Căn phòng làm việc của BLV Quang Huy có 4 thứ đặc biệt thể hiện con người của anh: Một cây đàn Guitar đặt trên ghế sofa. Hàng tá thẻ tác nghiệp với nhiều thứ tiếng từ những năm 1996-1997 treo kín một góc tường. Một đống băng đĩa, tư liệu bày ngồn ngộn trên bàn làm việc. Và một nút bạc Youtube được đặt ngay ngắn trong tủ kính. Đó là một Quang Huy, người bình luận lâu năm, có kinh nghiệm, có trải nghiệm và có cả tư duy đổi mới..
“Tôi đã bình luận trận đấu đáng giá 30 tỷ đồng”
Xin chào BLV Quang Huy. Số thẻ tác nghiệp móc trên tường kia đủ để thấy một bề dày sự nghiệp của anh. Từ lần đầu tiên đi làm cho đến một Quang Huy được nhiều người biết đến trên sóng truyền hình như hiện nay, anh đã trải qua bao nhiêu năm làm nghề?
Nhanh thật. 24 năm rồi đấy. Tôi nhớ lần đầu tiên mình được làm việc liên quan đến bình luận là vào năm 1996. Khi ấy tôi chỉ đọc băng thôi. Đó là một trận đấu thuộc giải Brazil. Lúc bấy giờ, Rivaldo vẫn còn đang chơi Palmeiras khi mới 24 tuổi. Thực ra, tôi vào Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) sớm hơn 1 năm, chính xác là 9 tháng. Nói thẳng là khi đó tôi tự nhận mình là một thằng vô tư, trong sáng. Tôi nghĩ vào VTV là mọi thứ rộng mở với mình. Tôi cũng thấy mình có điều kiện cả về cần lẫn đủ để làm tường thuật bóng đá ngay hoặc chí ít cũng được đi làm tin. Nhưng phải chờ từng ấy thời gian, tôi mới được đọc băng. Về sau mới biết lề lối của thời đó là như thế. Vào cứ phải học việc đã. Khi việc đến thì gạt đi cũng không hết mà.
Nói thật là tôi cũng có phần hơi nản khi 9 tháng - 1 năm không được thử sức. Giống như là cầu thủ chờ mãi không được ra sân vậy. Đến khi cảm thấy gần hết kiên nhẫn thì mọi thứ lại đến. Khi đó, đột ngột lãnh đạo bảo tôi đọc băng phát lại trận đấu. Lần đầu nói thật là đọc hơi bị run. Mọi người sau đó động viên tôi, bảo cứ đọc thì quen thôi, giọng nói khẩu khí thế này chắc chắn sẽ làm được.
Vậy sau đó, anh từ đọc băng đến bình luận trực tiếp thế nào?
Đến EURO 1996 thì tôi đọc những trận đấu cùng giờ. Những trận không quan trọng, cùng giờ thì tôi làm. Đến năm 1997 thì tôi bắt đầu làm trực tiếp nhiều. Nói thật là không khí làm trực tiếp hồ hởi, sôi nổi và thích lắm. Tôi có cảm giác như một con chim đã đủ năng lượng từ rất lâu và nay mới được sổ lồng, được tung cánh bay. Trận đấu đầu tiên tôi bình luận trực tiếp là khi Malaysia gặp Bosnia Herzegovina. Giải đấu đấy Việt Nam cũng tham dự mà ông Weigang còn dẫn dắt.
Người ta biết đến Quang Huy với những thông tin có hàm lượng lịch sử cao xoay quanh trận đấu. Anh đã tích lũy điều ấy thế nào?
Ngày xưa các chương trình thể thao trên truyền hình không nhiều lắm. Nhưng tôi nắm rất chắc các khung giờ phát sóng. Ví dụ như chiều Chủ Nhật hay tường thuật các trận đấu của giải Liên Xô, còn tối thứ 5 là bản tin Thể thao tổng hợp dài 30 phút. Bên cạnh đó, tôi đọc tất cả các tạp chí và báo thể thao có thể mua được ở Hà Nội. Đó là cửa sổ đến với thế giới bóng đá. Bố tôi tuy là nhạc sỹ nhưng cũng rất đam mê thể thao, ông luôn khuyến khích tôi chơi thể thao và xem các chương trình thể thao cùng tôi. Ông Nguyễn Duy Thìn - bác ngoại của tôi cũng là thủ môn của đội Thanh Niên Hà Nội. Nên tôi đến với bóng đá một cách rất tự nhiên. Những thông tin mà tôi nói ra cũng đến từ một sự tích lũy rất tự nhiên trong một thời gian dài. Tôi có thể xem bóng đá cả ngày, kể từ hồi bé, đến giờ vẫn thế.
Tôi tò mò anh vào phòng thu với những vật dụng gì?
Tôi chuẩn bị rất kỹ. Cho đến nay, tôi vẫn viết ra giấy, ít nhất là 3 tờ. Ngày xưa, tôi viết thông tin 5 tờ kín đặc. Mà hồi đấy chưa có internet. Mọi thông tin mà BLV nói ra là tích lũy tự nhiên. Trước trận đấu, tôi chuẩn bị dựa theo tình thế trận đấu, thông tin rất cơ bản như: Đội xếp thứ mấy; Ai ghi nhiều bàn; Thủ môn để lọt lưới mấy lần, cầu thủ nào bị chấn thương hay thẻ phạt không thi đấu được… Chứ không ngóc ngách như mọi người thống kê được từ internet như bây giờ. Trên thực tế, những gì ghi ra trên giấy đều đã nằm trong đầu tôi nhưng vẫn phải cẩn thận đề phòng bốc quá sẽ bị sao nhãng. Cũng có nhiều thông tin chuẩn bị rồi nhưng không dùng đến cũng chả sao cả, mình sẽ dùng cho lần khác.
Anh có nhớ trận đấu ấn tượng nhất mà mình bình luận trong 24 năm làm nghề không?
Có 3 trận đấu. Đó là chiến thắng 3-0 của Việt Nam trước Thái Lan trên sân Hàng Đẫy ở năm 1998. Rồi sau đó là màn ngược dòng không tưởng 2-1 của M.U trước Bayern Munich ở chung kết UEFA Champions League 1999. Khi đó, tôi hô đến mức rách cả mang tai, hô đến khản giọng. Rồi gần đây là trận đấu giữa Olympic Việt Nam và Olympic Bahrain ở vòng 1/8 ASIAD 2018. Chúng tôi vẫn gọi vui đấy là trận đấu đáng giá 30 tỷ. Bởi nhà đài VTC đã bỏ ra gần 30 tỷ cho ASIAD. Nhưng nếu Việt Nam không thể đi tiếp thì lỗ thật. Mà mãi Công Phượng mới ghi bàn. Nhà đài sau đấy là lãi to.
Nhiều người nói anh ăn rất khỏe, thậm chí là 10 bát cơm. Hôm nay, tôi mới có thể kiểm chứng được từ chính anh đấy?
Tôi thậm chí có thể ăn được nhiều hơn thế. Long Vũ (BLV Long Vũ) đến giờ thỉnh thoảng vẫn nhắc việc tôi ăn 20 bát cơm ở nhà anh ấy. Cho đến giờ, tôi vẫn có thể ăn 10 bát cơm/bữa, nhưng chỉ dám ăn 1 -2 bát thôi. Tôi ăn khỏe, dễ ăn, ăn một cách ngon miệng. Kể cả khi ốm, tôi vẫn ăn ngon miệng. Mà tôi cũng dạng dễ ngủ. Cứ đặt lưng xuống, tôi thích ngủ là ngủ. Có một thời gian tôi bi béo quá, lên đến mức 105 kg. Bây giờ tôi giảm xuống còn 82 kg do đã biết cách ăn uống khoa học hơn. Ngoài 40 tuổi, không ai dám tự tin nói rằng mình béo khỏe được.
“Tôi muốn được xã hội thừa nhận chứ không nên để mạng xã hội chi phối”
Anh vừa nhắc đến VTC. Hồi năm 2006, anh từng nhảy việc, từ VTV sang VTC. Đó có phải là một quyết định mạo hiểm và liều lĩnh?
Tôi làm cho VTV cũng 10 năm rồi. Bây giờ, các bạn trẻ còn chuyển công việc nhanh hơn ý chứ. Tôi muốn có sự thay đổi thôi. Hồi ấy VTC cũng còn mơ hồ lắm. Có nhiều người hỏi tôi rằng sao đang ở biển, ở sông lại về ao, về hồ làm gì. Mà đúng là khi chuyển sang, dù lương của tôi ở VTC cao hơn VTV nhưng tổng thu nhập của tôi ở VTC sao bằng VTV được. Vị thế của VTV thời đấy rất tốt. Tôi có những nguồn thu nhập khác nữa. V.League khi ấy thực sự là giải đấu số 1 Đông Nam Á. Hẳn nhiên, tổng thu nhập là hơn.
Nhưng tôi muốn làm mới mình. Tôi chấp nhận. Chuyển qua VTC vất vả hơn nhiều, tuy nhiên ở đây tôi có thể lấy tâm huyết, kinh nghiệm của mình để dàn trận cho anh em. Tôi vừa là lãnh đạo, vừa làm chuyên môn được. Có cảm giác là tôi có thể huy động được chất xám, kinh nghiệm của mình hơn khi sang đây. Rồi sau khi tham gia một chiến dịch, người ta cũng thấy tôi có thể đẩy mảng thể thao lên đến một mức nào. Rồi cũng vì thế mà VTC mua bản quyền World Cup 2006 rồi Ngoại hạng Anh 3 mùa liên tiếp, rồi cả Asian Cup và AFF Cup nữa…
Anh có nhắc đến sự thay đổi. Quả đúng là thời bây giờ với thời của 24 năm về trước đã đổi thay. Đặc biệt là nhu cầu của khán giả. Hỏi thật, anh có quan tâm đến những bình luận mà khán giả dành cho mình, trong đấy có cả những nhận xét không hay?
Đúng là hiện tại khán giả phức tạp hơn, nhiều sở thích, nhiều quan điểm, nhiều lựa chọn hơn. Tôi tự thấy về mặt tổng thể, số lượng người yêu quý mình vẫn nhiều. Bản thân mình vẫn thấy hứng khởi sau khi làm một trận đấu. Tôi có một suy nghĩ hơi khác với mọi người. Đó là nghề bình luận này trước tiên phải đem lại niềm vui cho chính bản thân mình, mình mà không thấy hào hứng với những điều mình nói thì làm sao truyền được cảm hứng cho người khác. Cho đến ngày hôm nay, mỗi trận đấu, với tôi vẫn là cơ hội để mình tích lũy thêm đam mê và kiến thức.
Và qua những kênh phản hồi thì tôi cảm nhận được tôi vẫn đang có được hướng đi đúng trong nghề nghiệp của mình. Những gì tôi đang làm vẫn là thuận nhất, thật nhất với con người tôi. Quan điểm của tôi là hướng đến việc được xã hội thừa nhận chứ không nên để mạng xã hội chi phối.
Vậy theo anh, đâu sẽ là tuýp khán giả yêu thích mình?
Tôi muốn phục vụ những khán giả yêu bóng đá đích thực, muốn tìm hiểu sâu sắc về bóng đá. Đó không phải là những người lờ vờ, thông qua bóng đá để tìm kiếm một thú vui khác. Tôi tin những người thích tôi bình luận là những người có tình yêu bóng đá bền vững chứ không phải những CĐV xu thời, thích chớp nhoáng, phong trào.
Nhiều người cho rằng phong cách của Quang Huy là cung cấp kiến thức. Còn những BLV hiện tại họ là những người truyền lửa. Anh đồng ý rằng mình có gam màu đối lập với những BLV hiện nay?
Chúng ta cần định nghĩa lửa ở đây thế nào là lửa. Có nhất thiết cứ phải la hét nhiều mới là truyền lửa không? Tôi nghĩ rằng kể cả khi có một sự tiết chế nhưng người ta vẫn cảm nhận được nội lực, nhiệt huyết của người bình luận. Tất nhiên không phải nói theo kiểu uể oải, lề dề nhưng cũng không nhất thiết phải cứ la hét, cứ phải gào tướng lên, cứ phải nói thật nhiều câu đầy cảm thán mới là nhiệt huyết, mới là đắm mình vào trận đấu. Tôi biết nhiều khán giả quan niệm rằng bình luận bóng đá là cứ phải hét vỡ nhà thì mới phê. Tôi thì không theo chiều hướng ấy. Tôi quan niệm một BLV bóng đá thì phải là người có nội lực mạnh mẽ, gần gũi, mộc mạc với khán giả. Tôi nghĩ thế. Có nhiều cách để truyền cảm hứng chứ không nhất thiết phải gào lên làm gì cả.
Bản thân tôi quan điểm rằng hãy cứ phải yêu và làm tốt công việc của mình, những điều tốt đẹp sẽ đến với mình. Tôi không thích làm kiểu đối phó, bón thúc.
Nhưng nếu như anh chịu nói nhiều hơn một tí, hài hước một tí, tiết chế kể những câu chuyện lịch sử về cầu thủ, trận đấu đi một tí thì có lẽ nhiều khán giả hiện tại có thiện cảm hơn chứ? Tôi đọc bình luận trên mạng xã hội, người ta góp ý với anh như vậy?
Đến giờ phút này thì tôi vẫn luôn cố gắng học hỏi, nâng cao bản thân mình. Tôi có thể nói chuyện rất tếu táo với bạn bè. Họ thậm chí còn gọi tôi là Huy hề. Nhưng tôi không thích ngoa ngôn trong bình luận. Tôi đã và đang đi theo hướng phục vụ độc giả xem bóng đá đích thực, muốn họ tập trung vào trận đấu thay vì bị phân tán, tránh hoa hòe hoa sói. Tôi tự nhủ bình luận bóng đá phải đắm mình vào trận đấu, nhiệt huyết nhưng không được làm khán giả căng thẳng. BLV phải là những người chơi nghề chứ không phải mang tâm lý của người đi thi Olympia. Có chết, tôi cũng không phừng lên được.
Còn về cách bình luận, trước đây khi khán giả còn hạn chế về mặt thông tin, tôi vẫn thường phân ra là bình luận bám sát trận khi bóng lăn và đưa thông tin khi bóng chết. Nhưng xu thế hiện tại đã khác. Tôi tự hiểu rằng mình không thể cứ đắm chìm vào những thông tin bên lề và tránh kể lể dài dòng. Bóng có chết thì cũng phải xen kẽ thông tin bên lề với không khí trên sân, chứ không thể xa rời trận đấu được.
Mà đúng là tôi yêu bóng đá từ bé. Với tôi, bóng đá cao quý quá, không thể tếu táo, sáo rỗng được.
Anh từng bình luận với BLV Tạ Biên Cương? Dường như phong cách của 2 người cứ như là nước và lửa?
Tôi bình luận với Tạ Biên Cương hồi World Cup 2014 rồi, khoảng 4-5 trận đấu. Tôi ủng hộ cách bình luận đôi bởi khán giả sẽ có thêm góc nhìn. Tính sơ sơ thì đến nay, tôi đã bình luận đôi với khoảng 30 người, từ đài trung ương đến địa phương, từ V.League đến những giải cấp làng. Mọi người hay hỏi đi làm với người ít kinh nghiệm hơn không lo à nhưng tôi không quan trọng lắm. Làm việc với mỗi người tôi lại rút ra được một bài học. Tôi vẫn nói vui với mọi người rằng tôi là một tiền vệ công thủ toàn diện. Gặp ông bốc quá thì mình đá trụ, gặp ông trầm quá thì mình đá công.
Next Media đã mua được bản quyền AFF Cup 2020. Anh có chờ đợi rằng mình sẽ là người bình luận các trận đấu tại giải đấu này trước đông đảo công chúng?
Thực sự đây là lần đầu tiên mà AFF Cup được phát ra ngoài lãnh thổ Việt Nam. Tức là ngoài Việt Nam còn có 3 nước khác sẽ được nghe bình luận tiếng Việt là Myanmar, Lào và Campuchia. Đó sẽ là một cảm giác rất lạ mà trước đây, chỉ có xem lậu may ra mới thế.
Còn việc tôi có được tham gia bình luận hay không thì xin được nói thẳng, tôi rất thoải mái. Nếu tôi được làm cũng có nghĩa AFF Cup được phát sóng trên VTC. Còn nếu không thì cũng không có gì nghiêm trọng bởi ai cũng biết hiện nay có Đài nào thâu tóm được hết các giải đâu. Nếu không tường thuật các giải đấu lớn thì luôn có những nơi, thậm chí là nước ngoài mời tôi tham gia giao lưu bình luận. Nói thật là cát sê của những cuộc này nhiều khi hơn cả tháng lương của tôi đó. (cười)
Đến giờ thì tôi vẫn tận hưởng nghề bình luận của mình như thế, hoàn toàn thả lỏng và linh hoạt trong đam mê của mình. Nếu có một ước mong cháy bỏng sau 24 năm làm nghề thì tôi hy vọng được bình luận đội tuyển Việt Nam thi đấu tại World Cup trước khi giải nghệ. Như thế là mãn nguyện.
- Xin cảm ơn anh về cuộc trao đổi.
XEM THÊM
CLB TP.HCM: Mùa Covid, đến chai nước cũng phải đánh số
CLB TP.HCM giảm lương: Công Phượng cười, các đồng đội... mếu