Nhận định bóng đá Việt Nam vs Thái Lan, 20h00 ngày 2/1: Vận đỏ cho ĐT Việt Nam?
Cho đến trước trận chung kết lượt đi, Thái Lan đã chơi 6 trận tại AFF Cup 2024. Các học trò của ông Masatada Ishii đang là đội quân ghi nhiều bàn thắng nhất giải với 22 lần nổ súng. Ngoại trừ trận thắng hủy diệt Timor Leste (10-0) trong ngày khai màn, nhà ĐKVĐ đều lập công ở các trận còn lại khi trận ít nhất là 1 bàn và trận nhiều nhất là 4 bàn.
Tính bình quân, Thái Lan ghi gần 3,67 bàn/trận. Đây là con số bình quân cao nhất trong số 10 đội tham dự AFF Cup 2024, cao hơn cả ĐT Việt Nam (16 bàn, bình quân 2,67 bàn/trận). Đây là con số khá ấn tượng khi biết rằng, nhiều đối thủ trong số đó như Singapore, Malaysia hay Philippines đều không yếu nếu không muốn nói là được đánh giá là ứng cử viên vô địch.
Đặc biệt, Thái Lan không phụ thuộc vào bất cứ chân sút nào. Theo thống kê thì đã có đến 10 cầu thủ nằm trong danh sách ghi bàn của nhà ĐKVĐ. Nhiều nhất là 2 tiền đạo Patrik Gustavsson và Suphanat Mueanta khi cùng có 4 pha lập công. Tiếp theo là tiền đạo Teerasak Poeiphimai với 3 bàn thắng. Những cầu thủ ghi 2 bàn cho Thái Lan gồm Akarapong Pumwisat, Ben Davis, Peeradon Chamratsamee, Seksan Ratree. Riêng ba cầu thủ Chalermsak Aukkee, Nicholas Mickelson và Suphanan Bureerat mỗi người có 1 bàn thắng.
Hẳn nhiên là các tiền đạo vẫn đi tiên phong trong khâu săn bàn nhưng nhiệm vụ ấy không phải “khoán trắng” cho các cầu thủ ở tuyến đầu mà ngay cả các tiền vệ, thậm chí là hậu vệ cũng biết cách để xuyên thủng lưới đối phương. Ba cầu thủ có 1 bàn thắng cho Thái Lan đang chơi ở vị trí hậu vệ cánh hay trung vệ.
Rõ ràng, Thái Lan rất đa dạng trong khâu săn bàn. Nói cách khác, mỗi vị trí trên sân của nhà ĐKVĐ đều có thể làm rung lưới đối phương một cách tốt nhất khi cơ hội đến. Lý do, lối chơi của Thái Lan khá đa dạng. Dưới trướng của HLV Ishii, Thái Lan thường có thiên hướng kiểm soát bóng, tổ chức tấn công chủ động chứ chưa một lần vận dụng đến chiến thuật phòng ngự số đông hay phòng ngự phản công để đáp trả đối phương tại AFF Cup kỳ này.
Chính chiến thuật tấn công chủ động ấy đã giúp cho đội bóng này luôn giành quyền kiểm soát bóng nên thường tạo ra được nhiều cơ hội ăn bàn hơn so đối thủ trong mỗi trận đấu. Điều đặc biệt, các giải pháp hãm thành của Thái Lan khá đa dạng không chỉ phối hợp nhỏ ở trung lộ mà còn cả những pha dạt biên, lật cánh đánh đầu hay tận dụng những tình huống cố định.
Sự ăn ý giữa các tuyến, giữa các vị trí đã giúp cho Thái Lan tạo nên sức công phá mạnh mẽ. Ngay cả Supachok mới trở về khoác áo nhà ĐKVĐ sau khi vòng bảng đã khởi tranh cũng tạo nên mắt xích gắn kết trong vai trò của một tiền vệ cánh trái hoặc tiền đạo cánh trái để qua đó, giúp cho Thái Lan đặt khung thành của Philippines vào thế báo động để rồi không thể đứng vững trong trận lượt về.
Cần biết rằng, Philippines sở hữu hàng thủ có chiều cao lý tưởng, không chiến tốt nhưng một cầu thủ thể hình không quá lý tưởng như Suphanat (cao 1m73) vẫn bật cao hơn tất cả để đánh đầu ghi “bàn thắng vàng” đủ thấy, sự sắc sảo trong khâu săn bàn của Thái Lan.
Rõ ràng, khả năng bùng nổ trong khâu săn bàn và đặc biệt, sự đa dạng trong các pha tiếp cận khung thành của Thái Lan là điều mà ĐT Việt Nam phải hết sức chú ý. Nhà ĐKVĐ không chỉ có 2 “khẩu thần công” là tiền đạo cao 1m87, gốc Thụy Điển - Patrik Gustavsson hay thần đồng Suphanat Mueanta. Ngoại trừ thủ môn, các vị trí còn lại trên sân vẫn có thể làm tung lưới ĐT Việt Nam nếu như hệ thống phòng ngự không đảm bảo được tính kỷ luật cao, bắt người chặt chẽ.