- Phóng viên: Xin chào ông. Chủ đề “các đội bóng V.League kiếm tiền bằng cách nào?” đang nhận được sự quan tâm. Ông có thấy ngạc nhiên không khi hầu hết các đội bóng chuyên nghiệp của Việt Nam không có một nhà tài trợ chính thức?
- Ông Vũ Tiến Thành: Thực ra, một số CLB V.League đã có nhà tài trợ nhưng phương thức tài trợ như thế nào thì tùy thuộc vào cơ chế, quy ước từng đội bóng đó. Chẳng hạn như Sài Gòn FC hiện nay trực thuộc công ty cổ phần phát triển bóng đá Sài Gòn với sự góp mặt của rất nhiều cổ đông. Bến Thành Holding đóng vai trò chính, đồng hành gồm có Him Lam Group, Capella Holdings, Bến Thành Lands, Lotha Milk… Đây chính là những “bà đỡ” cho Sài Gòn FC và chúng tôi có những hoạch định chiến lược cùng các nhà tài trợ để đưa đội bóng lên một tầm cao mới.
- Từ ngày chuyển giao chủ sở hữu, các nhà tài trợ nhận được những quyền lợi gì? Sài Gòn FC có gặp khó khăn về nguồn lực tài chính không, thưa ông?
- Chúng tôi không gặp trở ngại về tài chính, các nhà tài trợ đã có những cam kết và sẽ đồng hành cùng chúng tôi cả chặng đường dài phía trước. Dĩ nhiên, chúng tôi đã không thể thu về những nguồn thu từ việc bán, kinh doanh biển quảng cáo… trong mùa dịch Covid-19. Chỉ khi nào bóng lăn trở lại thì nguồn thu này mới trở lại.
- Trước đây và cả bây giờ, rất nhiều CLB Việt Nam tồn tại nhờ mô hình “đổi đất vàng để nuôi đội bóng”, sống bằng “hầu bao” các ông bầu hay bằng ngân sách nhà nước. Vậy mô hình và chiến lược hoạt động tương lai của Sài Gòn FC là gì?
- Mọi chiến lược phát triển, kinh doanh hay gì gì đi nữa thì phải bắt đầu với cái tên Sài Gòn. Sài Gòn FC phải là một đội bóng có chất riêng của mình. Cái riêng về lối chơi cống hiến nhưng cũng hiệu quả. Và nó trở thành một món ăn tinh thần cho người Sài Gòn. Bóng đá là môn thể thao giải trí chứ không phải bỏ tiền vào sân để chịu “tra tấn”. Để có được điều đó, Sài Gòn FC đã vạch ra một chiến lược dài hạn. Chúng tôi sẽ xây dựng Đại bản doanh của riêng mình ở TP.HCM. Ở đó, không chỉ là khu nhà ăn ở của các VĐV đội 1 mà còn là Học viện bóng đá năng khiếu và cộng đồng với quy mô 5 sân bóng. Ngoài ra còn các khu giải trí, hồi phục sức khỏe, dinh dưỡng…
- Nếu mô hình như ông nói trở thành hiện thực, liệu rằng, Sài Gòn FC có lấy bóng đá nuôi được bóng đá không? Thực tế, ở TP.HCM bây giờ, các CLB mới hướng tới việc tìm kiếm sự bền vững thay vì “ăn xổi ở thì” nhưng cũng phải tính tới những sai số…
- Ở thời điểm hiện tại, không ai dám vỗ ngực xưng tên sẽ lấy bóng đá nuôi bóng đá, hoặc bắt bóng đá “đẻ” ra tiền… Rất khó và đó gần như là điều không thể. Nhưng tương lai gần, bóng đá sẽ là nguồn thu lớn, nếu các CLB xây dựng cho mình bản sắc và tính chuyên nghiệp đúng nghĩa. Các hoạt động quảng cáo, marketing mang đến nguồn thu đáng kể… Kế đến, khi các đội bóng cạnh tranh quyết liệt về mọi mặt sẽ tạo ra một giải đấu hấp dẫn. Thái Lan doanh thu thế nào về bản quyền truyền hình thì ai cũng rõ và “miếng bánh” ấy đã được chia cho các CLB…
- Xin cám ơn ông về cuộc trao đổi!
XEM THÊM
CLB TP.HCM: Mùa Covid, đến chai nước cũng phải đánh số
CLB TP.HCM giảm lương: Công Phượng cười, các đồng đội... mếu