Quy định công bằng tài chính bị kiện: Bosman đe dọa UEFA

Kinh Kha
09:52 ngày 16-10-2013
Cuối năm 1995, UEFA muối mặt khai tử toàn bộ luật chuyển nhượng, vì thua cầu thủ hạng bét Jean-Marc Bosman tại tòa án. Bóng đá châu Âu bất đắc dĩ phải thay đổi hoàn toàn.
Quy định công bằng tài chính bị kiện: Bosman đe dọa UEFA
Giờ thì ngược lại. Một thay đổi lớn mà UEFA đang dày công tiến hành cũng có nguy cơ sụp đổ ở tòa án. Đối thủ kỳ này là nhà đại diện Daniel Striani. Điểm chung giữa 2 vụ kiện: luật sư của Striani bây giờ hay Bosman 20 năm trước đều là một Jean-Louis Dupont tài giỏi.

PHÁN QUYẾT BOSMAN 2.0
Striani giống Bosman ở chỗ, đấy cũng chỉ là một cái tên rất tầm thường trong bóng đá đỉnh cao. Tay cò người Italia nhưng sống và hoạt động ở Bỉ này vừa đâm đơn kiện UEFA, rằng quy định công bằng tài chính (Financial fair-play, viết tắt là FFP) mà tổ chức của Michel Platini đang triển khai trong làng bóng châu Âu là sai luật.

Theo nguyên đơn, quy định này (chưa được thực thi trọn vẹn, nhưng UEFA đã áp dụng một phần) vi phạm các nguyên tắc cạnh tranh công bằng trong khối EU và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn thu chính đáng của những người hành nghề hợp pháp, như Striani hoặc các CLB nhỏ. Luật sư Dupont  sẽ cãi cho Striani.

Điểm mấu chốt trong quy định FFP của UEFA là các CLB châu Âu chỉ được chi tiêu nội trong số tiền mà họ kiếm được. Ví dụ, đội bóng kiếm được 100 triệu euro thì không được chi ra nhiều hơn số tiền ấy để mua sắm và trả lương cầu thủ.

Dĩ nhiên, việc triển khai quy định này trên thực tế lại vô cùng phức tạp, đòi hỏi phải có nhiều năm chuẩn bị, cho mọi phía liên quan. Sổ sách tài chính của các CLB đều phải được UEFA giám sát một cách chặt chẽ. Ngoài ra, còn phải liệt kê, quy định hàng loạt chi tiết liên quan, như thế nào là những nguồn thu nói lên khả năng kiếm tiền của CLB; đâu là những việc chi tiêu bị chi phối bởi nguồn thu; cách định giá những cái lợi vô hình đến từ thành tích của CLB...

Chính vì phức tạp như vậy nên quy định FFP dù đã được UEFA thông qua trên nguyên tắc từ năm 2009, đến nay vẫn chỉ “chạy thử” trong giai đoạn mà UEFA gọi là bản lề. Hãy còn thêm nhiều năm nữa trước khi mọi chuyện thật sự vào guồng. Trên nguyên tắc, các đội vi phạm FFP sẽ không được UEFA cấp giấy phép tham dự các cúp châu Âu.

Trước mắt, tuy chưa triển khai một cách bài bản như thế, nhưng UEFA cũng đã trừng phạt không ít đội bóng bằng cách này hoặc cách khác vì không tuân thủ FFP (chẳng hạn như giữ lại tiền chia từ Champions League hoặc Europa League).



PLATINI, ĐỪNG CHẾT VÌ CHỦ QUAN!
Làm ra vẻ không cần biết Jean-Louis Dupont là ai, chủ tịch UEFA Michel Platini trả lời khi được hỏi về vụ kiện: “Có thể anh ta đang cần việc làm. Tôi biết, Dupont là luật sư của FC Sion (CLB Thụy Sĩ từng kiện UEFA khi bị cấm dự Europa League và thua kiện). Vụ kiện của Sion giờ đã kết thúc, và bây giờ anh ta đang rảnh”.

Cũng có thể, Platini nói thế chỉ để che đậy một sự lo ngại? Trước mắt, giới phân tích cho rằng vụ kiện của Striani bây giờ rất giống với vụ kiện của Bosman trước đây. Khác biệt có chăng chỉ là luật sư Dupont giờ đã chững chạc hơn, già dặn hơn, kinh nghiệm hơn, và dĩ nhiên là phải giỏi hơn so với lúc ông bảo vệ Bosman trong cuộc chiến chống RFC Liege, LĐBĐ Bỉ và UEFA hồi đầu thập niên 1990.

Trước đây, với sự khiêm tốn và thận trọng cần có của một luật sư chỉ mới ra trường, Dupont đã nhiều lần nhắc UEFA và LĐBĐ Bỉ rằng họ nên dàn xếp bên ngoài tòa án để không bị “chuyện bé xé ra to”. Có đến 9 lần Dupont đề nghị UEFA dàn xếp “vấn đề nhỏ”, nhưng UEFA cùng hàng tá luật sư đã tự tin đến mức điên rồ, để phải chuốc lấy thất bại ê chề. Bây giờ, Dupont chỉ rung đùi chờ ngày tấn công UEFA, chứ ông đầu cần đề nghị dàn xếp trong tư cách “kèo dưới” nữa!

Trước mắt, có rất nhiều lý lẽ hiển nhiên đang đứng về phía Striani. FFP sẽ làm cho các CLB lớn (nhiều tiền) ngày càng giàu hơn. CLB nhỏ (ít tiền, thậm chí lỗ) chẳng lẽ sẽ không bao giờ được phép mua cầu thủ giỏi? Và đấy là sự cạnh tranh công bằng? Một khi FFP trở thành quy định chính thức, còn ai đầu tư vào các CLB nhỏ mà họ biết chắc là sẽ không có ngôi sao? Đại diện của các CLB ấy sẽ đàm phán hợp đồng với ai?...

Rất nhiều trường đại học (như Magdeburg, Manchester, Lancaster, Michigan...) đã nghiên cứu FFP một cách nghiêm túc và chỉ ra nhiều chỗ lợi bất cập hại của quy định này. Không thể loại trừ khả năng UEFA sụp đổ lần nữa trước luật sự Dupont - giờ đã vang danh trong thế giới bóng đá đỉnh cao.

Đón đọc Đặc san EURO 2024 DUY NHẤT TẠI VIỆT NAM.
Với 116 trang, thiết kế sang trọng, in 4 màu CHẤT LƯỢNG CAO.

  • Tất cả thông tin bạn đọc cần biết về EURO 2024.
  • Những nội dung đặc sắc, bài viết độc quyền của nhà báo thường trú tại châu Âu và các cây viết thể thao hàng đầu ở Việt Nam.
  • ĐẶC BIỆT: Tặng kèm Lịch thi đấu EURO 2024 khổ lớn.
  • Giá: 98.000 đồng.

ĐẶT MUA NGAY
Sử dụng tiếng Việt có dấu. Ký tự còn lại 500.

* Đăng nhập hoặc Đăng ký tài khoản để
bình luận và chia sẻ nhanh hơn

Thông tin Toà soạn

Tạp chí Điện tử Bóng Đá

Tổng biên tập:
Nguyễn Tùng Điển
Phó Tổng biên tập:
Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn

Địa chỉ liên hệ

Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội

Tel: (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
Fax: (84.24) 3553 9898
Email: toasoan@bongdaplus.vn | vanphong@bongdaplus.vn
 

Liên hệ Quảng cáo

Hotline: 0903 203 412
Email: quangcao@bongdaplus.vn

x