RONG RUỔI ĐÊM NGÀY TRÊN ĐƯỜNG TUẦN TRA
Chu Văn Mùi, nếu hỏi những người quan tâm bóng đá, thậm chí không cần phải nhiều lắm đều như mặc định nhắc đến sự cố “truy đuổi và trấn áp” trọng tài trong trận chung kết năm 1996, giữa CATP.HCM với Đồng Tháp.
Thực tế, dù ai cũng biết Mùi “Tàu” đá bóng hay, nhưng cái ấn tượng về chuyện rượt đánh trọng tài nó vẫn lấn át, hơn là vai trò cựu tuyển thủ lẫn đội trưởng đội tuyển Việt Nam cũng như CLB CA TP.HCM.
Nói thật, cái ngoại hình của cựu trung vệ ĐT Việt Nam này khiến hiếm ai lần đầu gặp mặt mà dễ có cảm giác…nhẹ nhõm. Thể hình to như con tịnh, cần cổ dày cui với quả đầu bưu hầm hố của Mùi “Tàu” đủ át vía mọi tay thanh niên “trẻ trâu” nhất.
Đã thế lại cái chất giọng vang như chuông đồng nữa. Nói thật, nghe truyền thuyết và nếu gặp gỡ chỉ đôi lần đầu, bảo đảm sẽ chẳng mấy ai nghi ngờ để phải xác minh về “đại án” rượt đánh trọng tài năm 1996.
Nhưng ít ai biết rằng trong nghề nghiệp sau này, của một người lính cảnh sát giao thông tại Quận 6, TP.HCM, cựu trung vệ Chu Văn Mùi với ngoại hình hầm hố lại có cách làm việc rất nhân văn. “Trách nhiệm công việc luôn đòi hỏi mình phải công minh và nghiêm khắc. Nhưng không phải lúc nào cũng cứng nhắc như thế được” - người đàn ông gốc Hải Phòng tâm sự.
“Có những trường hợp, bạn biết đấy, ở Quận 6 vốn là vùng giáp ngoại ô, ý thức người dân vẫn còn kém hơn khu trung tâm. Lắm khi người ta không hiểu luật thật lại không nỡ làm căng quá. Nhưng cũng có trường hợp sai rành rành lại mượn tí rượu bia ra cãi tay bo với mình.
Thực tế, người nhường nhịn thường là tôi. Chẳng phải vì gì cả, bởi mình hiểu nếu người ta biết luật sẽ khác. Bởi thế mới có chuyện nhiều anh chàng phạm luật không hiểu cứ cắc cớ cãi bừa, mình nhiều khi bỏ rất nhiều thời gian để giải thích cho họ. Thậm chí có trường hợp gặp các cậu thanh niên say xỉn, mình còn phải giúp các cậu ấy sao cho an toàn”.
Làm nghề cảnh sát giao thông, lại ở một quận vùng ven tương đối phức tạp, đa phần thời gian anh phải di chuyển trên đường. Thời gian, khi thì từ sáng tờ mờ đến trưa nắng chang chang, hoặc những chuyến trực dài thâu đêm đẫm sương lạnh.
Cũng bởi thế, dù rất máu nhưng Chu Văn Mùi rất nhiều lần phải khất những buổi hẹn đá bóng phủi của những anh em lão tướng. Cũng buồn, cũng tiếc nhưng phải chịu, ai bảo kiếp này đã định gắn bó với quân phục rồi.
CÁI CHẤT MÙI “TÀU”
Phải thừa nhận Chu Văn Mùi, với ngoại hình quá khổ lẫn những đặc trưng về nhân dạng, nếu người lạ gặp và nghe biệt danh Mùi “Tàu” hẳn sẽ thấy… e dè.
Thực tế, Mùi “Tàu” là người Hải Phòng và xét về nguồn gốc chẳng liên quan đến quốc tịch Tàu. Cái biệt danh ấy xuất phát từ nơi sinh sống ngày xưa của anh. Hồi bé, nhà anh nằm ở khu phố người Hoa tại Hải Phòng. Cũng bởi môi trường ấy nên anh lại có ít vốn tiếng Hoa, đủ khiến anh em “lác mắt”. Thế là chết tên Mùi “Tàu”.
Khuôn mặt hơi chút “ốc bưu”, nhưng thực tế Mùi “Tàu” lại là người sống rất thật và tình cảm, như chính cái chất giọng oang oang như chuông đồng không lẫn vào đâu được.
Hồi 1991, khi ĐT Việt Nam tham dự SEA Games 16, Mùi “Tàu” là một thành viên quan trọng trong đội. Ngoài chuyên môn không phải bàn cãi, dấu ấn lớn nhất của gã trung vệ hộ pháp này lại là khiếu khuấy động phong trào, nức danh là cây hài của của đội.
Nhưng cũng như chất ăn sóng nói gió của đất Cảng, sự nghiệp của Mùi “Tàu” khiến anh dính vào nhiều trắc trở trong cả sự nghiệp lẫn cuộc sống mà vụ rượt đánh trọng tài là điển hình, khiến anh bị treo giò sớm trong trận chung kết nhiều tranh cãi năm 1996.
Sau này, trong những cuộc trà dư tửu hậu, Chu Văn Mùi hầu như không lên tiếng phủ nhận chuyện “cố ý gây thương tích” trọng tài mà kể rằng trong lúc hỗn loạn thì trọng tài lại chạy hoảng và đâm vào người anh.
DÙ GÌ VẪN SỐNG THẲNG, NÓI THẲNG
Chu Văn Mùi đã nghỉ bóng đá từ rất nhiều năm rồi. Giai đoạn này, Mùi “Tàu” chủ yếu dành thời gian cho công việc của đội CSGT quận 6. Những cuộc đá bóng phủi, thực tế không nhiều bởi những đặc thù khắt khe của công việc.
Hồi thi đấu đỉnh cao, Chu Văn Mùi đá vị trí trung vệ, nhưng trở về sân chơi dân dã, anh lại leo lên đá trung phong. Và, thực tế các ông bầu đều rất thích có mẫu tiền đạo như Mùi “Tàu”. Thứ nhất, anh có thể hình vạm vỡ quá chuẩn. Thêm nữa là khả năng không chiến cực tốt và nhất là đẳng cấp xử lý bóng thể hiện qua những pha tiếp bóng rất chuẩn mực và hợp lý của kẻ đến với bóng đá từ năm mới 16 tuổi.
Song, cũng như số phận những đội bóng anh từng khoác áo và chứng kiến “sự khai tử” như đội Điện Hải Phòng vào năm 1991 hay Công An Hải Phòng sau này, cái kiếp quần đùi áo số của Mùi “Tàu” dường như đã được định sẵn là gian truân.
Dù tính cách của Mùi “Tàu” là rất nghĩa khí, chân thành và ít để tâm, song nghiệt ngã thay, con người anh lại trở thành đối tượng đàm tiếu trong những cuộc tranh chấp nội bộ đầy mệt mỏi tại đội CA TP.HCM.
Nghiệt ngã ở chỗ, dấu chấm hết của Chu Văn Mùi lại đến từ những cuộc cạnh tranh, đấu đá cấp thượng tầng. Khi ấy, nhiều người xem Mùi “Tàu” là đã hết thời và lấy anh làm công cụ để đấu đá lẫn nhau.
Sau vụ rượt đuổi trọng tài năm 1996, Mùi “Tàu” bị dán cho cái mác cố tình gây thương tích và suýt nữa bị trục xuất khỏi ngành công an. Nó cũng là câu trả lời cho rất nhiều trắc trở của Chu Văn Mùi, chốt lại bằng án phạt treo giò vĩnh viễn.
Sau này, khi suy xét lại, những người đã ra lệnh treo giò Mùi “Tài” thấy rằng án phạt đó là không thỏa đáng nên đã xóa án cho anh. Lẽ dĩ nhiên, điều gì cũng có nguyên cớ của nó.
Với Chu Văn Mùi, một trong những thủ lĩnh của ĐT Việt Nam trong ngày đầu hội nhập khu vực, tài năng và chuyên môn, tư cách của anh hầu như miễn bàn. Nhưng cuộc đời anh lại quá truân chuyên bởi cách sống và cả cá tính thẳng tưng, lối nói chuyện “như bổ vào mặt” và không hề “khôn khéo” như người khác.
Mâu thuẫn với HLV Weigang
Cái phẩm chất yêng hùng đất Cảng đã nuôi dưỡng Chu Văn Mùi một cá tính rất mạnh, luôn phải bảo vệ danh dự và lợi ích chính đáng cho anh em. Chính vì thế, anh đã nhiều lần va chạm với HLV Karl Heinz Weigang khi ông thầy người Đức có những lời lẽ nặng nề về một số cá nhân lẫn cả đội bóng hồi còn nắm ĐT Việt Nam.
Trích ngang
Họ và tên: Chu Văn Mùi
Năm sinh: 1967
Quê: Hải Phòng.
Cao: 178cm
Nặng: 81 kg.
Vị trí sở trường: Trung vệ
Danh hiệu: Á quân giải VĐQG 1992 (CAHP), Á quân giải VĐQG năm 1994, 1996 (CA TP.HCM), VĐQG năm 1995 (CA TP.HCM).