Khi những cái quỳ gối làm chia rẽ nước Anh

Cẩm Chi
11:04 ngày 07-06-2021
Khi các học trò của Southgate quỳ gối trong trận giao hữu gặp Áo để bày tỏ quan điểm chống phân biệt chủng tộc theo phong trào “Black Lives Matter”, nhiều CĐV Anh đã la ó trên sân. Điều này rất có thể sẽ tiếp tục diễn ra ở các trận đấu tại EURO 2020 do nước Anh đăng cai và trở thành nỗi xấu hổ của quốc gia này trên bình diện quốc tế.

Phong trào dần lệch hướng

25 năm trước, khi Anh đăng cai EURO 1996,  trước các trận đấu của Tam sư , các CĐV của nước chủ nhà đồng thanh hát “Football’s Coming Home” , đoạn điệp khúc cho Bài hát “Three Lions”.

Trước khi EURO 2020 bắt đầu vào ngày 11/6, Anh sẽ chơi trận giao hữu cuối cùng ở Middlesbrough với Romania, nhưng những âm thanh trên sân không phải là tiếng hát hào sảng và đầy tự hào từ các CĐV.

Khi các cầu thủ Anh quỳ gối trước trận giao hữu với Áo cũng diễn ra ở Middlesbrough, hành động này đã bị một số CĐV la ó. Trước đó, những tiếng la ó cũng đã xuất hiện ở trước trận chung kết FA Cup giữa Leicester và Chelsea khi các cầu thủ làm điều tương tự.

Hành động quỳ gối đã được các cầu thủ Premier League thực hiện từ mùa giải 2019/2020 như một hành động đoàn kết với sự phẫn nộ trên toàn cầu sau vụ cảnh sát giết chết công dân da màu George Floyd ở Minneapolis, Mỹ.

Mùa giải vừa rồi, các cầu thủ ở Anh tiếp tục quỳ gối trong các trận đấu, mặc dù ngôi sao của Crystal Palace, Wilfried Zaha đã trở thành cầu thủ Premier League đầu tiên không làm như vậy khi anh đứng im trong trận gặp West Brom. Zaha cho rằng hành động đó thật sự chỉ mang tính hình thức.

Vào tháng 3, cựu ngôi sao của Arsenal và Barcelona, Thierry Henry, cho rằng cuộc tranh luận về vấn đề này đã đi quá xa khiến mọi người hiện quên đi lý do tại sao các cầu thủ bắt đầu quỳ gối trước trận.

“Điều cần thiết thật sự là bạn sẽ làm gì để mọi thứ tốt hơn cho tất cả mọi người? Đó là sự bình đẳng. Mọi người đều phải có hành động cụ thể. Đây không phải là cuộc tranh cãi về việc quỳ hay đứng. Tôi nghĩ hành động quỳ truyền tải một thông điệp mạnh mẽ và tất cả chúng ta đều biết nó bắt đầu từ đâu. Nhưng sau đó câu chuyện lại trở thành chúng ta nên đứng hay là nên quỳ?”, Henry chia sẻ.

Hậu quả của Brexit

Một số chính trị gia cũng phản đối hành động này của ĐT Anh. Một nghị sĩ đảng bảo thủ còn tuyên bố tẩy chay ĐT Anh tại EURO 2020, vì lý do thầy trò Southgate đã ủng hộ “một phong trào được chính trị hóa”.

Khi được hỏi liệu có phải nạn phân biệt chủng tộc đã tăng lên vì hành động quỳ gối đã “kích thích” những kẻ bảo thủ và cực đoan hay không, Tony Burnett, giám đốc điều hành của tổ chức bóng đá tổng hợp Kick It Out thẳng thắn chia sẻ: “Tôi không nghĩ vậy. Tôi nghĩ nạn phân biệt chủng tộc bắt đầu trở lại khi Brexit diễn ra. Sự thù hận, phân cực và các tiêu chuẩn kép khiến mọi thứ đang tệ đi. Brexit trở thành cái cớ để phân biệt chủng tộc bùng phát trở lại ở Anh và chúng ta đang thấy điều đó thể hiện trong bóng đá hiện nay.

Tôi không nghĩ việc cầu thủ quỳ gối đã gây ra điều này, tôi nghĩ những người làm hành động đó chỉ đang cố gắng góp phần giải quyết vấn đề. Những gì gây ra tình trạng này là lỗi của chính phủ, thái độ của chính phủ đối với việc phân biệt chủng tộc”.

Về phía ĐT Anh, HLV Gareth Southgate cho biết đội của ông sẽ tiếp tục tập trung vào tập luyện trước khi bắt đầu tất cả các trận đấu tại EURO 2020: “Chúng tôi cảm thấy hơn bao giờ hết, lòng quyết tâm vượt qua giải đấu này. Chúng tôi chấp nhận rằng có thể có một số phản ứng bất lợi, chúng tôi sẽ bỏ qua điều đó và tiến về phía trước. Khi một số người quyết định la ó, tôi nghĩ những người đó nên đặt mình vào vị trí của những cầu thủ trẻ để hiểu cảm giác đó sẽ như thế nào, và nếu đó là con cái của họ, họ sẽ cảm thấy thế nào khi con mình ở trong tình huống đó.

Điều quan trọng nhất bây giờ đối với các cầu thủ của tôi là họ biết rằng chúng tôi luôn là một khối đoàn kết, luôn luôn hỗ trợ lẫn nhau”, Southgate nói với các phóng viên. Nhà cầm quân này mới đây cũng khẳng định các cầu thủ Anh sẽ tiếp tục quỳ gối tại EURO 2020 để ủng hộ phong trào “Black Lives Matter”.

Một thành viên của đội tuyển Anh tham dự EURO, tiền vệ Kalvin Phillips của Leeds cho biết anh “bối rối và thất vọng” trước những tiếng la ó trước trận đấu với Áo, nhưng Phillips cũng chắc chắn anh và các đồng đội sẽ tiếp tục làm những điều mà họ cho là đúng đắn!

ĐT Scotland sẽ ủng hộ ĐT Anh?

Các cầu thủ của Scotland sẽ thảo luận về việc thực thiện hành động quỳ gối để thể hiện tình đoàn kết chống lại nạn phân biệt chủng tộc trong cuộc chạm trán với ĐT Anh tại EURO 2020 . Vào tháng 3, đội của Steve Clarke đã đứng thay vì quỳ trước trận đấu với Áo tại Hampden Park. Tuy nhiên sau khi các cầu thủ Anh bị la ó vì hành động quỳ gối trong trận giao hữu với ĐT Áo tại  Riverside vào giữa tuần trước, ĐT Scotland đang cân nhắc có thể thực hiện hành động này trong suốt thời gian diễn ra EURO 2020. 

Hành động quỳ gối bắt đầu từ đâu?

Hành động quỳ gối để phản đối phân biệt chủng tộc được thực hiện lần đầu tiên vào tháng 8/2016 bởi cầu thủ Colin Kaepernick của đội San Francisco ở giải bóng bầu dục nhà nghề Mỹ (NFL). Colin Kaepernick đã quỳ gối và từ chối hát quốc ca sau khi sự kiện hai người da đen bị cảnh sát Mỹ da trắng bắn chết sau những cuộc xung đột, dẫn tới việc nổ ra những cuộc biểu tình chống phân biệt chủng tộc lan rộng trên toàn nước Mỹ. 

#
Sử dụng tiếng Việt có dấu. Ký tự còn lại 500.

* Đăng nhập hoặc Đăng ký tài khoản để
bình luận và chia sẻ nhanh hơn

Thông tin Toà soạn

Tạp chí Điện tử Bóng Đá

Tổng Biên tập:
Nguyễn Tùng Điển
Phó tổng Biên tập:
Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn

Địa chỉ liên hệ

Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội

Điện thoại: (84.24)35541188 - (84.24)35541199
Fax: (84.24)35539898
Email: toasoan@bongdaplus.vn
 

Liên hệ Quảng cáo

Hotline: 0903 203 412
Email: quangcao@bongdaplus.vn

x