Mề đay Thành viên Đế chế Anh, mề đay Sỹ quan Hoàng gia Anh, tước hiệu Hiệp sĩ Hoàng gia Anh... Điều gì khiến một người đàn ông Scotland được Hoàng gia Anh trao tặng những danh hiệu cao quý mà mọi thần dân của Nữ hoàng Anh đều khao khát đó?
Bởi vì người đàn ông này, Alex Ferguson, đã hiến dâng cả đời mình cho CLB Manchester United, suốt 27 năm sung mãn nhất của đời mình, từ năm 1986 đến 2013, biến đội bóng này từ đống đổ nát, be bét và bốc mùi trở thành đội bóng vĩ đại nhất nước Anh, và có thời điểm là nhất châu Âu.
Ngay từ những năm tháng đầu tiên, Sir Alex đã quản trị Man United như một nhà quản lý
Alex Ferguson không phải mô típ chiến lược gia ôm tham vọng cải cách bóng đá, đạo nên những cuộc cách mạng chiến thuật như kiểu Rinus Michels - cha đẻ của Total Football - hay Johan Cruyft - nhà sáng tạo của Tiqui-taca. Ông cũng không khao khát danh vọng tuyệt đối như hình mẫu của Pep Guardiola hay Jose Mourinho.
Đấy là con người của quản trị, một Manager đúng nghĩa cuối cùng của bóng đá Anh. Ông quản trị Man United một cách khoa học như quản trị một nhà máy công nghiệp, điều mà ông đã hỏi hỏi từ khi mái đầu còn xanh mướt tuổi đôi mươi. Chứ không đơn thuần là một HLV.
Chính vì thế, một Man United đầy những ma men, bợm rượu, vô tổ chức của những năm cuối thập niên 1980 đã được dọn dẹp để trở thành một đội bóng của những cầu thủ cầu thủ chuyên nghiệp, xa lánh thói bù khú rượu chè, chỉ chuyên tâm vào việc tập luyện và thi đấu.
Trải qua 27 năm, tài quản trị của ông đã biến Man United thành một tượng đài
Vượt qua được giai đoạn khó khăn chuyển giao cũng như những năm đầu lận đận, tài quản trị của đã giúp Sir Alex có được vũ khí tạo nên sự thành công cho cả ông và Man United: Quyền lực tối thượng của một Trùm Cuối. Ở Man United, mệnh lệnh của ông là bất khả kháng và không ai có thể can thiệp.
Alex Ferguson hiểu rõ vai trò của thứ quyền lực này từ khi con rất trẻ, khi mới chập chững bước vào nghề huấn luyện viên ở CLB Falkirk. Nó đặc biệt hiệu quả đối với những CLB thiếu ý thức kỷ luật như Man United thời đó, nơi mà ông phải rèn cầu thủ từ nếp ăn mặc chỉnh tề đến tuân thủ nghiêm ngặt giờ giấc tập luyện.
“Kỷ luật là sức mạnh”, nhưng để có được sức mạnh đó thì phải có những Manager tầm cỡ như Alex Ferguson hay Arsene Wenger. Và dưới tay của nhà quản trị đại tài sinh ra ở Glasgow, Man United đã lột xác biến thành một quyền lực tuyệt đối tại Premier League từ khi giải đấu này được thành lập cho đến khi Sir Alex giải nghệ.
Ông để lại một di sản sáng chói tại Old Trafford
13 chức vô địch Premier League là ấn chứng quá thuyết phục cho tài năng huấn luyện theo kiểu quản trị công ty của Sir Alex. Ông không cần phải bận tâm quá nhiều vào vấn đề chuyên môn huấn luyện mà phân phó cho các trợ lý của mình. Việc của ông là quản lý cả hệ thống, đảm bảo cho từng bộ phận hoạt động trơn tru, tối ưu hiệu suất.
Cỗ máy Man United đã chạy với tốc độ cao trong suốt 20 năm mà không bị hỏng hóc. Đó chính là nhờ tài quản trị của Sir Alex Ferguson, và dễ hiểu khi cỗ máy đó rơi vào tay người khác, lỗi hệ thống bắt đầu xuất hiện khiến hàng loạt sự cố, hỏng hóc xảy ra.
Không phải ngẫu nhiên mà khi trái tim của Sir Alex có vấn đề, cả thế giới đã cầu nguyện mong ông sớm hồi phục, đặc biệt là những người hâm mộ Man United. Bất chấp tuổi tác và sự già nua của người đàn ông này, người ta vẫn mong ông quay về quản lý đội bóng cũ để phục hưng nó.
Bởi họ tin rằng, trái tim đã 78 tuổi đó vẫn phù hợp với Man United nhất vì nó đã kiến tạo nên đế chế này theo cách vận hành của riêng nó. Và khi người ta cầu mong một người đã chuẩn bị bước vào ngưỡng bát thập, thì đó chỉ có thể là một huyền thoại: Alex Ferguson.