Bóng Đá Plus trên MXH

Nghệ sỹ Chí Trung: “Cổ vũ có văn hóa cũng là cống hiến cho xã hội”
06:16 ngày 10/05/2014
Cái duyên hài của Chí Trung đã khiến người ta chết mê chết mệt. Ấy thế mà “Táo giao thông” lại mê mệt vì bóng đá. Thiên hạ biết Chí Trung là một fan cuồng của Man United từ lâu nên chả ngỡ ngàng khi Chí Trung xuất hiện dưới đường pitch sân Hàng Đẫy với vai trò Chủ tịch hội Cổ động viên của CLB Hà Nội T&T.
    Béo quay trong chiếc áo thun vàng, Chí Trung lại miệt mài với sứ mệnh thu hút khán giả tới sân để cổ vũ bóng đá. Tuần này, “Táo giao thông” sẽ tâm sự với độc giả BĐ&CS về cái nghiệp “gọi khách” của mình.

    “BÓNG ĐÁ & NGHỆ THUẬT CÓ MỐI QUAN HỆ MẬT THIẾT”

    - Sau một thời gian làm Chủ tịch Hội CĐV Hà Nội T&T, cảm giác của anh thế nào?

    + Một công việc rất mệt mỏi nhưng lại rất thú vị. Hàng ngày, tôi nhận được hàng trăm cú điện thoại và tin nhắn, cộng thêm mấy chục e-mail. Thậm chí, 2 giờ sáng rồi mà vẫn có những bạn trẻ nhậu nhẹt, hứng lên gọi điện cho tôi xin vào hội.
    Nhưng tôi rất hạnh phúc. Lâu lắm rồi bầu không khí cuồng nhiệt ở SVĐ Hàng Đẫy mới sống lại. Chúng tôi sẽ tìm những CĐV cuồng nhiệt và chân chính để dần dần hướng mọi người đến văn hóa cổ động chân chính.

    - Điều gì khiến anh đảm nhiệm công việc “vác tù và hàng tổng” này?

    + Tôi và anh Hiển (Ông bầu Đỗ Quang Hiển của CLB Hà Nội T&T - PV) có mối thân tình từ ngày còn đi buôn ở ngoài chợ với nhau cơ. Thời đó, anh Hiển còn nghèo hơn tôi bởi anh ấy là tri thức, còn tôi là nghệ sỹ. Sau này, anh Hiển thành công về kinh tế, rồi làm chủ một đội bóng. 


    Bên cạnh đó, tôi mê bóng đá lắm cơ. Từ xưa, tôi luôn ra sân để cổ vũ cho Thể Công, Hà Nội ACB. Nhờ ra sân mà tôi tái ngộ anh Hiển. Trong lần hội ngộ hồi tháng 10/2013 ở khán đài A sân Hàng Đẫy, anh Hiển có bảo: “Hay Trung làm chủ tịch hội CĐV HN.T&T cho tớ?”. Sau 2 tuần suy nghĩ, tôi đã đồng ý.

    - Vì sao anh đồng ý?

    + Tôi cho rằng giữa bóng đá và nghệ thuật có mối quan hệ rất mật thiết. Cả hai đều đem lại cảm xúc, niềm vui hay nỗi buồn cho người xem. Là một công dân Hà Nội, tôi biết rằng người Hà Nội rất giàu truyền thống bóng đá nên tôi đã nhận lời, quyết đem kinh nghiệm của một người nghệ sỹ để cổ vũ bóng đá.

    Được sự bật đèn xanh của anh Hiển, cấp miễn phí 20.000 vé ở SVĐ Hàng Đẫy. Nhiệm vụ của người nghệ sỹ là thu hút mọi người tới sân. Và để có được 20.000 người đến sân tức là phải sờ đến 2 triệu người ngồi co ro trong căn phòng ấm áp của họ. 

    Tôi làm ở nhà hát tôi biết, nếu phát hành 2.000 tờ rơi ở Hà Nội, mỗi người cầm một tờ tôi chỉ dám hy vọng 200 người tới rạp. Bởi vì mọi người còn nhiều việc rất phải quan tâm. Thượng Đế mà, làm sao có thể trách được Thượng Đế. Nhưng nếu chúng ta biết cách đốt nóng, cộng hưởng thì sức lan tỏa rất là nhanh. 

    “MỘT CHIẾN DỊCH, 3 BÊN CÙNG CÓ LỢI”

    - Anh đã làm thế nào để thu hút hội viên?

    + Sau khi nhận lời tôi bảo anh Hiển cho tôi án binh bất động để có thời gian chuẩn bị. Tôi đã cân nhắc cả mọi tình huống, khả năng, cân nhắc cả tình hình hội CĐV, thực trạng và giải pháp sau đó kết hợp với ngân hàng SHB của anh Hiển.

    Tôi có hợp tác với ngân hàng SHB trong dự án “Chắp cánh niềm tin” diễn ra ở 119 trường đại học với 100 suất chiếu ở Hà Nội. Tôi cho rằng nền tảng của Hội CĐV phải có nhiều sinh viên đang sinh sống và học tập tại Hà Nội, bất kể bạn từ đâu tới, là fan của đội nào. Tôi đã liên hệ với 42 trường đại học, và từ mỗi trường, tôi thu hút được 200-300 người đến sân.

    Ngoài ra, tôi còn liên hệ với Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ  gồm 151 doanh nghiệp. Từ đây, mỗi doanh nghiệp cũng giúp tôi có được 100-200 người đến sân và tham gia vào hội CĐV. 

    Chưa hết, tôi có nghĩ ra một cái thẻ ưu đãi khi sử dụng các dịch vụ, sản phẩm của 3 thương hiệu là ngân hàng SHB, Hà Nội T&T và Nhà hát Tuổi Trẻ. Khi đến nhà hát Tuổi Trẻ, chủ thẻ sẽ được giảm 50% giá vé, chưa kể 10 loại hàng hóa dịch vụ được giảm 5-10%. 

    Thẻ tích hợp này sẽ cấp miễn phí cho hội viên hội CĐV HN.T&T và các khách hàng của ngân hàng SHB. Tất cả lợi ích nhiều bên cùng có. Thế nên, nói tình yêu bóng đá cũng đúng, tình yêu khán giả cũng đúng và nói đẩy mạnh thương hiệu cũng đúng. Vì tất cả những mục đích trên đều nằm trong chiến dịch “Tôi yêu Hà Nội”. 

    - Nói như thế, anh làm Chủ tịch Hội CĐV Hà Nội T&T còn là vì nhà hát Tuổi Trẻ?

    + Chính xác là tôi hợp tác với anh Hiển để cùng thúc đẩy thương hiệu Hà Nội T&T và nhà hát Tuổi Trẻ. 

    “VĂN HÓA CỔ ĐỘNG CỦA CHÚNG TA CHƯA ỔN”

    - Anh đánh giá như thế nào về văn hóa cổ động bóng đá của khán giả Thủ đô?

    + Tôi thấy văn hóa cổ động bóng đá của người dân Hà Nội nói riêng và người dân Việt Nam nói chung đều có vấn đề. Chúng ta phải học tinh thần của Thể Công ngày xưa: Thắng không kiêu, bại không nản. CĐV cũng nên như thế, đừng bắt cầu thủ và đội bóng lúc nào cũng phải thắng. Dù thắng hay thua, CĐV đều phải thể hiện lối cổ vũ đẹp. Đấy chính là sự cống hiến của CĐV với bóng đá và xã hội. Tôi sẽ phổ biến điều này tới mọi hội viên, phải cổ vũ một cách chủ động.

    - Thế nào là cổ vũ chủ động?

    + Ngày xưa, chúng ta đến sân, ngồi thụ động và trông đợi cầu thủ cống hiến cho chúng ta. Nhưng bây giờ, chúng ta phải làm sao biến thành một khối thống nhất trên khán đài, buộc các cầu thủ trình diễn cái đẹp cho chúng ta, buộc họ phải biểu diễn thật hay trên sân cỏ. 

    Ngay khán giả ở nhà hát Tuổi Trẻ cũng vậy. Nếu khán giả đến kín rạp, ngồi xem chăm chú, cười và vỗ tay, sống theo từng hơi thở của nhân vật và tính huống thì thách đố diễn viên cũng không dám đùa, không dám chểnh mảng mà hết mình với nhân vật. 

    Nhưng dưới khán giả vắng hoe vắng hoét, người thì ăn, người thì nghịch điện thoại, người thì cho con chạy khắp nơi thì diễn viên dại gì người ta không đùa, dại gì không cắt lời mau cho thoát nợ.

    Thêm vào đó, CĐV Việt Nam hễ thắng là tung lên mây xanh, thua thì quay sang chửi hết, chửi từ cầu thủ đến HLV… chửi tất cả trừ mình. Tại sao mình không trung trinh đến cùng, toàn con em mình cả? Chúng ta cũng đừng kì vọng vào những điều thái quá, buộc phải đá thắng Tây, thắng Hàn… Chúng ta cần cổ vũ với thái độ đúng mực, khen chê có cơ sở để bóng đá thực sự là niềm vui của mỗi CĐV.

    QUAN ĐIỂM CỦA CHÍ TRUNG:
    “Lâu nay, CĐV bóng đá Việt Nam nói chung và của Hà Nội nói riêng luôn yêu cầu các cầu thủ phải chơi tốt chơi hay để chúng ta xem một cách thụ động thì nay tôi chủ động đặt hàng các cầu thủ bóng đá phải chơi đẹp để phục vụ chúng tôi. Nếu không đẹp chúng tôi sẽ la ó ngay ở khán đài, chúng tôi sẽ trừng trị ngay chứ không đùa!”

    “Mọi người cứ nói bóng đá Việt Nam bạo lực chứ ngoại hạng Anh, Tây Ban Nha họ đánh nhau tơi bời. Họ cũng phi 2 chân, vào bóng bằng gầm giầy... Trừ một số cầu thủ có sẵn tính hung hãn thì khi người ta bế tắc trong chuyên môn, trong tinh thần, sức ép thành tích thì người ta sẽ có xu hướng sử dụng hành vi bạo lực. Để bài trừ nạn này, vừa rồi, VFF đã xử lý Đình Đồng rất nặng tay. Tôi nghĩ, nó sẽ có tác dụng răn đe hữu hiệu.”

    - Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này!
    Lý Phạm • 06:16 ngày 10/05/2014

    Bài viết hay? Ấn để tương tác

    Bình luận
    Thông tin Toà soạn
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Tổng biên tập:
    Nguyễn Tùng Điển
    Phó Tổng biên tập:
    Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn
    Địa chỉ:
    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Tel:
    (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
    Fax:
    (84.24) 3553 9898
    Email:
    Thông tin Liên hệ
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Hotline:
    0903 203 412
    Email:

    Địa chỉ liên hệ:

    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Đăng nhập
    hoặc

    Email:

    Mật khẩu:

    Quên mật khẩu?


    Bạn chưa có tài khoản? Đăng ký ngay