Bồ Đào Nha vô địch World Cup, tại sao không?

Kinh Thi
Từ 15:21 ngày 30-11-2022
Nếu hình dung các ứng cử viên vô địch World Cup như các nước hùng mạnh thời Chiến Quốc, thì khác biệt cơ bản là hoàn toàn chẳng có liên minh Hợp Tung hay Liên Hoành gì.

Tề, Yên, Tần, Sở, Hàn, Triệu, Ngụy là 7 nước hùng mạnh thời Chiến Quốc. Nước Tần mạnh nhất, nhưng không dễ bá chủ nếu như sáu nước còn lại đồng lòng liên kết với nhau theo kế Hợp Tung của Tô Tần. Về sau, Tần thôn tính dần từng nước, thống nhất thiên hạ.

Nếu hình dung các ứng cử viên vô địch World Cup như các nước hùng mạnh thời Chiến Quốc, thì khác biệt cơ bản là hoàn toàn chẳng có liên minh Hợp Tung hay Liên Hoành gì. Các đội vượt qua vòng bảng sẽ phải bắt cặp đấu loại trực tiếp với nhau, cho đến khi chỉ còn hai đội so tài trong trận chung kết, và đội thắng trở thành nhà vô địch.

Có hai vấn đề đặt ra trong việc nhận diện nhà vô địch tiềm năng. Đầu tiên, đấy phải là đội mạnh, hẳn nhiên rồi. Thứ đến là vấn đề may mắn, ai cũng cần có. Tại EURO 2016, Bồ Đào Nha của Cristiano Ronaldo là một đội mạnh “bình thường”. Họ không thắng nổi trận nào ở vòng bảng, dù đối thủ chỉ là Hungary, Iceland và Áo. Chật vật qua từng cửa ải mang tên Croatia, Ba Lan, Iceland, Bồ Đào Nha lọt vào chung kết.

Nếu như Bồ Đào Nha bị đánh giá thấp hơn Anh, Ý, Đức, Tây Ban Nha, Pháp, thì điều đó cũng chẳng có nghĩa lý gì đối với Cristiano Ronaldo và đồng đội, bởi các siêu cường kia sẽ phải quyết đấu để loại dần nhau ra khỏi cuộc chơi. Tây Ban Nha thua Ý, rồi Ý thua Đức, rồi Đức thua Pháp. Cuối cùng, Bồ Đào Nha lại cầm chân Pháp suốt 90 phút, trước khi tung đòn quyết định trong hiệp phụ để lên ngôi vô địch. Trong suốt hành trình lên ngôi vô địch EURO 2016, Bồ Đào Nha chỉ thắng một trận trong 90 phút, đó là trận thắng Xứ Wales ở vòng bán kết.

So với hành trình ấy, Bồ Đào Nha tại World Cup 2022 hoàn toàn không thua, nếu không muốn nói là còn hay hơn, thuyết phục hơn. Họ đã thắng Ghana và Uruguay để sớm lấy vé vào giai đoạn knock-out. Như đã nêu, giai đoạn knock-out là nơi mà các anh hào phải loại nhau, một cách rất “hên xui”, cho đến khi xác định nhà vô địch.

Ngoài Bồ Đào Nha, chỉ có hai đội khác sớm vượt qua vòng bảng sau 2 loạt trận, là Pháp và Brazil. Không có dấu hiệu rõ rệt nào cho thấy Pháp và Brazil mạnh hơn Bồ Đào Nha. Mất Neymar, Brazil mất hẳn nguồn sáng tạo, đá mãi mới thắng Thụy Sĩ nhờ một đường bóng đổi hướng ngẫu nhiên. Và nhờ Thụy Sĩ, cũng như Serbia trước đó, “không dám đá” nữa. Pháp có Kylian Mbappe rất hay. Nhưng Mbappe không gây ảnh hưởng lớn, như ảnh hưởng của Bruno Fernandes đối với Bồ Đào Nha. Và Bồ Đào Nha còn có Rafael Leao, Bernardo Silva, Joao Felix, Ruben Dias… Có Pepe hoặc Cristiano Ronaldo nữa.

Trong 3 kỳ World Cup gần đây nhất, Cúp vàng thuộc về ai? Pháp (2018), Đức (2014), Tây Ban Nha (2010), dĩ nhiên rồi. Đấy là đội bóng của... Vua phá lưới trong kỳ EURO ngay trước đó (Antoine Griezmann tại EURO 2016; Mario Gomez tại EURO 2012; David Villa và Xavi tại EURO 2008). Ở kỳ EURO gần nhất trước World Cup này (EURO 2020, dời sang mùa hè 2021), Vua phá lưới là Cristiano Ronaldo và Patrik Schick. Đội CH Czech của Schick thì không có vé dự World Cup 2022, chỉ còn đội bóng của Ronaldo…

Nói đùa thế thôi. Bồ Đào Nha hay hơn so với những gì người ta tưởng. Và Bồ Đào Nha hay ở chỗ không có hoặc có một Ronaldo mờ nhạt, họ vẫn cứ hay. Đường vào bán kết thì đang rộng mở, chẳng khác EURO 2016 là mấy.

Nguồn: Bongdaplus
Sử dụng tiếng Việt có dấu. Ký tự còn lại 500.

* Đăng nhập hoặc Đăng ký tài khoản để
bình luận và chia sẻ nhanh hơn

Việt Nam
Philippines
Indonesia
Iraq
Indonesia
Philippines
Iraq
Việt Nam
Bảng xếp hạng
  • A
  • B
  • C
  • D
  • E
  • F
  • G
  • H
Xem thêm
Thông tin Toà soạn

Tạp chí Điện tử Bóng đá

Tổng Biên tập:
Nguyễn Tùng Điển
Phó tổng Biên tập:
Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn
Địa chỉ liên hệ
Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội

Điện thoại: (84.24)35541188 - (84.24)35541199
Fax: (84.24)35539898
Email: toasoan@bongdaplus.vn
 

x