TẤN BI KỊCH “TẤT CẢ ĐÒI TỎA SÁNG”
McManaman gọi đó là “Disneyfication”, ám chỉ một sự đổi thay hỗn độn và đầy phiêu lưu, như trong hoạt hình Walt Disney. Manuel Pellegrini phàn nàn: “Hay ho gì khi sở hữu một dàn nhạc có đến 10 guitarist hay nhất nhưng không có nổi một nghệ sĩ dương cầm”. Raul Gonzalez từng tuyên bố rằng “đội bóng này sẽ bị hủy hoại”. Họ cùng đang nói về chính sách Galacticos của Real.
Ngày 24/9/2009, một tháng sau mùa Hè bom tấn với sự xuất hiện của Cristiano Ronaldo và Kaka, HLV Manuel Pellegrini bắt đầu nhận ra khoảng tối của Galacticos ở El Madrigal. Gonzalo Higuain tỏ ra khó chịu ra mặt khi bị thay ra ở phút 65, thời điểm Real đang dẫn bàn. Tờ Sport viết rằng: “Những công thần như Guti hay Raul có thể đồng ý với băng ghế dự bị dưới cái bóng của những ngôi sao mới đổ bộ Nhà Trắng. Nhưng không phải ai cũng nghĩ như vậy. Higuain là một trong số đó”.
Thời điểm ấy, Higuain là cầu thủ ghi bàn hàng đầu của Real. Mùa trước đó, 2008/09, đánh dấu một bước nhảy vọt trong sự nghiệp của tiền đạo người Argentina, với 34 lần ra sân (31 đá chính) và 22 bàn thắng. Thật dễ hiểu cảm giác của anh khi bất ngờ bị xếp sau những ngôi sao vừa tới lẫn Raul.
C.Ronaldo đã chấp nhận ngồi dự bị vài trận vì chính sách quay vòng của ông Pellegrini, nhưng sau đó, anh bắt đầu cảm thấy khó chịu, như Sport tiên đoán: “Ronaldo có thể chấp nhận ngồi ngoài ở Cornella-El Prat (sân của Espanyol), nhưng tương lai sẽ khác, bởi anh không thích bỏ lỡ cả một trận đá tập”.
Đội hình quá nhiều siêu sao làm đau đầu HLV Carlo Ancelotti
Cái nhọt Galacticos vỡ bung một tháng sau, khi Real Madrid thảm bại 0-4 trên sân của đội hạng Ba Alcorcon ở Cúp Nhà Vua. Guti đã lăng mạ ông Pellegrini ngay trên sân (Ông là thằng chết tiệt - NV) trong một cuộc đấu khẩu chớp nhoáng và HLV người Chile cuối cùng đã phải đuổi cổ “công thần” của Madrid vào phòng thay đồ. Guti thậm chí tiếp tục phản ứng bằng một… ngón tay thối vào giờ nghỉ.
Trước đó, Guti đã suýt rời Madrid, vì “đội bóng chiêu mộ quá nhiều ngôi sao và tôi nhận thấy mình không còn giá trị gì, trong khi có quá nhiều lời mời chào hấp dẫn dành cho tôi từ Anh, Hy Lạp, Ả Rập và cả TBN. Khả năng ra đi là 50-50”. Thật cay đắng, người thuyết phục Guti ở lại là Pellegrini cuối cùng lại nhận một gáo nước lạnh từ chính cậu học trò.
Galacticos đã biến Madrid thành một sàn catwalk mà những “siêu mẫu” kèn cựa với nhau từng chút một chỉ để được sải bước trước công chúng. Pellegrini sau đó thừa nhận trên tờ Marca rằng dẫn dắt Real “không phải một công việc dễ dàng”, bởi “họ đều là những danh thủ quốc tế nhưng họ phải hiểu rằng không phải lúc nào họ cũng được ra sân, có quá nhiều cầu thủ hàng đầu và cầu thủ thì lúc nào cũng ích kỷ, tất cả đều muốn chơi hết trận”.
“VĂN HÓA” GALACTICOS & SỰ LÓNG LÁNH GIẢ TẠO
Trong cuốn sách White Angel (Thiên thần trắng), tác giả John Carlin phỏng đoán rằng Perez đã không chấp nhận yêu cầu tăng lương của Claude Makelele và sau đó bán anh đi một phần cũng vì sợ rằng sự nhượng bộ sẽ khuyến khích Ivan Helguera, Michel Salgado và Guti, những người có mức lương chỉ bằng một phần nhỏ so với thu nhập của Zidane, cũng giở yêu sách. Sự đố kỵ trong đội là một quả bom nổ chậm.
Florentino Perez, cha đẻ của Galacticos, chưa bao giờ là một con người của bóng đá. Perez là một doanh nhân, một chính trị gia chuyên nghiệp, có chân trong hội đồng quản trị của một công ty xây dựng hàng đầu TBN lẫn hội đồng thành phố Madrid.
Ông cực giỏi ở hai việc: Thuyết phục mọi người bỏ phiếu cho ông, và kiếm ra thật nhiều tiền. Với Real Madrid, Perez có một công việc mà ông có thể làm tốt cả hai cùng một lúc. Madrid bị “cai trị” bởi chủ nghĩa dân túy và sự lóng lánh giả tạo.
Sự xuất hiện của Carlo Ancelotti đã đem đến những niềm hy vọng mới: Các sản phẩm Castilla như Nacho, Alvaro Morata và Jese đã ra sân với số phút nhiều gấp sáu lần so với mùa giải đầu tiên của Jose Mourinho, 2010/11, và Madrid hoàn tất giấc mơ Decima một cách thuyết phục.
Tuy nhiên, Perez vẫn còn ở đây, và con quái vật Galacticos vẫn đang gầm thét. Người chơi hay nhất trong trận chung kết Champions League mùa trước là Angel di Maria nhiều khả năng sẽ bị bán đi để nhường chỗ cho James Rodriguez. Diego Lopez đã phải ra đi một cách tức tưởi vì một quyết định giàu màu sắc chính trị hơn là thể thao, trong cuộc cạnh tranh rất thiếu công bằng với một Iker Casillas luôn là “Thánh” dù bắt tệ đến đâu.
“Văn hóa” Galacticos trông từ ngoài thì lúc nào cũng hào nhoáng, nhưng phía dưới cung điện ấy là một cái nền đang mục nát.