Từ khi thành lập giải, chưa bao giờ Premier League hay và hấp dẫn như mùa bóng hiện thời. Hấp dẫn là ở cuộc đua “tam mã” giành ngôi vô địch với thế so kè sát rạt (và phía sau cuộc đua ấy thì các đội mạnh khác vẫn đang quyết liệt cạnh tranh suất còn lại vào Champions League). Còn hay là ở chất lượng chuyên môn cao và riêng biệt của ba ứng viên vô địch. Mỗi đội một vẻ, đều không lẫn vào đâu được.
Liverpool và Manchester City hùng mạnh ra sao trong nhiều năm qua thì ai cũng biết. Vậy nên, mùa này hay và hấp dẫn hơn chủ yếu nhờ có thêm Arsenal, hoặc nói cách khác là nhờ sự xuất sắc của HLV Mikel Arteta. Phòng thủ chắc chắn hoặc ghi bàn từ tình huống phạt góc là những nét riêng đặc sắc của Arsenal - chẳng những ưu việt so với các đội mạnh còn lại mà còn khác hẳn chính Arsenal trước đây. Đấy chỉ là vài ví dụ cụ thể.
Kai Havertz, Declan Rice, David Raya là những gương mặt mới, vừa gia nhập Arsenal trong mùa bóng này đã lập tức đã lập tức tỏ ra xuất sắc, xứng vai trụ cột. Mặt khác, mùa bóng càng tiến đến giai đoạn quyết định thì họ càng có phong độ tốt. Đấy chắc chắn phải là thành quả từ sân tập, từ triết lý bóng đá và giáo án đi kèm của Arteta. Nhìn chung, sự xuất sắc của Havertz hoặc Rice cũng tương đồng với gần như cả đội hình chính, toàn là cầu thủ do chính Arteta tuyển chọn (mua từ nơi khác hoặc đưa lên từ đội trẻ).
Bóng đá mỗi thời mỗi khác. Ngày xưa, ĐTQG luôn là đội bóng mạnh nhất trong một nền bóng đá, do đấy là tập hợp các cầu thủ tốt nhất trong từng nước. Bây giờ, các CLB lớn đều mạnh hơn ĐTQG rất nhiều, bởi họ được tự do mua sắm cầu thủ - dù vẫn còn vài giới hạn nhỏ nhưng không khó vượt qua. Mặt khác, đa số cầu thủ ngày xưa chơi bóng trong nước, ở thời kỳ mà công nghệ không ảnh hưởng quá nhiều vào bóng đá. Vậy nên, mỗi nền bóng đá lớn là một trường phái riêng.
Khi mà vấn đề trường phái đã trở nên nhạt nhòa, mọi người đều biết lẫn nhau, thì việc của giới cầm quân là phải tạo ra nét đặc sắc riêng cho chính mình, và hướng cái nét riêng đặc sắc ấy đến chỗ hoàn thiện. Liverpool của Juergen Klopp lấy tốc độ làm đầu. Man City của Pep Guardiola muốn kiểm soát bóng. Thế còn Arsenal của Arteta? Cứ phải hoàn thiện chính mình trước khi muốn hay hơn đối phương. Nhược điểm phòng ngự được cải thiện trong khi lối chơi thiên về tấn công vẫn được giữ vững, thế là Arsenal đã được nâng cấp rồi.
Erik Ten Hag của M.U cũng có triết lý riêng, từ đó xây dựng lối chơi riêng cho phù hợp với quan điểm của mình. Ông đang thất bại (hoặc không thành công như mong muốn). Nhưng đấy quả là việc cần làm của Ten Hag, trong loại hình bóng đá CLB. Các HLV giỏi bây giờ hầu như chỉ huấn luyện các CLB!
Trên nguyên tắc, các ĐTQG bây giờ không thể lấy lối chơi, bản sắc làm trọng, như CLB. Cầu thủ chênh lệch về đẳng cấp cá nhân; đến từ các CLB có lối chơi khác nhau (và tất nhiên họ quen thuộc hơn với lối chơi của CLB); lại không thể tập với nhau hàng ngày, thì “xây dựng lối chơi cho đội tuyển” thế nào được? Muốn một ĐTQG có lối chơi dựa trên nền tảng “kiểm soát bóng” (ví dụ như thế), thì đấy là ý muốn phản logic. ĐTQG cũng không có nhu cầu trẻ hóa hoặc hướng đến tương lai nào, đơn giản vì ĐTQG không liên quan gì đến vấn đề trẻ hóa của một nền bóng đá.
Vấn đề của một ĐTQG là làm sao để thắng, ở trận đấu hoặc giải đấu trước mắt, bằng lực lượng cầu thủ sẵn có.
ĐTQG phải là tập hợp cầu thủ tốt nhất có thể, trong từng thời điểm cụ thể, và phải có chiến thuật phù hợp với từng trận đấu cụ thể. Thậm chí phải có khả năng thay đổi chiến thuật, mục tiêu ngay trong trận đấu. Chênh lệch đẳng cấp rõ ràng thì đá kiểu gì cũng thắng. Còn nếu đẳng cấp ngang hàng mà lại đòi “kiểm soát bóng” với “trẻ hóa”, thì coi như thua từ đầu rồi.
Đừng quên khác biệt cơ bản: ĐTQG không phải là một CLB – luôn tập mỗi ngày, đá mỗi tuần, luôn có nhu cầu hướng đến tương lai (của chính CLB) và có cách để thỏa mãn nhu cầu ấy.