Những định kiến World Cup: Cái nào đúng, cái nào sai?

Chiêu Văn
Từ 20:43 ngày 04-06-2014
ĐT Anh vô dụng khi đá luân lưu. Các đội Nam Mỹ chuyên đá xấu. Hà Lan lúc nào cũng mâu thuẫn nội bộ. Các đội châu Phi không biết phòng ngự. Những kỳ World Cup diễn ra với nhiều định kiến mặc nhiên. Nhưng liệu tất cả có đúng như thế?

1. ĐT Anh kiệt sức ở World Cup
Màn trình diễn kém cỏi của ĐT Anh ở World Cup 2010, điển hình là trận thua tan nát Đức ở vòng 16 đội, được cho là bởi các cầu thủ của họ đã bị vắt kiệt sức ở mùa trước đó. Ngoài ra, HLV Fabio Capello cũng bị quy trách nhiệm khi ông bắt các cầu thủ tập thể lực rất nặng trước khi giải đấu bắt đầu.

Người kế nhiệm của Capello, Roy Hodgson, cũng đã nói về việc không khiến đội bóng của ông “đi quá giới hạn” về thể lực trước khi tới Brazil. Tuy nhiên, thống kê cụ thể cho thấy các cầu thủ của Hodgson thực ra chơi ít hơn so với của Capello 4 năm về trước. 

Dựa trên một đội hình xuất phát 11 người khả dĩ nhất, đội bóng của Hodgson đã chơi tổng cộng 411 trận mùa vừa rồi, với 385 trận đá chính, tổng cộng 34.419 phút. Với đội hình xuất phát của Capello năm 2010, con số đó là 36.353 phút, với 32 trận nhiều hơn.

Ở bảng D, các cầu thủ Anh trong đội hình xuất phát cũng chẳng có số phút ra sân mùa trước nhiều hơn so với đội hình xuất phát của Italia, đối thủ của họ vào ngày 14/6. Các cầu thủ dự kiến sẽ đá chính của Azzurri đã chơi nhiều hơn 40 trận so với các đối thủ Anh và ra sân nhiều hơn 2.500 phút.

ĐT Anh không kiệt sức như nhiều người nghĩ

ĐKVĐ TBN, có thể là đối thủ của Anh ở tứ kết, thậm chí còn phải chơi nhiều hơn Italia, với tổng cộng 37.388 phút, chủ yếu bởi nhiều cầu thủ trong đội hình xuất phát đá cho các đội vào rất sâu ở Champions League, Barcelona (tứ kết), Real Madrid và Atletico Madrid (đều chung kết).

Cũng ở bảng D, Anh sẽ thấy mệt mỏi hơn so với các đối thủ Uruguay và Costa Rica, những đội có đội hình xuất phát chơi ít hơn hẳn trong mùa vừa rồi. Uruguay ít hơn Anh khoảng 8.000 phút, trong khi Costa Rica là 9.000. Đội chủ nhà Brazil, cũng có thể gặp Anh ở tứ kết, có đội hình xuất phát với tổng cộng 30.656 phút ra sân cho CLB mùa vừa rồi, ít hơn Anh khoảng 4.000 phút.

 
2. Các đội Nam Mỹ chơi xấu nhất
Các đội Nam Mỹ chiếm cả 3 vị trí dẫn đầu trong danh sách các nước nhận nhiều thẻ đỏ nhất ở World Cup. Brazil ở vị trí số 1 với 11 lần có cầu thủ bị đuổi khỏi sân, tiếp theo là Argentina (10) và Uruguay (8).


Tuy nhiên, phân tích số lỗi mà các đội đã phạm kể từ World Cup 1966 tới nay mang tới một bức tranh khác, chỉ khu vực Concacaf, với các đội ở Bắc-Trung Mỹ (16,83) và châu Âu (17,37) có số pha phạm lỗi trung bình mỗi trận thấp hơn so với các đội Nam Mỹ (17,55). Phạm nhiều lỗi nhất là các đội châu Phi, 18,32 lỗi/trận.

3. Các đội châu Phi không biết phòng ngự
Sau màn trình diễn tệ hại của hàng thủ Zaire ở World Cup 1974, một số người mặc định rằng các đội bóng châu Phi không biết phòng ngự. Zaire nổi tiếng sau thất bại 0-9 của họ dưới tay Nam Tư, khi họ không biết kèm người, chơi vô tổ chức và thậm chí không lập hàng rào khi đối thủ đá phạt. Đội bóng đại diện cho quốc gia này đã được đặt tên lại là Cộng hòa dân chủ Congo, cũng có hàng thủ tệ nhất World Cup mọi thời, thủng lưới 14 bàn trong 3 trận năm 1974. Cameroon lại tạo ấn tượng tương tự khi năm 1990, họ phạm lỗi dẫn tới 2 quả phạt đền trong trận thua Anh 2-3 ở tứ kết.


Tuy nhiên, đánh giá các thống kê tỉ mỉ hơn cho thấy các đội châu Phi có thành tích phòng ngự tốt thứ 3 ở các VCK World Cup. Họ để thủng lưới trung bình 1,55 bàn/trận, chỉ kém Nam Mỹ (1,28)  và châu Âu (1,31). Châu Phi thậm chí đang sở hữu đội có thành tích phòng ngự tốt nhất tính mọi kỳ World Cup, khi Angola chỉ thủng lưới 2 bàn trong 3 trận ở lần tham gia duy nhất năm 2006.

 
4. Brazil là Vua đá phạt
Brazil đã ghi được nhiều bàn từ đá phạt nhất ở các kỳ World Cup. Selecao đã ghi 9 bàn trực tiếp vào lưới đối thủ từ các tình huống cố định, không tính các quả phạt đền. Pha sút bóng chân trái điệu nghệ của Dirceu vào lưới Peru năm 1978 và quả bóng cong không thể ngăn cản của Zico vào lưới Scotland 4 năm sau đó là những ví dụ điển hình.

Cú đá phạt kinh điển của Zico

Cú sút trái phá của Roberto Carlos vào lưới Trung Quốc năm 2002, hay màn biểu diễn của Rivelino trước Đông Đức năm 1974 cũng đáng nhắc tới. Brazil cũng được hưởng 166 quả phạt trước khung thành đối phương, cũng là nhiều nhất trong số các đội dự World Cup.

5. Anh vô dụng trên chấm luân lưu
Điều này thì chắc chắn đúng. ĐT Anh đã tham gia 3 lần suất luân lưu ở World Cup (1990, 1998 và 2006) kể từ khi luật đá 11 mét được FIFA áp dụng từ giải 1978, họ thua cả 3. Chỉ Italia cũng 3 lần thua trên chấm 11 mét, nhưng Azzurri còn có một chiến thắng, ở trận chung kết năm 2006 khi họ đánh bại Pháp 5-3.

Những lần Anh đá hỏng phạt đền tại các kì WC 90, 98 và 06

Một an ủi nhỏ cho người Anh là tỉ lệ sút phạt đền thành công của họ vẫn chưa phải là tệ nhất. Các cầu thủ Anh chỉ thành công 50% trong 14 lần đá luân lưu, nhưng Thụy Sĩ mới là đội bét bảng: đá 3 lần, hỏng cả 3.

Trong khi đó, Đức cực kỳ hiệu quả trên chấm 11 mét, thực hiện thành công 17 trong 18 quả luân lưu của họ ở World Cup, tương đương tỉ lệ 94,4%, hơn bất kỳ nước nào. Cú sút hỏng của Uli Stielike ở trận bán kết gặp Pháp (Đức vẫn thắng) năm 1982 cho tới giờ là lần duy nhất một cầu thủ Đức thất bại trên chấm luân lưu ở World Cup.

6. Các đội châu Âu gặp khó ở Nam Mỹ
Định kiến này dựa trên sự thật là chưa từng có đội châu Âu nào vô địch World Cup ở Nam Mỹ, và các thống kê cho thấy điều đó đúng.

Nếu tính mỗi trận thắng 3 điểm và trận hòa 1 điểm, các đội châu Âu chỉ giành được 1,34 điểm/trận trong các VCK World Cup được tổ chức ở Uruguay, Brazil, Chile và Argentina, so với 1,59 điểm/trận khi giải tổ chức ở châu Âu.

Chủ nhà Uruguay vô địch ở giải mở màn năm 1930, rồi giành cúp vàng Jules Rimet ở Brazil năm 1950. 12 năm sau đó, Brazil vô địch ở Chile, rồi Argentina đăng quang trên sân nhà năm 1978, cả hai đều đánh bại những đối thủ châu Âu trong trận chung kết, Tiệp Khắc và Hà Lan. Đó cũng là 2 đội châu Âu duy nhất vào tới chung kết World Cup ở Nam Mỹ.

7. Hà Lan luôn đấu đá nội bộ


1990: Sau khi không thể giành quyền dự World Cup TBN 1982 và Mexico 1986, Hà Lan tới Italia với tư cách ĐKVĐ châu Âu. Nhưng các cầu thủ trụ cột, bao gồm Frank Rijkaard, Ronald Koeman và Marco van Basten, đã nói với LĐBĐ Hà Lan (KNVB) rằng họ sẽ không hợp tác với HLV Thijs Libregt, người bị sa thải ngay trước khi World Cup khai mạc và thay bằng HLV của Ajax Leo Beenhakker. Nhưng nhóm nổi loạn vẫn chưa vừa lòng. Họ đòi đích danh HLV khi đó đang dẫn dắt Barcelona Johan Cruyff. Beenhakker vẫn ở lại và một đội bóng chia rẽ hoàn toàn bị loại ở vòng 2 dưới tay kình địch Tây Đức.

1994: Đội trưởng Oranje Ruud Gullit, vốn đã chấn thương đầu gối và không thể thi đấu ở Italia 1990, lại bỏ lỡ cơ hội tỏa sáng ở World Cup, chủ yếu bởi sự thù hằn lâu năm giữa anh và HLV Dick Advocaat. Trước VCK ở Mỹ, cựu tiền vệ AC Milan, Sampdoria và Chelsea tuyên bố từ giã ĐTQG vì không đồng ý với các phương án chiến thuật của Advocaat.

2010: 16 năm bình yên trôi qua với Hà Lan ở các kỳ World Cup, dù các kỳ EURO 1996 và 2008 vẫn đầy sự cố. Tiền vệ của Ajax Edgar Davids bị tống cổ về nhà ở EURO 1996 sau khi công khai chỉ trích HLV Guus Hiddink vì đã loại anh ra ở trận vòng bảng gặp Thụy Sĩ. Những tin đồn về tình trạng phân biệt chủng tộc trong nội bộ ĐT Hà Lan càng khiến tình hình thêm tồi tệ.

Năm 2008, tiền vệ của AC Milan Clarence Seedorf bỏ đội ở vòng loại sau khi cãi nhau với HLV Marco van Basten. Tiền đạo khi đó còn khoác áo Arsenal Robin van Persie và tiền vệ kiến tạo của Real Madrid Wesley Sneijder, 2 người quan trọng nhất của Oranje trên hàng công, cũng đã lao vào ẩu đả sau một pha vào bóng ác ý trên sân tập.
Nguồn: Bongdaplus
Sử dụng tiếng Việt có dấu. Ký tự còn lại 500.

* Đăng nhập hoặc Đăng ký tài khoản để
bình luận và chia sẻ nhanh hơn

Việt Nam
Philippines
Indonesia
Iraq
Indonesia
Philippines
Iraq
Việt Nam
Bảng xếp hạng
  • A
  • B
  • C
  • D
  • E
  • F
  • G
  • H
Xem thêm
Thông tin Toà soạn

Tạp chí Điện tử Bóng đá

Tổng Biên tập:
Nguyễn Tùng Điển
Phó tổng Biên tập:
Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn
Địa chỉ liên hệ
Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội

Điện thoại: (84.24)35541188 - (84.24)35541199
Fax: (84.24)35539898
Email: toasoan@bongdaplus.vn
 

x