Trên nguyên tắc, khi trận đấu đã bị đưa đến màn luân lưu 11m, thì cái hơn về mặt tâm lý, tinh thần, thường thuộc về đội… yếu hơn. Họ đã chống đỡ thành công, cầm chân được đối thủ mạnh hơn, để rồi bây giờ đứng trước cơ hội cân bằng: 5-5 cho mỗi bên. Đội tự thấy mình mạnh hơn, muốn đá để thắng, nhưng rút cuộc không thể thắng trong 120 phút mà “phải” so tài ở loạt sút 11m vốn có tính may rủi cao, thì như thế là đã có lý do để buồn bực, thất vọng rồi. Nhật thua Croatia vì lý thuyết này?
Đây đã là lần thứ 4 Nhật Bản lọt vào giai đoạn knock-out ở đấu trường World Cup. Lần đầu (năm 2002) là kỳ tích, trên sân nhà, Nhật thua TNK 0-1 sau khi vượt qua vòng bảng. Lần kế tiếp (năm 2010), Nhật thua Paraguay ở chấm 11m luân lưu. Lần thứ ba (năm 2018), Nhật dẫn Bỉ 2-0 đến khi trận đấu chỉ còn 21 phút, nhưng thua ngược 2-3. Luôn dừng chân ở vòng 1/8, nhưng ai cũng thấy rõ: kinh nghiệm, tư thế, niềm tin của đội tuyển Nhật đã được nâng cấp dần qua những trận thua vừa nêu. Bây giờ, Nhật Bản có quyền hướng đến chiến thắng khi gặp một Croatia già nua và coi như không có tiền đạo giỏi. Họ đá để thắng, để quyết tiến đi xa hơn, lần đầu lọt vào tứ kết!
Thực tế trên sân cho thấy: Nhật Bản mới là đội ghi bàn trước. Họ thể hiện khí thế tấn công hừng hực, muốn dùng tốc độ và thể lực để xé nát đội hình Croatia vốn đã mệt mỏi. Thủ lĩnh Luka Modric của Croatia làm gì còn đủ hơi sức để chơi bóng sòng phẳng trong suốt 120 phút! Rút cuộc, kết quả là hòa 1-1 và Nhật thua trong loạt sút luân lưu, như mọi người đã biết. Chỉ xin nói thêm: đấy là cái thua rõ ràng, tuyệt vọng. Các cầu thủ Nhật, gồm cả thủ quân Maya Yoshida, sút bóng như chuyền cho thủ môn đối phương. Hiếm khi có chuyện đá 11m mà người xem cảm nhận rõ ràng, dễ dàng tiên đoán “không vào”, như khi các cầu thủ Nhật đá 11m với Croatia.
Người ta hay dùng những cụm từ như “tinh thần Samurai”, “võ sĩ đạo”, để gắn kết với đội tuyển Nhật. Nhưng cần nhớ: hầu hết giá trị của những thứ hay ho ấy đều là cái hay của… kẻ yếu. Họ phải chống đỡ để bảo vệ quê nhà trước quyền năng của kẻ mạnh. Họ phải tận trung, can trường, xem cái chết nhẹ tựa lông hồng. Samurai nào mà lại muốn đi chinh phục, chiếm lĩnh, muốn đá để thắng trước đối thủ đang là đương kim á quân thế giới?
Bóng đá Nhật bây giờ không còn là… Samurai nữa. Gọi họ là Samurai trước Đức và TBN ở vòng bảng thì được. Nhưng trước Croatia, Nhật đá để thắng. Chính Nhật Bản tạo khác biệt cho mình, giữa vòng bảng và giai đoạn knock-out. Và họ đã sai lầm chọn sở đoản, muốn chinh phục!
Trong Tam Quốc, Tư Mã Ý đã bao lần cố thủ, chấp nhận mang tiếng “đàn bà”, bởi một sự thật quá rõ ràng: đấu với Gia Cát Khổng Minh thế nào được! Lão tướng Liêm Pha của nước Triệu (thời Chiến Quốc), gồm đủ uy dũng, mưu lược, cũng chọn phương án cố thủ trước quân Tần hung tàn. Không đánh càng tốt. Bóng đá dĩ nhiên cũng có những hoàn cảnh, tình huống hoàn toàn như vậy. Dĩ nhiên, bóng đá khác ở chỗ: còn có khán giả. Người Nhật không muốn mang tiếng “phản bóng đá”, không thể cầu hòa khi họ đang có hình ảnh đẹp đẽ trong mắt khán giả. Họ quyết thắng, nhưng rút cuộc đã thua.
Nỗi buồn châu Á
Thế là sạch bóng... như chùi
Ngẫm thương châu Á, ngậm ngùi lòng ta
Chủ nhà là nước Qatar
Chỉ sau 2 trận bị ra chầu rìa
Iran nước mắt đầm đìa
Thắng Wales oanh liệt, ơ kìa vẫn đi
Thương thay Ả Rập Saudi
Ngược dòng khiến cả Messi tẽn tò
Nhưng sau cái buổi bất ngờ
Lại về “máng lợn” mà mơ hóa rồng
Úc tuy khác máu tanh lòng
Vẫn là châu Á lọt vòng knock-out
Tiếc rằng số phận lao đao
Bị Tango chặn, đành chào Qatar
Là thương Hàn Quốc đêm qua
Ngậm sâm tưởng đá Samba hết hồn
Ngờ đâu bị đánh sập nguồn
Bốn bàn hiệp một, thua luôn mà về
Nhật Bản cũng chẳng khác gì
Luân lưu đá vậy, loại thì đúng thôi
Dông dài thế chắc đủ rồi
Giải sau châu Á chắc thời khá hơn!