Bóng Đá Plus trên MXH

U23 Việt Nam được tôi luyện thành "vàng" như thế nào?
21:38 ngày 31/01/2018
Thành công của U23 Việt Nam tại VCK châu Á 2018 không phải từ trên trời rơi xuống, mà phải trải qua một quá trình tôi luyện kéo dài trong trong vòng hơn 4 năm, với hàng loạt giải đấu và các trận cọ xát quốc tế lớn nhỏ.

    Thế hệ “2 trong 1”

    Như đã đề cập, trong số 23 cầu thủ của U23 Việt Nam giành ngôi Á quân châu Á 2018 có 10 người từng góp mặt tại VCK U19 châu Á 2014 (sinh năm 1995 và 1996) gồm: trung vệ Bùi Tiến Dũng, Đỗ Duy Mạnh, Vũ Văn Thanh,  Phạm Đức Huy, Nguyễn Quang Hải, Lương Xuân Trường, Nguyễn Văn Toàn, Nguyễn Phong Hồng Duy, Phan Văn Đức, Nguyễn Công Phượng.  

    Bên cạnh đó, có 7 cầu thủ (sinh năm 1997 trở về sau) từng góp mặt trong đội hình U19 Việt Nam tham dự vòng loại, VCK 19 châu Á 2016 và cả U20 World Cup 2017 gồm thủ môn Bùi Tiến Dũng, Nguyễn Trọng Đại, Nguyễn Quang Hải, Trần Đình Trọng, Hà Đức Chinh, Đoàn Văn Hậu, Bùi Tiến Dụng.

    4 cầu thủ còn lại gồm 2 thủ môn Nguyễn Văn Hoàng, Đặng Ngọc Tuấn, hậu vệ Phạm Xuân Mạnh và tiền vệ Châu Ngọc Quang là những người có ít kinh nghiệm thi đấu quốc tế nhất.

    Không khó nhận ra đây là những sản phẩm tốt nhất của bóng bóng đá trẻ Việt Nam trong hơn 4 năm qua. Họ đều là những cầu thủ được đào tạo một cách bài bản về chuyên môn lẫn đạo đức ở các lò luyện trứ danh của Việt Nam như HAGL, Hà Nội FC, Viettel, PVF, SLNA... Tuy nhiên, yếu tố quyết định cho những thành công không chỉ nằm ở điều kiện đã nêu, mà vấn đề “thực chiến” mới đóng vai trò tiên quyết, đặc biệt là trong địa hạt bóng đá trẻ.

    U23 Việt Nam đã thành công từ việc kiên trì với đào tạo trẻ

    Thực chiến đóng vai trò tiên quyết

    Thực chiến trong trong bóng đá thực chất là khái niệm đề cập đến việc đội bóng hay các cầu thủ được chơi bao nhiêu trận một năm, đối thủ của họ là ai, như thế nào nhằm trui rèn bản lĩnh, ý chí và sự va chạm chiến thuật..., thay vì những bài thị phạm của các HLV trên sân tập. Có thể lấy cột mốc khởi đầu của U23 Việt Nam hiện tại chính là lứa cầu thủ U19 Việt Nam với nòng cốt là Học viện HAGL-JMG tham dự U19 Đông Nam Á 2013 tại Indonesia, giải đấu mà chúng ta đã giành vị trí Á quân.

    Nguồn cảm hứng tại xứ Vạn đảo đã lan tỏa và mở ra cho bóng đá Việt Nam một hy vọng mới. Điều đó đã được LĐBĐ Việt Nam (VFF) cụ thể hóa bằng những chiến lược dài hơi, với việc cho lứa cầu thủ nói trên tham dự hàng loạt giải đấu thường niên của khu vực và châu lục. Có thể kể ra đây: giải tứ hùng NutiFood 2014, U22 Đông Nam Á 2014, vòng loại và VCK U19 châu Á. Theo thống kê, thầy trò HLV Guillaume Graechen đã có đến 25 trận chính thức. Ngoài ra họ còn cọ xát khoảng 20 trận thi đấu giao hữu. Đặc biệt là chuyến tập huấn hơn 50 ngày tại châu Âu với 12 trận giao hữu tại đây, sau đó là 2 tuần tại Nhật để so giày với 6 đối tượng khác nhau.

    Dưới triều đại của của HLV Toshiya Miura và HLV Nguyễn Hữu Thắng, lứa cầu thủ nói trên tiếp tục được góp mặt và đóng vai trò nóng cốt tại hai kỳ SEA Games 2015, 2017, vòng loại U23 châu Á 2016 và 2018. Họ được thử lửa khoảng 30 trận quốc tế chính thức và không chính thức. Trong số này, rất nhiều cầu thủ còn là trục xương sống của ĐTQG tham dự AFF Cup 2016 cũng như vòng loại Asian Cup 2019, góp mặt trong khoảng 15 trận đấu quốc tế.

    Trong khi đó, lứa U19 Việt Nam dưới triều đại của HLV Hoàng Anh Tuấn cũng được đầu tư rất kỹ lưỡng. Họ bắt đầu khởi động với 6 trận đấu giải U19 Đông Nam Á 2015 và giành ngôi Á quân. Sau đó tham dự U19 Đông Nam Á 2016, vòng loại và VCK U20 châu Á 2016. Rồi đỉnh cao là giành vé tham dự U20 World Cup 2017. 

    Ngoài 20 trận đấu chính thức, các học trò của ông Tuấn được tập huấn hơn nửa tháng tại châu Âu và được cọ xát với các đội bóng có trình độ như U23 Borussia Moenchengladbach, U19 Fortuna Duesseldorf (Đức) hay U21 Roda (Hà Lan). Trước thềm U20 World Cup, họ còn được so giày với U20 Argentina và U20 Vanuatu. Dĩ nhiên, những Tiến Dũng, Quang Hải, Đức Chinh, Văn Hậu, Đình Trọng... còn được thử lửa ở SEA Games 2017, vòng loại U23 châu Á 2018 hay M-150 Cup...

    Nếu tính sơ bộ trong hơn 4 năm, lứa cầu thủ U23 Việt Nam thi đấu khoảng 130 trận quốc tế lớn nhỏ khác nhau. Đây là một con số vô cùng ấn tượng và nó đã chứng minh, VFF cũng như sự hỗ trợ của các Mạnh Thường Quân đã không tiếc tiền bạc lẫn công sức để chăm bẵm, nuôi dưỡng “một thế vàng” cho tương lai. Dĩ nhiên, chẳng con đường nào trải hoa hồng, lứa cầu thủ này gặt hái không ít thành công nhưng cũng phải nhận không ít đắng cay, nỗi buồn. Song nhờ đó họ đã trưởng thành để hóa thân thành một “Phù Đổng” tại VCK U23 châu Á 2018.
    Đức Nguyễn • 21:38 ngày 31/01/2018

    Bài viết hay? Ấn để tương tác

    Bình luận
    Thông tin Toà soạn
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Tổng biên tập:
    Nguyễn Tùng Điển
    Phó Tổng biên tập:
    Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn
    Địa chỉ:
    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Tel:
    (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
    Fax:
    (84.24) 3553 9898
    Email:
    Thông tin Liên hệ
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Hotline:
    0903 203 412
    Email:

    Địa chỉ liên hệ:

    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Đăng nhập
    hoặc

    Email:

    Mật khẩu:

    Quên mật khẩu?


    Bạn chưa có tài khoản? Đăng ký ngay