Tính đến trước lúc sử dụng ồ ạt cầu thủ nhập tịch như ở thời điểm hiện tại, Indonesia chủ yếu với lực lượng “cây nhà lá vườn” vẫn là thế lực đáng gờm ở khu vực Đông Nam Á. Suốt chiều dài lịch sử, giới mộ điệu túc cầu Việt Nam cũng như khu vực hẳn không thể quên những ngôi sao nức tiếng của bóng đá xứ Vạn đảo như Bima Sakti, Bambang Pamungkas, Kurniawan Dwi Yulianto…
Một sức mạnh cộng hưởng nữa cho Indonesia là lực lượng CĐV từ khán đài. Có thể khẳng định, sự cuồng nhiệt của khán giả xứ Vạn đảo là số 1 Đông Nam Á khi các sân luôn đầy ắp. Họ đến sân không chỉ chộn rộn để vỗ tay cho những pha bóng đẹp hay trách móc khi đội nhà đá tệ rồi bỏ về sớm.
Không ít khán giả Indonesia quay lưng lại với mặt sân chỉ để la hét, cổ động đến mức… kích động các khán giả khác để tiếp sức cho các cầu thủ mà gần như không hề theo dõi diễn biến trên sân. Rất nhiều đội bóng đến Indonesia ngại sức ép từ khán đài hơn là sức mạnh chuyên môn của các cầu thủ đội bóng xứ Vạn đảo.
Nhìn lại lịch sử 14 lần tổ chức AFF Cup, Indonesia sở hữu thành tích khá ổn định khi giành quyền vào bán kết đến 10 lần. Đội bóng xứ Vạn đảo cũng là đội có số lần vào chung kết nhiều thứ hai với 6 lần, chỉ sau Thái Lan (10 lần).
Đáng tiếc cho đội bóng này là chưa một lần đứng trên bục cao của chiến thắng. Trong cả 6 lần ấy, Indonesia đều thua. Đối thủ khiến cho đội bóng xứ Vạn đảo phải “vỡ mộng” liên tục ấy không chỉ là “khắc tinh” Thái Lan mà còn cả Singapore và Malaysia. Cụ thể, Indonesia bại trận ở chung kết trước Thái Lan 4 lần (2000, 2002, 2016, 2020), thua Singapore 1 lần (2004) và Malaysia 1 lần (2010).
Trong chuỗi thất bại ấy, Indonesia đã có lúc tưởng chừng như sẽ nâng cao chiếc cúp. Đó là trận chung kết trước Thái Lan năm 2002 sau khi ngược dòng để quân bình tỷ số 2-2 dù bị dẫn trước 2 bàn. Nhưng như số trời đã định, đội bóng xứ Vạn đảo lại để thua ở loạt 11m với tỷ số 2-4 dù đây là trận chung kết được tổ chức trên “chảo lửa” Bung Karno với sự ủng hộ của 100 ngàn khán giả Indonesia.
Một lần nữa đội bóng này ngỡ chạm được 1 tay đến chiếc cúp là ở giải đấu năm 2016 sau khi đã dẫn trước Thái Lan với tỷ số 2-1 ở lượt đi. Nhưng thất bại 0-2 ở lượt về khiến cho “mộng” ngôi cao của đội bóng xứ Vạn đảo “thành mây bay đi”.
Indonesia cũng là 1 trong những đội bóng thay tướng nhiều với hy vọng để “đổi vận” sau những thất bại ở thời điểm đầu của AFF Cup. Như sau khi 2 lần thua Thái Lan ở chung kết thì đến năm 2004, đội bóng xứ Vạn đảo đã mời chính cựu HLV Thái Lan là Peter Withe, người đã 2 lần đưa Thái Lan lên ngôi. Vị chiến lược gia người Anh này sau đó cũng đưa Indonesia vào chung kết AFF Cup 2004 nhưng lại thất bại trước Singapore ở chung kết.
Một quyết định mời “gương mặt thân quen” của khu vực nữa là ông Alfred Riedl, từng dẫn dắt ĐT Việt Nam. HLV quá cố này cũng đã 2 lần đưa Indonesia vào chung kết vào các năm 2010 và 2016 nhưng vẫn không thay đổi được số phận của đội tuyển xứ Vạn đảo.
Thái Lan thua 3/10 lần vào chung kết, trong lúc ĐT Việt Nam không thắng 2/4 trận chung kết. Malaysia cũng mang nỗi buồn khá lớn khi thua 3/4 lần vào tranh chức vô địch. Tuy nhiên, cả 3 đội bóng này đều có thể vui khi ít nhất 1 lần đăng quang. Còn “thất bại toàn tập” như Indonesia khi thua cả 6 trận chung kết thì khó có thể não nề hơn.