Câu chuyện về những số áo đấu

Số 9 lấp lánh trên chiến bào của những siêu sát thủ

Kỳ Lâm
21:45 ngày 18-03-2020
Nếu số 4 là biểu tượng của lá chắn thép trước khung thành, số 8 là bộ não nơi tuyến giữa thì số 9 là con số chết chóc của mọi hàng thủ vì nó là tấm huy hiệu lấp lánh trên lưng của những tay săn bàn khét tiếng nhất sân cỏ thế giới: Alan Shearer, Ronaldo Béo, Gabriel Batistuta…

Truyền thuyết kể rằng, nỗi ám ảnh của CLB Newcastle về chiếc áo số 9 bắt đầu với Scotsman Hughie Gallacher vào những năm 1920. Không nghi ngờ gì nữa, Gallacher là một trung phong tài năng và tài năng xuất chúng, người đã ghi hai bàn trong trận ra mắt và giúp Newcastle giành chức VĐQG mùa 1926/27, danh hiệu lớn nhất của Chích choè đến thời điểm này.

Tuy nhiên, liệu Gallger có thực sự mặc chiếc áo số 9 hay không lại là một nghi vấn. Gallacher chuyển sang Chelsea vào năm 1930, và ở thời điểm ông trải qua 5 năm thi đấu tại Newcastle, chuyện đánh số áo đấu mới chỉ đang được một vài CLB thử nghiệm. Nhưng bằng cách nào đó, Chích Choè khăng khăng trung phong huyền thoại của họ là một số 9.  

Tuy nhiên, chiếc áo số 9 của Newcastle cũng có một truyền thống hào hùng ở cuối thập niên 1940 và đầu những năm 1950 khi chủ nhân của nó là huyền thoại Jackie Milburn. Đó là một điều bất ngờ bởi khi còn trẻ, ban đầu Milburn là một tiền vệ cánh trái và ông không muốn chơi trung phong vì cổ có vấn đề.

Nhưng ở lần xuất hiện đầu tiên trong chiếc áo số 9, tháng 10 năm 1947, ông đã lập một cú hat-trick vào lưới Barnsley, và từ đó, áo số 9 là áo đấu của ông trong thập kỷ tiếp theo. Trong 10 năm đó, “Wor Jackie” đã giúp CLB đoạt 3 FA Cup, lập kỷ lục ghi 200 bàn thắng sau 299 trận.

Số 9 vẻ vang tiếp theo của Newcastle là Malcolm Macdonald, người có 5 năm phục vụ trong thập niên 1970. Đó là khi người ta chứng kiến  ông luôn là Vua phá lưới của Newcastle ở mỗi mùa, giành Chiếc Giày Vàng của giải Hạng Nhất (bây giờ là Championship) mùa 1974/75. Ông nổi tiếng về tốc độ - từng chạy 100 mét hết 10,9 giây - hơn là khả năng không chiến của mẫu tiền đạo Anh truyền thống.

Những năm 1990, nỗi ám ảnh của Newcastle về chiếc áo số 9 lớn hơn bao giờ hết. Andy Cole ghi 34 bàn thắng ở Premier League 1993/94 - vẫn là một kỷ lục chung của nhiều chân sút tại giải đấu này - trước khi gây sốc bằng vụ đào tẩu tới Man United ở mùa tiếp theo.  

Alan Shearer là số 9 vĩ đại, và chân sút huyền thoại của Newcastle và ĐT Anh

Người kế thừa áo số 9 của Andy Cole là Les Ferdinand, một kiểu trung phong khác cực kỳ nổi tiếng với khả năng đánh đầu nhờ kỹ thuật bật nhảy hơn là chiều cao cơ thể. Ferdinand đã dẫn dắt Chích Choè xuất sắc trong nửa đầu mùa giải 1995/96, mặc dù tỷ lệ ghi bàn của ông đã chậm lại đáng kể khi Tino Asprilla xuất hiện.

Ferdinand đã buộc phải từ bỏ áo đấu này sau một mùa giải sở hữu duy nhất khi Newcastle ký hợp đồng với tài năng Alan Shearer. “Tôi đã lớn lên ở Newcastle và cổ vũ điên cuồng cho CLB quê hương. Sân St James Park là nhà của tôi và Số 9 là một con số thần thoại của CĐV Newcastle chúng tôi”, Alan Shearer kể lại.

Với Shearer, người cha anh hùng của ông chính là Jackie Milburn, số 9 chính thức đầu tiên của Newcastle. Tuy nhiên, ông cũng vô cùng kính trọng những số 9 khác như Malcolm Macdonald. Thế nên, khi ký hợp đồng với CLB, anh muốn được khoác áo số 9, hiện đang do Ferdinand sở hữu. Khi buộc phải nhường áo, Ferdinand đã đòi mặt áo số 99, trước khi chấp nhận số 10.

Và số 9 Alan Shearer đã trở thành cầu thủ ghi bàn nhiều nhất trong lịch sử của Newcastle khi anh vượt qua số bàn thắng của Milburn (206/200) trong mùa giải cuối cùng thi đấu 2005/06. Ông chính là số 9 mang tính biểu tượng vĩ đại nhất trong lịch sử CLB vùng Tyneside này.  

Trong những ngày còn trẻ, Shearer là một mẫu tiền đạo toàn năng, có tốc độ cao. Nhưng sau khi dính những chấn thương đầu gối, tốc độ di chuyển kém đi, ông đã trở thành một mẫu trung phong cắm cực kỳ nhạy bén với các đường tạt bóng từ hai cánh và biến chúng thành vô số bàn thắng.

Trong khi đó, số 9 Batigol đã khiến các thủ môn khiếp vía

 Quán bar mang tên ông Shearer toạ lạc bên ngoài sân St James Park được khai trương vào tháng 12/2004. Đến năm 2013, bar này đổi tên thành “Nine - Số 9” số áo của Alan Shearer.  

Thời điểm quán bar đổi tên, Newcastle đang sở hữu một Geordie (biệt hiệu chỉ một người ở vùng Tyneside) mặc áo số 9 là Andy Carroll. Đó là một trung phong cực kỳ mạnh mẽ trong không chiến nhờ chiều cao vượt trội. Do đó, anh là số 9 giống Shearer hơn là Gallacher, Milburn và Macdonald. Bây giờ, Carroll đã trở lại CLB sau một thời gian dài lưu lạc nhưng bị buộc phải mặc áo số 7 vì số áo cũ của anh đang thuộc về chân sút người Brazil là Joelinton.

Quan niệm về số 9 của Newcastle cũng giống như cách giải thích của toàn thế giới. Ban đầu, nó thuộc về là tiền đạo trung tâm trong số 5 mũi tấn công của hệ thống 2-3-5. Sau này, khi những cầu thủ tấn công khác lùi xuống để tạo thành các hệ thống hiện đại hơn, số 9 vẫn đứng cao nhất.  CLB nào cũng muốn có một số 9 siêu đẳng, CLB nào cũng tôn thờ một số 9 hơn bất cứ số áo nào khác.  

Tại CLB Fiorentina ở Serie A, số 9 Gabriel Batistuta chính là một vị Thánh. Ông đã khiến số 9 trở thành số áo đấu thần thoại ở đây cho dù, 2 tay săn bàn trước đây của Fio là Kurt Hamrin và Miguel Montuori đều không đep số 9 và không phải là trung phong.

Nhưng Batistuta đã trở nên nổi tiếng như là một số 9 hoàn hảo nhất thế giới, nhờ khả năng ghi mọi loại bàn thắng từ đệm cận thành đến nã đại bác, từ xe đạp chổng ngược đến đánh đầu, từ đá phạt trực tiếp đến 11 mét, từ chân trái mạnh mẽ vô song đến chân phải uy lực kinh hồn.

Song số 9 ấn tượng nhất phải là chàng Ronaldo Béo

Mặc dù cuối cùng Batistuta đã chuyển đến AS Roma để giành Scudetto duy nhất trong sự nghiệp - quyết định khiến bức tượng của ông ở Florence bị phá hủy – nhưng 9 năm thần thánh của Batigol trong màu áo Tím vẫn cứ mãi là một di sản vĩ đại.

Sau khi Fiorentina bị phá sản và bị đày xuống giải hạng Tư vào năm 2002, họ đã thành lập một đội hình toàn những cầu thủ hàng thải hết hợp đồng và chỉ dùng tiền để mua một cầu thủ. Đó là số 9 Christian Rigano, một trung phong sung mãn đã ghi bàn đủ để đưa Fio quay lại Serie A. Người kế vị Rigano là Luca Toni, đã phải mặc áo số 30, mặc dù là số 9 tại ĐT Italia vô địch World Cup 2006.

Ở Tây Ban Nha, Athletic Bilbao có một truyền thống đáng tự hào về việc sản sinh ra các số 9 huyền thoại. Điển hình như tiền đạo Pichichi của những năm 1910, tuy nhỏ bé nhưng lại ghi bàn cực kỳ sung mãn. Đến nỗi, tên của ông đã trở thành tên của giải thưởng dành cho Vua phá lưới La Liga.

Khi giải thưởng này được tờ Marca giới thiệu vào năm 1929, Athletic đã đóng góp 10 trong số 22 “Pichichi” đầu tiên. Sáu danh hiệu trong số đó đều thuộc về một huyền thoại là Telmo Zarra vĩ đại. Mãi đến sau này, Leo Messi mới cân bằng kỷ lục đoạt 6 “Pichichi” của tiền bối này.  

Số 9 Fiel Uriarte của Athletic đoạt “Pichichi” ở mùa 1967/68, rồi Carlos vào mùa 1974/75. Trong thời gian gần đây, Fernando Llorente cũng đã vô địch World Cup 2010 như Luca Toni khi đang là số 9 của Athletic.

Ronaldo là số 9 huyền thoại ở mọi CLB từng khoác áo

Nhưng số 9 ấn tượng và siêu đẳng nhất La Liga chính là Ronaldo Béo, trung phong người Brazil từng khoác áo cho Barcelona, Inter và Real Madrid. Anh thành người số 9 đáng nể nhất thế giới vào đầu thế kỷ 21, đến nỗi hãng Nike phải ra mắt đôi giày Nike mang nhãn hiệu của Ronaldo là R9.

Có một câu chuyện thú vị liên quan đến số 9 là khi các huyền thoại gặp nhau. Ronaldo Béo cùng sát cánh với Batistuta trong đội tuyển Những ngôi sao thế giới đọ sức cùng đội tuyển Những ngôi sao châu Âu năm 1997.

Thế nhưng, ở trận đấu đó, Ronaldo Béo mặc áo số 10, và nhường áo số 9 cho Batistuta, bởi lẽ anh vẫn chưa được mặc áo số 9 tại CLB Inter. Khi đó, tiền đạo Ivan Zamorano đang là chủ nhân của số 9 và ông cực mê mẩn con số này. Ronado Béo buộc phải mặc áo số 10 trong mùa giải đầu tiên sang Serie A.

Và sau trận đấu giữa 2 đội tuyển của các ngôi sao kia, Ronaldo Béo mới giành được số 9 từ tay Zamorano. Song tiền đạo người Chile này vẫn hậm hực mặc áo số 18 với dấu + giữa số 1 và số 8. Và 1+8 vẫn cứ là 9, mặc dù đó là số 9 ảo.  

Nói về số 9 ảo, trong những năm gần đây, số 9 thường được nhắc đến vì sự phát triển của vai trò số 9 ảo.  Đó là vị trí về mặt lý thuyết là trung phong đá cao nhất trong đội hình nhưng lại chơi lùi xuống như số 10. Những số 9 ảo như thế thường hoàn thiện vai trò đó tự nhiên hơn số 10 truyền thống. Francesco Totti, Leo Messi chính là những số 9 ảo, và do đó họ thường mặc áo số 10 thay vì số 9.

Đến đàn anh mê số 9 như Zamorano cũng phải nhường Ronaldo Béo số 9

Cũng có một sự phát triển liên quan, trong đó sự nhấn mạnh vào lối chơi liên kết và sự sáng tạo ở phía trước có nghĩa là ngay cả những trung phong chơi dưới hàng thủ đối phương.

Họ đều chọn áo số 10 do đó 4 trong số 5 cầu thủ ghi bàn hàng đầu Premier League của thập kỷ trước là Sergio Aguero, Harry Kane, Wayne Rooney và Robin van Persie đều mặc áo số 10 thay vì số 9. Người còn lại, Romelu Lukaku, mặc áo số 10 tại Everton và số 9 tại Man United.

Đây là một tình huống rất khác với những năm 1990, khi những tiền đạo hàng đầu thời bấy giờ như Shearer, Cole, Ferdinand, Robbie Fowler, Jimmy Floyd Hasselbaink, Chris Sutton, Dion Dublin đều chọn số 9 mà không nghĩ đến số áo to hơn.

Có lẽ, hiện tượng trên chỉ mang tính giai đoạn. Số 9 Premier League hiện tại bao gồm tất cả những trung phong đích thực. Một số là số 9 cổ điển như Chris Wood và Troy Deeney. Một số là những số 9 hiện đại, tốc độ như Anthony Martial, Gabriel Jesus và Jamie Vardy.  Chỉ có Roberto Firmino có lẽ là số 9 ảo duy nhất tại Premier League bởi anh có xu hướng trở thành người thấp nhất trên hàng công, nhường chỗ cho Mo Salah và Sadio Mane sung mãn hơn.

Còn bây giờ, Messi là số 9 ảo kỳ diệu nhất thế giới

Rõ ràng, áo số 9 trông thật lố bịch nếu nó không thuộc về vị trí trung phong. Trên bình diện quốc tế, ĐT Thụy Điển thường cho cầu thủ mặc áo số 9 linh tinh nhất. Trong suốt 30 năm qua, số 9 ở ĐT Thuỵ Điển đều thuộc về các tiền vệ như Jonas Thern, Freddie Ljungberg và Kim Kallstrom.  

Zlatan Ibrahimovic, người thường mặc áo số 9 và số 10 ở các CLB, nhưng hễ lên tuyển là anh ta lại chọn số 10. Lối phong số 9 bừa bãi của bóng đá Thuỵ Điển đã chấm dứt trong những năm gần đây, khi nó thuộc về một trung phong bẩm sinh là Jordan Larsson. Mặc dù, đôi lúc anh này lại mặc áo số 7 để gợi nhớ đến cha mình là Henrik Larsson.

XEM THÊM

Số 8 của những kẻ toàn diện  

Số 7 - Áo đấu của những huyền thoại tấn công 

Cuộc đời ly kỳ của áo đấu số 4 lừng danh

Sử dụng tiếng Việt có dấu. Ký tự còn lại 500.

* Đăng nhập hoặc Đăng ký tài khoản để
bình luận và chia sẻ nhanh hơn

TT
Đội bóng
Trận
+/-
Điểm
1
32
+44
73
2
32
+49
71
3
32
+41
71
4
33
+19
63
5
32
+16
60
6
32
+17
50
7
32
-1
50
8
33
-6
48
9
31
+9
47
10
32
+2
44
11
32
-5
43
12
33
-2
42
13
32
-10
42
14
33
-11
32
15
32
-18
31
16
33
-16
26
17
33
-24
25
18
32
-16
23
19
33
-35
20
20
32
-53
17

Thông tin Toà soạn

Tạp chí Điện tử Bóng Đá

Tổng biên tập:
Nguyễn Tùng Điển
Phó Tổng biên tập:
Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn

Địa chỉ liên hệ

Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội

Tel: (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
Fax: (84.24) 3553 9898
Email: toasoan@bongdaplus.vn | vanphong@bongdaplus.vn
 

Liên hệ Quảng cáo

Hotline: 0903 203 412
Email: quangcao@bongdaplus.vn

x