“Ngày hôm đó, tôi thức dậy rất sớm và đợi bác ấy. Tối hôm trước, bác đến ăn tối ở nhà tôi, hứa dẫn tôi đi thăm một studio của Elton John. Tôi, khi ấy mới 10 tuổi, mơ trở thành ca sĩ…”, cô gái trẻ Amal Fashanu say sưa nói về niềm đam mê thời thơ ấu, bằng một vẻ thanh lịch, quyến rũ nhưng cũng đầy quyết đoán của một nhà thiết kế thời trang thành danh trong talk show của BBC. Đôi mắt Amal đầy cảm xúc, không giấu nổi sự bi thương. Ngày 2/5/1998, cô bé 10 tuổi đợi bác mình suốt cả ngày, đi đi lại lại bên cửa sổ. Nhưng vô ích. Justin Fashanu đã không đến như lời hứa. Cô bé là người bạn tốt nhất của Justin trong một gia đình rách nát và phức tạp.
Sáng hôm sau, trong một ga-ra bỏ hoang ở Fairchild Place, tại khu phố tồi tàn Shoreditch phía Đông London, người ta tìm thấy thi thể lực lưỡng của niềm hy vọng lớn một thời của bóng đá Anh treo trên dây cáp điện. Trong lá thư tuyệt mệnh dài ba trang, Fashanu phủ nhận chuyện hiếp dâm, bởi thanh niên kia hoàn toàn tự nguyện và chỉ lật mặt sau khi không xin được tiền từ ông. “Tôi hy vọng rằng Chúa Jesus, người mà tôi yêu mến, sẽ chào đón tôi. Cuối cùng tôi cũng sẽ tìm thấy sự bình yên ở đó… Tôi thà chết còn hơn gây ra bao nhiêu nỗi buồn cho bạn bè và gia đình…”.
Cảnh sát cho biết, trước khi tự sát, Fashanu đến một phòng tắm hơi đồng tính cách đó vài dãy nhà và ở lại suốt cả buổi chiều. 8 năm trước, Fashanu là cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp đầu tiên trong lịch sử công khai đồng tính. “Justin rất tài giỏi, trong nhiều lĩnh vực. Bác ấy thậm chí còn thu âm cả một đĩa nhạc gồm 5 ca khúc. Bác ấy đã dũng cảm biết bao. Ngày nay, bác ấy lên trang bìa của hàng loạt tạp chí thời trang danh tiếng”, Amal chia sẻ.
Phải mất rất nhiều thời gian để thế giới túc cầu thừa nhận rằng, bi kịch của Fashanu năm 1998 không chỉ là câu chuyện về số phận một cá nhân, mà còn ẩn chứa bên trong sự âm ỉ, độc ác của nền văn hóa kỳ thị, phân biệt giới tính. Năm 2008, CLB fan thể thao đồng giới tung ra “Chiến dịch Justin” nhằm chống lại nạn phân biệt giới tính. Chiến dịch này hoạt động qua nhiều năm và nhận được sự ủng hộ của Hiệp hội các cầu thủ nhà nghề Anh, Ban tổ chức Premier League. Đến hiện tại, tháng 2 hàng năm trở thành “tháng chiến dịch Justin”. Trong chiến dịch này, vai trò của Amal rất lớn.
Năm 2012, khi mới 24 tuổi, Amal sản xuất bộ phim tài liệu “Những cầu thủ bóng đá đồng tính tại Anh” để đưa “Chiến dịch Justin” lên một tầm cao mới. “Tôi biết rất nhiều cầu thủ đồng tính, nhưng họ không dám công khai. Họ sợ những kẻ thiếu hiểu biết, ngu ngốc sẽ xúc phạm mình. Chúng tôi đã thành lập Quỹ giáo dục Fashanu nhằm giúp các cầu thủ trẻ ứng xử tốt hơn với những cầu thủ đồng tính. Tôi hy vọng nhiều người bạn của bác Justin như Elton John hoặc David Beckham có thể hỗ trợ chúng tôi dự án này”, Amal nói đầy tự hào về dự án mà cô đang cùng cha mình là John (em trai Justin), thực hiện.
Justin Fashanu nổi lên như là tài năng trẻ giàu triển vọng vào năm 1980, với bàn thắng tuyệt đẹp tung lưới Liverpool giúp ông nhận giải Bàn thắng đẹp nhất mùa bóng. Nhưng tài năng chơi bóng của Fashanu luôn bị che lấp bởi cái nhìn kỳ thị dành cho một cầu thủ đồng tính. Đến mức sau khi công khai đồng tính, chỉ trong 1 năm ông phải thay đổi CLB tới 5 lần. Và cuối cùng Fashanu tự kết liễu cuộc đời vì không chịu được sự kỳ thị của xã hội.
VÀI NÉT VỀ JUSTIN FASHANU Anton Hysen, cầu thủ đồng tính duy nhất còn thi đấuTính đến thời điểm hiện tại, Anton Hysen là cầu thủ chuyên nghiệp đồng tính duy nhất còn thi đấu. Hậu vệ người Thụy Điển đang chơi ở giải hạng Nhì cho Torslanda IK. Hysen là con trai của cựu tuyển thủ ĐT Thụy Điển Glenn Hysen. Anh sinh ngày 13/12/1990 tại Liverpool, Anh. Tháng 3/2011, Hysen công khai mình là người đồng tính trên tạp chí Offside. Rất nhiều cầu thủ chuyên nghiệp khác như Olivier Rouyer (Pháp), Robbie Roggers (Mỹ) hay Thomas Hitzlsperger (Đức) chỉ công khai giới tính của mình sau khi treo giày. Biểu tượng của cuộc chiến chống phân biệt giới tính Ngày nay, Justin Fashanu trở thành biểu tượng của cuộc chiến chống phân biệt giới tính trong bóng đá. Rất nhiều bài báo, cuốn sách, phim tài liệu về cuộc đời, sự nghiệp của Fashanu. Năm 2009, nhà văn Yoann Lemaire xuất bản cuốn sách “Tôi là cầu thủ bóng đá đồng tính duy nhất, cuối cùng tôi đã…” về Fashanu và gây tiếng vang lớn. Đến tháng 5/2019, bộ phim tài liệu “Cầu thủ bóng đá và đồng tính: điều cấm kỵ tuyệt đối” cũng do Lemaire đạo diễn được phát sóng rộng rãi tại châu Âu, giúp người ta có cái nhìn bớt khắt khe hơn với các cầu thủ đồng tính.Tiền đạo Olivier Giroud: “Cầu thủ đồng tính sẽ gặp rất nhiều khó khăn và thử thách trong bóng đá, đặc biệt ở phòng thay đồ. Làng túc cầu đương đại vẫn chưa sẵn sàng chấp nhận một cầu thủ đồng tính”. |
XEM THÊM
10 cầu thủ chưa từng VĐQG dù đều là ngôi sao hàng đầu thế giới
5 cầu thủ trẻ cày ải nhiều nhất ở 5 giải VĐQG hàng đầu châu Âu