Liverpool và sự cáo chung của những triết lý mang tính hệ thống

Việt Dũng Việt Dũng
10:15 ngày 10-03-2023
Liverpool nói riêng và triết lý bóng đá mang tính hệ thống nói chung bắt đầu suy tàn, và tương lai có lẽ sẽ nằm trong tay các đội bóng, các HLV có khả năng thích nghi và nhạy bén hơn với thời cuộc.

Không có thứ sơ đồ mang tên 4-3-3. Tương tự, chẳng có hệ thống nào là 3-5-2, 4-2-3-1 hay thậm chí sơ đồ mang tính biểu tượng được một tờ tạp chí nổi tiếng về bóng đá lấy làm tên gọi: 4-4-2. Những cái tên đó rất đỗi thân thuộc. Nhưng không khái niệm nào trong số đó thực sự tồn tại.

Ví dụ, cách bố trí đội hình lúc đầu trận thường rất ít liên quan đến vị trí của từng cá nhân trong suốt trận đấu khi các cầu thủ di chuyển liên tục, tạo nên một vở kịch đầy sống động đủ sức làm hoa mắt chóng mặt bất kỳ ai không thường xuyên theo dõi Premier League.

Hầu hết các đội bóng hiện đại có cấu trúc đội hình xáo trộn liên tục giữa lúc có bóng và không bóng. Các cầu thủ sẽ linh hoạt thay đổi cách tiếp cận của họ, cách họ phản ứng với những pha tranh chấp với đối thủ.

Một đội bóng được dự báo sẽ đá 4-3-3 lúc đầu trận có thể thực tế lại chơi 3-5-2. Một HLV táo bạo có thể bố trí một tiền vệ vào giữa các trung vệ để tăng cường khả năng kiểm soát bóng, đẩy các hậu vệ cánh lên cao một cách bất thường, hoặc kéo các tiền đạo xuống sâu hơn thường lệ. Sơ đồ 4-3-3 trên danh nghĩa khi đó, với tất cả những sự thay đổi nói trên, có thể gọi chính xác hơn là 3-1-4-1-1.

Thêm vào đó, mỗi chiến lược gia sẽ có những cách ứng dụng khác nhau cho từng đội hình. Chẳng hạn, với Thiago Motta - HLV của Bologna, 3-5-2 có thể là một hệ thống tấn công mạo hiểm, còn 4-3-3 lại là một hệ thống phòng thủ thận trọng. Quan điểm đó trái ngược với ý niệm của số đông.

Tư duy của Motta về sơ đồ chiến thuật không giống số đông

Điều đó không có nghĩa là các sơ đồ chiến thuật đang trở nên vô dụng, dù các HLV thường có xu hướng chế nhạo mỗi khi nghe thấy người khác đề cập đến nó. Họ quan niệm rằng những ý kiến liên quan tới "sơ đồ chiến thuật" là một dấu hiệu thể hiện sự chậm tiêu, non nớt về trình độ bóng đá.

Nhưng không thể phủ nhận, chúng là cách viết tắt hiệu quả để đưa ra những hướng dẫn cơ bản, toàn cảnh cho người hâm mộ dễ xem bóng đá hơn, cũng như để giới chuyên môn dễ dàng phân tích chiến thuật hơn. Sơ đồ chiến thuật là phương tiện để hình dung khái quát cách các cầu thủ hoạt động nhằm giành quyền kiểm soát bóng, đang có xu hướng chơi theo cách nào, và cố gắng tìm kiếm chiến thắng ra sao.

Ít nhất, chúng vẫn cần thiết cho đến hiện tại. Nhưng tương lai thì chưa chắc.

Ba thập kỷ trước và sau những năm 2000 đánh dấu những triết lý chiến thuật vĩ đại. Khởi đầu bằng AC Milan của Arrigo Sacchi, và kết thúc bằng Man City của Pep Guardiola. Đây có thể coi là thời kỳ của những hệ thống chiến thuật lừng lẫy. Lần đầu tiên trong lịch sử, những tài năng được thèm muốn không phải là cầu thủ mà là HLV.

Nhìn bề ngoài, có lẽ rất ít điểm chung giữa tiqui-taca từng đưa Barcelona trở thành CLB vĩ đại nhất lịch sử bóng đá với lối chơi gây sức ép hỗn loạn, heavy-metal của người Đức. Nhưng bên trong, chúng cùng sở hữu hai yếu tố tương đồng. Cả hai triết lý đều đòi hỏi sự chính xác gần như thiết quân luật, cầu thủ di chuyển theo những bài tập được định sẵn và được mài giũa kỹ càng trong quá trình luyện tập. Và về cơ bản, cả hai trường phái đều đặt khả năng chiếm lĩnh và mở ra không gian làm cốt lõi thay vì chạy theo quả bóng.

Tuy nhiên, lịch sử bóng đá thay đổi liên tục, không có gì hiệu quả mãi mãi. Các đối thủ đang thích nghi ngày càng nhanh hơn, tìm ra cách giải mã các triết lý chơi bóng để ngăn chặn hoặc thậm chí áp dụng ngược trở lại. Điều này dẫn tới các đội bóng chơi theo triết lý đang dần tỏ ra thất thế, mà điển hình là Liverpool của Juergen Klopp. Không chỉ mệt mỏi về thể chất, mà tinh thần và triết lý của The Reds cũng đang bị thử thách nghiêm trọng.

Lối chơi của Klopp đang dần bị bắt bài

Ngoài ra, còn nhiều trường hợp tương tự: Jesse Marsch đã bảo lưu quan điểm về "triết lý Red Bull" và thất bại thê thảm ở Leeds, thậm chí khiến ông trả giá bằng chiếc ghế của mình. Barcelona, với triết lý chơi bóng đã được nhân rộng khắp hang cùng ngõ hẻm, đang chật vật tìm kiếm mô hình thành công mới. Ngay cả Man City, dù ít rõ ràng hơn, nhưng nay cũng không còn là "ngáo ộp" ở giải Ngoại hạng Anh như họ đã từng.

Thay vào đó, tương lai dường như thuộc về các đội bóng, các HLV nhạy bén, linh hoạt hơn, với vai trò chính là đem đến một nền tảng cho các cầu thủ tự do phát triển.

Real Madrid luôn là một đội bóng như thế. Họ chọn kiểm soát những khoảnh khắc cụ thể trong trận đấu thay vì kiểm soát cả trận đấu, và thực tế là lối chơi này của Carlo Ancelotti đã đem đến những chiến thắng liên tiếp suốt nhiều năm trở lại đây cho Real trước một CLB được xây dựng theo hệ thống là Liverpool.

Nhưng dù sao, đội bóng Hoàng gia với đội hình luôn sở hữu những cầu thủ xuất sắc nhất hành tinh không phải trường hợp tiêu biểu. Khó có thể có một Real thứ hai trên đời. Bởi thế, những CLB khác ở cấp độ thấp hơn đang thành công với mô hình tương tự sẽ là những ví dụ đáng để phân tích hơn.

Đó là Napoli của Luciano Spalletti, đội bóng chơi tấn công hấp dẫn nhất châu Âu lúc này, đang hướng tới chức vô địch Serie A nhờ phong cách thi đấu tự do, điêu luyện, không gò bó hai ngôi sao tấn công hàng đầu Khvicha Kvaratskhelia và Victor Osimhen vào một hệ thống cụ thể mà khuyến khích họ độc lập sáng tạo, trình diễn theo cách của riêng họ.

Spalletti đang giúp Napoli thành công nhờ lối chơi không triết lý

Đừng quên rằng cũng chính Napoli đã khiến Liverpool phải ôm hận ở lượt đi vòng bảng Champions League mùa này với thắng lợi 4-1 tại sân Diego Armando Maradona. Khép lại vòng bảng, họ cũng vượt qua Liverpool để giành ngôi đầu bảng A, gián tiếp đẩy The Reds vào "cửa tử" khi phải chạm trán "nhà vua" Real ngay vòng 16 đội.

Fernando Diniz, HLV của đội bóng Brazil Fluminense, thậm chí đã đặt tên cho cách chơi này là "phong cách định vị", nghe có vẻ như xung đột với "định hướng vị trí" mà Man City của Guardiola luôn thuần thục, nhưng có lẽ một cách không cố ý.

Giống như Spalletti, Diniz từ chối chỉ định vị trí hoặc vai trò cụ thể cho cầu thủ, thay vào đó ông tin tưởng và cho phép họ trao đổi theo ý muốn, miễn sao đáp ứng các yêu cầu cấp bách của trận đấu. Ông không quan tâm đến việc kiểm soát các khu vực cụ thể. Khu vực duy nhất quan trọng đối với ông và đội bóng của ông là xung quanh quả bóng.

Diniz (phải) là một anti-fan của lối chơi định hướng vị trí

Trong mắt Diniz, bóng đá không phải là trò chơi được định đoạt bằng việc chiếm lĩnh không gian. Thay vào đó, nó tập trung vào quả bóng. Miễn là các cầu thủ ở gần quả bóng, thì việc họ bỏ vị trí cũng không thành vấn đề. Không cần bám lấy một đội hình cụ thể hay một công thức được ghi nhớ trong đầu. Cầu thủ được tự do di chuyển đến khu vực họ muốn, nơi mà bản năng mách bảo họ.

Sau tất cả, mọi hệ thống, triết lý đều được tạo ra với mục đích không cho đối phương chơi bóng. Các HLV cố gắng kiểm soát những gì đối thủ làm trong càng nhiều tình huống cụ thể càng tốt. Họ cố gắng dự đoán những hành động của đối phương để ngăn chặn chúng. Trong hoàn cảnh đó, sự khó lường của một lối chơi mà vốn dĩ chẳng có triết lý hệ thống nào đương nhiên đắc lợi.

Nguồn New York Times
Sử dụng tiếng Việt có dấu. Ký tự còn lại 500.

* Đăng nhập hoặc Đăng ký tài khoản để
bình luận và chia sẻ nhanh hơn

TT
Đội bóng
Trận
+/-
Điểm
1
34
+56
77
2
33
+48
76
3
34
+41
74
4
34
+21
66
5
32
+16
60
6
33
+1
53
7
33
+15
50
8
34
-9
48
9
32
+4
47
10
34
-11
45
11
33
-2
44
12
34
-8
43
13
34
-4
42
14
34
-13
37
15
34
-6
35
16
34
-12
29
17
34
-18
26
18
34
-29
25
19
34
-32
23
20
34
-58
17

Thông tin Toà soạn

Tạp chí Điện tử Bóng Đá

Tổng biên tập:
Nguyễn Tùng Điển
Phó Tổng biên tập:
Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn

Địa chỉ liên hệ

Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội

Tel: (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
Fax: (84.24) 3553 9898
Email: toasoan@bongdaplus.vn | vanphong@bongdaplus.vn
 

Liên hệ Quảng cáo

Hotline: 0903 203 412
Email: quangcao@bongdaplus.vn

x