Những cuộc đấu trí của Mino Raiola

Dũng Phan
13:43 ngày 03-05-2022
Ngày 30/4/2022, Mino Raiola đã qua đời ở tuổi 54. Trước đó một ngày, hệt một phép thử để xem thái độ của thế giới dành cho sự ra đi của mình như thế nào, thông tin Raiola qua đời nổ bùng trên mạng xã hội và được dập tắt sau 1 tiếng đồng hồ. Raiola có lẽ đã thỏa mãn khi chứng kiến những gì diễn ra trong 60 phút ấy. Sống một đời như thế có lẽ là đủ.

Raiola là ai?

“Tôi phải đổi người đại diện thôi, Thijs ạ. Anh biết ai hợp với tôi không?"
"Để tôi suy nghĩ đã rồi gọi lại nhé".

Rồi Thijs gọi lại.
"Có 2 người ngon. Một từ công ty làm việc cho Beckham. Còn một tay khác nữa, nhưng..."
"Nhưng sao?"
"Tay này là Mafia".
"Mafia hả? Nghe hay đấy. Thu xếp cho tôi gặp tay Mafia ấy đi".

Nhân vật chính của cuộc hội thoại ấy là Zlatan Ibrahimovic khi còn khoác áo Ajax Amsterdam và Thijs Slegers là một phóng viên của Hà Lan, còn gã mafia mà họ đề cập trong điện thoại ấy chính là Mino Raiola – một người Ý di cư đến Hà Lan. Thương vụ đầu đời là đưa siêu sao Dennis Bergkamp chuyển từ Ajax sang Inter Milan vào năm 1993 trong vai trò thông dịch viên.  

“Tay đại diện ấy không hẳn là Mafia, nhưng có phong cách tương tự như vậy. Tên gã là Mino Raiola!” (lời Ibrahimovic)

Khi Raiola xuất hiện, ấn tượng đầu tiên là cái bụng tròn vo như ông già Noel. “Tất cả các nhân vật lớn đều có bụng” (lời của Mario Puzo trong tác phẩm kinh điển Bố Già). Kế đến là cách ăn mặc, không phải là những bộ vest, mà là quần jean, áo phông, dù ở trong khách sạn hạng sang, dù cặp kè với những người nổi tiếng, dù đàm phán với những nhân vật lớn, thời trang của Raiola cũng chỉ là quần jean, áo phông.  Cuối cùng khi hắn cất lời, đấy là những giọng điệu bỗ bã, chợ búa, ngông cuồng, nhưng âm hiểm và đánh đúng điểm yếu của đối thủ. Chân dung Mino Raiola phác họa là vậy. Thế còn trí tuệ?

Hình ảnh xuề xoà thường thấy của Raiola

Những cuộc đấu trí

“Tôi và Zdenek Zeman có chung một mộng ước, đó là đi tìm “một cầu thủ hoàn hảo”, người ấy phải hội tụ đủ các yếu tố từ tài năng trời ban đến tinh thần mãnh liệt. Tôi đã không tin có sự tồn tại của cầu thủ ấy, cho đến một ngày đặt chân đến Cộng Hòa Séc. Ở đó, tôi tìm thấy Pavel Nedved”.

Cuộc đấu trí đầu tiên của Mino Raiola chính là xoay quanh chàng tiền vệ tài hoa với mái tóc vàng bay trong gió ấy. Khi ấy Nedved không có tên tuổi gì và cũng rất rụt rè, đất nước CH Séc cũng chỉ mới được thành lập vào năm 1993 sau khi tách ra khỏi Tiệp Khắc. Nhưng Raiola đã tin rằng Nedved sẽ là siêu sao mới của thế giới lúc ông chứng kiến Nedved tập luyện như người điên còn rê bóng thì như Maradona. Bằng niềm tin son sắt kẻ chăm chỉ rồi sẽ thành công, Raiola tới thuyết phục Nedved, truyền đạt sự tự tin vào trong cầu thủ.

“Điều duy nhất anh ta nghĩ về bản thân là anh ta không thể chơi bóng. Nhưng anh ta tập chuyện chăm chỉ hơn tất cả những cầu thủ còn lại”. Raiola nhớ lại về Nedved. EURO 1996 chứng minh con mắt nhìn người của Raiola khi tập thể CH Séc dẫn đầu bởi Pavel Nedved gây tiếng vang lớn bằng ngôi Á Quân. Còn Raiola đã đi trước một bước khi làm người đại diện của Nedved, để kịp đưa anh sang Lazio – CLB đang lên của Serie A, và quan trọng nhất là được dẫn dắt bởi Zdenek Zeman, người mưu cầu các cầu thủ giống như Nedved, nền tảng quan trọng để Nedved thành công. 

Raiola, Mendes, hay bất kỳ tay cò xuất sắc nào đều có một nguyên tắc nằm lòng: đặt quyền lợi và sự phát triển của thân chủ cao hơn tiền bạc nhất thời. Tất cả đều hiểu nếu thân chủ phát triển tốt, thì họ có thể kiếm được nhiều tiền hơn nữa từ sự phát triển đó.

Cuộc đấu trí chính thức của Raiola được diễn ra sau đó 5 năm, khi Pavel Nedved đã vươn lên thành ngôi sao hàng đầu thế giới, và một bước tiến nữa sẽ đưa Nedved lên vị trí siêu sao toàn cầu. Tuy nhiên trong cuộc đấu trí này, Mino Raiola đã gặp phải một đối thủ lợi hại. Người cũng mafia, cũng lọc lõi và cáo già, và sẽ đánh bại anh trong lần thương thuyết đầu tiên. Người ấy là bố già Luciano Moggi – Giám đốc điều hành Juventus thời điểm đó.

Năm 2001, Juventus bán Zidane cho Real Madrid với cái giá điên cuồng 71 triệu đô la. Nhưng Moggi ra lệnh biến thông tin này thành “tuyệt mật” vì Moggi hiểu rằng nếu thế giới biết được Juventus vừa đưa vào ngân quỹ 71 triệu đô, thì chắc chắn họ sẽ bị ép giá trong các thương vụ chuyển nhượng khác. Nedved được ngắm để thay thế Zidane, Lazio trong cơn khủng hoảng tài chính đã gật đầu, nhưng Mino Raiola lại chỉ muốn đưa thân chủ của mình sang Real Madrid.

Còn con người Nedved thì chúng ta biết rồi, không bao giờ muốn làm người phản bội. Moggi quyết định chơi “cú độc”, ông năn nỉ ỉ ôi mời Nedved và Raiola qua Torino, qua chơi và xem thử cái biệt thự mà Juventus đã thuê cho Nedved nếu anh đồng ý đến đây như thế nào. Nedved và Raiola sau khi thảo luận đã đồng ý. Bạn biết điều gì không? Moggi gọi hết tất cả báo chí địa phương “đón lõng” Nedved. Vậy là Raiola và Nedved “sập bẫy”, không thể quay đầu trước sự phẫn nộ của các tifosi Lazio.

Nedved là một trong những thân chủ lớn đầu tiên của "siêu cò" Raiola

Nhưng Raiola không muốn bị “chơi” dễ như thế trước khi đồng ý ký vào hợp đồng. Ông ép Juventus trả lương cho Nedved phải cao hơn Zidane ở Real Madrid. Hợp đồng đã ký với mức lương đúng như Raiola cần. Ở đây thì dù có bị lừa cũng phải đòi quyền lợi cao nhất cho thân chủ. 

3 năm sau, Raiola có được “con gà đẻ trứng vàng” thứ hai là Zlatan Ibrahimovic, và thêm một cuộc đấu trí nữa với bố già Luciano Moggi để đưa Ibra qua Juve. Đây là cuộc đấu trí cho thấy sự trưởng thành vượt bậc của Raiola. Moggi giở lại chiêu ép giá khi bảo rằng “Ibrahimovic và Trezeguet (tay săn bàn số 1 của Juventus) là không thể chơi cùng nhau”.

Raiola nhìn ra một kẽ hở, đó chính là Fabio Capello – HLV Trưởng của Juventus. Raiola nhanh chóng thiết kế một bữa tối có đủ 3 người rồi hỏi Capello vu vơ “Nghe nói Zlatan không thể chơi cùng Trezeguet à?” Capello trầm mặt lại “Ai bảo vậy?” “Moggi nói thế?”. Capello trả lời “Đó không phải là chuyện của các anh. Chuyện của các anh là đem Zlatan về đây cho tôi. Phần còn lại ở trên sân để tôi tự lo”. Raiola cân bằng tỉ số 1-1 với Moggi.

Trong ngày cuối chuyển nhượng, Moggi chơi lại Raiola bằng cách đưa máy bay đến đón, nhưng lại không cử luật sư của Juventus qua đàm phán với Ajax Amsterdam. Raiola ứng phó bằng cách gọi cho luật sư của mình và bảo hắn đóng giả làm luật sư của Juventus qua gặp bộ sậu của Ajax. Juventus mua Zlatan mà không mang theo tấm séc nào, còn Ajax thì rõ ràng cần tiên tươi thóc thật. Raiola lại một lần nữa đứng giữa phòng và phun phì phèo nước miếng: “Các ông nghĩ Juventus xù tiền các ông à? Người ta là Juventus đấy. OK, cứ cù nhây vậy đi, rồi các ông mất tiền, mất cả Zlatan. Ở đây mà tận hưởng cảm giác mất cả chì lẫn chài đi”. Thương lượng thành công sau câu nói ấy.

Ngày Luciano Moggi sụp đổ vì án phạt Calciopoli, Mino Raiola lại tất bật trong việc đưa Ibrahimovic ra khỏi con tàu đắm. Ibra còn trẻ, tiền đồ còn rộng mở, và anh không hợp ở Serie B. Tuy nhiên, thương vụ nằm trong ngõ cụt vì cái phân vân của Milan và Inter. Với Milan thì họ không đánh giá cao Ibra. Còn với Inter thì họ muốn ép giá Juve. Cuối cùng, Raiola bày trò dùng chính Milan để nhử Inter. Ông bốc máy cho chủ tịch Moratti “Báo cáo anh trai, thằng Ibra tối nay đi ăn tối với Berlusconi để qua Milan”. Moratti gầm lên: “Khốn nạn, ở yên đấy tôi cử người tới ngay”. Marco Branca – giám đốc thể thao của Inter Milan phi đến. Phần còn lại, không cần nói thêm nữa.

Chiêu ấy cũng được Mino Raiola dùng thêm một lần nữa sau đó 4 năm. Zlatan Ibrahimovic không chịu được cuộc sống ở Barcelona nên muốn được giải thoát. Cuộc chiến lần này phức tạp hơn, vì Ibra không có cửa thắng trong mâu thuẫn với Pep Guardiola. Pep là “con cưng” của Barcelona, tất cả các cầu thủ chỉ có phục tùng hoặc bị tiêu điệt để làm hài lòng Pep.

Nhưng Barca đã bỏ ra tới 70 triệu Euro cho Ibra nên không thể bị lỗ, trong khi đó AC Milan – mục tiêu mà Ibra muốn đến thì lại chẳng có nhiều tiền như trước Calciopoli nữa. Lâm vào thế khó, Mino Raiola đến gặp Sandro Rosell và lừa miếng: “Tôi nghe nói Milan muốn Ibrahimovic. Nhưng chúng tôi muốn đến Real Madrid, không muốn đến Milan” (dù thực tế là muốn đến Milan với giá rẻ). Sandro Rosell nghe đến cái tên Real Madrid thì nhảy dựng lên, và thay vì đòi con số 40-50 triệu Euro, ông hạ giá xuống 20 triệu Euro để PCT Milan Galliani tức tốc “cẩu” Ibra đi. Kịp trước khi Ibra qua Real Madrid theo con đường Mino Raiola đang tưởng tượng ra.

Raiola hai lần dụng mưu đưa Ibra sang bến đỗ mới

Thế còn vụ Paul Pogba? Không còn nghi ngờ gì nữa khi gọi đây là đỉnh cao trí tuệ của Mino Raiola. Làm quái gì có thể đưa một cầu thủ rời khỏi Manchester United với cái giá miễn phí, và sau đó lại khiến chính Manchester United cắn răng bỏ ra 130 triệu đô la để mua lại chứ?

Nhưng Raiola lại đạo diễn được thương vụ hai chiều này. Ở chiều đi, ông khiến Alex Ferguson phải tức giận gọi mình là “kẻ rác rưởi”. Paul Pogba gia nhập đội trẻ của MU vào năm 2009 khi 16 tuổi, mạch phát triển của Pogba rất tốt, và với một bậc thầy như Alex Ferguson há gì không nhận ra tài năng của anh? Tuy nhiên ai theo dõi Ferguson hơn 20 năm qua đều biết được một nguyên tắc chuyển nhượng khá đặc biệt của Alex Ferguson.

Cụ thể ông định giá một cầu thủ, và sẽ trả trong khung tiền ấy. Alex Ferguson sẽ không trả quá một số tiền nhất định cho cầu thủ đó khi bị đối tác hét giá. Trừ hai trường hợp đặc biệt, ông định người đó là vô giá, chỉ cần lấy được về, không quan tâm tiền: Rio Ferdinand và Cristiano Ronaldo. Đây là điểm mạnh nhưng cũng là điểm yếu tiềm tàng của ông, và Mino Raiola đã đánh đúng vào điểm này để lấy Pogba đi. Raiola đến gặp Ferguson yêu cầu ký hợp đồng mới và số tiền lót tay cực lớn cho Pogba.

Ferguson tức giận bỏ đi không thèm trả lời. Cuối cùng, MU mất trắng Pogba. Người yêu quý Ferguson thì khen ngợi về tính tôn nghiêm của “máy sấy tóc”, nhưng cứ nhìn thái độ hằn học của Ferguson khi nhắc về Raiola thì hẳn đoán được ai thắng, ai thua trong cuộc chiến đó. Ngay cả Raiola cũng khề khà thừa nhận: “Lời chỉ trích của Ferguson là lời khen tốt nhất mà tôi có thể nhận được từ người khác”.

Thế còn chiều về? Pogba trở về 3 năm sau khi Alex Ferguson nghỉ hưu, khi MU đang lạc lối trong những vụ chuyển nhượng, và vật vã đi tìm lại ánh hào quang. Mùa hè 2016, đội bóng ký hợp đồng với Jose Mourinho – một tay chơi đúng nghĩa và đủ khả năng cầm tiền tỷ trong tay, khác với David Moyes hay Van Gaal. Mino Raiola đã nhận ra thời thế có sự thay đổi.

Đầu tiên là về phía Manchester United, nếu mua Pogba với cái giá đắt nhất thế giới, MU sẽ gửi đi một thông điệp rằng họ là ai. Họ không chấp nhận trắng tay. Về phía Mourinho, đó là bản lĩnh chi tiền và yêu cầu được thỏa mãn đúng cầu thủ ông cần khi được nắm quyền ở đây. Mino Raiola đã nắm đúng thời điểm xảy ra biến động thượng tầng ở MU để giành chiến thắng trong cuộc đàm phán ngày ấy, và đạo diễn Pogba quay lại Old Trafford bằng một thương vụ rúng động. Đó đơn giản là đẳng cấp của sự nhạy bén.

Trường hợp Gianluigi Donnarumma và Erling Haaland thì không phải là tiền, mà đó là quyền lợi của thân chủ. Donnarumma khá phức tạp vì chàng thủ môn này được một tay Milan nâng đỡ và đào tạo từ nhỏ, nên bên cạnh tiền bạc còn là chuyện ân tình. Hai lần gia hạn từ chối để cuối cùng ra đi với cái giá 0 đồng là một nỗi đau với AC Milan, nhưng là một hướng đi đúng của thầy trò người đại diện này.

Tương tự là với Haaland. Cầu thủ người Na Uy cũng như Nedved hay Ibrahimovic -  sở hữu tiềm năng không thể lường hết được. Raiola đã chọn cho Haaland những bến đỗ vừa sức, giúp phát triển bền vững như Salzburg, Dortmund để anh có thể tỏa sáng ngay lập tức, để cơn thèm khát của Manchester City, Real Madrid lên từng ngày. Qua đó lên giá từng tuần, từng tháng, trước khi đặt chân đến bình địa cao hơn trên bản đồ thế giới.

Tiếc thay, làng túc cầu đã hẫng đi một nhịp vì sự qua đời của Raiola. Nếu không đột ngột qua đời, có khi hè này ta sẽ được chứng kiến thêm một màn đấu trí mới, được thấy Erling Haaland về tay ai. Bản hợp đồng đó sẽ khổng lồ đến thế nào?

“Khi còn nhỏ, cha tôi vẫn thường nói 50% số người trong cuộc đời sẽ yêu quý con, 50% còn lại sẽ ghét con. Vì vậy, tôi ở đây không phải để lấy lòng mọi người. Tôi ở đây để được yêu thương bởi chính gia đình và các cầu thủ của mình. Tôi không quan tâm đến những thứ còn lại”, Mino Raiola từng nói.

Câu nói ấy xứng đáng để được ghi lên bia mộ của người đại diện thú vị nhất thế giới. Một người tuy gây tranh cãi nhưng không ai dám phủ nhận trí tuệ, ăn nói xấc xược nhưng đầy quan tâm, nhiều kẻ thù ghét nhưng ân tình với cầu thủ thì không thiếu, và chết đi khiến thế giới viết về mình.

Vĩnh biệt, Mino Raiola!

Sử dụng tiếng Việt có dấu. Ký tự còn lại 500.

* Đăng nhập hoặc Đăng ký tài khoản để
bình luận và chia sẻ nhanh hơn

TT
Đội bóng
Trận
+/-
Điểm
1
28
+46
64
2
28
+39
64
3
27
+34
60
4
29
+18
56
5
28
+17
53
6
28
0
47
7
29
-4
44
8
28
+6
42
9
28
-2
41
10
28
+11
40
11
27
+2
39
12
29
-1
38
13
28
-11
35
14
28
-16
27
15
28
-12
26
16
29
-18
22
17
28
-10
21
18
29
-16
21
19
29
-34
17
20
28
-49
15

Thông tin Toà soạn

Tạp chí Điện tử Bóng Đá

Tổng biên tập:
Nguyễn Tùng Điển
Phó Tổng biên tập:
Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn

Địa chỉ liên hệ

Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội

Tel: (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
Fax: (84.24) 3553 9898
Email: toasoan@bongdaplus.vn | vanphong@bongdaplus.vn
 

Liên hệ Quảng cáo

Hotline: 0903 203 412
Email: quangcao@bongdaplus.vn

x