Josep Bartomeu - kẻ 'phản Chúa' tại Barca

Hải An
15:20 ngày 28-10-2020
Lionel Messi có lẽ không phải là người chủ động đòi ra đi mà anh đã bị chủ tịch Josep Bartomeu giật dây trong một âm mưu chằng chịt và xảo quyệt để buộc phải ra đi, đem lại phao cứu sinh tài chính cho BLĐ Barcelona hiện tại. Nhưng bây giờ, Bartomeu mới là kẻ phải ra đi.

Toàn cảnh sự kiện Messi muốn chia tay Barca

MỘT THUYẾT ÂM MƯU ĐÁNG SỢ

“Leo Messi muốn kết thúc sự nghiệp thi đấu của mình tại Barcelona”, chủ tịch Josep Maria Bartomeu của CLB xứ Catalan đã phát biểu như thế trên kênh truyền hình của CLB vào ngày 18/8 vừa qua.

“Messi còn hợp đồng đến năm 2021. Tôi nói chuyện với cậu ấy thường xuyên và Messi biết có một kế hoạch về việc dùng một HLV. Tất cả chúng ta đều thất vọng vào lúc này, nhưng chúng ta được thúc đẩy bởi dự án mới và chúng ta phải nghĩ về tương lai”, Bartomeu nói thêm.

Chưa đầy một tuần sau, Messi đã gửi một burofax khét tiếng đến Barcelona để nói với BLĐ rằng anh đã quyết định ra đi bằng cách sử dụng một điều khoản trong hợp đồng cho phép mình tự do rời CLB.

Cầu thủ xuất sắc nhất mọi thời đại của Barca - người ghi 634 bàn và đem về 34 danh hiệu trong suốt 15 năm khoác áo đội một Barcelona - đã ra đi ngay khi CLB đang ở trong thời điểm đau đớn nhất, sau thất bại 2-8 tại tứ kết Champions League bởi Bayern Munich.

Burofax của Messi dường như là một đòn nặng với Bartomeu. Sau trận đấu với Bayern, ông ta đã phản ứng lại những lời kêu gọi từ chức bằng cách nói rằng mình sẽ ở lại làm công việc này thêm 12 tháng để thực hiện những cải cách sâu sắc mà CLB cần.

Ông khẳng định rằng Messi vẫn là “trụ cột” của dự án mới, dưới thời tân HLV Ronald Koeman. Vì vậy, việc Messi nói anh sẽ ra đi hẳn đã thực sự làm tổn hại đến những kế hoạch đó. Một nguồn tin am hiểu về cách vận hành của BLĐ Barca phân tích như sau:

“Chắc chắn, Bartomeu đã muốn Messi ra đi. Cầu thủ này đang ngốn một khoản tài chính lớn của CLB và ông ta muốn sửa sai bằng cách bán Messi. Nếu Barca nhận được 200 triệu euro từ việc bán Messi và tiết kiệm được 100 triệu euro tiền lương, thì tài khoản của mùa giải tới sẽ cân bằng.

Không loại trừ rằng toàn bộ tình huống này đều do chính Bartomeu là đạo diễn. Hoặc đó là sản phẩm của cựu chủ tịch Sandro Rosell. Bartomeu và Rosell là bạn thân thiết nhất, họ là một đội ”.

Bartomeu có nhiều lý do mong muốn Messi ra đi

Quan điểm về tình hình này được ủng hộ bởi một nguồn tin khác, người rất thân cận với một trong những ứng cử viên hàng đầu cho chức chủ tịch Barcelona ở nhiệm kỳ tới.

“Bán Messi sẽ giúp trang trải các khoản nợ mà HĐQT này đã tạo ra dưới thời Bartomeu. Nó cũng sẽ giúp giảm khoản chi tiền lương đang hoàn toàn không kiểm soát được. Tất cả đều có thể được sửa chữa chỉ bằng một cú kích thích 'cái Tôi' của Messi”.

Nhìn từ bên ngoài, những quan điểm như vậy có thể bị thổi phồng quá mức, hoặc thậm chí là điên rồ. Tuy nhiên, tình hình tài chính của Barca thực sự tệ đến mức đó.

Cách đây chưa đầy 12 tháng, Bartomeu đã tự hào tuyên bố rằng CLB này sẽ là tổ chức thể thao đầu tiên trên thế giới vượt qua ngưỡng doanh thu 1 tỷ euro hàng năm. Nhưng đại dịch COVID-19 đã phơi bày những vấn đề lớn của họ, với số dư trong tài khoản.

Két của Barca đã rỗng đáng kể sau khi đốt gần 1 tỷ euro cho việc chiêu mộ cầu thủ đắt giá nhưng kém hiệu quả trong những năm gần đây. Hoá đơn tiền lương của họ cũng tăng vọt, cao nhất khi so sánh với bất cứ môn thể thao nào, với hơn 500 triệu euro.

Nguồn tin trên giải thích: “BLĐ Barca không chỉ chi quá nhiều cho phí chuyển nhượng, mà còn cho cả tiền lương của cầu thủ. Việc chi tiêu đó đã đẩy CLB vào một tình thế tài chính bấp bênh. Để khắc phục điều đó, họ đang ép Messi ra đi.

Họ đã làm mọi cách, kể cả thuê Koeman, để Messi ra đi. Chúng ta không thể chứng minh rằng tất cả những điều này được thực hiện một cách cố ý để loại bỏ Messi, nhưng sự ra đi của anh ta sẽ cứu BLĐ và chủ tịch, giúp họ tránh phải tự trả bất kỳ khoản tiền nào.

CHỨC CHỦ TỊCH TỪ TRÊN TRỜI RƠI XUỐNG

Bartomeu không bao giờ mong đợi có được vị trí chủ tịch. Với một cuộc điều tra tư pháp về việc ký hợp đồng với Neymar, người tiền nhiệm của ông ta là Rosell đã khiến mọi người bất ngờ khi từ chức chủ tịch Barca vào tháng 1 năm 2014. Cho đến lúc đó, không ai nghĩ Bartomeu sẽ trở thành chủ tịch.

Sinh ra ở Barcelona vào tháng 2 năm 1963, Bartomeu là một thành viên của Barca từ năm 11 tuổi, nhưng là ở đội bóng rổ. Sau khi rời khỏi hệ thống đào tạo trẻ đã "đào ngũ" để trở thành “trụ cột” ở kình địch Espanyol trước khi khoác áo các đội bóng rổ hạng lông như Mollet, Santa Coloma và Banca Catalana.

Một phóng viên về làng bóng rổ Catalan trong những năm 1980 và 1990 kể lại: “Ông ta không nổi bật trên sàn đấu. Trong những ngày học bóng rổ, Bartomeu đã tham gia vào công việc kinh doanh của gia đình, bước đầu tiên trên con đường sự nghiệp đã đưa ông ta trở thành Giám đốc điều hành của tập đoàn Adelte Group”.

Bóng rổ là con đường đưa Bartomeu trở lại FC Barcelona ở cấp độ lãnh đạo, cũng như tình bạn lâu dài với Rosell, người mà ông ta gặp lần đầu khi cả hai còn là sinh viên tại Trường Kinh doanh ESADE của thành phố, nơi hình thành nên nhiều tầng lớp chính trị và kinh tế Catalan.

Cả hai đều góp phần trong thành công của Joan Laporta khi trở thành chủ tịch Barca vào năm 2003, và Bartomeu có một vị trí trong HĐQT với tư cách là giám đốc phụ trách bóng rổ và bóng ném.

Bộ máy này hoạt động tốt nhưng thường xuyên chứng kiến những cuộc đụng độ giữa các nhân vật đầu não - một trong số đó là Ferran Soriano, giám đốc điều hành hiện tại của Man City.

Bartomeu rõ ràng có liên hệ với Rosell khi nhân vật này đối đầu với Laporta, và vào tháng 3 năm 2005, Bartomeu bị bãi nhiệm sau khi người đứng đầu CLB công khai không đồng ý với việc lựa chọn HLV trưởng mới cho đội bóng rổ.

“Laporta đã làm bẽ mặt Bartomeu trong một cuộc họp báo khi đảo ngược quyết định mà Bartomeu đã đưa ra. Laporta không coi trọng Bartomeu, một người thân cận của Rosell”, một quan sát viên theo dõi CLB vào thời điểm đó cho biết.

Bartomeu vẫn giữ vai trò giám đốc, nhưng đã từ chức vị trí ở HĐQT vài tháng sau đó, cùng với Rosell và 3 thành viên khác, vì những bất đồng với Laporta về hướng đi của CLB trở nên không thể giải quyết được.

Bartomeu và Rosell (phải) là cặp bài trùng thao túng Barca

Khi Rosell thắng cử chủ tịch vào năm 2010 và nắm quyền, Bartomeu trở lại HĐQT và được bổ nhiệm làm phó chủ tịch, với quyền điều hành bộ phận thể thao của CLB.

Chế độ mới ngay lập tức bắt đầu chống lại những kẻ thù cũ và thực hiện các động thái gây tranh cãi, bao gồm tước quyền chủ tịch danh dự của huyền thoại Johan Cruyff và mời Josep Lluis Nunez, người đã bị thất sủng trước đây trở lại CLB.

HĐQT mới thậm chí đã cố gắng kiện những chủ tịch tiền nhiệm vì đã tuyên bố lỗ khi cả Bartomeu và Rosell đều đưa ra bằng chứng trước tòa vào năm 2014 trong một vụ án pháp lý cố gắng đòi lại tổng cộng 23 triệu euro và tiếp tục cho đến khi vụ kiện bị một thẩm phán bác bỏ vào năm 2017.

“Mô hình sở hữu của Barca là thuộc về hơn 100.000 hội viên thuộc tất cả các tổ chức thành viên của nó. Về mặt logic, sẽ có nhiều ý kiến ​​khác nhau. Điều đó không phải là xấu.

Vấn đề là khi CLB được sử dụng để bảo vệ lợi ích nhất định. Kiểu truyền thống của Nunez thì bảo thủ hơn nhưng mang tính xây dựng vững chắc hơn, trong khi trường phái Laportismo mang tính cách mạng, phá cách, sáng tạo và mạo hiểm hơn.

Khi Sandro Rosell đến, bất cứ thứ gì có mùi của trường phái Laportismo, Cruyffismo hoặc Guardiolismo đều phải bị phá hủy. Những giá trị này đã bị huỷ hoại gần 10 năm qua, và quá trình đó vượt ra khỏi tầm kiểm soát, và họ đã gần như phá hủy toàn bộ CLB”, một thành viên Barca quan tâm đến chính trị nội bộ của CLB cho biết.

HẠN CHẾ CỦA MÔ HÌNH “SỞ HỮU TOÀN DÂN”

Bartomeu vẫn là một nhân vật khiêm tốn cho đến buổi sáng ấn tượng vào tháng 1 năm 2014, khi chủ tịch Rosell khiến mọi người ngạc nhiên bằng việc từ chức.

Một cuộc họp HĐQT khẩn cấp được tổ chức cùng ngày tại Camp Nou đã đồng ý rằng Bartomeu sẽ trở thành chủ tịch. Mọi người đều nghĩ rằng, cuộc bầu cử sẽ được tổ chức sớm nhất để yên ổn vị trí chủ tịch trong dài hạn.

Ngày đầu tiên của Bartomeu với tư cách là chủ tịch, ông ta đã tham gia một cuộc họp báo cùng với giám đốc điều hành Raul Sanllehi, người sau đó chuyển sang Arsenal, để bảo vệ tính hợp pháp của thỏa thuận đã đồng ý ký hợp đồng với Neymar từ Santos vào mùa Hè trước.

Sanllehi đã giải quyết hầu hết các câu hỏi về tài chính, cố gắng phủ nhận các thông tin báo chí rằng Barca đã không tiết lộ tất cả các khoản thanh toán của họ cho Neymar. Điều đó khiến Bartomeu phải trả lời những câu hỏi cảm tính hơn để giữ chân NHM.

Ngày hôm đó, Bartomeu nói: “Chúng tôi không nói dối. Các trận bóng được phân thắng bại trên sân cỏ, không phải sau những cánh cửa đóng kín trong văn phòng. Chúng tôi đã mất Alfredo Di Stefano trong một văn phòng, nhưng chúng tôi không mất Neymar”.

Ông ta cũng nói về một “bàn tay đen” ở Madrid đang chỉ đạo cuộc điều tra của tòa án, mà ai cũng biết đó là kẻ thù đại chúng của các Cules - chủ tịch Florentino Perez của Real Madrid.

Trong những tháng tiếp theo, Bartomeu đã thể hiện sự lạnh lùng ấn tượng và kiên định khi khẳng định rằng cả mình, Barca hay Rosell đều không phải chịu trách nhiệm cho bất kỳ sai sót nào trong vụ chuyển nhượng. “Barca không làm gì sai, nhưng có một số quyền lực không thích việc Neymar đến Barca”.

Bartomeu tiếp tục lặp lại luận điểm đó ở trước tòa và trực tiếp đối mặt với việc các công tố viên đề nghị án tù 2-3 tháng, kèm theo khoản tiền phạt 3,8 triệu euro. Cuối cùng, một thỏa thuận đã được thực hiện với các công tố viên: CLB chấp nhận lời buộc tội nhưng tất cả các cá nhân liên quan sẽ không bị trừng phạt.

Bartomeu được cứu khỏi vụ Neymar nhưng Neymar không thể cứu Barca trên sân. Họ kết thúc mùa giải 2013/14 mà không có danh hiệu lớn nào và HLV Gerardo “Tata” Martino đã bị sa thải.

Trên cương vị chủ tịch Barca, Bartomeu từng chứng kiến Neymar ra đi

Mọi thứ cũng không suôn sẻ dưới thời Luis Enrique vào mùa giải tiếp theo, thậm chí, BLĐ lại bị giáng một đòn nữa - lệnh cấm chuyển nhượng 2 năm của FIFA vì vi phạm các quy tắc liên quan đến việc ký hợp đồng với cầu thủ nước ngoài dưới 18 tuổi.

Một vấn đề khác xảy ra vào tháng 1 năm 2015, khi Luis Enrique và Messi tranh cãi công khai sau trận thua 0-1 trước Real Sociedad. Ngòi nổ của vụ này đã được Bartomeu tháo bằng cách sa thải giám đốc thể thao Andoni Zubizarreta và tuyên bố tiến hành bầu cử vào mùa Hè năm đó.

Cả đội gần như lên đồng với Neymar, Luis Suarez và Messi nổ súng đều đặn đem về cú ăn ba La Liga, cúp Nhà vua và Champions League. “Cây đinh ba và cú ăn ba” đã trở thành một khẩu hiệu tranh cử tuyệt vời, bất chấp bóng đen của vụ Neymar và FIFA.

Bartomeu tái đắc cử với 54,63% phiếu bầu, hơn hẳn các đối thủ Laporta (33,03%), Agusti Benedito (7,16) và Toni Freixa (3,70).

Barcelona rất tự hào về mô hình CLB do NHM sở hữu, trong đó 110.000 hội viên của CLB là chủ sở hữu và là phía ra quyết định cuối cùng về các chính sách của CLB. Tất cả họ đều có 1 lá phiếu để bầu ai trở thành chủ tịch, vì vậy về lý thuyết, họ có thể chọn các chính sách và hướng đi của CLB.

Điều đó giúp Barca kiêu hãnh nổi bật so với các “siêu câu lạc bộ” khác trên khắp châu Âu thuộc sở hữu của các quốc gia Trung Đông, các nhà tài phiệt Nga hay các nhà tư bản Mỹ. Họ thậm chí còn cảm thấy tuyệt vời hơn khi so sánh với Real Madrid, nơi Perez đang làm xói mòn nền dân chủ trong CLB.

Các thành viên sở hữu Barca bỏ phiếu cho vị trí chủ tịch 6 năm một lần, nhưng điều đó không có nghĩa là họ thực sự có tiếng nói trong những gì xảy ra giữa các cuộc bầu cử. CLB có truyền thống lâu dài về quyền lực tập trung ở cấp cao nhất - ít nhất là từ thời Nunez ở những năm 1980 và 1990.

“Cuối cùng, vấn đề đối với Barca là chủ tịch phải đưa ra quyết định và không có một cấu trúc chuyên nghiệp như hầu hết các CLB lớn khác ở châu Âu. Đó là bản chất độc đáo của Barca và Madrid, là những đội bóng do NHM sở hữu. Họ có thể cạnh tranh với PSG hay Man City nhưng lại gây khó khăn cho việc quản lý CLB”, một chủ sở hữu (socio) nói.

Kể từ khi tái đắc cử vào năm 2015, Bartomeu đã đảm nhận tất cả các công việc quyền lực nhất khác của CLB. Vào tháng 11 năm 2016, khi Susana Monje từ chức phó chủ tịch phụ trách các vấn đề kinh tế của CLB, Bartomeu đảm nhiệm luôn vai trò này.

Vào năm 2019, khi phó chủ tịch thể thao Jordi Mestre rời HĐQT, Bartomeu cũng gánh vác luôn vai trò đó. Cùng lúc, những người đã giúp đỡ Bartomeu trong chiến dịch tái tranh cử, đã được trao các vị trí chính thức trong CLB.

“Chủ tịch của CLB này có rất nhiều quyền lực. Dù đây là mô hình quản lý tập thể nên tất cả các giám đốc đều có quyền hạn. Nhưng chủ tịch vẫn có một quyền lực rất lớn. Ông ta thực tế là người quyết định tất cả các vụ chuyển nhượng. Ông ta không bao giờ hỏi ý kiến ​​BLĐ về việc ký hợp đồng với cầu thủ nào”.

QUYỀN LỰC TUYỆT ĐỐI, THA HOÁ TUYỆT ĐỐI

Việc Bartomeu chuyên quyền chuyển nhượng là nhờ vòng đời ngắn ngủi của các giám đốc thể thao. Trong nhiệm kỳ 6 năm của Laporta, Barca chỉ có một giám đốc thể thao: Txiki Begiristain. Rosell mang về Zubizarreta, người đã bị Bartomeu sa thải. Kể từ đó là Robert Fernandez, Pep Segura, Abidal và bây giờ là Ramon Planes.

Thông qua đó, Bartomeu rất thích đưa ra những quyết định lớn. Ông ta giám sát việc ký hợp đồng trị giá 120 triệu euro với Antoine Griezmann từ Atletico Madrid. Ông đến Amsterdam vào tháng 1 năm 2019 để thuyết phục bản hợp đồng trị giá 75 triệu euro Frenkie de Jong chọn Barca thay vì Man City.

Cũng nhiều người thắc mắc về khả năng can thiệp từ phía sau hậu trường. Rossell, cựu giám đốc điều hành của Nike, đã phải ngồi tù 20 tháng ở Tây Ban Nha trong khi phải đối mặt với cáo buộc rửa tiền liên quan đến ĐT Brazil, trước khi được tha bổng vào tháng 4 năm 2019. Mặc dù thế, ông ta vẫn có tầm ảnh hưởng đến những gì diễn ra ở Nou Camp.

“Bạn phải nhớ rằng HĐQT này là tay chân của Rosell. Bartomeu là bạn thân của Rosell, cũng như 80% thành viên của HĐQT hiện tại. Nhiều người tin rằng, Rosell đã tham gia vào công việc chuyển nhượng của Barca”, một nguồn tin cho biết.

Bartomeu thường xuyên trả lời phỏng vấn báo chí Catalan, xuất hiện trên đài TV3 và kênh phát thanh RAC 1 hoặc nói chuyện với các tờ báo thể thao địa phương Mundo Deportivo hoặc Sport. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là NHM và các socio được thông báo đầy đủ về những gì đang xảy ra.

Ông ta đã gần gũi hơn với một số phương tiện truyền thông, nhưng không phải tất cả. Bartomeu luôn thể hiện một khuôn mặt thân thiện, không bao giờ nói “Không” với bất kỳ ai nhưng chúng ta không bao giờ có thể hoàn toàn tin tưởng những gì ông ta đã nói.

Sự thiếu dân chủ trong việc ra quyết định hoặc giao tiếp như vậy có nghĩa là ngay cả những người đã làm việc trong CLB với vai trò cấp cao trong những năm gần đây cũng không cảm thấy họ biết Bartomeu đang nghĩ gì. Bartomeu không thích ánh đèn sân khấu cho lắm nhưng không hề ngốc.

Nhiều cựu công thần Barca như Xavi, Iniesta không hòa hợp với Bartomeu

Bartomeu không những phụ trách toàn bộ chi tiêu của Barca trong chuyển nhượng, mà còn tham gia nhiều hơn vào các cuộc đàm phán gia hạn hợp đồng với các ngôi sao hiện có của đội. Đối với một số người, đây là sự lãnh đạo mạnh mẽ, nhưng những người khác cảm thấy rằng các cầu thủ có thể trực tiếp gây áp lực để chủ tịch đòi thêm tiền.

Tiền vệ Sergio Busquets đã dành phần lớn thời gian của năm 2016 để ám chỉ việc anh có thể đến Man City nếu Bartomeu không thực hiện tốt lời hứa tăng lương đáng kể. Cuối cùng, sau 7 tháng gây áp lực, anh đã được ký hợp đồng với mức lương 14 triệu euro một năm, thứ khiến nhiều cầu thủ khác ghen tị.

Andres Iniesta, người ký gia hạn hợp đồng đến năm 2017 nhưng đã bác bỏ dứt khoát tuyên bố công khai của Bartomeu rằng anh đã đồng ý một “hợp đồng trọn đời”. Việc anh ra đi để gia nhập CLB Vissel Kobe ở J.League vào tháng 6 năm 2018 đã khiến chủ tịch của mình bẽ mặt.

Mức độ tôn trọng của các cầu thủ Barca đối với ông chủ tịch này thể hiện qua biệt danh họ đặt cho Bartomeu là “Nobita”. Bartomeu hài hước nói trên Barca TV rằng “Tôi cho rằng mình trông giống Nobita về mặt hình dáng”. Nobita là một cậu bé 10 tuổi đeo kính cận trong bộ manga nổi tiếng Doraemon của Nhật Bản.

Một nguồn tin am hiểu về tình hình cho biết: “Bartomeu không mấy được tôn trọng trong phòng thay đồ. Rất buồn khi các cầu thủ gọi ông ấy là Nobita bởi họ không có sự tôn trọng hay sự tin tưởng với sếp lớn. Ông ta thường không thực hiện những lời hứa của mình, chỉ giỏi chém mà không bao giờ làm”.

Việc chuyên mua hớ của Bartomeu khiến Barca gặp khó khăn trong việc loại bỏ bất kỳ cầu thủ cấp cao nào của họ, đồng thời khiến những nỗ lực đổi mới một đội hình già cỗi bị thất bại. Sau khi hậu vệ phải Dani Alves sang Juventus vào năm 2016, Bartomeu khẳng định rằng cầu thủ người Brazil đã đi vì “vấn đề cá nhân mà chỉ anh ấy, vợ anh ấy và tôi biết”.

Alves trả lời bằng cách gọi sếp cũ là "kẻ nói dối" trên mạng xã hội. Mùa Hè năm ngoái, CLB đã không thành công trong việc tống cổ tiền vệ Ivan Rakitic. Khi được hỏi về phản ứng vào tháng 2/2019, khi Bartomeu bị khán giả Nou Camp huýt sáo trước trận đấu với Eibar ở La Liga, Rakitic lạnh lùng trả lời: “Mọi người đều có quyền nói lên ý kiến ​​của mình.”

Thật kỳ lạ, Bartomeu đã trao mọi thứ cho những cầu thủ. Ông ta đã trả cho họ rất tốt, đã đưa ra những bản hợp đồng béo bở cho Pique, Busquets, Jordi Alba. Ông cũng đã trả cho Xavi và Iniesta những khoản tiền thưởng rất hậu hĩnh. Tuy nhiên, các cầu thủ không thể chịu đựng được ông ta.

Cho dù, đáp ứng mọi yêu cầu của cầu thủ, từ quyền lực đến tiền bạc, nhưng chúng ta hãy xem Messi đang trả ơn Bartomeu như thế nào. Và Xavi, người đã từ chối cơ hội dẫn dắt Barcelona dưới thời Bartomeu vào tháng Giêng, cũng chẳng khác gì cả.

CON ĐƯỜNG TRỞ THÀNH KẺ PHẢN CHÚA

Việc trả mức lương cao nhất thế giới đã gây ra rất nhiều áp lực lên tài chính của Barca. Bartomeu tuyên bố không lo lắng khi doanh thu của CLB tiếp tục tăng vọt, nhưng COVID-19 đã biến lời tuyên bố đó thành trò cười. Đại dịch cũng trực tiếp dẫn đến một sự đổ vỡ khác trong mối quan hệ giữa BLĐ và phòng thay đồ.

Các cầu thủ trụ cột bao gồm Messi và Pique đã sử dụng Instagram để cho mọi người biết về sự không vui của đội bóng về việc chủ tịch đang cố gắng yêu cầu các cầu thủ cắt giảm lương. Họ cho rằng, chính HĐQT, những người ăn lương cao mới cần phải cắt giảm lương.

Cũng có những căng thẳng thường xuyên trong thập kỷ qua bất cứ khi nào hợp đồng của Messi được gia hạn, với xung đột rõ ràng giữa ông bố Jorge Messi vốn là người đại diện cho Messi và HĐQT. Bartomeu luôn khẳng định trước công chúng rằng Lionel Messi sẽ kết thúc sự nghiệp của mình tại Nou Camp, và cuối cùng, Messi đã luôn ký hợp đồng.

Hợp đồng gần nhất của họ - được ký vào năm 2017 và trị giá khoảng 50 triệu euro một năm sau thuế - thậm chí còn bao gồm một điều khoản bí mật cho phép cầu thủ đơn phương phá vỡ thỏa thuận vào cuối mỗi mùa giải. Một điều khoản không còn quá bí mật nữa.

Mùa này, sau thất bại ở Siêu cúp Tây Ban Nha trước Atletico Madrid, Bartomeu đã có một quyết định lớn khác: sa thải HLV Valverde. Tuy nhiên, điều đó không giúp ích được gì cho một đội đang vấp ngã. Thay vào đó, hậu quả của việc sa thải là một cuộc tranh cãi công khai giữa Messi và Giám đốc thể thao Abidal trên mạng xã hội về việc ai là người chịu trách nhiệm.

Và tân HLV Quique Setien đã phải vật lộn để thực hiện bất kỳ sự cải thiện nào trong lối chơi của đội khi họ bị Athletic Bilbao loại khỏi cúp Nhà vua, dễ dàng bị Real Madrid vượt mặt vào cuối mùa giải La Liga và sau đó phải chịu đựng nỗi nhục nhã ở Champions League trước Bayern.

Một sự khác biệt lớn khác so với năm 2015 là Bartomeu đã không tiến hành các cuộc bầu cử chủ tịch (dự kiến ​​vào mùa Hè năm 2021) bất chấp áp lực nội bộ. Việc đột ngột cắt toàn bộ doanh thu do đại dịch COVID-19 dẫn đến căng thẳng giữa các thành viên HĐQT.

Sau đó, xảy ra một vụ đảo chính vào tháng 4/2020 với việc 6 thành viên HĐQT, bao gồm cả Emili Rousaud, người đã được Bartomeu cấy vào Barca năm 2015 như "hạt giống đỏ" cho vị trí chủ tịch trong tương lai. 5 giám đốc khác cũng từ chức, hầu hết trong số họ có vai trò trong vấn đề tài chính.

Nguyên nhân dẫn đến sự biến động này là vụ bê bối “Barcagate”: BLĐ Barca đã thuê một công ty bên ngoài là I3 Ventures sử dụng các tài khoản ma để bôi nhọ những người được coi là "kẻ thù" của BLĐ trên mạng.

Nạn nhân gồm những huyền thoại của CLB như Guardiola, Carles Puyol và Xavi, các cầu thủ đang thi đấu như Pique và Messi, và các nhân vật có khả năng tranh cử chức chủ tịch trong tương lai như Benedito và Victor Font.

Trong khi Barca tuyên bố rằng một cuộc điều tra nội bộ đang được thực hiện để làm rõ bất kỳ hành vi sai trái nghiêm trọng nào, thì cảnh sát Catalan đã đến Nou Camp vào đầu tháng 5 và đã lấy đi các tài liệu để làm bằng chứng trong một cuộc điều tra hình sự về việc sử dụng sai quỹ của BLĐ.

Điều đó một lần nữa cho thấy các bộ phận hoạt động ngay trong CLB như một tổ chức, với Bartomeu và một vài giám đốc, cố vấn đáng tin cậy đưa ra tất cả các quyết định và giữ quá nhiều bí mật với những người khác. Họ không còn chĩa mũi dùi vào Florentino Perez ở Madrid, hay cựu thù Laporta, thay vào đó, họ tấn công người đang cùng chiến tuyến.

Vụ Barcagate khiến uy tín của Bartomeu xuống thấp

“Vụ Barcagate là rất lớn. Họ đã cố gắng lừa những người phải ký hợp đồng. Họ không lừa kẻ thù, hay đối thủ kình địch mà lừa đồng nghiệp của chính mình. Đó là sự hỗn loạn kinh hoàng do Bartomeu và cộng sự gây ra”, một quan chức của Barca cho biết.

Bartomeu đáp lại việc 6 giám đốc từ chức bằng cách bổ sung một số đồng minh thân thiết nhất và những người bạn lâu năm nhất của mình vào HĐQT. Người thay thế Rousaud làm phó chủ tịch tổ chức là Pau Vilanova Vila-Abadal, người chịu ân sâu nghĩa nặng của Bartomeu ở thập kỷ trước.

Các lãnh đạo cấp cao khác trong HĐQT bao gồm chuyên gia bất động sản Jordi Moix, phó chủ tịch kinh tế giám sát dự án xây dựng lại sân vận động Espai Barca trị giá 800 triệu euro. Javier Bordas - người điều hành một số hộp đêm sang chảnh ở Tây Ban Nha - là giám đốc chịu trách nhiệm cao nhất về các vấn đề bóng đá của đội một.

Sau đó, “Barcagate” còn cho thấy BLĐ này đã phá vỡ mối quan hệ của họ với hầu hết những tên tuổi lớn nhất trong lịch sử CLB tàn khốc như thế nào. Bartomeu đã công khai bác bỏ ý tưởng xây dựng lại Nou Camp và lấy tên của Johan Cruyff. Ông ta đang muốn bán quyền đặt tên sân để có thêm tiền.

Con trai của Johan Cruyff là Jordi Cruyff, từ lâu đã được kỳ vọng sẽ trở lại và tiếp nối truyền thống của gia đình vào một thời điểm nào đó, nhưng nhân vật này đã bị đẩy khỏi Catalan, phải lưu lạc sang Thâm Quyến của Trung Quốc để hành nghề HLV.

Không có ai từng tồn tại ở thời kỳ Laporta/Guardiola có ý định quay trở lại để giúp BLĐ thoát khỏi khó khăn. Ở Qatar, Xavi không giấu diếm việc ngày nào đó sẽ về dẫn dắt Barca, nhưng đó là khi Bartomeu đã biến mất.

Puyol đã nhận một công việc dưới thời Bartomeu, nhưng anh đã từ chức khi người bạn thân Zubizarreta bị sa thải. Trong tuần vừa qua, anh cũng công khai ủng hộ việc Messi ra đi theo dạng chuyển nhượng tự do. Abidal và Patrick Kluivert đã chấp nhận lời đề nghị từ HĐQT, nhưng đều chẳng làm được việc gì.

“Tôi không nghĩ rằng họ có một kế hoạch chiến lược. Đầu tiên, có sự thù hận cá nhân từ trước đó. Họ đã mắc sai lầm trong nhiều quyết định vì điều đó. Tiếp theo, họ muốn chứng tỏ rằng Barca, về mặt ý thức hệ, không chỉ có một ý tưởng của Cruyff, Guardiola”, một cựu cầu thủ Barca nhận xét về động cơ của BLĐ hiện thời trong việc bị các cựu huyền thoại xa lánh.

Koeman đã trả lời cuộc gọi vào tháng này để trở thành HLV trưởng thứ năm của Barca trong 6 năm rưỡi Bartomeu làm chủ tịch. Ông là người ghi bàn thắng trong chiến thắng của Barca tại Cúp C1 châu Âu năm 1992, nhưng lý do khiến ông được chọn là nhờ một lý lịch huấn luyện không nổi bật.

Koeman cũng được coi là người phù hợp để thực hiện ý tưởng của chủ tịch Bartomeu về việc loại bỏ những ngôi sao già cỗi trong phòng thay đồ. Cho đến nay, HLV này vẫn giữ ý tưởng đó, và đã nói với Suarez, chân sút tốt thứ ba trong lịch sử CLB, là anh ta đã hết thời.

Việc đuổi khéo Suarez được coi là động thái giục Messi nhanh chóng xách vali lên đường bởi ai cũng biết rằng đây là đôi bạn thân. Messi ra đi, vấn đề tài chính của CLB sẽ được giải quyết, như những âm mưu đang được đồn đoán.

Nhiều người trong và ngoài Barcelona đã tự hỏi liệu Bartomeu có từ chức ngay sau thất bại điếm nhục tại Lisbon hay không? Pique đã nói thẳng toẹt như thế sau tiếng còi mãn cuộc rằng: “CLB cần thay đổi và tôi không nói về HLV hay các cầu thủ”.

Nhưng đêm đó ở Lisbon, khi được hỏi trực tiếp trên truyền hình rằng liệu ông ta ra đi hay không, Bartomeu đã đáp lại rằng ông ta hiểu nỗi đau của NHM, nhưng thấy rằng những quyết định đó không nên được đưa ra “trong lúc nóng nảy”.

Vài ngày sau, Bartomeu thông báo rằng “Barca đang gặp khủng hoảng bóng đá; không phải là một cuộc khủng hoảng thể chế ” và thề sẽ tái đắc cử ở nhiệm kỳ tới để khắc phục các vấn đề. Ông ta ấn định cuộc bầu cử sớm nhất vào tháng 3 năm 2021, vì vậy HĐQT hiện tại sẽ vẫn giữ nguyên vị trí cho đến mùa Hè năm sau.

Có thể, nhiều người thắc mắc tại sao Bartomeu lại tham quyền cố vị như thế. Việc trở thành chủ tịch Barca đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống cá nhân và gia đình của ông ta; đồng thời danh tiếng của Bartomeu đối với phần lớn các Cules có thể đã bị hủy hoại vĩnh viễn.

Thông báo của Messi rằng anh muốn rời đi đã làm dấy lên những chỉ trích nặng nề hơn đối với chủ tịch này, bao gồm các cuộc biểu tình hàng đêm bên ngoài sân Nou Camp, với đám đông gồm hàng trăm Cules hô vang "Bartomeu, từ chức ngay".

Các ứng cử viên cho chức chủ tịch tương lai như Jordi Farre và Font yêu cầu các thành viên sở hữu mở chiến dịch thu thập số lượng chữ ký cần thiết để đưa ra một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm, buộc toàn bộ HĐQT phải từ chức.

“Đó là cách duy nhất để chúng tôi có thể đưa Bartomeu ra khỏi Barca. Ông ta nên từ chức ngay lập tức và kêu gọi các cuộc bầu cử. Ý đồ để Messi ra đi là không thể chấp nhận được, vì ông ta không còn đủ tư cách hợp pháp để đưa ra những quyết định kiểu này.

Bartomeu không được phép thế chấp tương lai của CLB. Chủ tịch mới, dù là ai, cũng phải vào cuộc càng sớm càng tốt để đưa ra những quyết định có thể cứu Barca”, Jordi Farre nói.

Hầu hết những người hiểu chuyện đều chấp nhận rằng đã quá muộn để giữ Messi ở lại Barca, vì cầu thủ người Argentina đã quyết định ra đi. Nếu gia nhập Man City, thì Messi không phải là kẻ thù đầu tiên của Bartomeu hoặc Rosell rời Barcelona để đến Etihad. Ở đó, Messi sẽ được chào đón bởi bởi nhiều cố nhân đã ly khai vì Rosell hay Bartomeu.

Mặc dù các nguồn tin tại Barca đã thông báo rằng, Bartomeu đã đề nghị từ chức nếu điều đó thuyết phục được Messi ở lại, nhưng những người theo dõi Barca chặt chẽ đã coi động thái này như một hành động chính trị vô giá trị và mang tính mỵ dân.

“Đó chỉ là thủ đoạn chính trị. Ông ta chỉ nói điều đó khi Messi đã quyết định rằng sẽ không huỷ quyết định ra đi. Messi sẽ không ở lại, ngay cả khi Bartomeu từ chức. Điều cần làm là phải phế bỏ HĐQT này ngay tức khắc, để tránh hậu hoạn nặng nề hơn”. Và điều mà tất cả các CĐV của Barcelona mong đợi đã diễn ra. Vào đêm qua, Bartomeu đã chính thức tuyên bố từ chức chủ tịch của Barcelona!

Cập nhật ngày 28/10/2020

XEM THÊM

Kết quả cuộc họp tương lai Messi: Barca nhất quyết không bán, Messi tiếp tục đình công

Messi 90% ở lại Barca

SỰ KIỆN NÓNG TRONG NGÀY

Sử dụng tiếng Việt có dấu. Ký tự còn lại 500.

* Đăng nhập hoặc Đăng ký tài khoản để
bình luận và chia sẻ nhanh hơn

Thông tin Toà soạn

Tạp chí Điện tử Bóng Đá

Tổng biên tập:
Nguyễn Tùng Điển
Phó Tổng biên tập:
Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn

Địa chỉ liên hệ

Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội

Tel: (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
Fax: (84.24) 3553 9898
Email: toasoan@bongdaplus.vn | vanphong@bongdaplus.vn
 

Liên hệ Quảng cáo

Hotline: 0903 203 412
Email: quangcao@bongdaplus.vn

x