Sau 12 năm, người Ghana vẫn căm hận Luis Suarez  

KHÔI NGUYÊN
Từ 17:56 ngày 02-12-2022
Đúng 12 năm trước, tiền đạo Luis Suarez của ĐT Uruguay đã dùng tay cản một bàn thắng mười mươi của đối thủ Ghana, qua đó, được cho là đã. xé nát tấm vé vào bán kết World Cup lịch sử không chỉ của Ghana mà còn cả châu Phi. Anh vẫn là tội đồ bị Ghana căm ghét cho đến tận bây giờ.  

LUIS SUAREZ ĐÃ LÀM GÌ NĂM 2010?  

Không khí lúc đó thật hỗn loạn và lộn xộn. Thị trấn Soweto, thuộc thành phố Johannesburg vang dội âm thanh chói tai của hàng chục nghìn chiếc kèn vuvuzela. Những cung bậc cảm xúc thay đổi liên tục. Đám đông như vỡ òa bởi sự phấn khích khi Luis Suarez lê bước rời khỏi sân, kéo áo che mặt, cố gắng che giấu sự thất vọng sau khi bị đuổi vì dùng tay cản cú đánh đầu của Dominic Adiyiah ngay trên vạch vôi ở những giây cuối cùng của trận đấu tứ kết World Cup 2010.  

“Tôi nghĩ chúng tôi đã thắng”, cựu tiền vệ người Ghana - Ibrahim Ayew nói khi nhớ lại đêm định mệnh điên rồi ngày 2/7/2010. “Tôi đang khởi động sau khung thành để chuẩn bị vào sân thay người, tôi nhảy cẫng lên ăn mừng vì tôi chắc chắn rằng bóng đã đi qua vạch vôi. Tôi nghĩ chúng tôi đã làm được điều đó: trở thành đội bóng châu Phi đầu tiên lọt vào bán kết World Cup.”  

Đó cũng là tâm trạng chung được cảm nhận trên khán đài và thực sự là cả quốc gia Ghana đã vỡ òa trong hạnh phúc ở thời khắc đó. Phóng viên thể thao người Ghana George Addo Jr. cho biết: “Tôi đang xem trận đấu cùng một nhóm sinh viên tại trường đại học ở Accra. Mọi người đều ăn mừng. Mọi người đều hân hoan”.  

Trở lại Soccer City, hậu vệ Hans Sarpei của Ghana đã hỏi trọng tài Olegario Benquerenca liệu ông có công nhận bàn thắng hay không. Benquerenca lắc đầu và chỉ tay vào chấm phạt đền. Dần dần, cuộc hỗn chiến ở khung thành Uruguay tan biến và khắp SVĐ cũng như toàn cõi châu Phi mới lờ mờ nhận ra rằng Ghana vẫn chưa hoàn toàn bước chân vào bán kết.  

Sau 120 phút căng thẳng, trước mắt hai đội chỉ còn loạt “đấu súng” căng não. Một quả phạt đền nữa thôi sẽ đưa “Những ngôi sao đen” Ghana vào bán kết và nuôi sống giấc mơ vinh quang World Cup của châu Phi. Chắc chắn, trên đôi chân các cầu thủ khi đó là áp lực ngàn cân. “Chúng tôi không chỉ chơi cho Ghana. Chúng tôi chiến đấu vì châu Phi”, Ibrahim Ayew chia sẻ. “Có cảm giác như cả châu Phi đang ở phía sau và đặt trọng trách lên vai chúng tôi.  

Người thực hiện quả phạt đền siêu quan trọng đó không ai khác là Asamoah Gyan. Trước đó, anh đã ghi bàn từ những quả phạt đền đầy áp lực trước Serbia và Australia, nhưng đây là một cấp độ hoàn toàn khác. “Tất cả chúng tôi đều tin Asamoah và anh ấy cũng tin vào chính mình. Stephen Appiah đưa quả bóng cho anh ấy và nói: “Tiến lên và ghi bàn nào anh bạn. Hãy khiến cả châu Phi tự hào”, Ayew nói.  

Cú chơi bóng bằng tay lịch sử của Luis Suarez trong trận tứ kết Uruguay - Ghana tại World Cup 2010

Sau tiếng còi của Benquerenca, Gyan bước lên phía trước, sút bóng rất chắc… và thất thần nhìn nó dội xà ngang. Một giây sau, tiếng còi mãn cuộc vang lên. Gyan ôm đầu đầy vẻ hoài nghi. Kwadwo Asamoah khuỵu gối và Kevin-Prince Boateng nằm úp mặt xuống thảm cỏ. Ở Accra, cũng như ở Soccer City, tiếng kèn vuvuzela im bặt khi mọi người không thể tin nổi chuyện gì vừa xảy ra.  

Và sau đó, các máy quay TV lia đến đường biên, nơi mà tâm trạng của các cầu thủ Uruguay đã thay đổi chóng mặt. Họ đang ăn mừng cuồng nhiệt. Vẫn còn một loạt sút luân lưu trước mắt và Suarez sẽ không thể tham gia vì đã bị đuổi khỏi sân - nhưng dường như tiền đạo người Urugoay và tất cả những ai có mặt vào lúc đó đều biết rằng cơ hội của Ghana đã tan biến.  

Kịch bản cũ đã bị xé toạc, một kịch bản mới được viết vội vàng để kịp đi vào lịch sử. Gyan, với bản lĩnh của mình đã trấn tĩnh lại và ghi bàn trong loạt đá luân lưu, nhưng những cú sút của John Mensah và Adiyiah đã bị Fernando Muslera cản phá trước khi Sebastian Abreu ấn định chiến thắng cho Uruguay bằng một quả phạt đền kiểu Panenka.  

ĐÒI HỎI BÁO THÙ CỦA NGƯỜI GHANA  

Suarez không ngần ngại ăn mừng, anh nhập vai phản diện và giành chiến thắng, trong khi Ghana và châu Phi chìm trong tuyệt vọng. Ibrahim Ayew thốt lên với vẻ cay đắng: “Cả Ghana và châu Phi đều căm ghét anh ta”. Thật vậy sao? Suarez vẫn bị ghét bỏ? Ngay cả ở bây giờ, 12 năm sau trận đấu đó? “Chính xác là như thế,” Ayew khẳng định, nhưng cũng bật cười. “Chúng tôi ghét anh ta. Và chúng tôi muốn trả thù”.  

Khi lễ bốc thăm chia bảng World Cup diễn ra vào tháng 4/2022, đã có cảm giác rằng một cuộc gặp gỡ định mệnh sẽ diên ra. Khi hết đội này đến đội khác trong nhóm bốn bị loại và những hạn chế về địa lý khác nhau trở nên rõ ràng hơn, cơ hội để Ghana chạm trán với Urugoay ở bảng H ngày càng lớn.  

VĐV điền kinh Carl Anka, người gốc Ghana nằm trong số nhiều người cảm thấy điều đó là không thể tránh khỏi. Và sau đó, khi HLV kỳ cựu Bora Milutinovic rút một quả bóng khác ra khỏi hộp bốc thăm trong hội trường ở Doha, điều đó đã được xác nhận.  

“Trả thù” là chủ đề tràn ngập trên các phương tiện truyền thông xã hội ở Ghana. “Những ngôi sao đen” nằm ở một bảng đấu khó cùng với Bồ Đào Nha, Hàn Quốc và Uruguay, nhưng không ai ở Ghana nói về việc đối đầu với Cristiano Ronaldo hay Son Heung-min. Tất cả đều tập trung vào cái tên duy nhất: Luis Suarez.

Hành vi vô thức hay cố ý của Suarez khi cản phá một bàn thắng hợp lệ của Ghana đã tạo ra một cơn hỗn độn khủng khiếp

Đó cũng là tâm lý của các nhà quản lý bóng đá Ghana. Chủ tịch LĐBĐ Ghana Kurt Okraku cho biết sau lễ bốc thăm: “Chúng tôi tin rằng đây sẽ là thời điểm để phục thù. Quan trọng là tất cả chúng tôi đều chơi bóng với sự ngay thẳng”. 

Ngay cả các chính khách cũng tham gia vào chủ đề này. Tổng thống Ghana - Nana Akufo-Addo cho biết: “Chúng tôi đã phải đợi 12 năm để trả thù Uruguay - và chúng tôi đảm bảo với họ rằng lần này bàn tay của Suarez sẽ không thể cứu họ trước Những ngôi sao đen Ghana. Họ đang sa sút rồi!”.  

Người tiền nhiệm của ông, cựu tổng thống John Mahama, cũng có nhận định tương tự. “Ngay cả khi các bạn không thể đánh bại bất kỳ ai, hãy đánh bại Uruguay vì tôi. Và hãy trả lại cho Suarez những gì anh ta đã làm với chúng ta”.  

Phát biểu trước giải đấu, Ibrahim Ayew đề xuất một kịch bản: sau hai lượt trận đầu tiên của bảng H, Ghana sẽ gặp Uruguay ở vòng ba với một tâm thế sẵn sàng. Điều đó đã xảy ra sau khi Ghana đánh bại Hàn Quốc 3-2 vào chiều thứ Hai, và Uruguay thua Bồ Đào Nha 2-0 vào buổi tối sau đó.  

Suarez đã vào sân thay người trong hiệp hai và chơi khá nhạt nhoài. Đối với ĐT Ghana, họ đang có cơ hội để tiến vào vòng loại trực tiếp và tiễn Suarez cùng với Uruguay về nước. Nhưng liệu lần này họ có thể giữ vững tinh thần để hoàn thành nhiệm vụ?  

Ghana vừa đánh bại Hàn Quốc 3-2, một trong những trận đấu hấp dẫn, gây phấn khích nhất của giải đấu cho đến nay. Các cầu thủ của họ vẫn còn phấn chấn trên đường rời SVĐ, hào hứng chia sẻ cảm nghĩ với cánh phóng viên tại khu vực hỗn hợp sau trận đấu.  

Tại World Cup 2022, Ghana lại tái ngộ Suarez và Uruguay nhưng họ có cơ hội đi tiếp lớn hơn

Andre, em trai của Ibrahim Ayew, thành viên duy nhất của ĐT Ghana năm 2010 vẫn còn có tên trong đội hình tham dự giải đấu năm nay, xúc động nói về sự ủng hộ mà anh và các đồng đội cảm nhận được từ đám đông. “Tôi muốn cảm ơn họ rất nhiều. Rất đông CĐV đã đến đây và họ rất tuyệt vời. 

Chúng tôi muốn cảm ơn sự ủng hộ, tình cảm và những lời cầu nguyện của họ. Không biết điều gì sẽ xảy ra, nhưng hy vọng chúng tôi sẽ vượt qua thử thách tiếp theo. Chúng tôi sắp có một trận đấu lớn, một trận đấu khó khăn, nhưng chúng tôi đã cho mình cơ hội để mơ ước”.  

Cựu tiền đạo của Swansea City và West Ham United, hiện đang chơi cho CLB Qatari Al Sadd nhắc lại rằng anh đã từng ở trong hình huống này và cả thế giới đều nhớ những gì đã xảy ra ở lần đụng độ trước đây với Uruguay, trong một trận cầu quyết định.  

“Chà, tôi là người duy nhất trong đội khi nó xảy ra.” anh nói, “Vì vậy những người khác không thực sự biết rằng tôi và các đồng đội lúc đó đã cảm thấy như thế nào. Mọi người đều cảm thấy tồi tệ, nhưng đối với tôi, tôi chỉ muốn hướng về phía trước, vì vậy với riêng tôi, đây không phải một màn trả thù. Dù thế nào đi nữa, chúng tôi cũng có cùng một quyết tâm và cùng một khát khao chiến thắng vì chúng tôi muốn tiến đến vòng đấu tiếp theo. Hãy chờ xem chúng tôi sẽ đánh bại họ như thế nào”.  

Khi được hỏi về ký ức 2010, thời điểm ĐT Ghana đối diện với nỗi thất vọng tột cùng, Andre từ chối. “Bây giờ tôi đang ở đây và tôi không nhìn lại nữa”, anh nói. “Xin lỗi. Tôi chỉ nghĩ về những gì sắp diễn ra vào thứ Sáu. Tôi không muốn nói về quá khứ”. Gideon Mensah cũng đồng quan điểm với đồng đội. Hậu vệ cánh của Auxerre biết rằng sẽ có khác biệt trong góc nhìn về trận đấu hôm thứ Sáu “đối với cả đất nước và đối với một số cá nhân”.  

Nhưng anh cũng nói thêm: “Còn với các  cầu thủ, nó giống như bất kỳ trận đấu nào khác mà chúng tôi cần ra sân và giành 3 điểm. Vì vậy, trả thù hay không cũng không sao, nếu Suarez có ra sân cũng không quan trọng. Chúng tôi vẫn phải có ba điểm để bước vào vòng đấu tiếp theo.” Liệu các cầu thủ Ghana có thể lấy ký ức năm 2010 làm động lực? Ghim một bức ảnh của Suarez trên tường phòng thay đồ như một sự nhắc nhở biết đâu sẽ khơi gợi ý chí chiến đấu của “Những ngôi sao đen”?

LUIS SUAREZ LÀ ANH HÙNG LẪN KẺ PHẢN DIỆN  

Suarez không bao giờ để tâm đến sự phẫn nộ của Ghana. Anh chỉ đơn thuần làm công việc của mình. Để ngăn chặn quả đá phạt của đối phương, trong những giây cuối cùng của trận đấu World Cup, anh lùi lại sát vạch vôi theo bản năng. Khi Appiah tung cú sút về phía khung thành, Suarez đã ở đó để phá bóng.  

Khi Adiyiah tiếp tục đánh đầu, vẫn là bản năng đã mách bảo tiền đạo người Uruguay dùng tay cản bóng lại. Anh đã hy vọng rằng, với rất nhiều cầu thủ đang tập trung trong vòng cấm, anh có thể thoát khỏi mắt trọng tài. Nhưng không có ai bị đánh lừa, Suarez nhận thẻ đỏ và rời sân trong nước mắt.  

Cựu tiền đạo Barcelona chia sẻ trong cuốn tự truyện có tựa Bước Qua Ranh Giới: “Tôi bước ra khỏi sân trong tâm trạng suy sụp. Tôi đã khóc và điều duy nhất hiện ra trong đầu tôi vào thời điểm đó là chúng tôi sẽ bị loại khỏi World Cup. Tôi đã bị đuổi khỏi sân và chúng tôi sẽ xách va li về nhà. Gyan sẽ thực hiện quả phạt đền.

Tôi tin rằng anh ấy sẽ không sút hỏng. Chúng tôi không còn cơ hội. Và rồi tôi thấy bóng đi vọt xà ngang. Anh ấy đã bỏ lỡ. Và tôi đã thốt lên: ‘Golllllllll!’ Đó là cảm giác được giải phóng, giống như thể chúng tôi đã ghi bàn. Không thể tin nổi. Tôi sẽ không bao giờ quên nó. Đó là lúc tôi nhận ra mình đã làm gì. Đó là lúc tôi nhận ra việc bị đuổi là xứng đáng. Tôi đã cản phá một bàn thắng, họ đã sút hỏng quả phạt đền và chúng tôi vẫn sống sót”.

Luis Suarez được các CĐV nhà tôn vinh vì dám xả thân cứu ĐTQG năm 2010

Nói một cách nhẹ nhàng, Suarez chưa bao giờ ngại vượt qua ranh giới để cố gắng giành chiến thắng trong một trận đấu. Nhưng lần này thì khác. Anh đã không giả vờ ngã để kiếm một quả phạt đền. Anh cũng không… cắn đối thủ khi trọng tài không để ý. Anh cũng không dùng lời lẽ phân biệt chủng tộc để khiêu khích cầu thủ đối phương. Suarez bị phạt thẻ đỏ vì dùng tay chơi bóng, một quả phạt đền dành cho đối thủ, rồi Uruguay thắng trên chấm phạt đền, trong khi Suarez bị treo giò ở bán kết.  

“Gyan là người đã bỏ lỡ quả phạt đền”, anh nói. “Nhưng mọi người nói rằng tôi đã làm điều gì đó khủng khiếp, hoặc tôi là kẻ xấu xa, nhưng tôi đã dùng tay cản phá bàn thắng vì không còn lựa chọn nào khác. Trên thực tế, tôi thậm chí còn không kịp đưa ra lựa chọn. Cơ thể tôi đã tự phản ứng.  

Uruguay đã vào bán kết nhờ một cú chơi bóng bằng tay. Tôi thậm chí còn cảm thấy như thể mình đã phải hi sinh. Đó chắc chắn không phải là sự ích kỷ. Đó là sự công hiện mọi thứ cho đất nước của tôi và cho đội bóng của tôi. Đó là cách người Uruguay nghĩ về tôi”.  

Sebastian Abreu đã chơi 70 trận cho Uruguay và vào sân từ băng ghế dự bị trong trận gặp Ghana, ghi bàn thắng quyết định trong loạt sút luân lưu. Anh không thấy quá nhiều sự kết nối giữa trận đấu năm 2010 và trận tái đấu năm 2022. “Sự trả thù nghe có vẻ hấp dẫn, nhưng 2 trận đấu diễn ra trong những bối cảnh khác nhau”.  

Diego Forlan, người đã ghi bàn gỡ hòa cho Uruguay vào đêm hôm đó trước khi thực hiện thành công quả phạt đền trong loạt sút luân lưu, cũng muốn hạ thấp quan điểm của những người quá quan tâm đến lịch sử.  “Đây không phải là trận đấu để trả thù. Nếu Ghana nhìn nhận vấn đề theo cách đó, thì đó là việc của họ. Họ sẽ lấy nó làm động lực. Chẳng sao cả, điều đó hợp lệ”.  

Forlan bối rối trước việc Suarez bị coi  là nhân vật phản diện của trận đấu. “Tôi vẫn không hiểu thứ tiêu chuẩn kép mà nhiều người trên khắp thế giới đang cố bám vào”. Forlan bức xúc. “Luis đã bị chế giễu vì điều đó. Vì sao nào? Cậu ấy phạm lỗi? Luật nói rằng nếu dùng tay chơi bóng trong vòng cấm thì phải chịu phạt.  

Và chuyện gì đã xảy ra? Một quả phạt đền và Suarez bị thẻ đỏ. Thế kết quả là gì? Một quả phạt đền cho Ghana và họ đã bỏ lỡ nó. Xong. Kết thúc câu chuyện. Ai bị phạt? Chúng tôi và Luis không thể thi đấu trong trận đấu tiếp theo. Vậy làm thế nào cậu ta lại là nhân vật phản diện? Có thật là như thế không? Luật đã được thực thi và anh ta đã bị phạt. Không có gì khác nữa cả!”.  

“Và còn một thứ nữa,” Abreu nói. “Nếu Ghana thực hiện thành công quả phạt đền, Suarez sẽ không phải là kẻ xấu. Nhưng họ đã tự vứt nó đi. Nếu Ghana ghi bàn, thậm chí còn chẳng có chuyện gì nữa mà kể. Sau tình huống đó, hai đội bước vào loạt đá luân lưu và họ sút hỏng hai quả phạt đền còn chúng tôi chỉ bỏ lỡ một. Chính vì vậy, thật không công bằng khi tất cả những điều này đổ dồn lên đầu Luis.”  

Trở lại Uruguay, Suarez đã được tôn vinh. Trong cuốn tự truyện của mình, tiền đạo này vui mừng nhớ lại rằng trong cuộc diễu hành trở về quê hương sau khi bị Hà Lan đánh bại ở bán kết, các CĐV đã hát: “No es la mano de Dios, es la mano de Suarez. La puta madre que le parto!” - Đó không phải là bàn tay của Chúa, đó là bàn tay của Suarez. Suarez muôn năm. Cảm ơn người phụ nữ chết tiệt đã sinh ra anh!  

Chỉ có một điều xoay quanh vụ việc năm đó khiến Suarez hối tiếc. Khi xem lại trận đấu vào ngay hôm sau, trong khi các đồng đội của anh chuẩn bị cho trận bán kết, anh thấy quả bóng đã ở gần hơn anh tưởng vào thời điểm đó, nghĩa là chưa chắc anh đã phải dùng tay mới đẩy được nó đi. Có lẽ Suarez có thể dùng dầu phá bóng.

“Tại sao tôi lại làm thế?” anh tự hỏi. “Sao tôi lại xử lý như vậy?”.  Câu trả lời chỉ có một. “Tôi có một phần nghìn giây để hành động và tôi đã kiệt sức sau 120 phút chơi bóng,” anh nói. Đó đơn thuần là bản năng. Bản năng nghề nghiệp thuần túy.  

VẾT THƯƠNG DO SUAREZ GÂY RA RẤT KHÓ LÀNH  

Ibrahim Ayew nói rằng không ai trong phòng thay đồ của Ghana muốn nói chuyện suốt một thời gian dài sau trận đấu đó.“Chúng tôi rất tiếc, đặc biệt là với Asamoah Gyan,” tiền vệ hiện đang chơi cho Bruno's Magpies ở Gibraltar National League nói. “Anh ấy tự trách mình vì đã làm cả châu Phi thất vọng. Chúng tôi đã nói rằng đó không phải là lỗi của anh, nhưng Gyan vẫn cảm thấy thất vọng, ngay cả bây giờ”.  

Họ cũng cảm thấy tức giận, không phải với Gyan, mà là với trọng tài. “Ông ta lẽ ra có thể công nhận bàn thắng” - và chắc chắn là với Suarez vì tính chất khiêu khích, điên cuồng trong các màn ăn mừng của chân sút bên phía Uruguay. “Bạn có thể thấy anh ta chạy ra khỏi đường hầm để ăn mừng sau quả phạt đền của Gyan và chúng tôi cảm nhận được điều đó”, Ibrahim Ayew nói. “Chúng tôi đã rất tức giận. Nhưng không ai cố gắng tiếp cận hoặc tấn công anh ta. Không cần phải như thế.”  

Asamoah Gyan vẫn mang mặc cảm tội lỗi khi sút hỏng quả penalty trừng phạt hành vi của Suarez

Cuối cùng, lý do khiến Suarez bị căm ghét không chỉ là hành động của anh ta, mà là bối cảnh của sự việc. “Theo luật bóng đá, Luis Suarez đã bị trừng phạt”, phóng viên thể thao Addo nói. “Nhưng với những người Ghana, lẽ ra đó phải là một bàn thắng và chúng tôi đã bị lừa dối. Ghana khóc, châu Phi khóc và Luis Suarez ăn mừng. Đó là điều mọi người thấy rất khó chấp nhận. Cảnh anh ta ăn mừng sau quả phạt đền của Asamoah Gyan khiến rất nhiều người nổi giận”.

Addo nói rằng sự căm phẫn với Suarez sẽ dịu đi theo thời gian nếu anh ấy thể hiện nhiều hơn sự cảm thông với các cầu thủ Ghana, nhưng thay vào đó, tiền đạo này dường như chẳng ngán bất kỳ sự sỉ nhục nào, khi cho rằng Gyan và cầu thủ Ghana chỉ nên tự trách mình vì đã không thể giành chiến thắng trong trận đấu.  

“Mọi người Ghana đều không có thiện cảm với Suarez, ngay cả khi đó không phải là sự thù hận,” Addo nói. “Tất cả chúng tôi đều cảm thấy điều đó. Ngay cả khi Suarez chơi cho Liverpool hay Barcelona, không ai muốn thấy anh ta cười. Bất cứ khi nào anh ta xuất hiện trên màn hình TV, sẽ có người nói: "Chính là anh ta, là anh chàng đó đấy!".  

Ở Ghana, mọi người đang bàn tán về sự trả thù. Có thể tượng tưởng ra một màn ăn mừng hoang dã ở Ghana nếu ĐTQG giành chiến thắng. Ibrahim Ayew đồng ý với nhận định này. Năm nay 34 tuổi, nhưng Ibrahim vẫn quyết tâm chứng kiến những người anh em của mình là Andre và Jordan phục thù Uruguay vào thứ Sáu. Nhưng ngay cả việc tiễn Uruguay về nước có thể vẫn là chưa đủ.  

“Đó là trận tứ kết World Cup,” anh nói. “Nếu quả bóng đó đi vào lưới - nếu Suarez không làm những gì anh ta đã làm - thì chúng tôi đã là đội tuyển châu Phi đầu tiên lọt vào bán kết World Cup. Bạn có thể tưởng tượng điều đó không? Và chúng tôi đã đại diện cho toàn bộ châu Phi, cho những người dân vùng Caribê, người dân trên khắp thế giới, kể cả ở Châu Âu.

Đó là kỳ World Cup đầu tiên từng được tổ chức ở châu Phi và không biết đến khi nào điều đó mới lặp lại. Việc một đội bóng châu Phi vào bán kết sẽ đi vào lịch sử. Có một điều tôi muốn nói về ĐTQG của chúng tôi: khi khoác lên mình màu áo của Ghana, sức mạnh tinh thần sẽ chắp cánh cho cầu thủ. Dù phải gánh vác quá nhiều thứ trên vai, nhưng không ai sợ hãi.

Nhìn lại cách các đồng đội chơi tối hôm đó, không ai chùn bước dù đối diện với rất nhiều áp lực. Tôi cảm thấy chúng tôi đã chiến thắng, nhưng rồi đột nhiên điều đó xảy ra. Tuy nhiên, thành thực mà nói, tôi không ghét Suarez. Tôi đã hiểu ra rằng nếu tôi ở vị trí đó, tôi cũng sẽ làm điều tương tự.

Nhưng vết thương đó vẫn còn gây đau đớn. Bạn cố gắng chôn vùi nó vào quá khứ, nhưng nó vẫn là một phần trong đời bạn. Nó giống như một vết sẹo sẽ không bao giờ biến mất, cho đến khi chúng tôi phục hận thành công và đạt được điều mình muốn".    

Nguồn: Bongdaplus
Sử dụng tiếng Việt có dấu. Ký tự còn lại 500.

* Đăng nhập hoặc Đăng ký tài khoản để
bình luận và chia sẻ nhanh hơn

Việt Nam
Philippines
Indonesia
Iraq
Indonesia
Philippines
Iraq
Việt Nam
Bảng xếp hạng
  • A
  • B
  • C
  • D
  • E
  • F
  • G
  • H
Xem thêm
Thông tin Toà soạn

Tạp chí Điện tử Bóng đá

Tổng Biên tập:
Nguyễn Tùng Điển
Phó tổng Biên tập:
Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn
Địa chỉ liên hệ
Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội

Điện thoại: (84.24)35541188 - (84.24)35541199
Fax: (84.24)35539898
Email: toasoan@bongdaplus.vn
 

x