Vấn đề của bóng đá Anh: Một thế hệ ích kỉ!

VIỆT DŨNG
17:43 ngày 10-10-2013
Người Anh luôn kỳ vọng rất lớn ở nền bóng đá nước nhà. Nhưng không may cho họ, thành công đã chẳng bao giờ đến.
Vấn đề của bóng đá Anh: Một thế hệ ích kỉ!
Điều đáng nhớ nhất với ĐT Anh trong suốt 1 thập kỷ qua không phải là việc họ thay đổi “xoành xoạch” HLV, mà là bầu không khí “thân ai người nấy lo” tại đội tuyển. Các cầu thủ chỉ chơi cho bản thân họ, chứ chẳng ai thi đấu vì lợi ích chung, vì màu cờ sắc áo.

Trận đấu tại Kiev là một minh chứng rõ rệt về sự nhỏ nhen ích kỉ đã trở thành “truyền thống” trong lối chơi của ĐT Anh. Trước Ukraine, Kyle Walker đã có một ngày “ác mộng” khi liên tục bị các cầu thủ đối phương dồn ép. Vấn đề sẽ trở nên rất đơn giản nếu như người đá phía trên anh ở hành lang cánh phải là Theo Walcott lùi xuống hỗ trợ. Ấy thế nhưng tiền đạo của Arsenal đã không làm như vậy, anh cứ việc mình mình làm. Walcott đá như thể anh đang chơi trong một… trận đấu khác. Điều đó rất dễ hiểu, bởi khi ấy anh chỉ đang đá vì bản thân.

Tất nhiên sẽ là bất công nếu chỉ trút hết tội lỗi lên đầu Walcott. ĐT Anh từ lâu đã nổi tiếng là một tập thể thiếu gắn kết, thể hiện ở không ít đường chuyền không mục đích, không địa chỉ xuất phát từ hàng tiền vệ. Hình ảnh ấy quả thực trái ngược hoàn toàn với cái cách Bayern Munich đè bẹp Man City cách đây ít lâu tại Champions League. Luôn có 3 hoặc 4 cầu thủ di chuyển đồng thời tạo ra khoảng trống và cơ hội, đó là đặc trưng của một lối đá vì đồng đội. Và đó không phải cách chơi của ĐT Anh.

Bayern đè bẹp Man City bằng lối đá cực kỳ ăn ý

Greg Dyke – chủ tịch LĐBĐ Anh FA có thể đổ lỗi cho sự tràn lan của quá nhiều cầu thủ ngoại tại Premier League, điều khiến “hàng nội” không còn đất phát triển. Nhưng đó là một đánh giá không chính xác. Những cầu thủ hay nhất của bóng đá Anh không hề thua kém những ngôi sao hàng đầu thế giới, hơn nữa việc các cầu thủ trẻ bản địa trưởng thành trong môi trường giàu tính cạnh tranh như Premier League thậm chí còn giúp họ phát triển tốt hơn. Xứ Sương mù cũng chưa bao giờ thiếu nhân tài.

Nhưng có một vấn đề đã tồn tại từ khá lâu trong bóng đá Anh, đó là sự “tâng bốc” thái quá từ giới mộ điệu cũng như truyền thông đối với những cá nhân xuất sắc. Ross Barkley là trường hợp mới nhất bị “đẩy lên mây” chỉ sau một giai đoạn thăng hoa trong khi vẫn còn rất trẻ, và trước anh là Jack Wilshere. Phải, họ là những cầu thủ có tiềm năng cực lớn, nhưng chẳng đến mức như người Anh ca tụng. Wayne Rooney không bao giờ trở thành “Pele trắng” như Sven-Goran Eriksson “dự báo”. Cái gọi là “Thế hệ vàng” của bóng đá Anh chỉ đơn thuần là một nhóm ngôi sao được đánh giá quá cao.

Họ thất bại không vì sự xâm lấn của các cầu thủ ngoại quốc tại Premier League, mà vì chính bản thân những ngôi sao được họ tâng bốc quá thiếu tinh thần đồng đội. Họ chơi bóng cho chính bản thân họ, và kết quả thì ai cũng thấy. “Thế hệ vàng” nên được gọi là “Thế hệ ích kỷ” thì có lẽ phù hợp hơn.

Với Wilshere (10) và Barkley, ĐT Anh luôn sở hữu những tài năng

Hodgson, cũng giống như Fabio Capello, Steve McClaren và Eriksson trước đây, đã thất bại vì không thể đoàn kết dàn sao trong tay họ. Những vị chiến lược gia đáng kính kể trên đã quá chú trọng vào các nhân tài, mà quên mất tính cân đối. Ngay cả những HLV giỏi nhất cũng chẳng thể thành công nếu như các cầu thủ cứ chăm chăm thể hiện cái tôi, theo đúng cái cách mà Walcott đã “hỗ trợ” cho Walker tại Kiev.

Nói thế không phải để “dìm” cơ hội đi tiếp của ĐT Anh tại World Cup 2014. Nếu không có bất ngờ “điên rồ” nào xảy ra, họ sẽ có mặt tại VCK diễn ra trên đất Brazil Hè năm tới. Nhưng lẽ ra họ đã phải giành được tấm vé ấy từ lâu chứ không phải đến tận bây giờ. Nếu bảng xếp hạng FIFA dựa trên tài năng của từng cá nhân, Anh sẽ không chỉ xếp thứ 17 như hiện tại. Nhưng ngược lại, nếu căn cứ trên lối chơi và tinh thần tập thể, có lẽ 1 vị trí trong top 50 thế giới đã là may mắn cho người Anh.

Có điều, quá nhiều cầu thủ và người dân Anh vẫn kỳ vọng vào ĐTQG thân yêu của họ. Trước mỗi giải đấu lớn, họ đều hy vọng mọi chuyện “xuôi chèo mát mái”. Họ hy vọng vào một danh hiệu lớn, mà họ nghĩ họ hoàn toàn xứng đáng được sở hữu. Nhưng điều đó sẽ không xảy ra.

Vậy đấy, vấn đề của bóng đá Anh không phải những cầu thủ ngoại. Không phải phương pháp huấn luyện của các HLV. Không phải họ thiếu nhân tài. Vấn đề nằm ở nhiều hơn một thế hệ những ngôi sao luôn đinh ninh rằng chỉ cần họ chơi tốt, vậy là đủ. Trên thực tế, những gì họ đã và đang cống hiến cho ĐT là rất nhỏ. Hai thắng lợi trên sân nhà trong 8 ngày tới là một nhiệm vụ quá dễ dàng với các học trò của Roy Hodgson. Nhưng đến đó là đủ rồi, đừng kỳ vọng gì hơn ở “Tam sư” tại VCK World Cup sắp tới.

Đón đọc Đặc san EURO 2024 DUY NHẤT TẠI VIỆT NAM.
Với 116 trang, thiết kế sang trọng, in 4 màu CHẤT LƯỢNG CAO.

  • Tất cả thông tin bạn đọc cần biết về EURO 2024.
  • Những nội dung đặc sắc, bài viết độc quyền của nhà báo thường trú tại châu Âu và các cây viết thể thao hàng đầu ở Việt Nam.
  • ĐẶC BIỆT: Tặng kèm Lịch thi đấu EURO 2024 khổ lớn.
  • Giá: 98.000 đồng.

ĐẶT MUA NGAY
Sử dụng tiếng Việt có dấu. Ký tự còn lại 500.

* Đăng nhập hoặc Đăng ký tài khoản để
bình luận và chia sẻ nhanh hơn

Thông tin Toà soạn

Tạp chí Điện tử Bóng Đá

Tổng biên tập:
Nguyễn Tùng Điển
Phó Tổng biên tập:
Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn

Địa chỉ liên hệ

Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội

Tel: (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
Fax: (84.24) 3553 9898
Email: toasoan@bongdaplus.vn | vanphong@bongdaplus.vn
 

Liên hệ Quảng cáo

Hotline: 0903 203 412
Email: quangcao@bongdaplus.vn

x