Duyên nợ Đức - Argentina: Lần thứ 3 giáp mặt ở cuộc chiến cuối cùng

Khương Duy
Từ 05:57 ngày 13-07-2014
Đức sẽ đối đầu Argentina trong trận chung kết World Cup lần thứ ba, một duyên nợ hi hữu. Thế nhưng, ở cặp đấu này, còn tồn tại rất nhiều điều hi hữu thú vị khác, từ giai đoạn hoàng kim của từng đội, mối liên quan nhân chủng, chính trị và ân oán trên sân cỏ.


RA WORLD CUP, CHẠM MẶT ANH HÙNG
Ngay lần đầu tiên Argentina và Đức gặp nhau trên sân cỏ quốc tế, đấy đã là trận đấu thuộc khuôn khổ World Cup. Trong tư cách ĐKVĐ, Đức thắng Argentina 3-1 ở trận ra quân tại vòng bảng của World Cup 1958 rồi thẳng tiến đến vòng bán kết. Ngược lại, Argentina đứng chót bảng, sớm về nước sau trận thua Tiệp Khắc 1-6 (trận thua đậm nhất của Argentina tại World Cup).

Từ đó đến nay, đôi bên đã gặp nhau 6 lần ở trận địa World Cup, với ưu thế nghiêng hẳn về Đức (thắng 3, hòa 2, thua 1). Argentina chỉ thắng 1 trận, nhưng đấy lại chính là trận thắng quan trọng nhất trong toàn bộ lịch sử bóng đá Argentina: chung kết World Cup 1986. 

Đã được nhận diện là ngôi sao số 1 trong đội hình Argentina, Diego Maradona đương nhiên sẽ bị đội Đức phong tỏa trong trận chung kết. HLV Carlos Bilardo điều chỉnh chiến thuật, kéo lùi Maradona về khu giữa sân. Trong vai diễn “âm thầm” này, Maradona vẫn châm ngòi cho pha bóng dẫn đến bàn thắng của Jorge Valdano. 

Quan trọng hơn, Maradona còn tung đường chuyền quyết định để Jorge Burruchaga ghi bàn ấn định chiến thắng 3-2 cho Argentina (sau khi Đức đã lội ngược dòng, gỡ 2-2 dù bị dẫn trước 2 bàn). Đấy là lần thứ 2, cũng là lần gần đây nhất, Argentina lên ngôi vô địch World Cup. Và từ hành trình vô địch World Cup 1986, Maradona mở ra một cuộc tranh luận kéo dài đến tận bây giờ: Maradona hay Pele đích thực là vua bóng đá?

Bốn năm sau, Đức và Argentina đi vào lịch sử khi họ trở thành cặp đấu đầu tiên gặp nhau trong 2 trận chung kết World Cup liên tiếp. Kỳ này, Đức phục thù thành công bằng chiến thắng 1-0. Argentina ở thời điểm ấy đã trở thành cái gai trong mắt giới hâm mộ trung lập bởi lối chơi tiêu cực, nặng về phòng thủ và phạm lỗi rất nhiều, chưa kể thói quen vận dụng tiểu xảo đã vào loại đặc trưng. 

Một Maradona đã ở bên kia sườn dốc phong độ vẫn là trụ cột đáng kể duy nhất, kéo cả con tàu rệu rã Argentina vào trận chung kết. Andreas Brehme ghi bàn duy nhất bằng cú phạt đền ở phút 85, và cuộc tái ngộ ấy đượcghi nhận là trận chung kết... dở nhất trong lịch sử World Cup!

Diego Maradona giúp Argentina đăng quang năm 1986

ÂN OÁN 50 NĂM
Những năm gần đây, có một siêu sao mới đe dọa chỗ đứng của cả Maradona lẫn Pele trong lịch sử bóng đá. Đấy chính là Lionel Messi - ngôi sao số 1 của Argentina tại World Cup này. Nhưng với Messi, và tính đến trước Brazil 2014, trận địa World Cup chỉ đọng lại những kỷ niệm buồn. 

Trong cả 2 lần đầu tiên tham dự World Cup, Messi đều phải về nước sau khi thua Đức ở vòng tứ kết. Tại World Cup 2006, Argentina là đội “cửa trên”, thậm chí là ứng cử viên vô địch số 1. Nhưng sai lầm trong việc thay người của HLV Jose Pekerman (rút ngôi sao Juan Riquelme ra khỏi sân khi Argentina tuy dẫn điểm nhưng chưa nắm chắc chiến thắng) đã trả giá đắt: Đức gỡ hòa 1-1, sau đó thắng ở loạt sút luân lưu 11m. 

Messi thậm chí không được ra sân trong trận đấu này. Bốn năm sau, Messi và đồng đội thua Đức 0-4 ở kỳ World Cup đầu tiên diễn ra tại châu Phi. Tỷ số quá đậm, nhưng không có gì lạ, khi ghế HLV trưởng Argentina khi ấy thuộc về... Maradona.

Trận đấu còn lại giữa Đức và Argentina trên sân cỏ World Cup cũng là trận hòa duy nhất: 0-0 tại vòng bảng World Cup 1966. Đội bên cùng nhau đi tiếp, và cùng... ôm hận trước chủ nhà Anh. Argentina thua Anh 0-1 trong trận đấu đầy bạo lực ở vòng tứ kết, còn Đức thua Anh 2-4 ở trận chung kết với  bàn thắng gây tranh cãi lịch sử của Geoff Hurst.

Đấy đều là các trận đấu quan trọng, góp phần làm nên lịch sử kình địch đến mức không đội trời chung cho các cặp Argentina - Anh hoặc Đức - Anh trên đấu trường quốc tế. Ngược lại, nhìn chung thì quan hệ giữa 2 nền bóng đá Đức - Argentina xưa nay luôn tốt đẹp, cũng giống như quan hệ sâu xa giữa 2 nước này. 
Đấy là mối quan hệ khắng khít đã được hình thành cách đây cả trăm năm. Trong Thế chiến II, khi Brazil tuyên chiến với Đức thì Argentina chỉ đứng trung lập. Sau chiến tranh, Argentina chính là “miền đất hứa” để các tội phạm chiến tranh từ Đức đến ẩn náu.

Ngoài 6 lần đụng độ trên trận địa World Cup, Đức và Argentina còn gặp nhau ở giải Confeds Cup 2005 - coi như bản nháp cho kỳ World Cup 2006 tại Đức. Trận đấu  hấp dẫn, với  chất lượng chuyên môn rất cao, kết thúc bằng tỷ số 2-2 đẹp đẽ. Trước sau, đôi bên đã gặp nhau 20 lần kể cả các các trận giao hữu. 

Argentina tuy thua trong các trận đấu chính thức nhưng thành tích chung thì lại nhỉnh hơn với 9 trận thắng, 5 trận hòa và 6 trận thua. Gần đây nhất là trận giao hữu tại Đức hồi tháng 8/2012: Lionel Messi tỏa sáng, đem về cho đội khách Argentina chiến thắng 3-1. Hầu  hết thành viên đôi bên tại World Cup này đều có mặt trong trận đấu ấy.

8% dân Argentina là người gốc Đức
Cùng sát cánh với Javier Mascherano trong đội hình Argentina gặp Đức tại các kỳ World Cup 2006, 2010 là Gabriel Heinze (ảnh), một ngôi sao quen thuộc trên sân cỏ châu Âu ở thập kỷ trước (anh lần lượt khoác áo PSG, M.U, Real Madrid, Marseille, AS Roma...). Heinze là dân Argentina gốc Đức.


Hiện có khoảng 3 triệu người Argentina gốc Đức đang sống tại xứ sở Tango, chiếm 8% dân số Argentina. Đấy là kết quả từ trào lưu di dân ồ ạt của những người Đức sang Argentina trong những năm cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20. Juan Esnaider, tuyển thủ Argentina từng khoác áo Real Madrid, Atletico, Zaragoza, Juventus trong thập niên 1990 cũng thuộc cộng đồng này. Nhà vô địch World Cup 1978 Rene Houseman là một ví dụ khác. Nói chung, hầu như trong lĩnh vực nào cũng có rất nhiều nhân vật nổi tiếng thuộc cộng đồng người Argentina gốc Đức.

Nhiều mối tương đồng
Lần đầu tiên Argentina gặp Đức trong cuộc quyết đấu cuối cùng (năm 1986), đấy thật sự là một trong những trận chung kết hay nhất trong lịch sử. Đến lần thứ hai gặp nhau (1990), đấy lại là trận chung kết mang tính cột mốc - lần đầu tiên có một trận chung kết World Cup được lặp lại. Bây giờ, Đức và Argentina lại cùng nhau làm nên một chi tiết lịch sử mới: đấy là cặp đấu đầu tiên xuất hiện đến 3 lần ở trận chung kết World Cup.

Duyên nợ xem ra đã nhiều, chưa kể hai ĐT Đức và Argentina còn có những sự trùng hợp thú vị - mà có lẽ giới hâm mộ đội bên đều thích. Năm 1974, Đức lần đầu tiên đăng cai VCK World Cup. Đấy cũng là lần đầu tiên World Cup có 2 vòng bảng, với 2 đội đầu bảng ở giai đoạn 2 vào thẳng chung kết. 


Đức thắng Hà Lan trong trận cuối cùng, đoạt chức vô địch. Bốn năm sau, đến lượt Argentina lần đầu tiên đăng cai VCK. World Cup 1978 cũng gồm 2 vòng bảng, với 2 đội đầu bảng ở giai đoạn 2 vào tranh chung kết (thể thức này chỉ tồn tại đúng 2 lần). Argentina cũng gặp Hà Lan trong trận cuối cùng, và họ cũng thắng để lên ngôi vô địch.

Sau 2 lần giải 1974, 1978 với rất nhiều nét tương đồng thì Đức liên tiếp lọt vào chhung kết ở 3 kỳ World Cup tiếp theo (1982, 1986, 1990). Và, như đã nêu trên, đối thủ của Đức vào các năm 1986, 1990 đều là Argentina - mỗi bên vô địch một lần.

Có thể nói, giai đoạn 1974-1990 chính là giai đoạn cực thịnh của cả 2 đội Đức, Argentina, mỗi đội đều nhiều lần đoạt chức vô địch hoặc tạm hài lòng với vị trí á quân. Cuộc tái ngộ Đức- Argentina tại World Cup này kể cũng thú vị.
Nguồn: Bongdaplus
Sử dụng tiếng Việt có dấu. Ký tự còn lại 500.

* Đăng nhập hoặc Đăng ký tài khoản để
bình luận và chia sẻ nhanh hơn

Việt Nam
Philippines
Indonesia
Iraq
Indonesia
Philippines
Iraq
Việt Nam
Bảng xếp hạng
  • A
  • B
  • C
  • D
  • E
  • F
  • G
  • H
Xem thêm
Thông tin Toà soạn

Tạp chí Điện tử Bóng đá

Tổng Biên tập:
Nguyễn Tùng Điển
Phó tổng Biên tập:
Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn
Địa chỉ liên hệ
Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội

Điện thoại: (84.24)35541188 - (84.24)35541199
Fax: (84.24)35539898
Email: toasoan@bongdaplus.vn
 

x