Bóng Đá Plus trên MXH

M.U lại chìm trong khủng hoảng: Ai cứu rỗi nổi Quỷ đỏ?
09:56 ngày 27/09/2014
Họ đã làm tất cả những gì mà một đội bóng có thể làm hòng thoát khỏi vũng lầy khủng hoảng từ thời David Moyes, nhưng cuối cùng, họ chợt nhận ra rằng tình hình còn tệ hơn trước. Ai có thể trục vớt được con tàu Titanic này, một khi nó đã “quyết định” chìm?
    VAN GAAL BẮT ĐẦU “BỐC MÙI” DAVID MOYES
    Hơn một tháng trước, sau khi Man United bị Swansea đánh bại ngay tại Old Trafford, bị Sunderland cầm hòa và thảm bại 0-4 trên sân của đội nghiệp dư MK Dons ở Cúp Liên đoàn, báo Independent giật tít “Van Gaal đã bắt đầu có mùi David Moyes?”. 

    HLV người Hà Lan đăng đàn bào chữa: “Rất khó để các CĐV tin vào triết lý của Louis van Gaal nhưng các bạn buộc phải tin bởi tôi ở đây để xây dựng một đội bóng mới và đội bóng mới không thể được tạo ra chỉ trong một tháng”.

    Thêm một tháng nữa trôi qua, sau kỷ lục chuyển nhượng Angel di Maria (59,7 triệu bảng) là kỷ lục tiền lương Falcao, và Man United đã trình làng tất cả tân binh họ mang về trong kỳ chuyển nhượng ồn ào này. 

    Nhưng khi cú đá 11 mét của Leonardo Ulloa ấn định chiến thắng 5-3 của Leicester trước Man United, tòa lâu đài trên cát đã sụp đổ. Cơn khủng hoảng không chấm dứt, mà dường như đã di căn. Cái mùi của Moyes đã bốc lên rõ rệt trên cà vạt của Van Gaal.
    Còn Man United thì tuyệt vọng. Telegraph thống kê rằng phải sau 853 trận, Man United mới ném đi lợi thế hai bàn dẫn trước. Đội hình đắt giá nhất trong lịch sử của họ vừa thua tan nát bởi Jamie Vardy, tiền đạo chỉ có giá 1 triệu bảng bên phía Leicester, người đã ghi 1 bàn và kiến tạo 4 bàn còn lại. 

    Các CĐV Man United đã từng thuê một chiếc máy bay chở băng-rôn in dòng chữ chế giễu David Moyes ở trận đấu cuối cùng của ông này tại Old Trafford, và giờ thì họ sẽ phải đau đầu nghĩ cách để ứng xử với Van Gaal. HLV người Hà Lan đã dẫn dắt những CLB hùng mạnh nhất trên thế giới, giành 1 Champions League và vô địch 8 lần ở 4 giải VĐQG khác nhau, nhưng những gì đang diễn ra cho thấy Man United lúc này còn tệ hơn khi còn trong tay Moyes.


    NHỮNG GÌ CẦN LÀM ĐÃ LÀM CẢ RỒI!
    Từ khi Sir Alex rời ghế, tính cả Ryan Giggs, Man United đã được dẫn dắt bởi 3 HLV, từ thành tích khiêm tốn như Moyes, đến một “công thần” như Giggs và đẳng cấp hàng đầu thế giới như Van Gaal, nhưng cho đến giờ, mọi chuyện vẫn rối như mớ bòng bong: Lối chơi của đội chưa định hình và kết quả thì tệ hại.

    Họ đã mua về đây những siêu sao, đã đẩy đi những cầu thủ bị cho là vô dụng (Danny Welbeck, Tom Cleverley…), đã khởi động trước mùa giải bằng cách mời thế hệ 1992 vào Ban huấn luyện hòng nhắc lại lịch sử hào hùng và đi tìm sự kết nối với hiện tại. HLV Van Gaal ban đầu đã thua và hòa liểng xiểng vì sơ đồ ba trung vệ (3-4-1-2 hoặc 3-5-2), nhưng ngay cả khi đã trở về với hàng hậu vệ 4 người trong trận gặp Leicester, thì họ vẫn thảm bại.

    Tức là Man United đã làm tất cả những gì có thể, nhưng vô dụng: “Tôi biết M.U đã tiêu 150 triệu bảng, nhưng tôi nghĩ họ vẫn cần hai kỳ chuyển nhượng với số tiền tương tự, có thể là 100 triệu bảng, trước khi nghĩ đến chuyện vô địch” - cựu tiền vệ Man United, Phil Neville bình luận trên BBC. “Vẫn còn những vị trí cần được tăng cường. Tôi nghĩ trung vệ là trọng điểm, một tiền vệ giữ nhịp và một tiền vệ trung tâm cũng quan trọng”.

    Đó có lẽ là điều không tưởng, và chẳng ai đảm bảo rằng ngay cả khi chi thêm 200 triệu bảng nữa, thì tình hình liệu có sáng sủa hơn: “Man United mắc phải vấn đề còn trầm trọng hơn cả lỗi hệ thống. Với Di Maria, Falcao, Rooney, Van Persie… họ đã là một cái gì đó tương tự Galacticos rồi” - Cựu tiền vệ Jamie Redknapp nói trên kênh Sky Sports.

    Không ai biết lỗ rò nằm ở đâu, trong khi đó, con tàu Titanic vẫn đang chìm. Ai có thể cứu nổi họ đây?

    Không ai có thể cứu nổi tàu Titanic!
    Lịch sử bảo rằng một khi những CLB vĩ đại đã đi hết chu kỳ chiến thắng và xuống dốc không phanh, thì không một vị Thánh nào có thể vực nó dậy trong ngày một ngày hai. 

    Khi quá trình thay máu tiến hành quá muộn, thì không một sự bổ sung nào có thể lấp đầy khoảng trống thế hệ. Real Madrid là đội thấm thía nhất điều này. Từ năm 1955 đến 1960, họ thống trị châu Âu với 5 lần vô địch Cúp C1 liên tiếp, với Alfredo Di Stefano và Ferenc Puskas, những ngôi sao “khủng” nhất bấy giờ. Nhưng vào thời điểm chơi trận chung kết Cúp C1 năm 1964 với Inter Milan, Di Stefano đã 38 tuổi, Puskas 37, trong khi Jose Santamaria đã 34 và người “trẻ” nhất, Paco Gento, cũng bước sang tuổi 31.

    Tài năng lẫy lừng của HLV Johan Cruyff cũng không thể đưa một Barca với Dream Team 1.0 thoát khỏi cuộc suy thoái ở những năm giữa thập niên 1990

    Kỷ nguyên thống trị châu Âu đã một đi không trở lại cho đến tận thập niên 1990, và trong khoảng thời gian ấy, Real đã thay HLV đến 11 lần. Đội bóng Hoàng gia mất phương hướng đến mức chỉ trong vòng 5 năm, họ bổ nhiệm HLV người TBN Luis Molowny đến… 3 lần, và 2 lần mời Di Stefano vào ghế thuyền trưởng năm 1982 và năm 1990, nhưng như tờ Marca phân tích: “Thời của họ đã qua. Khi một đội bóng vĩ đại đi xuống, luôn nặng nề hơn thường lệ”.

    Phải, khi một CLB vĩ đại lăn xuống con dốc bên kia, những ai cố gắng chặn nó lại đều bị nó nghiền nát. Trước trận chung kết Champions League năm 1994 với AC Milan, Barcelona còn được mệnh danh là đội bóng mạnh nhất thế giới và “Dream Team” ấy đến Athens không phải để tranh giành, mà là biểu diễn và nhận Cúp.

    Nhưng khi tiếng còi trận đấu kết thúc vang lên, bảng tỉ số hiện ra chết chóc: 4-0 cho Milan. “Tôi cảm nhận được gì đó như là cái chết trong phòng thay đồ” - một thành viên BHL nhớ lại. Thủ môn Andoni Zubizarreta sau đó động viên toàn đội rằng họ vừa mới vô địch Liga lần thứ tư liên tiếp và hoàn toàn có thể trở lại với vinh quang Champions League vào mùa sau.

    Nhưng ngày đó không bao giờ đến với những người đã ở trong phòng thay đồ hôm ấy. “Thánh” Cruyff vẫn ở lại trên ghế HLV thêm 2 mùa, và làm mọi cách để đưa Barca trở lại, nhưng vô ích. Mùa Hè 1994, Camp Nou chào đón Abelardo từ Sporting Gijon, chân sút đang lên Jose Mari từ Osasuna và đặc biệt là “Maradona vùng Carpaths”, Gheorghe Hagi. Một năm sau, thêm Luis Figo gia nhập từ Sporting Lisbon, Robert Prosinecki đến từ Oviedo để tăng sức sáng tạo và Gheorghe Popescu từ Tottenham hòng gia cố hàng thủ, được cho là theo cố vấn của tờ Sport, một ấn phẩm thân Barca.

    Nhưng trong 2 mùa cuối cùng với Cruyff, Barca trắng tay toàn tập, và không ai có thể lý giải nổi. Họ có một HLV thiên tài, một đội hình hàng đầu và ngân sách khổng lồ, nhưng vô ích. Một kỷ nguyên khép lại sau những cơn khủng hoảng liên miên cho đến tận thế kỷ mới, trước khi Pep Guardiola lên lĩnh ấn và tạo ra một Đế chế mới.

    Sir Alex có trở lại cũng... bó tay? 
    Khi Wilf McGuinness từ đội dự bị của Man United trở thành người kế nhiệm Sir Matt Busby, ông mới 31 tuổi. Đó là năm 1969, năm thứ 24 và cuối cùng của triều đại Busby. 

    McGuinness háo hức ngồi lên ghế HLV trưởng và lên một danh sách mua sắm đầy triển vọng có Colin Tood, Malcolm McDonald và Mick Mills, toàn những hảo thủ bấy giờ, để tăng cường cho một đội ngũ chỉ về thứ 11 mùa giải trước. Ông chỉ được đáp ứng… Ian Ure. Nếu bạn không biết họ, thì có thể tưởng tượng: Bạn yêu cầu được hẹn hò với Naomi Campbell, để rồi ngồi trước mặt bạn là… Sol Campbell.

    HLV huyền thoại Matt Busby cũng đã thất bại khi trở lại để cứu con tàu đắm M.U nhưng lại khiến nó chìm sâu hơn.

    Mùa giải đầu tiên và duy nhất của McGuinness ở Man United kết thúc trong hổ thẹn, với vị trí thứ 8 ở giải VĐQG Anh và dừng bước ở bán kết Cúp Liên đoàn lẫn FA Cup. Điều đó chẳng có gì đáng nói: McGuinness không thể vượt qua cái bóng quá vĩ đại của Sir Busby, người đã thâu tóm mọi quyền lực và hiểu Man United đến chân tơ kẽ tóc sau 3 thập kỷ nắm quyền. Tương tự những gì đã diễn ra dưới thời David Moyes sau khi ông kế nhiệm Sir Alex Ferguson.

    Nhưng điều kỳ lạ là đến chính Sir Busby, người đã trở lại cương vị HLV trưởng sau khi Man United sa thải McGuinness vào tháng 12/1970, cũng không thể trục vớt nổi “Quỷ đỏ”. Man United kết thúc mùa giải vẫn ở vị trí thứ 8, với số điểm còn thấp hơn mùa trước, và Sir Busby thoái vị lần thứ hai, trong một giai đoạn bất ổn chưa từng thấy trong lịch sử Man United: Trước đó, CLB chỉ trải qua 13 đời HLV trong gần 70 năm. Vậy mà sau thời Busby, ghế huấn luyện đã đổi chủ 4 lần trong 7 năm.

    Nhưng CLB cũng không thể tìm được lối đi đúng, và những gì diễn ra với Sir Busby thời điểm ấy không khác gì những năm cuối cùng của Helenio Herrera ở Inter Milan vào thập niên 1960 và Pep Guardiola tại Barcelona trong những năm cuối của thập niên đầu tiên thế kỷ mới: Chính những người tạo ra kỷ nguyên thành công lại không thể giải quyết được những vấn đề khi đội bóng lâm vào khủng hoảng.

    Trước trận chung kết Cúp C1 năm 1967 với Celtic, Inter ở trong trạng thái căng thẳng tột độ mà chính Herrera, người sau này đã cố khắc phục vấn đề bằng cách thuê cho đội một bác sĩ tâm lý, không thể nào kiểm soát được. Đội trưởng Armando Picchi thậm chí còn nôn mửa vì lo lắng. 

    Một vài người khác mất ngủ. Inter ra sân trong trạng thái kiệt sức, thua 1-2 dù dẫn trước, và chìm trong khủng hoảng từ thời điểm ấy: Inter trắng tay trong 5 năm liên tiếp, trải qua 4 đời HLV từ năm 1968 đến 1973. Herrera được mời trở lại vào mùa 1973/74, nhưng sau đó căng thẳng đến mức bị đau tim và phải rời ghế.

    Pep Guardiola thừa nhận sự bất lực trong những năm cuối ở Barca, dù đội bóng mới chỉ chao đảo sau vài cơn khủng hoảng mi-ni: “Ánh đèn sân khấu bỗng vụt tắt, như khi Barcelona bị Chelsea loại khỏi bán kết Champions League 2012. Đó thực sự là một mất mát đối với tôi. Tôi nghĩ mình nên dừng lại. Tôi nghĩ mình không còn truyền được cảm hứng và động lực cho các cầu thủ và đó là lý do tôi quyết định chia tay”. 

    Từ đó đến nay, Barca trải qua 3 đời HLV, từ Tito Vilanova, Gerardo Martino cho đến Luis Enrique, nhưng đội bóng bách chiến bách thắng ấy chỉ giành thêm được đúng một Siêu Cúp TBN trong 2 năm qua.

    Với Man United bây giờ, đừng ngạc nhiên với sự bối rối của Louis van Gaal. Bởi vì nếu Sir Alex có quay lại cũng chưa chắc đã vực dậy nổi một đội bóng vĩ đại đang khủng hoảng sâu sắc.
    An Ngọc Linh • 09:56 ngày 27/09/2014

    Bài viết hay? Ấn để tương tác

    Bình luận
    Thông tin Toà soạn
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Tổng biên tập:
    Nguyễn Tùng Điển
    Phó Tổng biên tập:
    Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn
    Địa chỉ:
    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Tel:
    (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
    Fax:
    (84.24) 3553 9898
    Email:
    Thông tin Liên hệ
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Hotline:
    0903 203 412
    Email:

    Địa chỉ liên hệ:

    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Đăng nhập
    hoặc

    Email:

    Mật khẩu:

    Quên mật khẩu?


    Bạn chưa có tài khoản? Đăng ký ngay