Nếu còn trên dương thế, Lưu Quang Vũ có thể viết ra những kịch bản phim hấp dẫn, sau những vở kịch để đời, và giống như các bộ phim gây tiếng vang trong thời gian qua. Chẳng hạn như Người phán xử hay Sinh tử v.v. Liên hệ một cách nghiệp dư tạp kỹ của người viết, cuộc tranh đoạt quyền lực đang diễn ra tại Nou Camp hứa hẹn là chất liệu tuyệt hảo cho bộ phim hay.
1 tháng trước, Rousaud hoàn toàn xa lạ với giới mộ điệu. Bất quá chỉ biết là doanh nhân trong lĩnh vực tái tạo năng lượng hay thành viên hội đồng quản trị Barcelona, với chức vụ Phó chủ tịch phụ trách tổ chức (thể chế/nhân sự). Người đàn ông này chỉ trở thành tâm điểm dư luận vì bị Bartomeu thanh trừng. Từ vị thế ứng viên số một kế vị Chủ tịch HĐQT Barca, sau khi Bartomeu hết nhiệm kỳ vào năm 2021, ông thành kẻ “lưu vong”. Và lập tức, Rousaud quay lại tố BLĐ Barca tham nhũng.
Trước khi từ chức, Rousaud vốn bị xem là "cừu đen" trong Ban lãnh đạo Barca. Ông thường xuyên tự ý trả lời phỏng vấn báo chí về các vấn đề của đội bóng, thậm chí trò chuyện cùng Victor Font, một ứng viên tranh cử khác và là người rất quyền lực trong ngành truyền thông xứ Catalan. Và mới đây, Font đăng tải một bài viết chỉ trích Barca đang ở bên bờ vực phá sản từ kinh tế đến đạo đức.
Về phần Bartomeu, sau khi Rousaud cùng 5 thành viên HĐQT khác từ chức, những tưởng quyền lực tối thượng đã nằm trọn trong tay ông. Nhưng cuộc sống này vốn tương đối, thực tế khủng hoảng ngày càng lan rộng và các vấn đề quản lý kinh tế, thể thao và xã hội trở nên quá tải cho Bartomeu và các cộng sự "trung thành".
Đỉnh điểm vẫn là vụ bê bối Barcagate. Hợp đồng bị đình chỉ và một công ty kiểm toán bên ngoài (PWC) được thuê để điều tra độc lập. Bên cạnh đó, sự bức xúc công khai của Messi và đồng đội, dẫn đến làn sóng phẫn nộ của người hâm mộ. Chiếc ghế của Bartomeu lung lay hơn bao giờ hết. Tình tiết này dẫn đến thuyết âm mưu Rousaud chủ ý từ chức để Bartomeu gánh chịu hậu quả. Một cách "mượn đao giết người" trước khi trở lại?!
Nhưng kịch tính và bất ngờ chưa dừng lại ở đó, trong một diễn biến mới nhất, Rousaud lại bị chỉ trích bởi Maria Teixidor, một trong 6 thành viên HĐQT từ chức. Cựu Thư ký HĐQT của Barca gọi Rousaud là kẻ chống phá và khen ngợi Bartomeu là người hào phóng. Kết quả, Rousaud lại lọt vào tầm ngắm hoài nghi về sự bất trung, phản bội hoặc bất kỳ tính từ nặng nề nào khác.
Với kịch bản như phim vậy, Rousaud, Bartomeu, ai ngay , ai gian, hạ hồi phân giải. Nhưng nguồn cơn xung đột giữa Bartomeu và Rousaud không đơn thuần là chuyện tranh đoạt quyền lực. Nên nhớ, Bartomeu chỉ còn 1 năm nữa hết nhiệm kỳ và bầu cử Chủ tịch tại Barca căng thẳng không kém bầu Tổng thống Mỹ, nên thuyết diễn biến về việc củng cố quyền lực cá nhân lâu dài hoàn toàn là bịa đặt.
Nói cách khác, xung đột giữa Bartomeu và Rousaud là phản ánh cho xung đột giữa hai hệ tư tưởng cũ mới trong xã hội Catalan. Trước nhất, xứ sở này tồn tại cùng tư tưởng dân tộc và khát khao ly khai, với Barca chính là biểu tượng, nên chủ nghĩa dân túy rất phát triển. Tuy nhiên, sau cuộc khủng hoảng kinh tế 2009-2013, Tây Ban Nha, một trong số các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất, dần xuất hiện những nhà lãnh đạo theo phương pháp kỹ trị.
Nhưng vì đặc điểm địa chính trị phức tạp, với nhiều xứ tự trị và đòi ly khai như Catalan, Tây Ban Nha chưa thể thoát ra ảnh hưởng của chủ nghĩa dân túy. Barca chính là một ví dụ điển hình cho sự dung đột giữa dân túy và kỹ trị. Hơn cả một CLB, biểu trưng cho ý chí độc lập và quản lý theo hệ thống chuẩn mực của một CLB là hai vấn đề không dễ dung hòa.
Tôi và chúng ta, một vở kịch nổi tiếng của Lưu Quang Vũ bỗng phản ánh thật đúng vấn đề của Barca. Đó là không thể có thứ chủ nghĩa tập thể chung chung, không thể giữ mãi các nguyên tắc, phương pháp cũ kỹ trước biến chuyển khôn lường của thời đại. “Chúng ta”, suy cho cùng là từ nhiều cái “tôi”. Nhưng những cái “tôi” cũng cần biết cách tiết chế, tránh cấp tiến để tránh hậu quả.
Vì cấp tiến, cuộc sinh tử nơi thượng tầng Barca dẫn đến hệ lụy là các tôn chỉ cao cả như đạo đức, sự tử tế, “Hơn cả một CLB” bỗng trở nên châm biếm. Bartomeu đã đi một nước cờ sai, vì chọn tiến hành thanh trừng trong thời gian giãn cách xã hội và bóng đá không diễn ra. Dường như vị Chủ tịch của Barca muốn tận dụng thời gian yên ắng này để hạn chế hệ lụy dư luận.
Nhưng thực tế, trong khoảng thời gian đói kém tin tức này, vụ khủng hoảng thể chế của Barca lại là mồi ngon khó bỏ của truyền thông. Đề tài này sẽ được khai thác không sót một khía cạnh nào. Và khi bóng đá thức dậy, con quái vật ấy vẫn vẹn nguyên nham nhở tại Nou Camp mà không ai đủ khả năng dọn dẹp.
XEM THÊM
Messi 'không dám nhìn vào mắt' một đồng đội ở Barca
Barca phản ứng thế nào sau vụ 6 thành viên BLĐ đồng loạt từ chức?