Hãy tưởng tượng rằng bạn đang có nhu cầu tìm kiếm một ngôi nhà mới. Bạn muốn một tổ ấm hiện đại, ở một khu vực nhất định nào đó trong thị trấn, gần trung tâm và có tiềm năng phát triển. Dù vậy, bạn chưa hoàn toàn chắc chắn với những quyết định của mình, vì vậy bạn bắt đầu lên mạng để tìm kiếm và nhanh chóng thấy kết quả phù hợp với mong muốn và phù hợp ngân sách.
Thế nhưng vẫn là ngôi nhà đó lại được niêm yết trên một trang web khác mới mức giá cao hơn 15%, thậm chí ở một trang khác thì giá còn tăng lên đến 70%? Điều đó đồng nghĩa với việc chủ sở hữu sẽ chỉ lắng nghe những lời đề nghị gấp đôi mức giá đầu tiên? Vậy cuối cùng thì bạn phải mất bao nhiêu tiền để sở hữu địa điểm này và liệu tôi có thể chọn mức giá yêu thích không?
Bây giờ thì hãy tưởng tượng tiếp, rằng bạn là một ông chủ giàu có hoặc nhà tài phiệt ở một quốc gia vùng Vịnh và bạn muốn mua Tottenham Hotspur. Chà, thật kỳ lạ, nhưng câu lạc bộ này cũng được định giá theo cách y hệt như ngôi nhà mơ ước ở trường hợp trên.
Theo báo cáo định giá các câu lạc bộ gần đây nhất được công bố vào tháng 11/2020, công ty dịch vụ tài chính toàn cầu KPMG đã sử dụng “thuật toán độc quyền" của mình để định giá Tottenham ở mức chỉ dưới 1,5 tỷ bảng, và theo đó Spurs là đội bóng có giá trị đứng thứ 9 trong làng bóng đá thế giới.
Nhưng 3 tháng sau, tạp chí kinh doanh của Mỹ Forbes đã công bố danh sách 20 câu lạc bộ bóng đá giá trị nhất hàng năm. Spurs đứng ở vị trí thứ 10 nhưng mức giá để sở hữu đội bóng này là gần 1,7 tỷ bảng. Khá giống với thống kê của KPMG.
Tuy nhiên, một năm trước, bỏ qua những ảnh hưởng từ COVID-19, chuyên gia tài chính bóng đá của Đại học Liverpool, Kieran Maguire đã áp dụng phương pháp định giá riêng cho toàn bộ 20 đội bóng ở Premier League. Phương trình này đưa ra mức định giá là gần 2,7 tỷ bảng cho đội bóng phía bắc London, khiến họ trở thành câu lạc bộ giá trị cao nhất giải đấu và chủ tịch Daniel Levy chắc hẳn phải rất vui.
Theo một thống kê khác, trong cùng một mùa giải, nếu bỏ ra khoảng 1,1 tỷ bảng, bạn có thể mua 2 câu lạc bộ tầm cỡ như Westham, hoặc bốn đội bóng có trình độ ngang ngửa với Southampton. Khoan đã, có điều gì đó không hợp lý ở đây. Chúng ta đang nói đến việc Westham có giá trị gấp đôi so với Southampton?
Không, điều đó thật ngớ ngẩn. Chính xác phải là gấp ba lần. Chúng tôi có thể khẳng định khi áp dụng phương pháp định giá doanh nghiệp tốt nhất có thể cho hai câu lạc bộ này: số tiền thực sự mà ai đó đã trả cho họ.
Khi tỷ phú người Séc Daniel Kretinsky mua 27% cổ phần của West Ham, ông đã “bơm” vào Westham 180 triệu bảng, và nâng tổng giá trị của câu lạc bộ này lên 650 triệu bảng. Nhưng khi tỉ phú Serbia - Dragan Solak mua 80% cổ phần của Southampton trong tháng này, câu lạc bộ sau đó được định giá khoảng 230 triệu bảng.
Nhân tiện thì Kretinsky đã xây dựng nên khối tài sản của mình bằng cách khai thác giá trị từ những thứ mà người khác nghĩ là đồ bỏ đi, và một số người cho rằng ông là phiên bản Đế chế Habsburg của bậc thầy chứng khoán người Mỹ Warren Buffett.
Vậy điều gì giải thích cho sự khác biệt hơn 400 triệu bảng giữa Southampton và West Ham?
Điều đầu tiên cần nói là tất cả các giá trị câu lạc bộ được đề cập trong bài viết này là giá trị doanh nghiệp, một khái niệm khá phổ biến trên các trang kinh doanh nhưng dường như lại khá mới mẻ với NHM và một số phóng viên. Giá trị doanh nghiệp là giá trị vốn chủ sở hữu của công ty, giá vốn của cổ phiếu, cộng với nợ ròng của nó. Tóm lại là thêm cả các món nợ nữa.
Điều này nghe có vẻ mâu thuẫn, bởi nợ nần luôn là điều tồi tệ phải không nào? Và theo lẽ thường thì bạn sẽ nghĩ rằng giá nên được giảm xuống, và bạn sẽ không mua ngôi nhà nào khi chủ sở hữu vẫn còn đang nợ nần?
Cách tốt nhất để nghĩ về giá trị doanh nghiệp là bạn bỏ tiền ra để mua lại toàn bộ doanh nghiệp, mọi mặt của nó chứ không chỉ là những phần tốt đẹp nhất. Cụ thể với hai đội bóng nói trên, West Ham có khoản nợ ròng khoảng 80 triệu bảng, còn với Southampton con số này là 130 triệu bảng.
Nếu chúng ta nhìn vào những điều tích cực, cả hai câu lạc bộ này đều đang ở trong mùa giải thứ 10 liên tiếp tại Premier League. Họ cùng nhau thăng hạng vào năm 2012, năm mà Southampton đứng thứ hai, West Ham xếp hạng ba Championship. Giai đoạn từ 2014-2017, Southampton lần lượt đứng thứ 8-7-6-8 ở Premier League. Họ kiếm được nhiều tiền từ việc bán cầu thủ, chủ yếu cho Liverpool.
Hai thế mạnh đó có lẽ là điều đã thôi thúc doanh nhân người Trung Quốc Jisheng cho hơn 200 triệu bảng để mua lại 80% cổ phần của câu lạc bộ vào năm 2017. Nhưng những mùa giải gần đây, The Saints thường xuyên vật lộn ở khu vực nửa cuối bảng xếp hạng. Những thương vụ bán cầu thủ để sinh lời cũng chẳng còn và Gao nhanh chóng mất lãi.
Mặt khác, West Ham dường như đã leo lên nấc thang mới tại Premier League, họ hiện đang đứng thứ tư ở mùa giải này, và đứng thứ sáu ở mùa giải trước. Những thay đổi lớn đã đến ngoài sân cỏ. Vào năm 2016, họ đã tạm biệt sân Upton Park để đến với sân vận động Olympic ở London sau khi chi ra số tiền thuê khổng lồ, nơi đã được dùng để tổ chức Thế vận hội 2012.
Giờ thì nơi này được gọi là Sân vận động London, cho đến khi ai đó muốn trả nhiều tiền hơn để đổi tên nó. Sân đấu này có diện tích gấp đôi so với sân cũ của West Ham và có kết nối giao thông tốt hơn nhiều đến khu ngoại ô rộng lớn ở thủ đô nước Anh.
Năm 2019, mùa giải cuối cùng trước đại dịch, doanh thu của West Ham là 191 triệu bảng, so với 150 triệu bảng của Southampton. Southampton chưa đăng lên báo cáo tài chính của mùa giải trước, còn West Ham vào tháng trước đã đăng tải và tiết lộ doanh thu của câu lạc bộ đã tăng lên 192 triệu bảng. Đấy là chỉ tính riêng ở giải Premier League. Khoảng cách giữa họ với Southampton nhiều khả năng đã được nới rộng.
Nhưng liệu nó có đủ để biện minh cho khoảng cách 400 triệu bảng? Hãy tạm bỏ qua nó để tìm hiểu về thương vụ mua câu lạc bộ đáng chú ý nhất Premier League mùa này.
Tập đoàn do Ả Rập Xê Út hậu thuẫn đã lấy Newcastle khỏi bàn tay của tỉ phú người Anh Mike Ashley sau khi chi ra mức giá 305 triệu bảng. Một pha thâu tóm nhanh chóng câu lạc bộ sở hữu sân vận động có sức chứa 52.000 người và có doanh thu cao thứ tám ở Premier League năm 2020.
Nhưng đó vẫn là cái giá quá vô lý, phi lý cho một đội bóng thua lỗ khi còn đá ở Championship và không giành được một danh hiệu lớn nào trong suốt 67 năm. Có thể chúng ta xét đoán quá khắt khe, còn giá trị của một câu lạc bộ hay vẻ đẹp của nó đều được đánh giá bằng con mắt của kẻ thưởng ngoạn.
Roger Bell, người đồng sáng lập công ty tư vấn Vysyble cho biết: “Nói rộng ra, có hai cách tiếp cận để định giá một câu lạc bộ. Đầu tiên là định giá tương đối, bạn có thể nói vì câu lạc bộ X đã được bán với giá gấp năm lần doanh thu hàng năm, giá trị của câu lạc bộ này là gấp năm lần doanh thủ của họ. Điều này có vẻ hợp lý như quy tắc ngón tay cái nhưng nó cũng dẫn đến một số kết quả kỳ lạ và dễ gây hiểu lầm.
Cách tiếp cận thứ hai là thực hiện một phương pháp định giá kinh tế, đó là định giá ngược. Hãy đặt ra câu hỏi: Nếu bạn định trả 100 triệu bảng cho một câu lạc bộ, câu lạc bộ đó nên làm gì để xứng đáng với mức giá đó?”.
Tim Bridge là giám đốc của Deloitte’s Sports Business Group và ông thường xuyên được khách hàng yêu cầu định giá cho các câu lạc bộ mà họ đang đưa vào tầm ngắm.
“So với các ngành khác, cách tiếp cận định giá trong bóng đá còn khá mông lung - chúng tôi vẫn chưa có một mô hình cố định để thực hiện. Nếu chúng ta đang nói về một công ty bình thường, bạn sẽ thực hiện một phân tích chiết khấu dòng tiền, ước tính các dòng tiền trong tương lai, chiết khấu chi phí vốn và đưa nó trở lại giá trị hiện tại.
Nhưng hầu hết các CLB bóng đá không được điều hành như các công ty bình thường - không phải CLB nào cũng có doanh thu ổn định và không thua lỗ - vì vậy phương pháp chiết khấu dòng tiền không hoạt động. Nó không phản ánh chất lượng nội tại của các CLB và đó là lý do tại sao chúng tôi luôn lấy bội số doanh thu làm điểm xuất phát để tính toán ra giá trị chính xác nhất có thể trên thực tế.
Chúng tôi thường sử dụng bội số doanh thu từ 1,5 đến 2,0 cho một câu lạc bộ hạng trung ở Premier League. Sau đó, chúng tôi sẽ xem xét tài sản ròng, giá trị thương hiệu của câu lạc bộ, giá trị của sân vận động. Cách làm này thiên về tính nghệ thuật hơn là khoa học nhưng bắt đầu với bội số doanh thu là cách hợp lý nhất để tìm ra đáp án”.
Nếu chúng ta áp dụng tính toán nhanh của Deloitte cho năm câu lạc bộ Premier League đã trải qua quá trình mua bán trong năm ngoái hoặc lâu hơn - Burnley, Crystal Palace, Newcastle United, Southampton và West Ham - tất cả ngoại trừ West Ham đều phù hợp với phương pháp tiếp cận này.
“Bạn không bao giờ sử dụng một mà phải là ba hoặc bốn phương pháp, nhưng hãy luôn bắt đầu với bội sô doanh thu, sau đó xét tới EBIT hoặc EBITDA (thu nhập trước lãi vay và thuế, hoặc thu nhập trước lãi vay, thuế, khấu hao) - Maguire, chủ podcast và blog Price of Football cho biết.
Khi thực hiện báo cáo cuối cùng của mình cho Đại học Liverpool, có lẽ Maguire đã sử dụng phương pháp duy nhất áp dụng riêng cho bóng đá, đó là Mô hình đa biến Markham: (doanh thu + tài sản ròng) x (lợi nhuận ròng + doanh thu) / doanh thu x ( công suất sân vận động%) / tỷ lệ tiền lương%.
Công thức đó thực sự không quá phức tạp, nó là sản phẩm trí tuệ của Tiến sĩ Tom Markham, một nghiên cứu sinh tại trường kinh doanh của Đại học Reading vào năm 2013.
Nếu bạn đang nghĩ “Ai mà quan tâm một anh chàng sinh viên nghĩ gì chứ?” thì bạn nên biết là Tiến sĩ Markham tiếp tục trở thành người đứng đầu bộ phận phát triển kinh doanh của các nhà sản xuất Football Manager và là cố vấn chính cho tập đoàn Bahrain đã mua lại Wigan Athletic. Anh cũng tư vấn cho một số đội bóng của Premier League về chiến lược kinh doanh của họ.
Người đàn ông này nghĩ ra phương pháp trên sau khi xem xét các ước tính của Forbes, đầu tiên tập trung vào nền thể thao chuyên nghiệp Bắc Mĩ và nhận ra rằng các đội bóng ở đây kém xa các câu lạc bộ ở châu Âu.
Nhờ vậy, Markham có thể nhận thấy những vấn đề rõ ràng với phương pháp chiết khấu dòng tiền (dòng tiền ở đâu?) Và anh cho rằng sẽ là hơi chủ quan nếu vội vàng xác định bội số doanh thu ( câu lạc bộ nào nhận được bội số nào?).
Nhưng để chứng minh rằng không có gì thực sự thay đổi kể từ năm 2012, phương pháp của Markham có thể được dùng để định giá một câu lạc bộ như Tottenham. Vào thời điểm đó, Tottenham còn là một công ty niêm yết đại chúng, có nghĩa là bạn có thể chỉ cần nhân giá cổ phiếu với số lượng cổ phiếu đã phát hành để có được giá trị hoặc vốn hóa thị trường.
Đối với Tottenham, một thập kỷ trước, con số đó chỉ là dưới 84 triệu. Nhưng nếu áp dụng bội số doanh thu của Deloitte, kết quả thu về sẽ là 245 triệu bảng Anh. Tuy nhiên, Forbes đã đưa ra con số ở mức 351 triệu bảng và không có gì ngạc nhiên khi chẳng ai mua chúng.
Khi đọc đến phần này, có lẽ nhiều người vẫn sẽ cảm thấy mọi thứ thật khó hiểu và nặng về lý thuyết.
Những nhà đầu tư đã dốc hầu bao vào một số câu lạc bộ trong những năm gần đây cho biết: “Không ai mà chúng tôi biết ở bên mua hoặc bên bán sử dụng bất cứ điều gì ngoài bội số doanh thu đơn giản trừ đi giá trị doanh nghiệp chia cho EBITDA, hoặc doanh thu trước khi giao dịch cầu thủ.
Bạn có thể cộng các khoản phải thu chuyển khoản ròng (trả góp trừ dần từng khoản) vào giá trị doanh nghiệp, nếu bạn muốn, nhưng tất cả các giao dịch của chúng tôi đều từ nguồn vãng lai.
Nếu câu lạc bộ sở hữu một sân vận động hiện đại, bội số doanh thu có thể tăng một chút, có thể lên đến 1,5 lần, nhưng vấn đề ở nhiều quốc gia là các sân vận động đã quá cũ kĩ. Sở hữu chúng thực sự sẽ làm thất thoát tiền mặt và giảm giá trị của câu lạc bộ nói chung, vì vậy bạn sẽ cảm thấy ổn hơn nếu sân vận động xuống cấp đó thuộc quyền sở hữu của địa phương.
Bội số phụ thuộc vào mức doanh thu mà giải đấu chia sẻ. Giải Đức quản lý rất chặt chẽ, hầu hết các đội giao dịch trên 2,0 x, trong khi ở Anh, con số này thường dưới 2,0 x. Ở Pháp, nơi có nhiều vấn đề về quản trị, bội số nhỏ hơn 1,5 x”.
Nhưng lướt nhanh qua các danh sách mới nhất của Forbes và KPMG, bạn sẽ thấy rằng giới tinh hoa của châu Âu không ai áp dụng hệ số đo lường như vậy, bất kể ở giải đấu nào. 2 tỷ trở lên, hoặc gấp bốn lần doanh thu hàng năm.
Tất nhiên, điều đó giống với tỷ lệ áp dụng cho các câu lạc bộ trong các giải đấu chuyên nghiệp của Bắc Mỹ và những gì mà giới quý tộc châu Âu chia sẻ với các nhượng quyền thương mại đó là một sự đảm bảo gần như chống xuống hạng, một thứ công cụ hủy hoại giá trị cuối cùng của bóng đá.
Tất nhiên, một sự đảm bảo gần như là không đủ đối với hầu hết các đội ưu tú đó và đó là lý do vào năm ngoái, họ cố gắng tạo ra European Super League. Sự cạnh tranh giữa các câu lạc bộ siêu cường đó, với cơ chế quản lý chặt chẽ, giới hạn tiền lương nghiêm ngặt nếu xảy ra trong thực tế sẽ làm gia tăng doanh thu gấp nhiều lần hơn nữa.