ĐT Đức: Mông lung giữa 2 cách tiếp cận

Hà Trang
Từ 15:16 ngày 27-11-2022
Nhập cuộc chủ động, pressing liên tục từ đầu chí cuối hay chơi thực dụng, rình rập thời cơ mới là chìa khóa cho vấn đề của ĐT Đức? Không ai rõ, đó luôn là mâu thuẫn chục năm qua của những người có quá nhiều suy nghĩ.

Một cuộc họp giận dữ, những sự thật ném vào mặt nhau, lấy bàn đạp là thất bại để tiến bộ luôn là cách người Đức vượt khó trong quá khứ. Năm 1954, họ làm thế sau trận thua Hungary để rồi vô địch World Cup lần đầu tiên. Họ cũng làm thế năm 1974 sau trận thua Đông Đức và đoán xem, lại vô địch thế giới. Họ cũng làm thế năm 1982 sau thất bại trước Algeria và vào tới trận chung kết.

Nhưng đấy là Đức của quá khứ, khi họ vẫn là Turniermannschaft - một ông vua đá cúp và cũng có những thủ lĩnh huyền thoại - Führungsspieler, để kéo cả đội đi đúng hướng.

Vào thứ Tư vừa qua, cũng đã có một cuộc họp giận dữ như vậy sau khi Đức thua ngược Nhật Bản ở lượt ra quân World Cup 2022. Nhưng Đức hiện tại mai một bản sắc rất nhiều, họ không còn là Turniermannschaft lầm lì của ngày xưa, cũng không có một Führungsspieler đích thực. Lần đầu tiên sau 20 năm, người ta nghi ngờ định hướng của bóng đá Đức.

Để tìm ra câu trả lời tường tận, hãy quay về chiến dịch năm 2014. Với nhiều người, chiến thắng hủy diệt 7-1 trước Brazil ở bán kết là trận đấu biểu tượng của giải năm đó. Nhưng không, đó đơn thuần chỉ là một sự cẩu thả vô độ của đội chủ nhà, chơi thứ bóng đá vô kỷ luật và bị Đức bẻ gãy sau những pha chuyển trạng thái đơn giản.

Để nói về bước ngoặt, Joachim Loew sẽ chọn chiến thắng nghẹt thở 2-1 trước Algeria ở vòng 1/8, hay trận hòa hú vía 2-2 với Ghana ở vòng bảng. Đấy là lúc Loew nhận ra vấn đề, để Mario Goetze đá cắm không giải quyết được gì. Và thế là Đức trở về với căn bản, trung phong kiểu cổ điển Miroslav Klose quay trở lại đội hình xuất phát và cứ thế, họ vô địch.

Dùng Klose chính là cách để Đức đăng quang năm 2014

Chức vô địch năm đó là đỉnh cao của Das Reboot - quá trình tái cấu trúc bóng đá Đức bắt đầu từ năm 2000, để biến Đức từ một quốc gia coi thường pressing sang tôn sùng nó. Đã có nhiều thành công ở cấp CLB khi đi theo con đường mới này. Nhưng kỳ lạ thay, World Cup lại là một ngoại lệ, có rất ít dấu ấn của việc pressing tầm cao.

Loew của năm 2014 có thể khiến Đức chơi gợi cảm, tấn công vũ bão nhưng khi cần thì cũng biết cách co mình, chơi xù xì và thực dụng. Những năm sau đó, Loew không bao giờ tìm ra được điểm cân bằng hoàn hảo như thế nữa và Đức cứ thế đi xuống.

Ở phiên bản Die Mannschaft 2022 dưới quyền Hansi Flick, Đức vẫn đi theo trending, trọng việc dồn ép đối phương, cố gắng đoạt bóng ngay ở phần sân khách. Nhưng hệ quả là họ hở toàn bộ khoảng sân phía sau mỗi khi hàng thủ dâng cao. Cả 2 bàn thua trước Nhật Bản đều đến như vậy, một pha phản công và một quả phạt đơn giản. 

Đức có vấn đề trong việc tái ổn định đội hình sau mỗi pha chơi bóng đột biến của đối thủ. Hàng thủ quá kém, trong khi phần còn lại không thể bảo nhau. Đâu rồi những Beckenbauers, Rummenigges, Matthäuses - những người có thể hét vào mặt đồng đội và thức tỉnh họ? Có phải Đức quá chú trọng vào tính tập thể mà quên đi năng lực cá nhân? 

Thực tế thì bây giờ bắt Đức chơi thực dụng họ cũng không làm được, đơn giản vì không có nhân sự phù hợp. Mà nếu chơi pressing như vẫn hay làm thì chẳng khác nào đi vào cái bẫy đã biết trước. Và đây chính là nghịch lý của Das Reboot - thứ tư tưởng làm người Đức thăng hoa cấp CLB lại khiến ĐTQG suy yếu.

Nguồn: Bongdaplus
Sử dụng tiếng Việt có dấu. Ký tự còn lại 500.

* Đăng nhập hoặc Đăng ký tài khoản để
bình luận và chia sẻ nhanh hơn

Xem thêm
Thông tin Toà soạn

Tạp chí Điện tử Bóng đá

Tổng Biên tập:
Nguyễn Tùng Điển
Phó tổng Biên tập:
Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn
Địa chỉ liên hệ
Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội

Điện thoại: (84.24)35541188 - (84.24)35541199
Fax: (84.24)35539898
Email: toasoan@bongdaplus.vn
 

x