Năm ấy, lần đầu nữ tuyển thủ Vũ Thị Hương lên ngôi “nữ hoàng tốc độ” nội dung chạy 100m, cự ly hấp dẫn nhất của môn điền kinh. Tuy nhiên, điểm nhấn đặc biệt nhất của đoàn Việt Nam ở đại hội năm ấy chính là việc đội tuyển bơi có lại chiếc HCV quý giá sau 44 năm chờ đợi, tính từ chiếc HCV cuối bơi lội Việt Nam đoạt được ở kỳ đại hội lần 2-1961. Người lập nên kỳ tích đó là kình ngư Nguyễn Hữu Việt ở nội dung 100m ếch với thành tích 1’03”80. Ngoài ra, 5 chiếc HCV của đội tuyển TDDC đoạt được tại Manila cũng là bất ngờ lớn với chính các thành viên của đoàn thể thao Việt Nam.
Tuy nhiên, thành tích của các môn thể thao Olympic cùng chiếc HCV lần thứ 3 liên tiếp của môn bóng đá nữ cũng không xua được nỗi buồn ở môn bóng đá nam. Nói thế, bởi sau chiếc HCB của môn bóng đá nam tại SEA Games năm ấy trở về, mọi người bật ngửa trước thông tin đội tuyển Olympic Việt Nam đã bán độ tại đại hội lần ấy. Kết quả, một loạt tuyển thủ là lứa tài năng trẻ của bóng đá Việt Nam như Văn Quyến, Quốc Vượng, Văn Trương, Hải Lâm, Bật Hiếu, Phước Vĩnh, Quốc Anh đã vào khám và ra hầu tòa để trả giá cho những việc họ làm. Sau này, khi quay lại với thế giới bóng đá, hầu hết đều không còn là chính mình, trừ Phước Vĩnh, Quốc Anh của SHB Đà Nẵng.