Chuẩn “mô hình Đông Đức”
Michael Ballack sinh ngày 26/9/1976 tại thị trấn Gorlitz ở miền Đông nước Đức. Không lâu sau, Ballack theo cha mẹ chuyển tới sinh sống tại thành phố Karl-Marx-Stadt (sau này được đổi tên thành Chemnitz). Chính tại đây, Ballack bắt đầu ăn tập bóng đá.
Năm 1989, khi Ballack mới 13 tuổi, bức tường Berlin sụp đổ. Nước Đức tái thống nhất. Tuy nhiên những trung tâm thể thao đào tạo VĐV theo mô hình Đông Đức thì vẫn còn. Ở đó, Ballack tiếp tục say sưa luyện tập để theo đuổi ước mơ thi đấu bóng đá chuyên nghiệp.
Có thể nói thế hệ của Ballack là những cầu thủ cuối cùng vẫn ăn tập theo đúng chuẩn của Đông Đức. Họ thức dậy từ 6h00 mỗi sáng rồi dành ra 4 tiếng đồng hồ mỗi ngày để tập các kỹ năng sao cho có thể chơi tốt bằng cả hai chân.
Không phải sự trùng hợp ngẫu nhiên khi mà hai tiền vệ chơi toàn diện nhất của Đức nổi lên từ khi nước Đức tái thống nhất gồm Ballack và Matthias Sammer đều là người Đông Đức. Và không phải vô cớ mà khi trưởng thành, Ballack chơi bóng hai chân như một.
Ballack được đào tạo bóng đá theo chuẩn Đông Đức
Thần tượng thời thơ ấu của Ballack, Rico Steinnmann (cựu tiền vệ nổi tiếng của đội FC Karl-Marx-Stadt) nhận xét: “Xem Ballack thi đấu, chắc hẳn nhiều lúc bạn cũng như tôi không khỏi thắc mắc đâu là chân thuận, đâu là chân không thuận của Ballack đây. Vì chân nào cậu ấy cũng đều chơi tốt cả. Cảm giác như không có ranh giới giữa chân thuận với chân thuận. Ballack thực sự là hình ảnh tiêu biểu cho chuẩn đào tạo thể thao của Đông Đức”.
“Chất Đông Đức” không chỉ quyết định đáng kể kỹ năng chơi bóng của Ballack. Nó còn ảnh hưởng quan trọng tới tính cách của anh.
Thường thì các cầu thủ lớn của Tây Đức thể hiện tố chất lãnh đạo rất rõ ràng. Họ nhiều khi độc đoán đến cực đoan trên sân đấu. Họ thường “gấu”, nóng tính, không ngại va chạm, không ngại xô xát với đối phương và với cả chính đồng đội của mình. Ballack thì khác. Ballack ngay cả khi khoác trên tay tấm băng thủ quân và khi được giao trọng trách thủ lĩnh đội bóng vẫn quen quá nhã nhặn, quá xã giao. Nói như cựu tuyển thủ Đức, Gunter Netzer thì Ballack được đào tạo thành một cầu thủ theo chủ nghĩa tập thể hoàn toàn hơn là một cá tính đậm chất thủ lĩnh. Tính chăm chỉ, vẻ hay cười và sự ngại xung đột của Ballack khắc họa một cầu thủ kiểu mẫu hơn là một thủ lĩnh của đội bóng.
Chủ động đương đầu số 13
Dù yêu mến bóng đá Đức hay ghét bóng đá Đức đi chăng nữa thì mỗi khi nhắc tới Ballack, mọi người vẫn không thể không nói về “vua về nhì”. Ấn tượng đó đã quá sâu đậm rồi. Mùa 2001/02, Ballack cùng Leverkusen về nhì tại Champions League, tại Bundesliga và tại Cúp Quốc gia Đức. Cũng trong năm 2002, Ballack bị treo giò tại trận chung kết World Cup với Brazil và phải cay đắng nhìn ĐT Đức về nhì.
Đến chung kết Champions League mùa 2007/08, một lần nữa Ballack phải cay đắng về nhì sau cú trượt chân oan nghiệt của John Terry trong loạt sút luân lưu may rủi ở trận chung kết giữa Chelsea và Man United. Cũng trong Hè 2008, ĐT Đức của Ballack về nhì trên đấu trường EURO sau thất bại trước Tây Ban Nha ở chung kết.
Người không biết sợ con số 13 là gì
Số phận quá khắc nghiệt với Ballack. Thần may mắn quá bất công với Ballack. Một tài năng xuất chúng như Ballack xứng đáng có ít nhất một danh hiệu trên cấp độ quốc tế. Nhiều người cho rằng Ballack gặp vận xui do không biết phép “có thờ có thiêng, có kiêng có lành”. Họ bảo Ballack bị chính số áo 13 vận vào nghiệp. Chọn số áo nào không chọn lại đi chọn con số 13 đen đủi. Đen đôi ba lần rồi đáng ra phải biết sợ mà đổi số áo khác. Đằng này Ballack lại có mãi thủy chung với con số mà ai cũng cố né tránh ấy.
Nếu tránh số 13 ngay từ đầu hoặc về sau né số 13 ra hòng thay số đổi vận thì đã không phải là Michael Ballack rồi. Ballack là Ballack. Anh tâm sự mình là người không theo tôn giáo nào và anh không mê tín. Kể từ khi gia nhập Leverkusen vào năm 1999, Ballack luôn chủ động xin mặc áo đấu 13, cả cấp độ CLB lẫn đội tuyển.
Số phận quá khắc nghiệt với Ballack
Ballack chia sẻ: “Đúng là các cầu thủ khác không muốn nhận áo đấu số 13. Nhưng tôi lại thích số áo đó. Tôi thấy chẳng có vấn đề gì với số áo đó cả. Tôi đâu phải người mê tín mà phải kiêng kị nọ kia. Trong một đội bóng phải có người mặc áo đấu số 13 chứ. Và đó phải là người mạnh mẽ. Để còn đương đầu với con số bị mọi người né tránh”.
Đội tuyển Đức cũng có những ngôi sao không ngại số áo 13 như Gerd Mueller hay Thomas Mueller. Tiếc rằng Ballack lại không thể chạm tới những đỉnh vinh quang như họ.
Được xúi lấn sân màn bạc Sau khi Ballack treo giày năm 2012, một số fan khuyên anh thử lấn sân làm diễn viên. Tuy nhiên ngôi sao có gương mặt được đánh giá đẹp trai như tài tử Matt Damon chỉ cười trừ. Được nhắm cho môn khác Hồi còn nhỏ, Ballack thuộc diện năng khiếu thể thao được các bác sỹ thể thao tại Đông Đức thực hiện các biện pháp đo lường (đo xương chẳng hạn) và đánh giá bài bản để định hướng phát triển tài năng. Ballack được đánh giá có thể giành huy chương Olympic về môn… trượt băng tốc độ. Mặc kệ, Ballack chỉ thích bóng đá và quyết tâm theo nghiệp cầu thủ đến cùng. Ballack về nhì còn ít hơn Maldini Tổng cộng Ballack đã có 12 lần về nhì ở cả cấp độ CLB và đội tuyển. Cựu hậu vệ Paolo Maldini còn từng có tới… 17 lần về nhì cùng AC Milan (3 lần ở Champions League, 3 lần ở Intercontinental/FIFA Club World Cup, 1 lần ở Siêu Cúp châu Âu, 3 lần ở Serie A, 2 lần ở Coppa Italia, 3 lần ở Siêu Cúp Italia) và ĐT Italia (1 lần ở World Cup và 1 lần ở EURO). Nhưng khác với Ballack, Maldini đã có 5 lần cùng Milan vô địch Cúp C1 châu Âu/Champions League. |