Tiến Linh đã bị bắt bài
Bên cạnh hàng thủ đón tin vui khi các trụ cột Duy Mạnh, Tiến Dũng lần lượt trở lại, HLV Park Hang Seo vẫn còn nhiều ưu phiền nơi hàng công. Dễ hiểu xuyên suốt 2 trận đấu đã qua tại vòng loại thứ 3, hàng công của ĐT Việt Nam chưa có đủ sức xuyên phá để phá lưới đối thủ.
Cụ thể ở trận gặp Saudi Arabia, bàn thắng của Quang Hải đến từ một tình huống phá bóng hỏng của trung vệ đối thủ chứ chưa phải là một tình huống dàn xếp sáng nước. Còn ở cuộc tiếp đón Australia, ĐT Việt Nam đã có những lúc chúng ta bùng lên, nhưng những Quang Hải, Hồng Duy, Văn Toàn và Đức Chinh đều lần lượt bỏ lỡ.
Trong 2 trận đấu ấy, người đá chính cao nhất đều là Tiến Linh. Anh chơi không hề tệ, khi liên tục di chuyển, quấy phá hàng thủ đối phương. Khả năng hỗ trợ phòng ngự của tiền đạo B.BD cũng rất tuyệt vời.
Nhưng cũng chính vì liên tục lui về theo khối đội hình phòng ngự, nên Tiến Linh thường ra rất xa khung thành của đối thủ. Tiến Linh quen băng cắt đánh đầu, tận dụng cơ hội ra chân trong vòng cấm chứ không quen chơi bóng xoay lưng với khung thành hay cầm bóng đột phá.
Xuyên suốt các trận đấu ở vòng loại thứ 2, Tiến Linh ghi được 5 bàn nhưng là khi anh được chi viện đầy đủ trước những đối thủ yếu Indonesia, Malaysia hay một UAE mất người tại Mỹ Đình. Còn ở 2 trận gặp “thứ dữ” Saudi Arabia và Australia, Tiến Linh là một khẩu súng không được tiếp đạn và dễ dàng bị bắt bài trước các trung vệ hàng đầu châu Á.
Công Phượng đang “đói bóng”
Như tin đã đưa, ĐT Trung Quốc đã sang “điểm hẹn” UAE trước cả tháng rèn quân. Họ cũng đang tích cực gọi thêm các cầu thủ nhập tịch chất lượng đấu Việt Nam. Sự thật ở tầm ĐTQG, chúng ta vẫn chưa cùng đẳng cấp với đối thủ.
Kịch bản dễ mường tượng nhất là chúng ta vẫn phòng ngự nhưng các khối đội hình sẽ tranh chấp rát từ giữa sân và không lùi quá sâu. Những chiếc lò xo sẽ nén và liên tục bung đòn vào hai cánh, những vị trí yếu nhất của hàng thủ Trung Quốc.
Đây cũng là vị trí mà Australia và Nhật Bản đã khoan phá để hạ đội bóng này. Trong thế trận như vậy, dùng một Công Phượng đang đói bóng vì lỡ mất 2 trận đại chiến tháng 9 sẽ có lợi hơn là một Tiến Linh đã trở nên quen mặt và dễ bị bắt bài.
Đó là chưa kể, điểm mạnh nhất của Công Phượng lại là điểm yếu chết người của trung vệ nhập tịch cao lớn Tyias Browning. Được đào tạo bài bản và thi đấu nhiều năm ở CLB Everton, Browning đương nhiên chẳng ngán bất kỳ pha đọ sức tay đôi hay không chiến nào.
Nhưng với những đường bóng lập bập ở tầm thấp, anh lại thường phải nhờ đến người đá cặp là Zang Linpeng sửa sai. Tiếc thay “Sergio Ramos của Trung Quốc” lại đang bị chấn thương lưng hành hạ chưa khỏi hoàn toàn.
Vì vậy cách đá tăng tốc, dừng nhứ nhịp rồi sộc thẳng vào vòng cấm của Công Phượng chắc chắn sẽ càng khiến Tyias Browning toát mồ hôi hột. Chưa kể khả năng xoay trở trong phạm vi hẹp của Công Phượng cũng là khắc tinh với bộ đôi trung vệ kém nhanh nhẹn này.
Trong bàn thua duy nhất trước Nhật Bản mới đây, bộ đôi này đã để tiền đạo Nhật Bản Osako lẻn vào giữa ngang nhiên đệm bóng ghi bàn. Còn trong trận thua Australia, do quá tự tin đôi công, khoảng cách giữa các tuyến khá xa, nên hàng thủ Trung Quốc không được hỗ trợ kịp thời và dễ dàng nhận tới 3 bàn thua. Mà Công Phượng lại đặc biệt ưa thích những khoảng trống.
Gặp các đối thủ mạnh, ĐT Việt Nam đã ưu tiên cho mặt trận phòng thủ. Nhưng để nuôi hy vọng leo cao, chúng ta buộc phải dồn sức cho mặt trận tấn công. Tháng 10 tới là tháng quyết định cơ hội “tiến thân” của ĐT Việt Nam.
Nếu không thể giành được những điểm số đầu tiên, chúng ta sẽ bị tụt lại rất sâu và cơ hội gần như rất hẹp. Vì vậy, ĐT Việt Nam đang rất cần mẫu trung phong có khả năng gây đột biến như Công Phượng xuất chiến và ghi điểm.