"Màn ăn mừng của anh rất đáng nhớ, liệu đó có phải một thông điệp cần truyền đi", đấy là câu hỏi đầu tiên mà Bale được nhận sau khi lập cú đúp vào lưới Áo ở trận bán kết play-off giành vé tới World cup 2022.
"Không", Bale đáp lại, nhưng nụ cười rạng rỡ trên khuôn mặt dường như tố cáo anh nói dối. "Thú thật, tôi không cần phải gửi đi thông điệp, điều đó thật phí thời gian. Những thứ họ viết thật kinh tởm và nên tự cảm thấy nhục nhã về bản thân".
Bale nhắc tới một trong những bài báo tai tiếng nhất trên tờ Marca, khi cây viết Manuel Julia gọi anh là "ký sinh trùng", chuyên tìm cách để "hút euro" từ Real.
Julia không đại diện cho truyền thông Madrid, nhưng viết chính xác những gì mà phần lớn những gì người ở đây nghĩ về Bale. Từ rất lâu, họ hình thành thói quen đổ mọi vấn đề lên đầu một cầu thủ thậm chí còn không thi đấu.
Trên thực tế, kể từ lúc được Real mua về với giá 101 triệu euro vào năm 2013, năng lực của Bale đã luôn bị nghi ngờ. Bất chấp những đóng góp to lớn của anh vào 4 chức vô địch Champions League trong giai đoạn 2014-2018, Bale vẫn không được yêu quý như Luka Modric - một người cũng chuyển từ Tottenham sang Real và thậm chí có một khởi đầu tệ hại.
Khi đặt bút ký vào bản hợp đồng gia hạn 6 năm vào tháng 10/2016, Bale thú nhận đã trải qua rất nhiều áp lực ở Tây Ban Nha, đặc biệt là khi dính chấn thương. Nhưng vào lúc đó, trong thâm tâm mình, Bale vẫn luôn coi Real là đội bóng lớn nhất thế giới và từ chối mọi cơ hội đi nơi khác, kể cả là về Anh và gia nhập Man United của Jose Mourinho năm 2017.
Sự tích cực khác biệt khi Bale thi đấu cho Xứ Wales so với lúc ở Real càng khiến mâu thuẫn trở nên nghiêm trọng. Đỉnh điểm đến vào tháng 11/2019 ki Bale tươi cười giơ cao biểu ngữ: "Xứ Wales. Golf. Madrid. Theo thứ tự đó".
Đấy là thời điểm mà Bale không thi đấu bất cứ trận nào cho Real từ tháng 10 tới tháng 11, nhưng lại luôn ra sân cho ĐTQG để giúp họ giành được vé tới EURO 2020. Sự khó chịu tăng cao hơn nữa khi sau sự ra đi của Ronaldo, Bale là cầu thủ hưởng lương cao nhất Bernabeu, xấp xỉ 30 triệu euro/năm.
Thậm chí vào mùa hè năm 2019, HLV Zidane còn công khai mở đường cho Bale rời Real "càng sớm càng tốt", vì điều này "tốt cho tất cả". Nhưng không đội bóng nào chấp nhận trả mức phí mà Real yêu cầu, đồng thời giữ đãi ngộ khủng khiếp mà Bale đang hưởng.
Đến mùa đông 2019, đại gia ở Trung Quốc là Jiangsu Suning ngỏ ý muốn có Bale. Mọi thứ tưởng như sẽ được hoàn tất thì vào phút cuối, chủ tịch Perez đổi ý vì không muốn mất Bale miễn phí. Điều này sẽ càng trở nên châm biếm bởi một năm sau, Real để Tottenham mượn Bale nguyên mùa 2020/21 và vẫn phải chi trả phần lớn khoản lương khổng lồ.
Từ đó cho tới tận thời điểm Bale đồng ý gia nhập Los Angeles FC ở MLS, vẫn luôn là những nhức nhối xoay quanh chuyện Bale có thực sự cam kết với Real.
Sau khi chứng kiến Bale tỏa sáng trong màu áo Xứ Wales ở chiến thắng trước Áo hồi tháng 3, truyền thông Madrid lại rúng động. "Bale, Cút-Đi-Ngay, theo thứ tự đó", là tiêu đề được nhà báo cuồng Real, Tomas Roncero viết trên AS.
Thỏa mong muốn của Tomas Roncero, Bale đã rời Real. Thật lạ, Bale rời Real với số bàn thắng nhiều hơn Ronaldo de Lima (106 so với 104), số kiến tạo nhiều hơn David Beckham (67 so với 51), số trận thi đấu nhiều hơn Luis Figo (258 so với 245), số danh hiệu nhiều hơn Zinedine Zidane (19 so với 6), số chức vô địch Champions League nhiều hơn Raul (5 so với 3) nhưng chắc chắn là sẽ không được gọi về trong những trận đấu giao hữu của huyền thoại Madrid.
Bale là huyền thoại hay là ký sinh trùng của Real? Đề tài này vẫn sẽ còn nóng hổi cho tới khi truyền thông bản địa tìm ra được một chủ đề mới nóng hơn.