Từ một ý tưởng
Bất chấp cơ sở vật chất xịn sò và thành tích tốt dần của các câu lạc bộ Hà Lan ở châu Âu, số khán giả đến sân xem Eredivisie không thể vượt quá 5 triệu người/mùa. Nhà tổ chức đành đi hỏi ý kiến Hypercube, một công ty dữ liệu khởi nghiệp giờ đã rất nổi tiếng ở Hà Lan, và câu trả lời hóa ra rất đơn giản: sau Giáng sinh là các đội hầu như không có mục tiêu gì rõ ràng để đá nữa. Các CLB từ vị trí thứ 8 đến thứ 15 không thể giành vé đi châu Âu và cũng chẳng sợ xuống hạng.
Giải pháp lập tức được đưa ra: tổ chức thêm các trận play-off giành vé dự Champions League cho những đội xếp từ thứ 2 đến thứ 5; các đội từ thứ 6 đến thứ 9 tranh vé dự Europa League và thứ 10 đến thứ 13 thì đá vì Intertoto Cup (giờ là Europa Conference League).
Kế hoạch đi vào thực tế năm 2007, và tổng số khán giả lập tức tăng lên 5,5 triệu người/mùa. Một năm sau, con số này là 6 triệu người (có khoảng 800.000 người đến sân để xem 34 vòng “truyền thống” của mùa giải). Các nhà tài trợ bắt đầu đổ xô đến và thường ký gia hạn ngay từ tháng 4 hoặc tháng 5.
Giải pháp này lan đi rất nhanh. Lần lượt giải VĐQG Bỉ, Áo, Đan Mạch và Bulgaria đã sao chép lại ý tưởng này, tổ chức thêm các trận/vòng play-off và cải thiện được thứ hạng trên BXH UEFA lẫn doanh thu. Các trận đấu trở nên chất lượng và kịch tính hơn.
Đọc đến đây, bạn có thể thấy chuyện này quen quen. Đúng vậy. Khi ý tưởng của Hypercube nhân rộng khắp châu Âu, một chuyên viên phân tích của nó đã kể lại với một Giám đốc điều hành ở CLB Ajax. Ông này trình bày ý tưởng ở Hiệp hội các CLB châu Âu, và đến tai UEFA. Theo The Athletic, UEFA đã tham khảo ý kiến của Hypercube từ năm 2007 và cho đến năm 2016, EURO đã được mở rộng lên thành 24 đội. 4 năm sau, sự cải cách còn mạnh mẽ hơn: có 4 đội xếp thứ 3 ở vòng bảng vẫn còn cơ hội đi tiếp.
Tất nhiên là định dạng mới mẻ này vấp phải làn sóng phản đối dữ dội, với lập luận rằng sẽ chẳng còn gì bất ngờ nữa ở lượt cuối vòng bảng, và sự mở rộng thái quá chỉ làm giảm chất lượng của các CLB tham dự giải.
Nhưng sau khi các lượt trận ở vòng 1/8 và tứ kết kết thúc với kịch tính và cảm xúc dâng cao, những người chỉ trích đã phải im lặng. 3 trong số 4 đội áp chót ở vòng bảng vào vòng 1/8 nhờ vé vớt đã có mặt ở tứ kết, và chính họ đã làm nên những cơn cuồng phong khó tả ở EURO năm nay.
Nền “dân chủ” trong bóng đá
Hãy nhìn lại cách ý tưởng về tăng số trận ở EURO từ lúc xuất hiện cho đến khi thành hiện thực: giống như hiệu ứng cánh bướm, nó đi từ giải VĐQG này đến giải VĐQG khác, lên bàn giấy của các tổ chức lớn và đi vào hiện thực, mà không bị ngăn cản bởi một “biên giới” nào. Tất nhiên, nó cũng vấp phải sự phản đối như bất kỳ cải cách táo bạo nào, nhưng chưa bao giờ bị dập tắt.
Đấy là cách bóng đá lẫn cuộc sống ở châu Âu vận hành. Nền giáo dục Đức đã học hỏi thêm từ các hệ thống nước ngoài sau “cú sốc Pisa” năm 2001, khi các trường học của họ bị đánh tụt hạng nặng nề trên BXH giáo dục OECD. Ẩm thực của người Ý và người Pháp được học hỏi và phổ biến trên toàn châu Âu mà không có sự phản kháng thường thấy vì tự ái văn hóa.
Kể từ năm 1993, người Anh cũng bắt đầu cố thoát khỏi lối chơi bóng dài để phát triển triết lý giàu tư duy hơn. Người Tây Ban Nha học hỏi cách đá vị trí và chiếm lĩnh không gian từ một tượng đài Hà Lan là Johan Cruyff. Người Đức tiến hành nghiêm túc một cuộc cách mạng bóng đá từ năm 2006, lại nhờ học hỏi từ người Tây Ban Nha. Các cầu thủ Ý, sau nhiều năm chơi phòng ngự, giờ đá như thể họ mới chính là quê hương của bóng đá tấn công.
Bóng đá là môn thể thao kỳ lạ, nơi mà bạn không thể thắng chỉ bằng cách “bơm tiền” và duy ý chí. Cách tốt nhất là học hỏi, cọ xát và cởi mở với những ý tưởng mới, những đặc điểm nổi bật của nền dân chủ châu Âu. Đấy có thể là lý do giải thích tại sao Liên Âu (EU), chỉ chiếm 6% dân số trên hành tinh, đã trở thành siêu cường độc tôn trong bóng đá. Quốc gia không thuộc EU duy nhất từng lọt vào Top 3 World Cup kể từ 2006 tới giờ là Argentina, trong khi 4 quốc gia EU đã đăng quang 4 kỳ World Cup liên tiếp.
Và hôm nay, EURO 2020 chỉ còn 3 trận đấu, nhưng đã có thể được công nhận như một trong những kỳ EURO hay bậc nhất lịch sử, với trình độ các nền bóng đá được thu hẹp hơn bao giờ hết. Tất cả bắt đầu từ một ý tưởng mà có thể rất nhiều người nghĩ rằng nó là điên rồ, nhưng cải cách chính là như thế: một ai đó nghĩ về điều đó, và sự cởi mở khiến nó bay xa.
Càng đá nhiều trận, càng bất ngờ
Philip Scarf, giáo sư toán học của trường kinh doanh thuộc Đại học Cardiff nói trên The Athletic rằng số trận đấu tăng lên sẽ giúp các bất ngờ diễn ra với tần suất cao hơn: “Nếu bạn muốn tìm ra đội bóng tốt nhất, bạn nên chơi nhiều trận để có nhiều cơ hội hơn. Trên cơ sở đó, chơi 3 trận tại EURO 2020 chỉ để loại một đội là cách tiếp cận hợp lý. Chúng ta muốn các đội bóng có thể đánh bại những đội bóng lớn hơn và không muốn kết quả các trận đấu quá dễ đoán”.