"Kẻ phản bội" từng là cụm từ nằm ở đâu đó ngoài phạm vi của Old Trafford. Fan M.U có thể hả hê nói về điều đó trong nội bộ Arsenal, Chelsea hay Liverpool nhưng chưa bao giờ mảy may nghi ngờ các cầu thủ con cưng của mình.
Nhưng khi Sir Alex nghỉ hưu, mọi tiêu chuẩn không còn giá trị. Chẳng phải ngẫu nhiên mà trong bài phát biểu lúc chia tay, Sir Alex nhắc đi nhắc lại rằng cần phải cho người kế nhiệm ông thời gian, và mong BLĐ, các cầu thủ cũng như người hâm mộ toàn âm ủng hộ như từng làm trước kia.
Kết quả thì sao? David Moyes chỉ trụ được 9 tháng trước khi bị sa thải. BLĐ M.U không làm đúng nguyện vọng của Sir Alex, có thể gọi đó là "phản bội" được không? Bóng đá là kinh doanh, mà đã là làm ăn, thì càng khó để xét nét phản bội hay không. Chuyện David Moyes và sự phản bội có thể dần bỏ qua.
Nhưng đó lại là phát súng đầu tiên của chuỗi sự kiện tồi tệ với từ khóa xuyên suốt là "phản bội". Angel di Maria bất tuân mệnh lệnh tập trung, lẩn sang PSG theo đường tiểu ngạch, có thể gọi là "phản bội" không?
Sau thời Louis van Gaal, M.U "phản bội" truyền thống bóng đá tấn công của mình khi ký kết với HLV theo phong cách phòng ngự cực đoan Jose Mourinho. Đến với M.U, Mourinho còn bị fan Chelsea gọi là "kẻ phản bội", vậy là đến 2 lần phản bội trong cùng thời điểm.
Rốt cuộc Mourinho cũng ra đi, nhưng bằng cách nào? Ông bị học trò Paul Pogba "phản bội", kiên quyết chống đối và buộc BLĐ M.U phải đưa ra lựa chọn? Đến khi Ole Gunnar Solskjaer còn chưa ngồi ấm chỗ, Pogba lại công khai mong muốn ra đi, ngang nhiên như mình chẳng thuộc tổ chức nào. Đó có phải biểu hiện của "kẻ phản bội"?
Pogba rất ăn năn nhưng mấy ai tin?
Fan M.U mấy bữa nay lại rộ lên phong trào tẩy chay nhà Glazer. Cựu danh thủ Gary Neville đứng lên bênh vực giới chủ, ngay lập tức bị gọi là "phản bội".
Vậy rốt cuộc, sau 6 năm, ai mới thực sự là kẻ phản bội? Tất cả những người từng ở chung một gia đình bây giờ quay ra nghi kị, ngờ vực, thăm dò nhau. Sau quá nhiều lần bị mất niềm tin, kẻ tổn thương lại muốn làm tổn thương người khác.
Vòng luẩn quẩn này mãi chưa chấm dứt với biểu hiện rõ ràng nhất là mỗi khi có chuyện, dù bình thường đến đâu, cũng trở thành sự kiện rùm beng tại Old Trafford. Những chuyên gia phân tích vào cuộc, rủ thêm những nhà đạo đức học, tâm lý học quyết làm cho ra nhẽ thứ ung nhọt đang lan tràn nơi đây.
Như chuyện Pogba vừa qua. Người bình thường sẽ nghĩ đơn giản chỉ là một quả đá hỏng penalty. Nhưng người hâm mộ M.U, những người mất niềm tin và cũng dễ tổn thương nhất, được dìu dắt để nghĩ về một kịch bản sâu xa hơn, như "Pogba ích kỷ, không muốn Rashford vượt lên", hay "nội bộ đội bóng đầy mâu thuẫn, chỉ chờ dịp bùng phát", hoặc phổ biến nhất "Solskjaer là kẻ bất tài, có chỉ định người sút penalty cũng làm không xong".
Vấn đề lớn nhất của M.U chính là việc họ nghĩ M.U có vấn đề. Họ tách đội bóng này ra khỏi quy luật thông thường và vẽ lên đủ thứ tang thương bao quanh.
Thầy trò Solskjaer bây giờ chỉ có một mong muốn tột cùng là được yên ổn luyện tập và thi đấu. Nhưng vết cắn chí mạng mang tên "phản bội" ngày xưa khiến ngay lúc này, người ta nhìn đâu cũng thấy toàn là rắn, kể cả là chiếc cà vạt cuốn lên cổ Solskjaer.