ở mặt bên kia của cúp, bên dưới biểu tượng UEFA là 3 dòng chữ thể hiện tên chính thức của giải đấu hiện thời, bằng tiếng Anh: “UEFA European Football Championship”.

Vì sao nó chỉ là cúp bạc? Giám đốc truyền thông UEFA William Gaillard giải thích khi chiếc cúp mới xuất hiện tại Euro 2008: “Chúng tôi nhanh chóng gạt bỏ ý tưởng về cúp vàng. Cúp vàng chỉ nên thuộc về các giải đấu tầm thế giới”. Nếu có một cuộc bình chọn “Top 10”, thậm chí “Top 20” những chiếc cúp đẹp nhất trong thế giới thể thao, khả năng cao là cúp vô địch bóng đá châu Âu sẽ không xuất hiện. Nhưng giá trị chuyên môn mà nó nói lên thì lại tuyệt vời - chỉ đứng sau mỗi chiếc cúp VĐTG!

Sử dụng tiếng Việt có dấu. Ký tự còn lại 500.

* Đăng nhập hoặc Đăng ký tài khoản để
bình luận và chia sẻ nhanh hơn

Thông tin Toà soạn

Tạp chí Điện tử Bóng Đá

Tổng Biên tập:
Nguyễn Tùng Điển
Phó tổng Biên tập:
Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn

Địa chỉ liên hệ

Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội

Điện thoại: (84.24)35541188 - (84.24)35541199
Fax: (84.24)35539898
Email: toasoan@bongdaplus.vn
 

Liên hệ Quảng cáo

Hotline: 0903 203 412
Email: quangcao@bongdaplus.vn

x