Bóng Đá Plus trên MXH

Bóng đá Nam Tư (kỳ cuối): Xé lẻ thì thành công, chông chênh khi gộp lại
KINH THI • 17:38 ngày 09/06/2024
Nền bóng đá Nam Tư luôn không thiếu tài năng và kể cả khi đã tách ra thành các quốc gia độc lập thì mỗi đội tuyển riêng ấy cũng đều rất mạnh. Thế nhưng ĐTQG Nam Tư và các CLB của nước cộng hòa liên bang hầu như đều thất bại trong các trận chung kết mà họ tham dự. 

    TRÀN NGẬP TRÊN ĐẤU TRƯỜNG EURO, WORLD CUP

    Các đội tách ra từ Liên bang Nam Tư trước đây đều chưa được công nhận tư cách thành viên FIFA khi lễ bốc thăm vòng loại World Cup 1994 khu vực châu Âu diễn ra vào năm 1991. Bản thân Nam Tư lại không được tham dự vòng loại của kỳ World Cup ấy, do Liên Hiệp Quốc cấm vận. 

    Thế nên, sinh hoạt bóng đá quốc tế của các đội từng thuộc Nam Tư chỉ được tính từ sau World Cup 1994. Từ đó đến nay, chưa bao giờ thiếu vắng một đội bóng thuộc Nam Tư trước đây ở một giải đấu lớn!

    Nam Tư mới (chỉ gồm Serbia và Montenegro, về sau đổi tên thành Serbia & Montenegro), Serbia, Croatia, Slovenia, Montenegro đều đã lần lượt góp mặt ở đấu trường EURO hoặc World Cup. 

    Quả không phải là hư danh khi nền bóng đá Nam Tư trước đây được gọi là "Brazil châu Âu". Kể cả đất nước Slovenia vốn chỉ có 2 triệu dân cũng lập tức trở thành một thế lực bóng đá khi một mình vượt qua vòng loại EURO hoặc World Cup. Dân số của Bosnia hoặc Croatia cũng chỉ ở tầm trên, dưới 4 triệu người. 

    Ngôi sao xuất thân từ nơi từng là Nam Tư thì nhiều vô kể, lại luôn được đánh giá cao trên thị trường chuyển nhượng. Họ đã đăng quang vô địch trong thành phần các CLB mạnh ở khắp các giải đấu lớn như Premier League, La Liga, Serie A hoặc Bundesliga. 

    Nói cách khác, sau khi Liên bang Nam Tư tan rã thì các nền bóng đá tách ra đều chứng tỏ một sức mạnh khá đồng đều. Mặt khác, tuy đều phát triển rực rỡ, nhưng mỗi nền bóng đá từng thuộc Nam Tư trước đây lại luôn duy trì được bản sắc riêng, cũng rất đáng lưu ý. 

    Cầu thủ Serbia và Bosnia luôn nêu thương hiệu kỹ thuật. Cầu thủ Croatia đầy ắp phẩm chất của bóng đá Đức trong khi cầu thủ Slovenia lại được đánh giá rất cao trong lĩnh vực phòng thủ, với khả năng đeo bám đủ làm nản chí các ngôi sao tấn công khét tiếng nhất.

    NHẠT NHÒA NAM TƯ

    Lạ ở chỗ, người ta vẫn hay đặt một giả thiết về sức mạnh tổng lực của bóng đá Nam Tư, mà quên rằng đội tuyển Nam Tư thật ra đã tồn tại suốt hàng chục năm, chứ đấy đâu phải là chuyện tưởng tượng! 

    Đành rằng những mâu thuẫn về chính trị, sắc tộc, tôn giáo đã lên đến mức đỉnh điểm khiến đội tuyển Nam Tư tại World Cup 1990 bị phân hóa nghiêm trọng và không thể hiện được sức mạnh vốn có. Nhưng trước đó, nhất là khi nhà lãnh đạo Tito còn sống và Liên bang Nam Tư thật sự gắn kết, đội tuyển Nam Tư cũng đâu phải là thế lực ghê gớm trên sân cỏ World Cup! 

    Từ sau năm 1962 đến trước năm 1990, đội tuyển Nam Tư chỉ lọt vào VCK World Cup 2 lần, và đều không để lại ấn tượng gì đáng kể. Từ năm 1950 đến năm 1962, Nam Tư luôn góp mặt ở VCK World Cup. Đấy cũng là thời kỳ vàng son của đội tuyển này. 

    Nhưng thành tích khá nhất của Nam Tư khi ấy chỉ là hạng 4 tại World Cup 1962. Tất cả đều không bằng thành tích riêng của Croatia, ngay trong lần đầu tiên đội tuyển này góp mặt ở đấu trường World Cup (hạng 3 World Cup 1998, với Davor Suker là "Vua phá lưới"). Bóng đá Nam Tư ngày xưa là như vậy. Nhưng, vì sao?

    Đặc điểm lớn nhất của Nam Tư, khi nền bóng đá này còn quy tụ sức mạnh tổng thể từ các tài năng Croatia, Bosnia, Serbia, Slovenia, Montenegro, Macedonia, có vẻ là sự hoài nghi chính mình. Bóng đá Nam Tư chưa bao giờ được đánh giá cao về tinh thần hoặc niềm tin. Ở đẳng cấp cao, đôi khi đấy mới là yếu tố quan trọng nhất quyết định sự thành bại (chứ không phải yếu tố tài năng).

    Thôi thì, Nam Tư chưa bao giờ tiến được quá xa ở sân chơi World Cup nên không thể so sánh. Nhưng hãy nhìn vào đấu trường Olympic. Ba lần liên tiếp, họ lọt vào trận chung kết (và đấy lại là 3 kỳ Olympic vô cùng quan trọng - ngay sau Đệ nhị thế chiến: 1948, 1952, 1956). Kết quả: đấy là 3 chiếc HCB liên tiếp. 

    Như đã nêu trên, thời kỳ vàng son của bóng đá Nam Tư là các thập niên 1950-1960. Tại đấu trường EURO, Nam Tư đã 2 lần vào tận chung kết, rút cuộc đấy cũng chỉ là 2 lần về nhì (1960, 1968). 

    Những lá cờ đầu của bóng đá Nam Tư ở đấu trường CLB như Partizan Belgrade, Red Star Belgrade hoặc Dinamo Zagreb cũng chẳng khác mấy. Lần đầu tiên lọt vào chung kết các cúp châu Âu, họ đều thất bại (Dinamo thua Valencia ở Cúp C3 năm 1963, Partizan thua Real Madrid ở Cúp C1 năm 1966, Red Star thua Moenchengladbach ở Cúp C3 năm 1979).

    KHI VINH QUANG, ĐẤY KHÔNG CÒN LÀ NAM TƯ NỮA

    Số lần dừng chân ở vòng bán kết của các CLB Nam Tư trên đấu trường 3 cúp thì khó mà đếm cho xuể. Đội tuyển Nam Tư cũng đã có những thất bại "quen thuộc" ở vòng bán kết EURO hoặc World Cup.

    Trong số hàng chục cơ hội, chỉ có 2 lần bóng đá Nam Tư thành công trong những trận đấu thật sự then chốt. Một là chung kết Olympic 1960. Vâng, rút cuộc họ cũng đã thắng. Nhưng hãy hình dung: họ đã liên tiếp mất HCV ở 3 kỳ Olympic trước đó, và làm sao có thể tưởng tượng một đội thất bại trong 4 trận chung kết liên tiếp? 

    Vinh quang còn lại thuộc về Red Star Belgrade: thủ hòa Marseille và thắng bằng loạt sút luân lưu 11m trong trận chung kết Cúp C1 năm 1991. Marseille được đánh giá cao hơn, nhưng Red Star thể hiện một tinh thần chiến đấu đáng phục. Đấy là một chiến thắng lịch sử, nhưng cũng là một chiến thắng "không giống lắm" với những đặc điểm đã được biết đến về bóng đá Nam Tư? 

    Quả thật, hết sức trớ trêu: khi Red Star trở thành CLB Nam Tư đầu tiên đoạt Cúp C1 châu Âu thì trên thực tế, Nam Tư hầu như đã không còn tồn tại nữa. Trận chung kết Cúp C1 diễn ra vào ngày 29/5/1991. Slovenia và Croatia tuyên bố độc lập vào tháng 6/1991!

    Hóa ra, chỉ đến khi tách rời khỏi nhau thì các nền bóng đá từng thuộc Nam Tư mới phát huy mạnh mẽ bản sắc, và tất cả đều thành công ngoài mong đợi. Còn khi cùng đứng dưới mái nhà chung thì kể cả trong thời kỳ vàng son, bóng đá Nam Tư cũng chỉ thể hiện được sự nhạt nhòa, chỉ tiêu biểu cho sự sụp đổ trước ngưỡng vinh quang.
    (Hết)

    Tags: Nam Tư
    Bình luận

    Đón đọc Đặc san EURO 2024 DUY NHẤT TẠI VIỆT NAM.
    Với 116 trang, thiết kế sang trọng, in 4 màu CHẤT LƯỢNG CAO.

    • Tất cả thông tin bạn đọc cần biết về EURO 2024.
    • Những nội dung đặc sắc, bài viết độc quyền của nhà báo thường trú tại châu Âu và các cây viết thể thao hàng đầu ở Việt Nam.
    • ĐẶC BIỆT: Tặng kèm Lịch thi đấu EURO 2024 khổ lớn.
    • Giá: 98.000 đồng.

    ĐẶT MUA NGAY
    Thông tin Toà soạn
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Tổng biên tập:
    Nguyễn Tùng Điển
    Phó Tổng biên tập:
    Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn
    Địa chỉ:
    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Tel:
    (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
    Fax:
    (84.24) 3553 9898
    Email:
    Thông tin Liên hệ
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Hotline:
    0903 203 412
    Email:

    Địa chỉ liên hệ:

    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội