Ở cả 3 trận đấu, Olympic Việt Nam đều chịu bàn thua từ những tình huống bóng bổng. Cụ thể là 4 lần, mà 3 trong số đó đến từ những tình huống cố định. Không chỉ ở những bàn thua, trong nhiều tình huống mà cầu môn Quan Văn Chuẩn chịu sóng gió, các hậu vệ Olympic Việt Nam cũng thất thế khi tranh chấp bóng bổng với tiền đạo đối phương trong vòng cấm địa. Một trong những vấn đề dễ nhận thấy là bất lợi về chiều cao.
Ba trung vệ thường xuyên đá chính của Olympic Việt Nam là Mạnh Hưng, Đức Anh và Nguyên Hoàng chỉ cao từ 1m75 đến 1m77. Trần Nam Hải, trung vệ thường vào sân từ băng ghế dự bị, cao 1m83. Song cá nhân cầu thủ này là chưa đủ bù đắp cho những tình huống chống bóng bổng của đội nhà.
Cần phải nói thêm, 1 trong 4 bàn thua của Olympic Việt Nam từ bóng bổng có lỗi của Quan Văn Chuẩn. Đó là ở bàn thua thứ 2 mà Olympic Việt Nam phải chịu trước Olympic Mông Cổ. Văn Chuẩn đã phán đoán sai điểm rơi trái bóng, dẫn đến bắt trượt và vô tình tạo điều kiện để Mông Cổ rút ngắn cách biệt. Dẫu vậy, trong 2 trận đấu còn lại, không phủ nhận sự cố gắng của Văn Chuẩn. Trong nhiều tình huống bóng bổng rót vào vòng cấm địa, Văn Chuẩn đã phán đoán tốt hơn và bắt bóng chắc chắn hơn.
Đây là một vấn đề có thể nhìn thấy rõ trong 2 trận đấu mà Olympic Việt Nam ở “cửa dưới” cả về trình độ, đẳng cấp, tuổi tác lẫn kinh nghiệm khi phải đối đầu với Olympic Iran và Olympic Saudi Arabia. Những bàn thua trong 2 trận đấu này cũng đến từ việc cầu thủ đội bạn có thể đột phá hay tìm thấy nhau ở khu vực trước vòng cấm địa, trước khi tạo ra đòn kết liễu khi đưa bóng vào vòng 16m50, hay tung ra những cú dứt điểm hiểm hóc sát khu vực này.
Điều này cũng đến từ việc cầu thủ Olympic Việt Nam dù cố gắng giữ một cự ly đội hình chặt và khá thấp nhưng sự yếu thế trong tranh chấp, đeo bám, ngăn chặn trước những cầu thủ đối phương già giơ, khéo léo, nhanh nhẹn và mạnh mẽ hơn đã trở thành lý do khiến cho Olympic Việt Nam chịu các bàn thua sau đó.
Đơn cử, có thể thấy ở các bàn thua bao gồm: 3 bàn thua đầu trước Iran cùng bàn thua thứ 2, thứ 3 trước Saudi Arabia. Các bàn thua này cho thấy rõ, cầu thủ Việt Nam chỉ có thể cố gắng đuổi theo thay vì đủ sức để đoạt được bóng hay phối hợp cắt một tình huống xâm nhập của đội bạn.
“Olympic Iran và Olympic Saudi Arabia mạnh, nhưng tôi cũng lấy làm tiếc khi Olympic Việt Nam vẫn chơi chưa đúng phong độ của mình, vì nhiều nguyên nhân. Có lẽ một phần cũng do các cầu thủ trẻ gặp nhiều áp lực và đấy là điều rất đáng tiếc. Tuy nhiên, việc Olympic Việt Nam bị loại cũng hợp lý, khi chúng ta thua sút hoàn toàn so với Iran, Saudi Arabia”, HLV Hoàng Anh Tuấn nói.
“Sau đại hội, chúng tôi phải rút kinh nghiệm sâu sắc để nhìn ra những gì đã đề ra mà không làm được, chẳng hạn như ở hai trận đấu với Iran và Saudi Arabia, kể cả trận gặp Mông Cổ, những bàn thua phải nhận ở thời điểm rất nhạy cảm”, HLV Hoàng Anh Tuấn nói.
Đây đúng là vấn đề dễ nhìn thấy ở Olympic Việt Nam trong 4 bàn thua phải chịu ở giai đoạn 15 phút cuối trận, trước cả Mông Cổ, Iran và Saudi Arabia. Câu chuyện về việc duy trì thể lực, sự tập trung và tinh thần thi đấu của Olympic Việt Nam trong giai đoạn cuối trận là không tốt.
Olympic Việt Nam đã có một giải đấu với những bài học đắt giá. Những đắng cay sau các bàn thua cũng sẽ là điều mà đội phải rút ra để có sự chuẩn bị tốt hơn trong những mặt trận kế tiếp. Các cầu thủ còn trẻ, chưa được va chạm nhiều với những giải đấu lớn, chưa có kinh nghiệm trong phân phối sức và rèn luyện tâm lý thi đấu trước các đối thủ mạnh hơn. Dẫu sao, thất bại là mẹ thành công. Lứa cầu thủ này sẽ còn được thử sức ở nhiều mặt trận nữa, trước khi hướng đến khao khát cháy bỏng vào năm 2026. Đó là ASIAD, U23 châu Á và World Cup.