AFF Cup ký sự: Những miền ký ức đã xa

Đến Myanmar đã 3 lần, nhưng đây là lần đầu tác nghiệp tại Yangon. Cố đô xứ Miến Điện với tôi vừa lạ lẫm, vừa thân quen, đồng thời cũng gợi nhớ trong tôi rất nhiều về những miền ký ức đã xa…
AFF Cup ký sự: Những miền ký ức đã xa

1. Thường mỗi khi gặp vấn đề phiền não trong cuộc sống lẫn tâm hồn, nhiều người lại tìm đến chốn tâm linh như một cách hoá giải và mong sự bình yên. Với dân số gần 90% theo đạo Phật như ở Myanmar, chùa là nơi người ta luôn tìm đến nương náu.

Yangon có hàng trăm ngôi chùa, ở đâu bạn cũng có thể nhìn thấy những ngôi chùa với nét kiến trúc đặc trưng của Phật giáo Tiểu thừa. Nổi tiếng nhất là Shwedagon, hay còn gọi là chùa Vàng. Nhiều người bảo: “Đến Myanmar mà không viếng chùa Shwedagon thì xem như chưa biết về xứ Miến Điện”. 

Tương truyền, ngôi chùa này được xây dựng từ trước khi Đức Phật qua đời, tức cách đây 2.500 năm, nhưng theo những nhà khảo cổ thì chùa được xây dựng từ thế kỷ thứ 6 đến thứ 10. Nhiều người bảo nơi đây lưu giữ 4 báu vật, gồm cây gậy của Phật Câu Lưu Tôn, cái lọc nước của Phật Câu Na Hàm, mảnh áo của Phật Ca Diếp và 8 sợi tóc của Phật Thích Ca. Vì thế, chùa này được cho rằng rất linh thiêng và là biểu tượng của xứ Miến Điện.

Hai đồng nghiệp Lâm Thoả (VnExpress) và Tú Phạm (Webthethao) cầu bình an cho gia quyến và may mắn cho ĐTVN. Ảnh: Tuấn Thành

Cách đây 1 ngày, tôi cùng vài đồng nghiệp đã đến viếng Shwedagon. Ngoài việc tham quan một danh thắng nổi tiếng thế giới, chúng tôi còn muốn cầu nguyện cho đội tuyển Việt Nam có một giải đấu hanh thông và thành công như mong ước của hàng triệu người hâm mộ ở quê nhà. Anh đồng nghiệp trẻ Phạm Tú thổ lộ: “Em mặc chiếc áo đội tuyển Việt Nam để cầu cho đội nhà may mắn, nhưng em khấn bằng tiếng Việt, không biết Phật ở Mayanmar có hiểu không anh nhỉ?”. 

Câu hỏi thật thà và có phần hài hước của anh đồng nghiệp trẻ khiến chúng tôi bật cười và cảm thấy rất ấm áp, vì nó khiến tôi chợt nhớ đến 8 năm trước, cũng trước AFF Suzuki Cup tại Phuket (Thái Lan). Lần ấy, thầy trò HLV Calisto đã có sự khởi đầu mùa giải không may mắn, nên một số anh em phóng viên và CĐV cũng ghé đến một ngôi chùa lớn ở Phuket để cầu nguyện cho đội nhà. Kết quả ra sao, có lẽ mọi người đã rõ.

Đã 8 năm trôi qua, những người yêu bóng đá Việt giờ vẫn luôn miên man với những hoài niệm đã qua…

VIDEO: Cùng phóng viên báo Bóng đá khám phá Chùa vàng Shwedagon



2. Lúc viếng chùa Shwedagon, ngoài vẻ diễm lệ của những quần thể kiến trúc sơn son, dát vàng lộng lẫy và đẹp tinh xảo, điều khiến tôi thích thú vì nơi đây có rất nhiều chim, đặc biệt là quạ. Nhưng không chỉ những ngôi chùa như Shwedagon mới có nhiều chim, khắp cố đô Yangon và cả đất nước Myanmar, chim chóc tự do bay lượn rợp trời và đấy là một nét đẹp rất riêng của xứ này.

Nhớ cách đây 3 năm, lúc tác nghiệp tại SEA Games 27 ở thủ đô Nay Pyi Taw (Myanmar), chúng tôi từng rất ấn tượng với những đàn sáo bay rợp trời trong những buổi bình minh hoặc lúc chiều tà. Nay tại cố đô Yangon, quạ lại là một nét đặc trưng. Cần nói thêm, với người Việt, có thể quạ bị xem là đen đủi lẫn xui rủi, nhưng ở Myanmar quạ lại là điềm lành và may mắn. Vì thế, chúng có mặt khắp thành phố, với số lượng… đông không kém dân số Yangon!

Chim chóc có mặt ở khắp nơi tại Yangon. Ảnh: Minh Tuấn

Nói đâu xa, ngay trước khách sạn Mr Lee, mỗi sáng chúng tôi luôn bị đánh thức bởi “dàn đồng ca quang quác” của bầy quạ nhảy nhót tung tăng trước ban công phòng ngủ. Sau đó chúng rủ nhau từng bầy bay rợp trời thành phố, bất chấp nắng nóng và xe cộ chạy ngập đường bên dưới. Ngay những buổi tập của thầy trò HLV Nguyễn Hữu Thắng tại sân Aung San, những ngày qua trên khán đài luôn có từng bầy quạ lẫn chim sáo… dự khán. Thỉnh thoảng chúng lại lượn lên vài vòng cho các tuyển thủ cảm thấy cuộc đời thêm phần thơi thới.

Thỉnh thoảng ngồi ngắm những tán cây xanh rợp mát ở cổ đô Yangon, nhìn từng đàn chim bay rợp trời và nghe chúng hót lẫn… hét inh ỏi trong lúc bình minh hoặc hoàng hôn, lúc ấy lại nhớ những hàng cây đang ngày dần biến mất ở các thành phố lớn của ta. Còn những cánh chim, giờ hầu hết đang nằm trong những chiếc lồng như một loại thú nuôi sang chảnh của những gia đình Việt cùng tiếng hót u uất, nao lòng.

Rất nhiều người dân Myanmar đến nguyện cầu ở chùa Vàng - Ảnh: Minh Tuấn

Thắp nến nguyện cầu vào ban đêm khiến chùa Shwedagon rất lung linh, huyền ảo. Ảnh: Minh Tuấn

Shwedagon rực rỡ về đêm. Ảnh: Minh Tuấn

Phóng viên Đỗ Tuấn và Minh Tuấn của báo Bóng Đá viếng chùa Vàng

Một đôi tình nhân trẻ đến viếng chùa Vàng. Ảnh; Minh Tuấn

Shwedagon cũng là nơi thu hút các sư sãi ở khắp nơi đổ về hành hương. Ảnh: Minh Tuấn

Một đôi vợ chồng trẻ Myanmar đi lễ chùa. Ảnh: Minh Tuấn


Nghi thức tắm Phật để cầu may mắn. Ảnh: Minh Tuấn

Hai mẹ con người bản xứ đi lễ chùa. Ảnh: Minh Tuấn

Nhiều điều cần biết khi tham quan chùa Shwedagon
- Người Myanmar vào cửa miễn phí, nhưng người nước ngoài phải mua vé với giá 8.000 kyats/người (tương đương 135 ngàn đồng).
- Đi viếng chùa, tất cả phải đi chân trần, nên giày dép gửi trước cổng với giá từ 500 đến 1.000 kyats (khoảng 8 ngàn đến 17 ngàn đồng). Nếu không thích gửi thì bỏ vào túi xách.
- Nữ không mặc váy ngắn, nam không mặc quần short và áo ba lỗ.

Đón đọc Đặc san EURO 2024 DUY NHẤT TẠI VIỆT NAM.
Với 116 trang, thiết kế sang trọng, in 4 màu CHẤT LƯỢNG CAO.

  • Tất cả thông tin bạn đọc cần biết về EURO 2024.
  • Những nội dung đặc sắc, bài viết độc quyền của nhà báo thường trú tại châu Âu và các cây viết thể thao hàng đầu ở Việt Nam.
  • ĐẶC BIỆT: Tặng kèm Lịch thi đấu EURO 2024 khổ lớn.
  • Giá: 98.000 đồng.

ĐẶT MUA NGAY
Sử dụng tiếng Việt có dấu. Ký tự còn lại 500.

* Đăng nhập hoặc Đăng ký tài khoản để
bình luận và chia sẻ nhanh hơn

Thông tin Toà soạn

Tạp chí Điện tử Bóng Đá

Tổng biên tập:
Nguyễn Tùng Điển
Phó Tổng biên tập:
Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn

Địa chỉ liên hệ

Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội

Tel: (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
Fax: (84.24) 3553 9898
Email: toasoan@bongdaplus.vn | vanphong@bongdaplus.vn
 

Liên hệ Quảng cáo

Hotline: 0903 203 412
Email: quangcao@bongdaplus.vn

x